Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Dịch "giả" in "thật", hay "túi gàn khôn" của đám "nho nhã phương Nam"

Hôm nay, mình vô tình đọc được một đoạn văn dịch trong tác phẩm "Trời và đất" của nhà văn Hungary, Márai Sándor. Đoạn nguyên tác như thế này:

Olvasni
Nem elég olvasni. Újraolvasni - az összes tanácsadók szerint - fontosabb. S nem csak a könyvet kell újraolvasni, melynek emléke halványodik vagy, melyet első olvasásra nem értettünk meg tökéletesen: a mondatot is újra kell olvasni, a fõnevet, igét és jelzõt is, mely végzetesen meghatároz a könyvben valamit. Mit akar egy könyv? Megértetni magát. De az ilyesmi lassan megy, majdnem oly lassan és bonyolultan, mint az életben. Házastársaknak néha évtizedekre van szükségük, míg egyik végül meg tudja értetni magát a másikkal. A könyvek is ilyen nehézkes ismerõsök. Nem elég katalógus, divat vagy hagyomány szerint olvasni; ösztön szerint kell megkeresni a könyvet, mely - nekünk, személyesen - mondhat valamit. Rendszeresen kell olvasni, úgy, ahogy alszik, étkezik, ahogy szeret és lélegzik az ember. A könyvek, mint az emberek, csak akkor adják ide titkukat, bizalmukat, ha te is átadod magad nekik. Nem szeretek másféle könyvet olvasni, csak olyat, mely az én tulajdonom. Nem elég a gondolatot, ismeretet birtokolni, melyet a könyv tartalmaz. Legyen enyém - feltétlenül, mint ahogy a szeretõt akarják - a könyv is, a gondolat földi porhüvelye."

Và mình mới "c dịch" như thế này:

Đọc
Đọc, không đủ. Đọc lại – theo tất cả những nhà tư vấn – quan trọng hơn. Và cần đọc lại, không chỉ riêng những cuốn sách, mà ký ức về chúng đang phai mờ, hay, chúng ta đã không hiểu hết khi đọc lần đầu: mà cả những câu văn, danh từ, động từ và cả chỉ dẫn nữa, những cái xác định một cách cốt tử điều gì đấy trong cuốn sách. Một cuốn sách muốn gì? Nó muốn phải hiểu được nó. Nhưng điều này xảy ra chậm chạp, chậm chạp và rắc rối gần giống như trong cuộc sống vậy. Đối với những cặp vợ chồng, đôi khi họ cần một khoảng thời gian là vài ba chục năm thì người này cuối cùng mới làm kẻ kia hiểu mình được. Sách cũng là người quen biết không dễ nắm bắt như thế. Đọc theo sưu tập, theo mốt, hay theo truyền thống, là thiếu sót; chúng ta cần dựa theo bản năng để tìm đến cuốn sách, cái cuốn sách mà nó có thể nói điều gì đó một cách trực tiếp với chúng ta. Nên thường xuyên đọc, như con người ta thường xuyên ngủ, thường xuyên ăn, thường xuyên yêu và hít thở. Sách, giống như con người vậy, chỉ dâng hiến bí mật, tin cậy của nó cho ta, khi mà ta cũng trao gởi bản thân mình cho sách. Ta không thích đọc những cuốn sách loại khác, chỉ những loại đang là tài sản của ta. Chiếm lĩnh được ý nghĩ, kiến thức, những thứ cuốn sách mang trong nó, chưa đủ. Mà, – một cách không khoan nhượng, như con người ta thèm muốn người tình – phải là của ta cả bản thân cuốn sách nữa, cái bồ đựng bụi tư duy trần gian này.

