Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Im lặng

Nhân đọc cái entry „Vì sao Im lặng?” trên blog Cầu bánh tét của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, mình nổi hứng muốn viết một cái gì đấy về „Im lặng”. Thế là mình giở từ điển ra để xem thế nào là „im lặng”. Cuốn Đại từ điển tiếng Việt ghi: „1. Lặng lẽ không nói năng gì; 2. Không phản ứng, không hành động gì”. Tương ứng với từ „im lặng” là từ „csend” trong tiếng Hung, và từ điển tiếng Hung giải nghĩa như sau: „1. Hangtalan, zajtalan állapot: trạng thái không âm thanh, không tiếng động; 2. Háborítatlan, nyugodt állapot: trạng thái yên bình, không bị khuấy động.

Như vậy từ „im lặng” có thể hiểu theo nhiều nghĩa, tùy thuộc vào ngữ cảnh của câu văn nó nằm. Định nghĩa của tiếng Việt chỉ thiên về hành vi của con người, còn của tiếng Hung thì bao quát hơn, chỉ chung cho trạng thái của mọi sự việc, vật thể. Nhớ hồi còn ở nhà, chưa sang Hung học, mình có xem một bộ phim Việt Nam với cái tên „Những khoảnh khắc im lặng của chiến tranh”, rồi có đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng „Sông Đông êm đềm” của nhà văn Nga Sholokhov, và khi sang Budapest, mình cũng tìm đọc bằng tiếng Hung, tiếng Hung thì với cái tựa đề: Csendes Don, dịch ngược sang tiếng Việt là „Sông Đông im lặng”. Thế mới biết, không phải lúc nào „Im lặng” cũng chỉ có một cái nghĩa cứng nhắc là „câm mồm”, mà còn có thể hiểu nó theo nhiều nghĩa trải rộng hơn, nhất là trong văn học. Các nhà văn nhà thơ nước nhà đã gán cho „im lặng” cơ man nào là nghĩa, mình liệt kê ra đây để có thể thấy cái nội công „dụng ngôn” của họ thâm hậu con diều hâu đến nhường nào: yên ắng, yên lặng, yên tĩnh, yên bình, lặng lẽ, lặng ngắt, lặng thinh, lặng yên, câm họng, câm mồm, câm lặng, lẳng lặng, phẳng lặng, thinh lặng, thinh không, trầm lặng, thầm lặng, vắng lặng, vắng vẻ, làm thinh, mần thinh, nín thinh, êm lặng, êm ru, êm ru, êm đềm, êm ả, bằn bặt, im bặt, im bẵng, im re, im ắng, im lìm, im ỉm, im khe, khe khẽ, im phăng phắc, im thin thít, nín bặt, tịch, cô tịch, u tịch, thanh tịch, thanh tịnh, thanh tĩnh, tĩnh mịch, tĩnh lặng, tịch mịch, tịch liêu, tịnh, tịnh hòa, tịnh mịch. Bên cạnh đó, còn có cả một „kho” thành ngữ tục ngữ về từ „im lặng”, như: „im hơi kín tiếng”, „im ỉm như bà cốt uống thuốc”, „im ỉm như gái ngồi phải cọc”, "im ru bà rù", "im như thóc đổ bồ”, „im như tờ”, „im như hến”, „im thin thít như thịt nấu đông”, „lặng ngắt như tờ”, (Buồng không lặng ngắt như tờ, Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (Truyện Kiều)), (Tình tôi mở giữa mùa thu, Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm (thơ Nguyễn Bính)), „lặng như nhà Thánh tế rồi”, „ngậm miệng ăn tiền”. Và những nhà văn nhà thơ Hungary cũng trổ tài không kém: csend(im lặng), csönd(yên lặng), némaság(câm lặng), hallgatás(không nói gì), elcsitulás(sự lắng xuống), hangtalanság(không âm thanh), zavartalanság(êm đềm), háborítatlanság(không có sự khuấy động), nesztelenség(khẽ khàng), zajtalanság(không tiếng ồn), szótlanság(không nói năng gì), szilencium(im ắng, có nguồn gốc từ từ tiếng Anh „silence”), nyugalom(thanh tịnh), béke(yên bình), síri csend(im như nhà mồ), vihar előtti csend(sự yên lặng trước cơn bão). Và cuối cùng, anh chàng viết từ điển „lạ” – mình kể trong entry lần trước – định nghĩa „csend”(im lặng) như thế này: „A férfi és a nő jó két óra alatt jutott fel a hegyre, ahonan gyönyörű panoráma tárult eléjük. Látták az autókat odalent rohanni, de a hangjuk nem ért el hozzájuk. Olyan mérhetetlen volt a csend, hogy ijedtükben elkezdtek csókolózni.” Mình tạm phỏng dịch như sau: „Người đàn ông và người đàn bà sau hơn hai tiếng đồng hồ leo lên đến đỉnh núi, từ nơi đây phong cảnh tươi đẹp trải dài trước mắt hai người. Họ nhìn thấy những chiếc ô tô đang phóng vun vút ở phía dưới, nhưng âm thanh của chúng không vang tới tai họ. Sự im lặng thật là mênh mang đã làm hai con người hoảng sợ, đến nỗi họ bắt đầu ôm chặt lấy nhau và hôn nhau.”.

