Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

"Thị Màu"

Hôm nay mình lang thang trên mạng thế nào lại bắt gặp một bài nói về "Thị Màu" hay quá, post lên đây để làm tài liệu cho công việc dịch thuật của mình:

Nhìn sao nói vậy

Thu Tứ


Tinh tế màu hữu cảm
Màu và nghệ thuật
Màu và bản sắc văn hóa
Màu là sóng, là số
Màu là da bò
Bây giờ, ở đây
Mai kia, ở một nơi nào
Màu và chọn lựa sinh tồn



TINH TẾ MÀU HỮU CẢM

Màu hữu cảm cực kỳ tinh tế.(1)

Hãy xem vài ví dụ.

Khái Hưng: "bát canh cà chua nước đỏ lờ lờ". Nguyễn Tuân: "phản nịnh mặt trắng mốc có vệt đỏ nhờ nhờ".

Chinh Phụ: "Cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh". Vũ Bằng: "những ngọn rau muống chẻ nhỏ xanh muôn muốt". Nguyễn Tuân: "tóc xanh mượt như một làn rêu giữa làn suối trong".

Lờ lờ với nhờ nhờ là hai. Mướt với muốt với mượt là ba. Không thể trao qua đổi lại gì cả.

Cũng thế: xanh nhạt và xanh nhợt cùng chỉ màu xanh không đậm, nhưng chỉ các ông tây ông tàu (nói tiếng Việt) mới dùng lẫn lộn. Rắc rối ở chỗ xanh nhạt không hữu cảm: "tường phòng bệnh quét vôi xanh nhạt"; trong khi xanh nhợt lại không phải là từ chỉ màu thuần túy nữa, mà cho thấy một ấn tượng nơi người nhìn: "người bệnh nom xanh nhợt". Ðổi chỗ nhợt với nhạt là lộ tung tích ngay!

Lạ hơn nữa, nói người bệnh nom xanh nhạt là nói tiếng Việt gốc tây gốc tàu, mà nói người bệnh nom xanh lợt dường như cũng vẫn không ổn. Trường hợp này, chỉ nhợt mới đích thị... con Rồng cháu Tiên!


MÀU VÀ NGHỆ THUẬT

Nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam nặng tính tượng trưng. Với ta, làm nghệ thuật là tìm cách chuyển đạt nội dung mà không phải mô tả dài dòng. Tùy "kích thước" của tác phẩm, để thành công ta sẽ cần đến nhiều hay ít những "nghệ thuật trong nghệ thuật".

Thử nghĩ về chèo, về hát bộ. Ðể chuyển nội dung tích truyện đến khán giả, mỗi vở chèo hay tuồng hát dùng nhiều loại động tác khác nhau. Ðặc sắc bậc nhất trong chèo là động tác xoay cổ tay (2), còn trong hát bộ là "cưỡi ngựa". Một cử động nhỏ, kín đáo, mà biểu lộ được ý tình, một cách xê dịch không cố gò theo hiện thực, mà gợi được hiện thực: cử động ấy hay cách xê dịch ấy trước tiên tự nó là nghệ thuật, rồi nó đóng góp vào thành công của nghệ thuật.

Giờ xét đến những bạc phơ, đỏ hỏn, xanh rờn v.v.

Những từ chỉ màu ấy gợi lên được hình ảnh sống động -hình ảnh, chứ không phải chỉ màu sắc - mà không thông qua chi tiết rườm rà, không dùng đến ráp nối lủng củng.

Thử tưởng tượng thay bạc phơ bằng "bạc một cách thế kia thế nọ", thay xanh rờn bằng "xanh thế này thế này"!

Từ mà cô đọng, hàm súc như bạc phơ, đỏ hỏn, xanh rờn v.v., đáng xem là nghệ thuật chứ.

Nghệ thuật nhỏ giúp làm nên nghệ thuật lớn:

"Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây".

Nếu tiếng Việt không có "bạc phau" với "đen rầm", Nguyễn Du biết thơ thẩn sao đây?!

(Tất nhiên từ chỉ màu chỉ là một trong rất nhiều loại từ hữu cảm của tiếng ta. Nhờ Việt ngữ hết sức phong phú các loại từ hữu cảm, nếu dùng để chuyển đạt nội dung thiên về cảm tính, nó có nhiều hy vọng chiếm ngôi Tiếng Ðẹp. Ngược lại, ngôn ngữ mà giàu từ khái niệm như các ngôn ngữ Tây phương thì khi dùng để lý luận sẽ dễ rõ ràng, khúc chiết, tức dễ đoạt giải... Công cụ Tiên tiến!)


MÀU VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA

Trên mặt đất, ngoài người Việt Nam có dân tộc nào khác cũng "trông trời, trông đất, trông mây" rồi cảm miên man, dạt dào, rồi sáng tác luôn đủ thứ màu sắc ăm ắp cảm như thế chăng?

Ở người Việt, cái "khung cửa sổ của linh hồn" thích thu vào thêm lắm thông tin "lạ". Cái con người mặc nâu nhũn nhặn mà nhìn xuống đất thấy tơ, chuối vàng giãy nảy, nhìn lên thấy trời xanh thăm thẳm, xanh mênh mông, xanh thao thiết..., cái con người ấy rõ ràng là chủ tể của một thế giới cảm phong phú, tế nhị lạ kỳ.

Chúng ta có thói quen ăn nói "màu mè". Dễ thường màu mè nhất thế giới. Chỗ đặc biệt ấy liên hệ thế nào với bản sắc văn hóa Việt Nam?

Ðể dễ hiểu mình, hãy thử so với người.

Màu là sóng, là số

Trong một cuốn khảo luận về lịch sử của cái đĩa màu họa sĩ, Victoria Finlay mở đầu bằng mấy dòng khá "mơ màng": "Màu sắc đâu có thực (...) chỉ là cách cơ thể chúng ta diễn dịch những rung động nào đấy đấy mà (...) Mọi thứ trong vũ trụ này chẳng qua chỉ là rung động..."(3) Chính xác, thì màu sắc mà mắt ta thấy được chẳng qua là những ba động điện từ với độ dài sóng từ 0.00038 đến 0.00075mm.