"Tướng về hưu" và "Người điên xóm nhỏ"

“Nhiều người hôm đi đưa tang ghen tỵ với cuộc đời của ông. Bên ngôi mộ mới đắp của ông Bình, nằm sát chân núi Lò Kho, có mỏm đá nhô ra xám xịt, nứt nẻ. Bỗng cụ Tám, cậu họ xa với ông Bình, lẩm nhẩm: “Coi như thằng Bình nó chết từ năm 1973 chứ đâu phải mới đây”. Ai cũng lấy làm lạ, hỏi gấp gấp cụ Tám:

“Cụ nói sao, cụ nói rõ chút coi.”

Ông cụ sờ sờ mỏm đá nói:

“Chính chỗ này, thằng Bình bị đất đá vùi lấp sau trận đánh giáp la cà năm đó. Nhưng người ta đã lôi cổ nó lên, bắt sống thêm.”(Phùng Hi)

Đọc bài này, và nhân việc bác TNT nhắc lại truyện ngắn “Người điên xóm nhỏ” của Phùng Hi, tôi mới nhớ đến đoạn văn trong bài báo tôi dịch và gửi talawas bộ cũ cách đây khá lâu:

“”Xả thân” vào một cuộc chiến, coi như con người bị tách ra khỏi chính cuộc sống của mình. Họ rơi ra ngoài quỹ đạo sống bình thường và không thể quay trở lại. Điều trớ trêu: không có một con đường nào khác cho họ. Nhà văn Hung Kertész Imre đã đặt tên cho cái trạng thái bi ai ấy một cái tên đầy triết lý phương Đông: “Không số phận”. Số phận đời thường của Mike đã bị “đánh cắp”, và anh ta không được “ban phát” một số phận khác thay thế. Có hoạ chăng, chỉ là một trạng thái sống mù mờ, không lối thoát. Cũng giống như những người thoát chết từ Holocaust trở về, cựu chiến binh Mỹ chỉ “cà nhắc” trong cái cảnh ngộ không thể định nghĩa được. Cảnh ngộ này (trước đó là quê hương, tổ quốc của họ: đất nước Hoa kỳ oai hùng) đã “tước” mất số phận đời thường của những người lính Mỹ (mặc dù họ sẵn sàng hiến thân để bảo vệ nó), chỉ để lại cho họ một trạng thái “sống” mòn mỏi. Những chàng trai như Mike không biết phải làm gì với trạng thái “sống” quái gở này.

Với lời thề không bao giờ bỏ rơi bạn, Mike quay lại Sài Gòn tìm Nick. Hòng đưa Nick trở về quê hương, nhưng Mike đã nhầm. Cả hai người: Nick (từ Sài Gòn) và Steve (từ bệnh viện) đều không muốn quay lại chốn cũ. Họ cảm nhận điều Mike đã nghiệm ra: cuộc sống của họ trên quê hương đã chấm dứt.

Điều nghịch lý lớn nhất sau chiến tranh Việt Nam: không phải chiến trường, mà là Đất Mẹ không còn, nơi “trở về” đã mất đi. Chúng ta có thể thấy sự nhận biết này của Nick trong cảnh phim: anh thử gọi điện về nhà nhưng không được. Quê hương đối với anh không tồn tại nữa, hoặc ít ra, không thể “móc nối” được… Cũng có thể, đơn giản là ông không muốn kết thúc bộ phim, không có cái “chấm hết”. Cơn sốc “triền miên” này không bao giờ hết trên đất Mỹ! …Các chàng trai của chúng ta bước vào địa ngục từ đây. Đối với thế giới trần gian, họ là những thây ma. Vì thế, những người dân của thị trấn bé nhỏ đã không nhận thấy sự trở về của Mike. Anh không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội. Anh như một hồn ma từ thế giới bên kia, lượn lờ trên quê nhà… Một chi tiết nữa cũng cần nhắc tới: Từ lúc trở về, Mike không cởi bỏ quân phục, bởi vì trong bộ quân phục anh chỉ là một cái xác của thế giới tâm linh.” (trích “Kárpáti Ildikó – Sống và chết sau chiến tranh Việt Nam”, talawas 2002-2008)