Nói tóm lại, có thể hiểu „im lặng là gì?” theo đủ kiểu, nhưng trong tất cả mọi trường hợp, theo mình, „im lặng” có một cái nghĩa rất chi là chí lí, mà người Hung họ cũng bảo thế: „Hallgatni arany!” (Im lặng là Vàng!).

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Trứng đòi khôn hơn Vịt

Mình nghe nói, con người khác với động vật ở chỗ con người có tiếng nói, hay một cách văn vẻ, ngôn ngữ, còn động vật thì không có „ngôn ngữ”. Mới nghe thì có thể cho rằng loài người thông minh hơn loài vật, nhưng ngẫm đi nghĩ lại, mình không đồng ý với nhận định ấy. Theo mình, loài vật khôn hơn loài người trên bình diện ngôn ngữ, và sự khôn ngoan này không phụ thuộc vào chỉ số IQ của loài vật. Mình chứng minh cái „luận điểm” này của mình như sau:
Loài vật khôn ngoan vì chúng có một „ngôn thanh” chung duy nhất để „nói chuyện” với nhau., để "hiểu và thương yêu" nhau. Tất cả các sinh mạng mà chúng ta, Con Người, gọi là „động vật”, đều rất chi là "hiểu biết lẫn nhau" mỗi khi "tiếp xúc" với nhau, bất kể ở đâu, châu Á hay châu Phi, Pháp hay Canada, rừng sâu hay suối cạn, trời cao hay vực thẳm, v.v… và v.v... Và như vậy, Loài Vật tiết kiệm được cơ man nào là của cải, thời gian và sức lực, vì chả phải bỏ tiền đi học thêm "ngoại ngữ", không lãng phí thời gian vào việc nghiên cứu "tiếng nước ngoài" và chẳng hao tốn sức lực cho công cuộc khám phá "ngôn ngữ mới", tức là giữa chúng với nhau: bất khả dĩ cái gọi là "bất đồng ngôn ngữ". Mình kể một thí dụ: nhà mình có chú chó mực và ả mèo miu, cu mực ăng ẳng suốt ngày với con miu trong cái vụ „lông của ai nhiều hơn lông của ai”, không phải vì chúng không biết „tiếng nói” của nhau, mà ngược lại, chính vì cả hai đều „biết tỏng” bụng nhau lắm lắm từ lâu rồi, nhưng không ai chịu thua ai, nên cứ đụng mặt nhau là cu mực lại ra rả "chê mèo lắm lông", còn ả mèo nhà ta thì cũng không phải loại kém phần chanh chua, cũng „eo éo” lại ngay: đồ "chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, và những người mục kích cuộc „cãi vã” của hai anh ả khác loài nhau này đều có thể nhận ra rằng: đúng, chúng chỉ sử dụng duy nhất một „ngôn thanh”. Dĩ nhiên, Con Người chúng ta không thể hiểu được cái „ngôn thanh” ấy, cùng lắm chỉ cố mường tượng ra là chúng đang „thao thao bất tuyệt” về cái chuyện gì thôi. Vậy, mình có quyền đặt câu hỏi: chúng ta - những Con Người, khôn ngoan ở chỗ nào? Thế nhưng, những Con Vật lại có thể "đi guốc trong bụng" những Con Người chúng ta qua chính tiếng nói của chúng ta. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng không cần phải mỏi mồm „lên tiếng”, mà chỉ một cái trừng mắt hay cái đằng hắng là cu chó đằng ấy và ả mèo nhà ta phải cúp đuôi nằm im hay sụp mắt lủi mất. Điều này cho thấy loài vật khôn ngoan lanh lợi hơn chúng ta nhiều. Những thành ngữ „mưu cáo già”, „khôn như chấy”, „lanh như sóc”, „trứng đòi khôn hơn vịt” (phải hiểu là: vịt là khôn nhất, không ai khôn bằng hoặc hơn, trứng cũng chả là cái đinh gì cả!) càng chứng tỏ điều này. Hơn nữa, Con Người có, phải đến hàng tỷ ngôn ngữ khác nhau để làm „khó dễ” lẫn nhau, thật rách việc! Thậm chí, nhiều khi, hai Con Người thông minh tuy biết cùng một ngôn ngữ đấy, nhưng vẫn không muốn nhường nhịn nhau mỗi khi xảy ra chuyện „thua đủ” giữa nhau. Lẽ tất nhiên, đến đây, sẽ có bạn phản ứng: Con Người vẫn thông minh hơn vì bên cạnh ngôn ngữ, chúng ta còn có cả, nào là chữ viết, nào là nền văn minh, rồi khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, nồi cơm điện, mobil telephon, bom nguyên tử, v.v... Mình, vì không muốn „cãi cọ”, sẽ chỉ mỉm cười mà nói nhỏ với bạn ấy rằng: Loài Vật vẫn khôn ngoan hơn, chúng văn minh hơn và sẽ được lên Thiên Đàng trước Loài Người. Và mình cũng không muốn con cà cuống là bạn ấy phải chấp nhận cái „luận điểm” này của mình.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Diêm vương