Tất nhiên người Tây phương trước thời đại khoa học chẳng biết sóng điện từ là cái quái gì. Nhưng có lẽ tổ tiên của Maxwell, Einstein, Heisenberg, Bohr v.v. đã sớm quen nhìn màu sắc, cũng như nhìn bất cứ thứ gì khác, theo cách riêng. Là tách rời nó ra khỏi chỗ tự nhiên của nó mà săm soi, ngắm nghía, phân tích rạch ròi. Bên Âu châu cũng có, chẳng hạn,... lá cây. Dân Anh thấy green trên lá. Ít lâu, họ táy máy bóc green ra khỏi lá, biến nó thành một khái niệm. Khái niệm green. Khoa học chào đời, tiến bộ, dần dà green chuyển ra sóng điện từ 0.00049-0.00057mm. Khoa học tiếp tục tiến bộ, ai biết rồi mai kia các khoa học gia sẽ vỡ lẽ rằng sóng điện từ thực ra bản chất là gì v.v. Dù sao, sau khi bị bóc ra khỏi lá, thì green chỉ còn lại sắc độ.

Người Tây phương phân biệt sắc độ tinh vi đúng mức. Trong tập Hướng dẫn đầy đủ về phép dùng màu cho các họa sĩ (4), Simon Jennings cho in thật trung thực mấy chục trang pa-lét chứa 400 màu mẫu (chọn ra từ khoảng 1500 màu mẫu do các hãng chế tạo sơn cung cấp). Cơ man sắc độ vàng, xanh, tím, đỏ v.v. Dĩ nhiên tiếng Anh làm gì có từ gọi đích danh từng xanh nọ đỏ kia. Một green nào đấy, rốt cục là một ký hiệu, chẳng hạn PG124!

Màu là da bò

Màu, cứ để nguyên trên lá, trên cây, trên... trời mà ngắm lại phong phú lối khác. Chỉ khi còn ở chỗ tự nhiên của nó, màu mới có thể sinh động, tương giao, chứa cảm tưởng, chở tâm trạng, mang phong cách. Vì khi ấy nó là một phương diện của một vật nhất định nào đấy. Vật có thể bé xíu như con kiến, có thể nhơ nhỡ như con bò, có thể lớn như cả bầu trời. Màu chưa tách ra khỏi vật là màu "sống", tiềm tàng đủ thứ khả năng. Màu tách ra rồi, khái niệm hóa, là màu "chết", chỉ còn việc phân loại, phân tích, rồi đem... chôn (vào sách).

Thử nghĩ về bộ da của con bò. Da chưa phải là tất cả bò. Nhưng khi da còn bao kín bò đang nhai cỏ, còn được máu huyết bò nuôi dưỡng, thì đó hiển nhiên là một thứ da khác thứ da đã lột, nằm lù lù cạnh một đống thịt bò đỏ hỏn.

Không biết từ đời nào, người Việt chúng ta quen nhìn màu, cũng như nhìn bất cứ đặc điểm nào khác của bất cứ vật gì, theo cách nhìn thứ da "bò đang nhai cỏ".

E có kẻ gắt: "Gớm, lạ gì những bạc phơ, trắng toát, xanh lè, đỏ hỏn, vàng chóe... Bỏ ít thì giờ “nghiên cứu” thì sẽ biết ngay cụ thể ý nghĩa là thế nào, gồm mấy yếu tố, thành phần. Viết hẳn cách cấu tạo từ ra thành công thức cũng chẳng khó khăn...".

Quả thực da có lớp trong lớp ngoài có chất sừng chất mỡ có mạch máu vi ti, có cách cấu tạo nhất định. Nhưng có thực cứ phanh phui xong tất cả những "bí mật" ấy, phơi chúng ra ánh sáng, là nắm chắc được "ý nghĩa" của da?

Xanh nọ trắng kia trong tiếng Việt là kết quả của một cách NHÌN TOÀN THỂ. Khi nhìn một vật, mắt ta thấy "trọn gói" vật ấy, chứ không chỉ thấy màu. Dưới mắt ta, màu - cũng như mọi đặc điểm khác - chỉ hiện hữu trong một quan hệ hữu cơ với vật.

Bây giờ, ở đây

Nói chuyện màu sắc, dễ nghĩ đến hoa. Hoa mai, hoa lan, hoa hòe, chẳng hạn.

Ta ngắm hoa như ta đọc thơ (bài thơ nhỏ của tạo hóa). Mắt ta vuốt ve màu hoa như miệng ta cao hứng ngâm đi ngâm lại lời thơ. (Màu là một thứ lời của hoa - thơ. Mất màu là mất thơ.)

Ðối cảnh ta sinh tình. Ta ngắm hoa, rồi ta làm thơ (bài thơ nhỏ của ta). Thơ "cánh hoa mai trắng mươn mướt", thơ "bông hoa lan trắng nuột", thơ "hoa hòe nở vàng ối", chẳng hạn.

Tự nhiên vốn bao giờ cũng là toàn thể. Ta ngắm tự nhiên cách toàn thể, rồi ta bật tiếng nói toàn thể. Nói toàn thể thì lời gắn bó, liền lạc như chính tự nhiên.

Ðối diện trò chơi của Trẻ Tạo, ta phản ứng nghệ thuật: trước thưởng thức cái đẹp, sau sáng tạo cái đẹp.

Ta quan niệm hạnh phúc là ngay bây giờ, ở đây, là ngắm hoa mai, hoa lan, hoa hòe trên bàn, trước sân, ngoài ngõ.

Ta quen ngồi yên một chỗ, an nhiên, tự tại.

Mai kia, ở một nơi nào

Họ ngắm hoa như họ đọc đề toán. Mắt họ soi mói "hiện tượng màu" như óc họ nghiền ngẫm ý đề. (Màu là một thứ ý của hoa - đề toán. Tách màu cũng như rút ý, rút xong có thể bỏ đề, tách màu xong có thể vất hoa.)

Ðối cảnh, họ không sinh tình, họ sinh... lý thuyết. Nhằm giải mã "bí mật của lan", họ lồng lộn chui vào từng tế bào, từng phân tử, từng nguyên tử, từng thứ hạt mỗi lúc một bé hơn, cho đến lúc "hoa mắt", không còn thấy gì nữa ngoài chi chít những "tiến trình vận động".

Họ nhìn tự nhiên như muốn chẻ ra vô số mảnh, nên lời nói của họ là một cấu trúc nhân tạo do nhiều bộ phận ráp lại.