Có nghĩa là, sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Chiến tranh Việt Nam 1954-1975, thân phận của những người lính, lính Mỹ, lính Cộng Hòa, lính Bắc Việt, dường như giống nhau, họ có chung một “số phận”: KHÔNG SỐ PHẬN. Có lẽ, nhà văn miêu tả được cái trạng thái “không số phận” này rõ ràng nhất và thành công nhất là Nguyễn Huy Thiệp, bằng tác phẩm nổi tiếng “Tướng về hưu” của mình. Tôi có đọc được một bài viết về “Tướng về hưu” rất hay, xin trích ra đây: “…thế giới Tướng về hưu là một thế giới trong đó con người không có hoài bão, xã hội không có tương lai. …Tính chất nghệ thuật của Tướng về hưu ở chỗ khơi được thế giới đó, cảm giác đó, qua lối hành văn. Chẳng giải thích dài dòng, chẳng dùng những tính từ dao búa, chỉ viết những lời ai ai cũng hiểu được, mà tạo nên cả một bầu không khí điên đầu, cả một thế giới trong đó không ai có thể hiểu ai.”

Nói tóm lại, thân phận của những “người điên xóm lớn”, cũng không thoát khỏi cái trạng thái “điên điên”, “không số phận” của những “người điên xóm nhỏ”. Nên, bác TNT, khi nhận định rằng, “Mà “mấy anh ở trên” (Xóm Lớn) không phải chỉ có mấy người nhẩy núi – như Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng – mới bị mắc chứng tâm thần hoang tưởng đâu. Đọc qua “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội XI” là thấy ngay rằng toàn ban đều bị “trật đường rầy” ráo trọi, chớ đâu có riêng gì ông Chủ tịch Nước hay ông Thủ tướng.“, là bác nói chí phải! Tôi là tôi cho rằng như vậy. Xin cám ơn bác về bài viết này! Trân trọng.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Thuần nhấm... "ba ông kia kìa"

“Thế là do chủ nghĩa Marx – Lénine đã thấm nhuần qua đảng ta, qua dân ta, nên chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.”(Hồ Chí Minh)

Đọc bài này, tôi cũng cảm thấy ông Hồ đúng là “một nhà tuyên truyền lão luyện”. Ngoài ra, cũng có vài cảm nghĩ khác, xin được chia sẻ với các bác:

1. Tôi đếm được đúng 12 lần Hồ Chủ Tịch “nhắc đi nhắc lại” từ “thấm nhuần”. Xem ra cái không khí của Đại hội Đảng 1951 rất “vui vẻ” và cung cách diễn thuyết của ông Hồ cũng “khôi hài” không kém! Tuy vậy, nói cho nghiêm túc, tôi xin hỏi như thế này: vào những năm 50 của thế kỷ trước, đã có ai là người Việt Nam hiểu được và “thấm nhuần” cái chủ thuyết của Marx – Engels, hay nói như những người cộng sản là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin? Chắc là hầu như chưa có ai, hoặc là rất ít. Ở bài “Nguyễn Giang Thanh – Trần Đức Thảo: Những phủ định trớ trêu”, thì có vẻ như VN ta có mỗi nhà triết học TĐT thôi vào thời kỳ đó. Tức là ngay bản thân ông Hồ, có chắc là ông ta đã “hiểu” và “thấm nhuần” chưa cái “chủ nghĩa Mác-Lênin”? Tôi nghĩ là ông ta chưa! Đó là bởi vì tôi “nhìn” vào cái “cung cách” diễn thuyết của ông Hồ: “…đó là chủ nghĩa của ba ông kia kìa: (Hồ-Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine)”, hoặc: “…có một ông Tổng tổng tư lệnh là ông kia kìa. (Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí: STALINE)”, hay: “…Chúng ta lại nhờ có ông anh này: (Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về phía chân dung đồng chí: MAO-TRẠCH-ĐÔNG)”,… Tức là ông Hồ cũng chỉ biết một cách “đại khái”, kiểu biết “kia kìa”, những nhân vật Marx, Engels, Lê-nin,… thôi! Tôi còn nghĩ, khéo lúc đó, ông Hồ còn không biết phát âm tên của các nhân vật “đàn anh” như thế nào cũng nên?! Và như thế, cái chủ nghĩa mang tên của “những ông kia kìa”, có lẽ (và nhiều phần chắc chắn), ông Hồ vẫn chưa “hiểu”, tức là không thể “thấm nhuần” được vào thời điểm lúc đó.