Blog talami của mình được ra đời với hi vọng nó sẽ trở thành một từ điển Hung – Việt alternatív cho riêng mình. Dĩ nhiên bên cạnh đó, còn là nơi để mình „trút bầu tâm sự” con cà con kê nữa. Mình nói vậy bởi vì cách đây mấy tháng, mình có vào Libri (tên một hệ thống cửa hàng sách lớn nhất nhì ở Hungary) „cưỡi ngựa xem hoa”, tức là chỉ ngó ngó ngàng ngàng xem có sách gì mới không, thì thấy một cuốn từ điển có cái tên nghe khá hấp dẫn, Szép magyar szótár (Từ điển tiếng Hung mỹ miều). Mới đầu cứ tưởng nó giống như các từ điển tiếng Hung khác, nhưng khi giở ra đọc vài trang bên trong thì mình hoàn toàn bị bất ngờ. Bởi nó không phải là từ điển với cái định nghĩa truyền thống thế nào là từ điển như bình thường vẫn biết, mà hoàn toàn khác, một loại từ điển „lạ” (hiện nay ở trong nước đang thịnh hành cái từ "lạ" này, có dịp mình sẽ „đả động” đến nó, cũng khá thú vị!). Không biết ở Việt Nam đã có ai làm từ điển giống cuốn này chưa, mình nghĩ là chưa. Mình cứ tạm gọi đây là loại từ điển alternatív. Nó không giải nghĩa từ ngữ, mà ứng với mỗi từ là một câu chuyện lí thú. Mình chăm chú đọc vài „câu chuyện của từ”, rồi bụng bảo dạ: tay tác giả này giỏi, trình độ triển khai câu chữ nhãn hiệu con nai vàng, ấy chết, con cà con kê của hắn khá thâm hậu con châu chấu đá voi. Đời thửa nào có một từ, vậy mà hắn ta „nhân cách hóa” (phải hiểu là phương cách nhân ra nhiều bản!) thành một câu chuyện với lượng từ gấp chục gấp trăm lần. Giỏi, giỏi! Tay tác giả cuốn từ điển này, mình đoán chắc là ngay từ thời „hôm nay em đến trường mẹ dắt tay từng bước”, hắn đã rất chi là có năng khiếu với mấy môn tự nhiên toán lí hóa, bởi vì có thông thạo lấy tích phân một con số thì mới nhuần nhuyễn nhân cách hóa một con chữ được. Ngẫm đi nghĩ lại, thấy âu cũng là mình suy bụng ta ra bụng người, chả là mình cũng dân bách khoa mà lị, học toán lí hóa rất oách, phương trình này đẳng thức nọ là mình cứ vanh vách mỗi khi trả bài, rồi cứ tưởng sau này sẽ trở thành một kỹ thuật gia gì gì đấy. Thế mà không, sau đại học, bắt chước thi sĩ Phan Khắc Khoan "Hạ mái tình xưa: sương về gió tạt, Nghiêng nghiêng tình cho trút nhẹ chua cay", mình cũng "nghiêng nghiêng tình" trút bỏ hết các phương trình đẳng thức để "ngả" sang mê mẩn thơ ca, rồi tập tành chiết câu chắp cú thành những áng văn tự cho là bất hủ. Cảm hứng Nàng (Tây) Thi rất chi là mạnh mẽ, tất nhiên không đến nỗi „Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết, Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” (thơ Hàn Mặc Tử), nhưng cũng làm mình „điêu đứng” (ý mình muốn nói là „đứng nói điêu”) dài dài. Mà mình không nói điêu đâu nhá. Có rất nhiều nhà văn nhà thơ nhà dịch giả nhà dịch thật văn học rất nổi tiếng của nước Việt Nam ta phát xuất là dân kỹ thuật.