Ðối diện máy móc của Già Tạo, họ phản ứng khoa học: trước kỳ công tháo rời hết ra, xong hì hục ráp trở lại, xong loay hoay chế tạo cái (máy) khác.

Họ đâu phải chỉ cố chui biến vào lan, họ còn cùng lúc đòi nhảy vọt ra xa tít tắp. "Ði dăm bước" là mắt đã mất lan rồi. Nhưng không sao, vì với họ, hạnh phúc luôn còn ẩn ở một nơi nào chưa ai từng đặt chân đến.

Họ quen nhảy nhót, háo hức, bồn chồn.


MÀU VÀ CHỌN LỰA SINH TỒN

Một đằng đủng đỉnh xem hoa, làm thơ. Một đằng chạy như ma đuổi đi tìm "chân lý". Ai thích đứng thì đứng, ai ưa chạy thì chạy chăng?

Lịch sử dạy rằng kẻ chạy liên tục bành trướng theo đủ mọi hướng, lấn người đứng đến không còn miếng đất cắm dùi. "Dọc đường gió bụi"(5), "hành giả" chế ra đủ thứ "máy" kinh khủng, dư sức hóa kiếp trong nửa sát na tất cả hoa và tất cả những kẻ thưởng hoa.

Ðể sống, "thiền giả" phải chạy theo.

Chuyện màu, trông vậy, đâu phải là chuyện màu mè.


4 - 2004

(Thu Tứ, Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)

_______________________
(1) Thế nào là màu hữu cảm, xin xem bài “Có màu và màu”.
(2) Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 128: "cổ tay xoay tròn (...) một thứ ngôn ngữ sân khấu đặc biệt".
(3) Victoria Finlay,
A Natural History of the Palette, nxb. Ballatine Books, Mỹ, 2003.
(4) Simon Jennings,
Artist”s Color Manual - The Complete Guide to Working with Colors, Chronicle Books, Mỹ, 2003.
(5) Tên một truyện ngắn của Khái Hưng.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

VIẾT là ý thức về SỰ THẬT

(Trích trong tập tiểu luận triết học „Câu chuyện vô hình” – Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung)

Một tinh thần cao cả không thể chỉ sống trong không khí, chất thần quyền thiêng liêng của cái đẹp cần có một nhà nước tự do để nó sống nổi, và có mặt trên quả đất, vị trí này nhất định chúng ta sẽ chiếm lĩnh được.”
(Hölderlin)

Viết là bộ môn nghệ thuật chậm trễ nhất; không phải vì trước khi khám phá ra chữ viết con người đã biết hết các ngành nghệ thuật khác. Bản thân viết là một sự chậm trễ. Chứa đựng bên trong bản thân nó là một cái gì đổ vỡ và có thể phá vỡ, một chất liệu không chứa đựng trong các ngành nghệ thuật khác.

Viết chỉ bắt đầu từ các xã hội, các thành phố phát triển, thậm chí quá phát triển, trong các nền văn hóa cao, thậm chí trong các nền văn hóa bắt đầu quay trở lại vị trí ban đầu của nó. Có thể, chính tính chất quá phát triển hoặc quay trở lại này tạo ra bản năng của viết.

Viết là hương vị hư hỏng tinh vi của sự đổ vỡ nhen nhúm, là thứ bản thân nó tự đổ vỡ và là thứ đi tàn phá. Con người bắt đầu viết, khi sự tròn vẹn của cuộc sống bắt đầu trở nên thiếu thốn.

Das Unzulangliche ist produktiv – Goeth tuyên bố với Riemer – ich schrieb meine Iphigenie aus einen Studium der griechischen Sachen, das aber unzulanglich war. Wenn es erschöpfend gewesen ware, so ware das Stück ungeschrieben geblienben” (Một sản phẩm què cụt. Tôi viết Iphigenie từ nền tảng một tài liệu Hy lạp rất thiếu hụt. Nếu đấy là một tài liệu tỉ mỉ, tác phẩm của tôi đã không ra đời.)

Ngay trong lời nói có thể cảm thấy điều này.

Ai cũng biết, sự tròn vẹn của cuộc sống câm lặng: cái đẹp thường không lời, niềm vui, sự tang tóc vô ngôn như tình yêu. Một đồng hiểu toàn vẹn không cần lời. Cái bản chất nằm trong điều không thể bày tỏ. Khi con người cất tiếng, làm cuộc sống nghèo đi. Và còn hơn thế nữa.

La parole sono satte per mostrare quello che non si sa – Dante tuyên bố.

Mọi lời nói đều thụ động. Người nào nhận ra, nghệ thuật của các nhà hùng biện lớn ở đâu, tác động lời nói thật sự của một Demosthenes, Cicero, Joannés Khrusostomos, Savonarola là cái gì, cần phải nhìn thấy đấy là cái gì, khi họ bảo: KHÔNG.

Tác động của hùng biện lớn nhất khi tấn công. Thể loại lời nói của họ là tranh luận. Sức mạnh sâu thẳm nhất của mỗi câu nói là sự đập tan, làm chìm nghỉm sự vật.

Những cảm xúc tinh tế, các khát vọng, những niềm vui, sự say mê, nếu một mặt là những điều không thể nói ra, thì mặt khác, chúng cũng muốn được giữ nguyên vô ngôn như thế. Chúng không chịu nổi khi người ta đưa chúng vào lời nói, dùng từ ngữ đụng chạm tới chúng.

Chỉ cái „KHÔNG” lên tiếng, cái „CÓ” im lặng.

Càng nói nhiều – Planton viết trong Lakhéstôi càng là kẻ thù lớn nhất của lời nói”.

Nghệ thuật nhận biết ra đặc điểm này của lời nói, khi bàn đến các liên quan tác phẩm. Lời nói tấn công khả năng tạo dựng ý nghĩ. Nghĩa là, nếu ai nói ra điều họ muốn, lúc đó họ đã đánh mất sức mạnh của ý đồ.

Các thiên tài hành động không hề nói về các kế hoạch của mình. Họ nghiền ngẫm trong lòng, câm lặng cân nhắc. Và có đổi cả thế giới họ cũng không nói ra! Nếu Caesar hoặc Napoleon nói ra điều họ định làm, có lẽ họ không bao giờ thực hiện nổi.

Nhưng tại sao lại không được phép nói đến những bí ẩn thành cổ Hy lạp Eleusis này?