2. Một điều nữa là, dường như khi “giới thiệu” “những ông kia kìa”, ông Hồ, không biết vô tình hay hữu ý, đã tỏ một chút “nhạo báng” trong cử chỉ thái độ nói chuyện của mình. Bởi vì, nói gì thì nói, đã “đi làm cách mạng”, tức là một “công việc nghiêm túc”, và khi nói về các “ông thầy”, “đàn anh” của mình, thì ít ra, ông Hồ phải nêu được đích danh từng người một chứ lị! Ai lại “chỉ tay”, “hất hàm”, rồi chỉ vỏn vẻn là: “ba ông kia kìa”! Phải chăng, toàn bộ cái gọi là “sự nghiệp cách mạng” của ông Hồ, cuối cùng, chỉ là một “trò đùa”?

3. Chỉ trong một buổi nói chuyện, ông Hồ đã dùng 12 lần từ “thấm nhuần” (dĩ nhiên là ông ta cùng với “đám thuộc hạ” của mình sẽ còn “ra rả” từ này hàng trăm hàng vạn hàng triệu lần nữa), và thế là “đảng ta và dân ta” liền “thấm nhuần” ngay tắp lự Chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Cái kiểu “tuyên truyền” này thật “hiệu nghiệm”, cứ “ra rả” suốt ngày một điều gì đó, tự khắc “dân chúng” sẽ “thấm nhuần” ngay mà!

4. Có một điều tôi cũng xin “nói nốt” ra đây là, dường như “dân tình” Việt Nam vẫn “nhẹ dạ cả tin” vào nhân vật Hồ Chí Minh này. Bảo rằng, thời xưa, cách đây năm sáu chục năm, khi mà “bóng đêm của ngu muội” vẫn còn bao phủ mảnh đất VN, người ta có thể “người người lớp lớp nhắm mắt đi theo Cách mạng”, thì còn hiểu và thông cảm được, nhưng ở thời đại bây giờ, “ánh sáng văn minh đang chiếu khắp nơi”, nhất là sự tiếp cận thông tin quá dễ dàng bởi internet, mà vẫn còn khá nhiều kẻ “mù quáng” tin rằng ông Hồ là “đỉnh cao chói lọi”! Thật không thể hiểu nổi.

"Mảnh đất dữ" của đàn chim Việt "hiền lành"

“Có một chuyện khá đặc biệt liên quan đến người Việt tỵ nạn mà dường như chỉ có ở Úc mà thôi. Đó là các cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa của miền Nam Việt Nam trước 75 đều được chính phủ và người dân Úc công nhận y như cựu quân nhân của Úc. Họ được tất cả các quyền lợi đãi ngộ của chính phủ và dân chúng dành cho cựu quân nhân Úc…
…Hơn một tuần ở Xứ Thòi Lòi, tôi hòa nhập vào dòng chảy hài hoà và êm dịu của đời sống dân Úc. Tôi thấy lòng mình cũng trầm xuống, ít bon chen và ồn ào hơn”(Trịnh Thanh Thủy)