Quay lại cuốn từ điển „lạ”. Mình lấy một ví dụ trong cuốn này: định nghĩa từ „gyufa(que diêm). Cái tay tác giả giỏi nhân cách hóa viết như thế này: „Pontosan harminc szál gyufa lapult a dobozban, amit már évek óta nem használtak. Vajon ki lesz a következõ, és mikor, tanakodtak a gyufák, de hogy kint mi történik, arról egyikük sem tudott.” Mình tạm „xê dịch” sang tiếng Việt như sau: „Chính xác có ba mươi que diêm nằm trong hộp, đã bao năm rồi người ta không sử dụng. Các que diêm thầm thì bàn tán với nhau là rồi đây, khi nào và đến lượt ai phải đi chầu Diêm vương, nhưng cái gì đang xảy ra bên ngoài thì tất cả bọn chúng đều không biết.” Trình độ "xê dịch" của mình, kể ra cũng "điêu luyện" đấy chứ!

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Ami mögötte van

Mấy năm trước, mình hay xem một chương trình tivi có cái nhan đề rất ấn tượng: „A világ és ami mögötte van” (Thế giới và cái đằng sau nó). Người dẫn chương trình là Frej Tamás. Anh ta có sang Việt Nam một vài lần để làm một epizod cho cái chương trình này. Rất tiếc, epizod nói về VN mình lại không xem. Hôm đó chắc bận đi đâu đấy. Cũng chẳng có gì quan trọng. Điều mình muốn nói là cái nhan đề của chương trình. Thực tế, trong cuộc sống, con người ta chỉ để ý cái mặt nổi của sự việc, tức cái hiển hiện, chứ ít khi quan tâm cái đằng sau nó, tức cái tiềm ẩn, mà cái này thường quan trọng hoặc ý nghĩa hơn. Trong ngôn ngữ thì điều này càng thể hiện rõ. Cái ý nằm giữa hai dòng chữ thường được/bị người ta bỏ qua. Kiểu như „nói vậy mà không phải vậy”. Kể cũng lạ là tại sao người ta không „nói vậy là vậy” luôn đi, cứ thích „vòng vo tam quốc” là thế nào? Cứ „nói toạc móng heo” với nhau, có phải "nhẹ gánh giang sơn" không? Nhưng „nói vậy là vậy” thì còn gì để mà nói, nói nữa, nói mãi đây, hahaha…, nên ta đành phải ráng chịu chờ đến „hồi sau của hồi sau của hồi sau… sẽ rõ” thôi!

Entry lần trước mình có bàn về từ „mi”, đọc lại thấy vẫn thiêu thiếu. Trong entry lần này mình bổ sung thêm, hòng mong tiêu tan đi cái cảm giác thiêu thiếu ấy. Chính vì thế mà mình đặt tiêu đề cho entry là „Ami mögötte van”(Cái đằng sau nó). Những „cái đằng sau nó”, cụ thể là những từ liên quan đến từ „mi”: miért, mikor, milyen, micsoda, miféle (minõ, minemű), mióta miatt, mihelyt, mialatt, midõn, miegymás, mielõbb, mielõtt, mihamarabb, mihaszna, miként, miközben, miután, mivel, míg. Nhìn lại, thấy đội quân của „cái đằng sau” từ „mi” cũng hùng hậu ra phết, chúng xếp hàng dài dằng dặc. Nhưng chẳng sao, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng cơ mà! Mình sẽ cho lên thớt từng „chú” một, chắc chắn „toàn thắng ắt về ta”!

miért: 1. Nghĩa: tại sao/vì sao/lý do gì/cớ gì dùng cho câu hỏi, ví dụ: Miért hiányoztál? – Tại sao em vắng mặt?; 2. Nghĩa: mục đích/vì/lý do dùng trong câu khẳng định, ví dụ: Nincs miért dolgoznom – Không có cái mà vì nó tôi phải làm việc; 3. Nghĩa: nguyên nhân/lý do/tại sao (chưa được biết đến) dùng trong câu khẳng định như một danh từ, ví dụ: A kutatókat a nagy miértek foglalkoztatják – Các nhà nghiên cứu xoay quanh những câu hỏi vì sao mang tính bao quát, đại thể. (còn tiếp)