Không thể, vì họ sợ bị dè bỉu. Bản thân lời nói là sự dè bỉu. Nói ra một lời có nghĩa đã trình bày mình trước công chúng bằng một cách thiếu tế nhị.

Một „lời kinh đã long trọng hóa” – ai mà không nhận ra cảm xúc đã bị dè bỉu, khi người ta nhắc đến nó? – ai mà không cảm thấy tôn giáo của mình bị dè bỉu khi người khác dùng lời động đến nó?

Lời nói làm nguội cảm xúc, san bằng ý nghĩ, tước niềm hứng khởi của hành động – đây là sự tàn phá cuộc sống của hùng biện, là chủ nghĩa ma quỷ của lời nói. Nhưng lời nói vẫn còn sức sống, bên cạnh hành động viết. Lời nói tước đoạt, còn viết, ngoài sự tước đoạt, còn thêm một cái gì đó độc ác nữa.

Không gì dễ hơn việc chống lại sự phản đối của các linh mục Celt bằng cách viết ra các nghi lễ, các bài thánh ca, và những lời thông thái của họ. Bởi truyền thống tôn giáo druide là truyền thống nhập tâm, các học trò, các linh mục Celt trẻ cần học nhập tâm toàn bộ truyền thống của mình và gìn giữ nó trong tâm hồn mình.

Không có lấy một ký hiệu, một biểu tượng, một chữ cái, tuyệt đối không được phép có – Các linh mục Celt chú ý làm sao cho truyền thống của họ là thứ ngôn ngữ tôn giáo nhập tâm, là thứ tôn giáo của con người sống động. Sự trung thành không quan trọng, tri thức hiểu theo ý nghĩa là từ ngữ còn kém quan trọng hơn nữa.

Bởi sự thay đổi vị trí từ ngữ có nghĩa lý gì khi chỉ cái quan trọng còn lại?

Lúc ghi chép ra, tất cả đột nhiên trở nên cứng đơ, sự trung thành là hoàn hảo nhưng là cái gì – nếu không ai cảm thấy sự mầu nhiệm của các truyền thuyết, các cổ tích truyền miệng? Những nhân vật anh hùng chẳng phải đầy sức sống nhất khi được diễn ca? Chẳng phải phút chấm dứt thời kỳ nhập tâm của đạo thiên chúa chính là lúc người ta phong thánh cho các linh mục thiên chúa giáo?

Thật dễ hiểu làm sao sự nổi loạn của người Trung hoa, khi bị người ta viết ra ý nghĩa biểu tượng về bộ xương cổ của họ! Vô vàn đốt xương nhỏ bé thể hiện sự vô tận của ý nghĩa; vậy mà giờ đây khi bị viết ra, mỗi một lần chỉ thể hiện được một ý nghĩa, chỉ một ý nghĩa duy nhất nào đó mà thôi.

Platon trong tác phẩm Phaidros đã tỏ ý nghi ngờ về việc: viết khiến con người trở thành kẻ thông thái và biết hồi tưởng.

Viết không mang lại sự hồi tưởng, mà mang lại sự lãng quên trên cơ sở một lòng tin mù quáng. Còn về sự thông thái, viết chỉ tả màu sắc của nó chứ không mang lại sự thật. Từ bản chất của viết, con người thoạt trông có vẻ như một nhà bác học chuyên môn, nhưng thực ra chính là kẻ vô thức

Một nghệ sĩ thực thụ luôn luôn mặc cả, khi viết ra điều anh ta suy nghĩ.

Có thể viết về tình thương yêu, về sự hoài nghi, có thể viết về sự đồng cảm và sự nổi giận của con người. Muốn viết gì thì viết, luôn luôn trong hành động này có quan niệm của Goeth: con người được giải phóng khỏi cái nó đã viết ra. Đã quên đi. Đã trút khỏi bản thân – cuộc sống đã viết ra ngừng sống. Không chỉ đối với nhà văn – mà trong thực tế, cuộc sống ấy đã ngừng hẳn lại.

Cuộc sống trong lời nói là sự dè bỉu, bởi bản chất của lời nói là: KHÔNG. Còn cuộc sống trong viết biến thành vấn đề, bởi bản chất của viết là: CHÂM BIẾM.

Bởi vậy theo Huxley, không có văn học của kẻ hạnh phúc, và bởi vậy theo Platon, viết là một sự xấu hổ.

Ngoài ra, hành vi châm biếm của viết còn cùng nghĩa với: sự phủ nhận cuộc sống.

Mọi bản viết chỉ mang ý nghĩa từ sự chống đối, viết là đào khoét và phá vỡ, là tước đoạt cảm xúc từ sự trực tiếp của nó, là tước đoạt suy tưởng từ sự toàn vẹn của nó, sáng tạo nên một trật tự thế giới mới khác không có trong tự nhiên, một thế giới luôn nhìn xuống tự nhiên.

Ngoài ra, con người luôn ở một hoàn cảnh nghịch lý khi viết: viết một cái gì đó, cái không phải thế, truyền tải một cái gì đó, cái không thể truyền tải được, có vẻ như đang xây dựng, nhưng thực chất đang tàn phá, có vẻ như đang sáng tạo, nhưng thực chất tiêu diệt – Viết gây ra sự thoái hóa, hư hỏng và sự thoái hóa này không thể diễn đạt nổi, bởi nó đụng chạm đến con người – như cũng chính bằng hành động viết, không thể đến gần con người.

La Bruyere từng bảo: „con người sinh ra như một người Pháp và như một kẻ thiên chúa giáo – đấy đúng là một sản phẩm – là sự hài hước hoàn chỉnh; những gì to lớn „đều là đồ cấm”. La Bruyere có lý. Vì: như một người Pháp và như một kẻ thiên chúa giáo, con người từng là một sản phẩm hài hước hoàn chỉnh.

Nhưng, nếu ông không viết ra, thiên hạ không hề biết, và toàn bộ vấn đề này sẽ bị chìm xuống. Và „là người Pháp” hoặc „một kẻ thiên chúa giáo”, cũng chưa phải vấn đề khi tác giả chợt nhận ra, mà chính vì bằng viết, ông nâng con người lên một thế giới khác – một thế giới, nơi người Pháp và kẻ thiên chúa giáo thật nực cười, nhưng những điều khác cũng nực cười nốt, như: người đàn bà đêm ngủ, dưới da có những lỗ chân lông.