Tôi cứ suy nghĩ mãi ở đoạn văn này. Tôi tự hỏi, Úc không phải là nước có “liên can” gì đến cuộc chiến Việt Nam 1954-1975 như Mỹ, vậy mà tại sao chính phủ “Xứ Thòi Lòi” này lại có một chính sách xã hội nhân đạo đến như vậy? Với một chính sách xã hội “ưu việt” như thế, chứng tỏ họ đã coi những người dân tị nạn Việt Nam (trong đó có những quân nhân VNCH) như chính những người dân Úc. Tôi có một vài người bạn Úc gốc Hungary, họ chỉ mới “vượt biên” sang Úc vào những năm gần đây thôi. Lý do “vượt biên” của họ rất đơn giản, là muốn đi tìm một “cuộc sống mới ở một miền đất mới”, nhưng họ cũng kể về nước Úc như một “Miền Đất Hứa” giống như Mỹ của những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Họ mãn nguyện và hài lòng với mảnh “đất lành” mà họ đã “đậu xuống”. Đối với họ, nước Hungary hiện giờ không phải là mảnh “đất lành”, mặc dù, có thể nói là tình hình kinh tế và chính trị của nước Hung cũng thuộc loại ổn định trong khối EU. Dĩ nhiên, những suy nghĩ của một vài cá nhân bạn bè tôi không phải là cái gì đấy mang tính “phổ biến” của một xã hội, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, cái sự “hòa giải hòa hợp”, hay nói rộng ra là “sự đất lành” của một xã hội, là “có” đấy và đang được “thể hiện” như ở nước Úc. Nói đến đây, chắc các bác cũng đã đoán ra rằng tôi định nói gì tiếp! Vâng, tôi muốn nói đến trường hợp của cái mảnh “đất dữ” Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam – ĐCSVN, đang “ra rả” suốt ngày là “hãy hòa hợp hòa giải”, nhưng họ đàn áp bắt bớ tù đày những người dân bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh dân chủ (như những Trương Văn Sương, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định,…). ĐCSVN từ thời “cha đẻ” là ông Hồ Chí Minh còn sống, cũng suốt ngày “ra rả” là sẽ “xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn”, nhưng “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy toàn những “Cho đến khi Đảng nhận ra được những sai lầm của mình (triệt để hay không triệt để) thì xã hội đã gánh chịu những hậu quả cay đắng, chưa nói tới một số người phải chịu đựng sự trừng phạt trái pháp luật mà đến nay vẫn chưa rũ bỏ được hết số phận oan trái của mình.” (trích “Nguyễn Kiến Giang – Bàn về sự lãnh đạo của Đảng”, 1990). Có một điều đáng nói ở đây nữa, đó là: Mảnh đất VN hiện giờ là một “mảnh đất dữ”, nhưng “những con chim Việt” hiện đang còn ở trong nước lại không biết được điều đó, bởi có rất nhiều “những con đỉa phải vôi”, “những nghị Hách” đang ngày đêm “ru ngủ” để “hút máu” nhân dân, chúng đang cố sức bảo vệ Đảng CSVN, bảo vệ cái gọi là CNXH, nhưng thực ra là chế độ độc tài toàn trị hậu XHCN!

Và như thế, có một điều “trớ trêu” nữa là, tại sao “những con chim Việt” lại phải “bay” đi tìm “đất lành” ở nơi khác để “đậu”, khi mà quê hương VN vốn là một “mảnh đất lành” từ thời xa xưa cha ông chúng ta để lại?

Chính “những con ác điểu ĐCSVN” mới phải “bay” đi, hoặc “rũ cánh chết đi” để Quê hương Việt Nam sẽ chỉ toàn là “Đường ta đi trời đất yên vui”!

"Tự do" hay là "chết... khát"!

“Tôi đã nghe thấy tiếng vang vọng của tự do rung trong các đồi núi và trên mặt nước bao la của biển lẫn trong tiếng khóc cười của hàng tỷ người trên mặt đất”(Nguyễn Viện)

Tôi thích đọc Nguyễn Viện bởi văn phong của anh bình dị đời thường (chắc các bác còn nhớ là năm ngoái, nhân “vụ Thơ đến từ đâu”, anh đã phát biểu một cách rất “bình dị đời thường” rằng: “Fuck với độc tài, chắc là sướng tê tái.”“Dù có phải đeo bao cao su cũng chưa phải là mất hết sướng.”(trích Nguyễn Viện)), nhưng “hiền triết sâu xa” và mang hơi hướng “Kinh Thánh”. Đã có khá nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình viết về NV, coi anh như một “cây bút Thánh ám” (“Tôi còn thấy Nguyễn Viện bị thánh ám.”Đặng Thân) “mạnh mẽ và quyết liệt” nhất trong giới văn đàn hiện nay. Tôi cũng cho là như vậy. Anh NV hay viết về tự do. Anh khao khát tự do như cây cỏ khao khát ánh mặt trời và nước mát, “Và chúng ta nghe thấy tiếng vọng của tự do rì rào trong lá cây”. Dường như anh muốn nói, đến Đức Chúa Trời còn không dám tước đi cái “quyền tự do” của Con Người khi Ngài để cho Adam và Eva được tự do quyết định cái “Lẽ sống với đầy đủ “mùi vị trần gian thiên đường và địa ngục” của mình”, vậy mà tại sao lại có những “người trần mắt thịt” bạo tàn như ác quỷ, ngang nhiên cướp đi cái “quyền tự do” ấy của “chúng ta”. “Một tiếng nói khác” của anh muốn thét lên rằng: “Tự do không đổi bằng cái chết”, bởi vì “chúng ta vẫn phải sống cho dù tuyệt vọng hay sầu hận mỗi lúc một bi thiết hơn”, bởi vì có một niềm tin mãnh liệt nơi anh, một ngày nào đó chúng ta sẽ có:

“Niềm vui của táo chín trên cành hay trong giỏ của cô gái đi hái táo
Và đó là tiếng nói của chúng ta của mùi vị trần gian thiên đường và địa ngục”

Tôi cũng tin như thế!

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

"Tao xóa" bởi vì "hơi thiếu tao nhã"!

“Chính vì cái việc anh xóa bài của Thanh Bình mà không một lời giải thích riêng lúc ấy, nên tôi mới nói là hơi thiếu “tao nhã”.”(Hoàng Ngọc-Tuấn)

Đọc lời PH này của bác HN-T, tôi nhớ đến “vụ Thơ đến từ đâu?” hồi cuối năm ngoái. Trong vụ này, cái sự “hơi thiếu tao nhã” cũng đã được/bị thể hiện ở nhiều nhân vật liên quan. Tôi thật thông cảm với những người có một tấm lòng, gọi là “tận tâm tận lực “chăm sóc vun xới” văn chương Việt Nam”, như anh Nguyễn Hòa của trang mạng VCV. Gần đây, trên trang VCV của anh Nguyễn Hòa, tôi thấy đã xuất hiện và không bị “xóa” những bài viết “có vấn đề” giống “Bữa tiệc hòa bình” của Nguyễn Thị Thanh Bình. Theo như tâm sự của một chị bạn văn chương của tôi, những người như anh NH đang “tiến hành” một cuộc “cướp lại” những gì của họ mà bấy lâu nay “độc tài” đã cướp đi. Tôi nghĩ, trong “sự cố Bữa tiệc hòa bình”, không phải tất cả mọi “lỗi” là ở anh NH. Mà chắc chắn, phần lớn là ở “lũ”! Bởi vì, nói như nhà thơ Dương Tường, những người như anh Nguyễn Hòa phải “sống chung với lũ”.

Cái “lũ” này, nó không những “hơi thiếu tao nhã”, mà còn hơi bị thừa… “tao xóa” nữa, các bác ạ!