Trong Viết toàn bộ sự sống của con người, toàn bộ hiện sinh tất yếu trở thành vấn đề.

Bởi vậy mọi bản viết đều là sự châm biếm cuộc sống. Mọi bản viết đều mang hai ý nghĩa của cuộc sống. Trong viết cuộc sống trở nên khá nực cười. Bởi vậy Wyndham Lewis dám khẳng định: hình thức hoàn hảo nhất của viết chính là thể loại văn châm biếm; lúc đó viết không là gì khác, ngoài chính là bản thân một bản viết – là nó – một cái cười nhạo từ trên nhìn xuống dưới, trên cả thiên nhiên và trên cả tính tất nhiên, lúc đó viết tấn công vào tận gốc rễ của cuộc sống.

Bản thân Viết gánh vác dấu ấn của một khoảnh khắc lịch sử vừa sinh ra, vừa xuất hiện: khi các xã hội quá phát triển, quá chín muồi đang ở trong quá trình tan vỡ, đời sống của các nhà nước bị đô thị hóa, những người nhìn thấy nền văn hóa đang bị diệt chủng của nó, nhìn thấy quá trình tự vẫn của nó bắt đầu phản đối chống lại xã hội, nhà nước, dân tộc, tôn giáo, đạo đức.

Đây là giây phút điển hình của lịch sử, và kết quả của sự khủng hoảng này chính là Viết, một thứ được sinh ra để phê phán, vĩnh viễn không bao giờ Viết có thể từ bỏ và không thể từ bỏ được đặc tính này.

„Kẻ hạnh phúc không có văn học của nó” – bởi kẻ hạnh phúc không có người phê bình nó, kẻ hạnh phúc không có nhu cầu bị phê phán, nó chỉ có đúng một kiểu ý kiến về bản thân.

„Viết là một sự xấu hổ”: một sự xấu hổ dành cho một nhà nước, một nhà nước đã đến mức không hoàn thiện nổi đời sống con người. Viết là một sự xấu hổ dành cho con người, kẻ không biết sáng tạo mà chỉ biết phản đối. Và sau cùng, Viết là một sự xấu hổ vì Viết là châm biếm, là nghịch lý, là sự thoái hóa, khinh bỉ và dè bỉu, bởi vì đáng lẽ Viết hoàn thiện một đời sống, Viết lại cắt đứt, bôi bẩn và nghiền nát cuộc sống này.

Viết chỉ biết phủ nhận. Bởi vậy mọi bản viết đều sắc.

Chưa bao giờ ai nói : CÓ khi viết.

Giống những kẻ hùng biện lớn nhất là những kẻ tấn công, những nhà văn lớn nhất là những nhà phê phán, là những người phủ nhận, là những kẻ châm biếm lớn. Mọi thể loại của viết chỉ đúng là viết khi quay lưng lại với thế giới và hủy diệt. Bởi lúc đó Viết là viết, chẳng là gì hết ngoài là viết.

Báo hàng ngày giết chết sự kiện của ngày. Tiểu thuyết làm khuynh bại các số phận. Triết học phá vỡ các khả năng của thế giới, còn khoa học đập nát các vị thần.

Văn hóa của viết là sự chống lại cuộc sống. Sự phán kháng đầu tiên của lớp người sơ khai là chống lại sách (theo Nietzsche: Bücherfeind) bởi họ rất thấu hiểu sự bất lực trước cuộc sống mà Viết mang lại, sẽ biến họ thành một thành tố của sự bất lực này khi họ đọc sách.

Mọi việc đã từng xảy ra đúng như thế: viết sinh ra từ hành vi đối địch với cuộc sống, từ đặc tính này, viết đối địch với cuộc sống, lăng mạ cuộc sống. Nhưng đây là trường hợp, sự lăng mạ cuộc sống giáng trả lại người muốn lăng mạ nó – cũng như mọi bản án bất công bao giờ cũng giáng trả lại kẻ kết án, và chứng thực cho kẻ bị kết án – người nào định lăng mạ cuộc sống, sẽ biến thành kẻ bị cuộc sống đánh trả lại nhục nhã.

Vô nghĩa tấn công một sức mạnh cưu mang con người – bởi không phải cuộc sống có trong con người, mà chính con người nằm trong cuộc sống – không phải con người sống một cuộc sống, mà chính cuộc sống tiêu thụ con người.

Trong trường hợp khả quan nhất, viết cũng chỉ là một dạng lãng mạn không cơ sở. Một sự tưởng tượng không tưởng. Cái người ta tự thưởng thức trong đó dựa vào những đòi hỏi không thể có đối với cuộc sống, và vì không thể thực hiện được, người ta kết án nó, mà không nghĩ rằng với những đòi hỏi ấy, chính người viết trở nên nực cười.

Còn hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại như là nó – trời tiếp tục xanh ngắt, thảm hoa sặc sỡ tỏa hương thơm ngào ngạt, biển tiếp tục trầm ngâm với những tầng sóng sâu thẳm, sắc đẹp của thế gian vẫn tiếp tục mời chào những ai muốn thưởng thức nó.

Trong quan niệm này chỉ có đúng một điều ta cần ngẫm nghĩ: viết một thứ lãng mạn không có cơ sở? Một sự tưởng tượng không tưởng? Và mọi trường hợp đều thế? Là những đòi hỏi không thể, mà người viết dựa vào, và kẻ đòi hỏi có đúng là trở nên nực cười?

Những điều viết tuyên bố với cuộc sống là bản án bất công và luôn luôn bất công? Hay cuộc sống có những trường hợp – ở đây chính là hành động viết – quay lưng lại với cuộc sống, nhưng với ý thức của sự thật? Viết phán xử bằng một khả năng, bằng một tri thức tích lũy từ một nơi bí ẩn nào đó, để bản thân cuộc sống cũng bị viết chinh phục, như thể cuộc sống chỉ dùng để phục vụ cho viết, để kính trọng và coi viết cao hơn chính bản thân cuộc sống?

Như câu nói của Evola: porta ad una nuova distana, materia per una sintesi ulteriore („Lờichiếc cổng dẫn đến một viễn cảnh mới, là chất liệu tổng hợp cuối cùng).

Và khoảnh khắc lịch sử khi viết sinh ra, nằm ngay trong bản thân nó: là khi nhân loại quay lại với cái chết, là khi một vài con người có ý thức phê phán – ý thức của sự thật – là khi châm biếm là nơi trốn chạy của cuộc sống – hoàn cảnh nghịch lý không đóng dấu lên viết mà đóng dấu lên cái thế giới nó đang sống trong đó, thế giới xung quanh nó – chính người viết, là người quay lưng lại với sự dè bỉu, là con người mà sự tròn vẹn tiếp tục sống trong bản thân họ, là kẻ phủ nhận, nhưng phủ nhận cái đang có, cái ở đây, và họ đặt điều phủ nhận này vào một cái gì khác.

Ngày nay Viết: ”Là một hình thức sâu sắc nhất của lãng mạn và nỗi nhớ cố hương – Nietzsche tuyên bố – là một thứ đã từng có một khi nào đấy, khi con người mơ ước điều tốt đẹp nhất được thực hiện trên trái đất. Con người giờ đây không có quê hương ở bất kỳ đâu, nó khát khao được quay trở lại, nơi nó cảm thấy đấy là nhà, một cách như thế nào đó, bởi nó muốn đấy là quê hương: đấy chính là thế giới Hy Lạp!

Tất nhiên con người cần phải trở nên hết sức tinh tế, nhẹ nhàng, mỏng manh để có thể đến được nơi ấy! Chỉ riêng con người là tinh thần, hay là ma đi chăng nữa, điều đó cũng tự nó là một niềm vui rồi! Điều này xa lạ làm sao với những lý thuyết tác động – tương hỗ, những lý lẽ cơ học của khoa học tự nhiên, và cái chợ giời ồn ã của các lý tưởng hiện đại!

Con người muốn quay trở lại với những người Hy lạp thông qua các giáo chủ thời cổ (pater Ecclesiae) muốn đi từ phía bắc xuống phía nam, từ các công thức đến các hình thức. Con người, đến tận cuối thời cổ vẫn tận hưởng sự xâm nhập vào nền văn hóa Hy Lạp, như một mảnh vỡ từ thế giới, như những lát khảm lóng lánh của các khái niệm và các giá trị cổ.

Những trang trí đường lượn, những lời hoa mỹ, hay đặc thù rokoko của trừu tượng triết học kinh viện vẫn còn tốt hơn, tinh tế hơn một hiện thực Bắc Âu tàn bạo và bần cùng, vẫn còn cao hơn sự phản kháng tinh thần chống lại các cuộc chiến tranh nông dân và sự nổi dậy của giai cấp vô sản đã thắng thế theo khẩu vị tinh thần Bắc Âu.

Trong ý nghĩa này Viết như một mảnh vỡ của thời phục hưng, ít nhất ý đồ của nó, là hãy trở thành phục hưng, ý chí của nó là tìm ra thời cổ, mà trước hết là những tư tưởng trước thời Socrates – là thế giới Hy Lạp đã bị chôn vùi sâu thẳm dưới các lớp nhà thờ.

Có thể sau vài thế kỷ nữa người ta sẽ phán quyết rằng trong mọi bản viết, cái giá trị nhất, cái xứng đáng với viết nhất, là từng bước – từng bước một nó trở lại mảnh đất Hy Lạp, và nhu cầu quay trở lại cái đích thực, mới vang lên tầm thường và đáng nực cười làm sao, bên cạnh mơ ước cao cả hơn, là một lần nữa tìm ra và nối lại được quan hệ với văn hóa Hy Lạp – dạng phát triển cao nhất của văn hóa con người.

Ngày nay một lần nữa chúng ta xích lại gần những hình thức cơ bản của nhận thức thế giới, mà những người Hy Lạp đã tìm ra trong tinh thần của những Anaximander, Heraclitus, Parmenides, Empedocles, Democritus và Anaxagoras – ngày nay một lần nữa chúng ta ngày nọ qua ngày kia mong trở thành những người Hy Lạp trước hết, con đường mới đơn giản làm sao! – trong các khái niệm và trong các giá trị của chúng ta, như những bóng ma Hy Lạp hóa: nhưng rồi, hy vọng cả thể xác chúng ta cũng thế! Tôi vẫn còn hy vọng trong điều này!

Viết xuất hiện trong thế giới bắt đầu đổ vỡ, và từ bấy đến nay nó là mức đo: sách nghèo nàn là khoảng thời gian đầy sức sống, thịnh vượng và tăng trưởng; trong viết ngập tràn thời gian bị tàn phá. Đây là dấu hiệu: ít sách hoặc không có sách – nhiều cuộc sống; sách nhiều – sự thoái hóa, tàn lụi, càng nhiều sách, sự đi xuống, thụt lùi càng lớn. Bởi sách là dấu hiệu của sự tàn phá, cùng một nguyên nhân: nó đến từ sự tàn phá, hủy diệt và tàn phá, hủy diệt tiếp.

Trong cái thế giới hấp hối con người „không có quê hương ở bất kỳ đâu, nó khát khao được quay trở lại, nơi nó cảm thấy đấy là nhà, một cách như thế nào đó”.

Chừng nào mơ ước này chưa được viết ra và không lời, chừng đó nó như đạo của Trung quốc: một sự câm lặng, xa cách bị cô lập – một cuôc trốn chạy – ra khỏi thế giới – ai tự cứu lấy người ấy trước sự hủy diệt, và nếu không có ai đi trên „con đường vĩnh hằng”, lúc đó chỉ còn nhà thông thái đi một mình.

Đạo là gì? là sự tiêu tán, ngừng lại, đi xa, ngủ yên, câm lặng, đơn độc, là từ bỏ sự hủy diệt, trở thành vĩnh hằng. Nhưng khi nỗi khao khát đã bắt đầu lên tiếng và bắt đầu ghi chép lại? Viết kiểu gì cũng là sự tiêu diệt. Có loại viết nào là sự cứu sống? Chịu đựng cái xấu còn tốt hơn là thực hành nó, Socrate đã từng tuyên bố.

Người nào nhìn thấy thế giới đang bị hủy diệt, có đủ không, nếu không tiếp tay, không góp phần hủy diệt, nhưng chịu đựng? Có đủ không, nếu bỏ đi, im lặng và ngủ yên? Có đủ không, nếu một mình đi trên „con đường vĩnh hằng”? Hoặc có ai biết thế giới đang bị hủy diệt, biết có con đường vĩnh hằng và chờ đợi một khả năng khác, mới lạ nào đấy?