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

"Bán tranh nuôi miệng" hay sự "hữu dụng" của Hội họa

Trao Đổi 8 Điểm

Tôi vội vã xin được chen tiếng “tiếng mộc, tiếng mõ” của mình vào những trao đổi “tiếng sắt, tiếng vàng” giữa hai ông Nguyễn Đăng Thường và Nguyễn Đình Đăng chỉ vì có cái lo rằng nếu như nó trở thành một cuộc trao đổi “chữ nghĩa tàn sát” giữa hai ông thì thật là một điều thật đáng tiếc, tôi thành tâm nói như vậy.”(Phùng Tường Vân)

@bác Phùng kính,

Thấy các bác “trao đổi 8 điểm” với nhau “vui nhộn” quá, tôi cũng xin phép được góp “tiếng than, tiếng r(d)ầu” vào “tám”(điểm) với các bác một chút:

1. Cái việc bác PTV lo rằng, cuộc “cãi” về “tranh” của hai bác Nguyễn Đăng Thường và Nguyễn Đình Đăng sẽ trở thành cuộc “chữ nghĩa tàn sát” thì tôi thấy là hơi bị… thừa, bác Phùng ạ. Tham gia diễn đàn talawas này cũng thường xuyên, nên tôi nhận thấy, bên cạnh những bác khác, nhà thơ Nguyễn Đăng Thường là một trong những “PH viên” có nhận xét sâu sắc nhất về các bài viết. Và việc này, nói không ngoa, theo tôi là, dường như nó tăng thêm “hấp dẫn” cho bài viết. Bởi vì sau đó, cả tác giả lẫn độc giả, đều “giãy nảy” lên viết phản hồi. Đấy là thực tế trên diễn đàn talawas này!

2. Như một lần, trong PH của mình, tôi có nhận xét: “Phải công nhận bác Thường thỉnh thoảng có những câu hỏi “điếng người” thật!”, và lần này, câu hỏi “Hà Nội “đẹp” trong mắt ai?” cũng là một câu hỏi “điếng” người! Thú thật với bác Phùng là tôi đã “điếng” người đến “choáng váng”. Bởi vì, một phần là tôi cũng sinh ra và lớn lên đến năm 10 tuổi thì rời xa Hà Nội và chưa bao giờ hỏi mình là Hà Nội có “đẹp” trong mắt mình không, phần nữa là “nó” đã làm tôi phải tự đặt tiếp ra một “đống” câu hỏi khác. Ví dụ như: Hà Nội, thực sự “đẹp” hay “xấu”? Nếu “đẹp”, thì “đẹp” ở chỗ nào? Hay chỉ “đèm đẹp”(xin mượn chữ của Trần Dần) thôi? Hà Nội “đẹp” bao giờ? Xưa hay nay? Vì sao?, v.v…

3. Nhớ “trận lụt thế kỷ” năm 2008 tại Hà “Lội”, sau khi nghe thằng bạn kể cảnh “Hà Lội mùa này, phố cũng như sông”, tôi mới bật cười bảo nó: Chính vì thế mà ngày xưa, “cụ Rồng” do không chịu nổi mảnh đất “chiêm khê mùa úng” nên đã “bay lên” để bỏ đi đấy, vua Lý Công Uẩn nhà ta là “bé cái nhầm”, chẳng có “đất thánh đất thẹo” gì đâu, kinh đô Thăng Long ngày xưa trở thành “kinh hoàng” Hà Nội ngày nay, chẳng có gì là lạ cả, mày có gặp nhạc sĩ Phú Quang thì nhắn ông viết lại tên bài hát đi, phải “Eo ơi, Hà Lội phố!” mới đúng!

4. Đùa tí vậy thôi, nhưng nói gì thì nói, tôi phải công nhận câu hỏi “Hà Nội “đẹp” trong mắt ai?” của bác Nguyễn Đăng Thường thật đẹp. Đẹp như một câu thơ! Và, không những “đẹp”, nó còn có thể “variable” thành những câu hỏi “đẹp” tương tự khác: “Đẹp” mắt ai trong Hà Nội?, Hà Nội “đẹp mắt” trong ai?, Ai trong “mắt đẹp” Hà Nội? Hà Nội, “mắt đẹp” trong ai?…