Ngày nay, từ một thế giới hấp hối, con người „muốn quay trở lại với những người Hy Lạp thông qua các giáo chủ thời cổ (pater Ecclesiae) muốn đi từ phía bắc xuống phía nam, từ các công thức đến các hình thức” – Bởi chỉ người Hy Lạp tìm ra khả năng duy nhất có thể trụ lại, sống nổi và phát triển nổi trong thế giới bị tàn phá, hủy diệt này. Người Hy Lạp tìm ra khả năng của cuộc sống trong mọi thế giới tụt lùi và hấp hối, để môi trường, thời đại, nhà nước, xã hội có thể trở nên đẹp đẽ.

Đây là ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa lý tưởng. Tri thức chứa đựng trong một thời đại, nhà nước, xã hội, ngôn ngữ là sự thật vĩnh cửu. Từ thời Hy Lạp tới giờ tồn tại một ý thức sự thật về bản thân nó. Chủ nghĩa lý tưởng là nhóm đối lập anh hùng luôn luôn có mặt trong lịch sử nhân loại: là trách nhiệm cao nhất của nhân loại.

Là liên minh bí mật giữa những người dự phần vào ý thức sự thật. Đây không phải một liên minh mưu mô, bởi sự hoạt động của những người này không để giành chiến thắng mà để đi tới cái vĩnh cửu. Người nào dự phần vào ý thức sự thật, người đó không cần đi tranh giành chiến thắng. Bởi con người giờ đây không đối diện với những người khác. Giờ đây sự thật đối diện với cái xấu, sự vĩnh cửu đối diện với sự hủy diệt.

Literature must teach and deliver in a new and flexible sense or it meaningless (Văn học nếu không dạy dỗ, hoặc hướng tới một nhạy cảm tinh tế và mới mẻ, không có bất kỳ một ý nghĩa gì)

Và điều này từ thời Platon đến giờ đã trở thành bản chất của viết. Viết dạy dỗ và giải phóng trong một mối quan hệ và nhận thức mới. Viết từ thời Hy Lạp tới giờ là ý thức về sự thật. Viết là cột trụ của „thời gian vĩnh hằng” của „thời hoàng kim”, của nhà nước kiểu Platon, đây là lửa sự thật cháy sáng trong nhân loại: vượt qua cả các thời đại, các ngôn ngữ, các nhà nước, qua các đổ vỡ và những hủy diệt

„Ai lúc nào đó viết hoặc sẽ viết một cuốn sách – Platon nói trong lá thư thứ VII – muốn giải thích cho các đệ tử của tôi… Việc làm này chẳng đi đến đâu… Bởi vậy trong các bản viết của tôi không có loại đề tài này, và sẽ không có. Bởi tri thức này không truyền bá được như những loại đề tài khác, mà sau hồi lâu nghiền ngẫm, giống như lửa tóe ra bất chợt từ tia lửa, bắt đầu cháy rực trong tâm hồn không cần cái gì phù trợ từ bên ngoài, tự nó cháy, trong bản thân nó.

Không còn nghi ngờ gì nữa: nếu những điều này có thể viết ra, tôi là người viết ra nó tốt nhất, bởi vì tôi là kẻ bị hành hạ nhất, nếu viết nó ra một cách không ra gì. Như vậy ý kiến tôi là: hoàn toàn có thể giải thích được điều này bằng lời hoặc bằng viết, như một phương cách thỏa mãn dành cho con người, liệu có nhiệm vụ nào đẹp hơn thế nữa trong cuộc đời tôi, bằng việc từ những bài viết của tôi, sự thật và một mục đích lớn lao như thế cùng lúc tỏa sáng rạng rỡ trước mọi con mắt?”

Viết chỉ có ý nghĩa, nếu nó mang tính chất Platon, nếu viết „là lửa tấn công bật ra từ tia lửa” cháy và lan – nếu viết là lý tưởng, lúc đó nó cùng nghĩa với: thời kỳ hoàng kim. Thời hoàng kim là gì? – đấy là một „nhà nước tự do” nhất định, trong đó „chất thần quyền của cái đẹp ẩn náu”. „Nhà nước vĩnh hằng” là cái mà chủ nghĩa lý tưởng vun đắp.

Chủ nghĩa lý tưởng không phải là một cái gì đó ngu ngốc mà chính là tính chất anh hùng. Nó chuẩn bị cho một cuộc sống hoàn hảo, nó tạo dựng thời kỳ hoàng kim „tìm kiếm vị trí trên quả đất cho chất thần quyền của cái đẹp”. Nó là sự thỏa thuận ngấm ngầm giữa những người viết. Là một Viện hàn lâm vô hình.

Mọi bản viết không mang tính chất Platon đều độc ác, thoái hóa, đáng vứt vào lửa. Đây là ý nghĩa của việc đốt sách – là khát vọng mà Gide khao khát, hãy đốt hết những cuốn sách, bởi sách tàn phá và hủy diệt, tất cả những cuốn sách hạ thấp thần linh và dè bỉu. Từ thời Politeia của Platon đến giờ con người thực ra đã nhận biết về sự thật.

„Một nhà nước hoàn hảo của Platon – Nietzsche viết – chắc chắn vĩ đại hơn rất nhiều so với điều cả những kẻ hăng máu nhất đã từng nghĩ – một nhà nước có mục đích tái tạo một thế hệ nhân tài và chuẩn bị cho một hiện thực Olimpos. Platon trong sự trần trụi khủng khiếp của đời sống nhà nước thời đó đã nhìn thấy chất thiêng liêng của nhà nước và tin rằng có thể tạo dựng được hình bóng các vị thần linh trong nhà nước”.

Xây dựng một nhà nước mới – xây dựng một nhà nước vĩnh hằng. Viện hàn lâm – những con người, nhờ họ nhân loại được tái tạo lại – là thành viên của nhà nước mới – là hiện thực Olimpos. Đây là hành vi đầu tiên chứng thực cho viết, và từ bấy đến nay luôn chứng thực tính chất Platon của viết.

Liệu trong viết có một hiện sinh Olimpos? Có thể xây dựng được thời kỳ hoàng kim trong viết? Liệu sự thật có thể nhận ra bản thân nó trong viết? Cư dân của nhà nước vĩnh hằng chính là người viết?

Nếu đúng như vậy, viết quả thật thiêng liêng, còn nếu không – hãy vứt tất cả vào lửa – vứt tất, chỉ một bản viết thôi cũng không cần giữ lại!

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung.

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Entry đầu năm

Mình copy cái này của chị Nhung bên vanchuongviet.org về làm "của riêng", nên khả năng sau này sẽ bị bà chị tinh thần của mình "tét đít" là cái chắc!


Nhập

Ngày mù đêm lú quá lâu

Tìm chi bóng chữ trên lầu cổ thư

Ai giao mà vội hứng thừa

Đem xuân đi cấy ruộng vừa ngấu chua

Hoang mang trời đất nắng mưa

Ba nghìn thế giới hơn - thua phận người

Chết từ kiếp sống nổi trôi

Sống từ kiếp chết hụt hơi hồn mình

Lẻ thơm một chút hương linh

Ta về nhập mộ ái tình không đâu

Trương Thị Kim Dung (1/1/2010)

Dung ơi, bài thơ của cậu giống vạt cỏ tảo mộ tiết Thanh Minh- khí tiết lắm đấy- chỉ vì quá yêu cuộc đời nên ta chợt"lú" một chốc lát thôi. Chưa cần mưa xuân lún phún đâu, nước nguồn từ lòng đất của cậu sẽ mang lại màu xanh cho cỏ! Cậu cứ đợi mà xem. Nhưng mưa xuân sẽ tha gió mang giọng cười vui vẻ lắc rắc trên đồng cỏ xanh, bởi vậy cậu ơi, mở lòng đi, tươi đi, yêu đi, cậu sẽ lấy lại được tất cả những gì tưởng đã mất.

Trong lòng mình!

Quan trọng hơn cả là lấy lại tấm lòng mình, đúng không? với ai?

Với ĐỜI SỐNG.

Ai giao mà vội hứng thừa

Đem xuân đi cấy ruộng vừa ngấu chua

Tớ thích chí với câu này lắm: đàn bà là như thế, hiến dâng tình yêu tắp lự, mặc kệ đối tượng. Cậu nên nhớ "cái xuân thì" của đàn bà là bản năng yêu lập tức cái mà nó cảm thấy đáng yêu, đấy là bản năng cho, bản năng làm Mẹ, làm Vợ, trước khi làm Người Tình. Tội nghiệp đàn bà, hihihi...

Cao thượng đàn bà khiến đôi khi cả một thế hệ đàn ông bị trói cánh không biết làm thế nào để bay lên làm chú gà trống hiên ngang trên đống rơm gáy inh lên chào đón bình minh! Mặc dù đấy là nhiệm vụ số phận ngàn đời nay của họ!

Trong cái thời đại đàn ông bị giết chết ngay từ khả năng đứng thẳng này, tớ không xót xa khi đọc những bài thơ như bài thơ của cậu, mà chỉ cảm thấy: hình như ở thời đại này, chúng mình, lũ đàn bà, cần phải thông hiểu những khía cạnh đáng thông cảm và tha thứ cho đàn ông Việt hơn thì phải.

Để làm gì ư?

Để họ bừng tỉnh!

Để chúng mình bớt"lú" bởi quá nhiều yêu thương, quá nhiều hy sinh tội nghiệp, để giúp cái xã hội này cân bằng trở lại với tình yêu tự do và cân bằng cần có giữa đàn ông và đàn bà! ./.

( 2010.01.03)

Nguyễn Hồng Nhung


Và sau đó, mình có viết thư cho chị Nhung như thế này, để gọi là "khai blog" đầu xuân:

Chào chị Nhung,

Trước tiên thằng em xin hỏi thăm sức khỏe của bà chị đã. Chị dạo này thế nào? Chị vẫn ở Việt Nam à? Thế bao giờ sang Hung lại? Hay bà chị muốn sống „cuộc sống lưu vong” ngay chính trên quê hương mình?! (hehe).

Hôm trước, em có nhận được thư của chị về vụ giới thiệu sách Hung ở Hà Nội. Loanh quanh với Nôel, rồi công việc cuối năm, mãi bây giờ mới viết thư cho chị được, và cũng do đọc được bài viết của chị trên đây! Tức cảnh năm mới, thằng em liền làm một lá thư này tới bà chị, gọi là „khai bút” đầu xuân!

Chị viết: „Tội nghiệp đàn bà!hihi… Cao thượng đàn bà khiến đôi khi cả một thế hệ đàn ông bị trói cánh không biết làm thế nào để bay lên làm chú gà trống hiên ngang trên đống rơm gáy inh lên chào đón bình minh! Mặc dù đấy là nhiệm vụ số phận ngàn đời nay của họ!”

Thằng em thì nghĩ thế này: „Tội nghiệp cho cả đàn ông và đàn bà Việt Nam. Cái cao thượng đàn bà khiến đàn ông không làm được cái nhiệm vụ số phận ngàn đời của họ là làm chú gà trống cất cánh bay lên đống rơm gáy inh lên chào đón bình minh. Cái cao thượng đàn ông thì khiến nhiều khi cả một thế hệ đàn bà không thể nào „đái qua ngọn cỏ”. Thật trớ trêu thay, phải không chị? Tại sao lại có chuyện như vậy? Đó là bởi trên mảnh đất Việt không ai có „số phận” cả, ai cũng „không số phận” hết. Thằng em nói điều này ra, chắc bà chị hiểu. Và chính vì thế mà đàn ông Việt không có „nhiệm vụ số phận ngàn đời nay”, huống chi đàn bà! Ở trong cái „cõi trần gian” mà con người, già trẻ, lớn bé, đàn ông lẫn đàn bà, đều bị „bóng đè”, thì làm sao mà „bừng tỉnh” được cơ chứ! Năm mới đến, mùa xuân về, thằng em có một niềm hi vọng là: cái cao thượng của „cánh” đàn bà Việt Nam hãy đừng „trói”, mà hãy „chắp” cho „cánh” đàn ông, để cùng nhau bay qua „ngọn cỏ”, vượt cả „đống rơm”, lột bỏ hết „bụi trần gian” (y phục cũng được tính là bụi trần gian) trở về „cõi thiên đàng”với Chúa Trời như thưở ban đầu!”

Chúc bà chị năm mới nhiều „thắng lợi” mới!

Thằng em Trương Đức.