5. Về câu “Hội họa thực sự là vô dụng” của bác Nguyễn Đình Đăng, thì tôi cũng có ý kiến giống bác Nguyễn Đăng Thường, tức là không đồng ý với nhận định như vậy. Tôi có anh bạn là nhà thơ Nguyễn Hưng Simon, con rể của cố họa sỹ nổi tiếng Diệp Minh Châu. Anh Hưng có kể chuyện bố vợ anh có một lần tâm sự rằng, “đối với ông, hội họa như một dòng sữa nuôi sống ông, ông “tồn tại” bởi vì ông vẽ, nặn tượng.”. Tức là, ở đây, tôi muốn nói, hội họa thực sự là hữu dụng, ít ra với chính bản thân người họa sĩ. “Hữu dụng” có thể hiểu là ở việc giúp bản thân người họa sĩ “biểu hiện nội tâm”, giúp người xem “đến gần” với “cái Đẹp”,… Đấy là chưa kể, người họa sĩ có thể “bán tranh nuôi miệng”, điều này quá “hữu dụng”, phải không các bác?!

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Chiến tranh và Hòa bình "bẩn thỉu"

“Cuộc chiến đã 30 năm qua, mà bây giờ những người Việt Nam chiến thắng vẫn chưa biết cách đối xử tử tế với các tử sĩ miền Nam.
Ðó thật là điều bất hạnh cho Việt Nam.”(Giao Chỉ )

Đọc bài chủ này và lời PH của Dinh Le, cụ thể là đoạn trích trên, tôi nhớ đến một bài báo tôi dịch và gửi cho talawas bộ cũ cách đây cũng đã lâu. Tôi xin trích ra đây một đoạn của bài báo:

“Từ tháng Giêng năm 1973, sau khi Hiệp định ngừng bắn giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết tại Paris, “chiến tranh bẩn thỉu được thay bằng hoà bình cũng bẩn thỉu như thế”! Ông Tom Polgar, Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn, một trong ba nhân vật quan trọng nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong thời kỳ nước Mỹ tham chiến tại Việt Nam, đã phát biểu như vậy (theo lời kể của một nhân viên dưới quyền ông).”(trích “Réti Pál – Một người Hung thầm lặng”)

Có vài cảm nghĩ như thế này, xin được chia sẻ với các bác:

1. Tôi luôn luôn cho rằng, cứ chiến tranh, dù có mang một “chính nghĩa” gì đi chăng nữa, thì ở đâu và bao giờ cũng là “bẩn thỉu”. Cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 là một “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”. Về điều này, trên talawas này chúng ta đã bàn nhiều và chắc còn phải bàn tiếp, bàn… “mệt nghỉ”! Tôi chỉ muốn nhắc lại ở đây về “sự chiến thắng” của những người Cộng Sản Việt Nam. Với cái thực trạng “hòa bình” hiện giờ của Việt Nam, thì cái “hòa bình cũng bẩn thỉu như thế” mà ông tướng CIA Tom Polgar nói đến trong đoạn văn trích trên, dường như “nó” đã “kéo dài” cho đến tận bây giờ, và đang “hoành hành” trên khắp đất nước VN. Vậy thì, chiến thắng một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” để giành được một “hòa bình cũng bẩn thỉu như thế”, có nên gọi là “chiến thắng” không? Theo tôi, thì không.

2. Nước Mỹ, ngay sau cuộc Nội chiến, đã thiết lập nền hòa bình “trong sạch” thật sự, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, và từ đó, phát triển thành một cường quốc số 1 của Thế giới như hiện nay. Còn Việt Nam ta, không những “những người Việt Nam chiến thắng vẫn chưa biết cách đối xử tử tế với các tử sĩ miền Nam”, mà còn không thiết lập được một nền “hòa bình trong sạch” (dân chủ, tự do) thật sự. Ngày nay, cái “thành quả cách mạng” mà ai cũng có thể “nhìn thấy” là: VN là một quốc gia có chế độ chính trị độc tài toàn trị, nhân quyền không có, tự do cũng không, kinh tế phát triển què quặt, yếu kém, đạo đức xã hội con người thì xuống cấp, hay nói như bác Lê Diễn Đức là “đã bị lưu manh hóa”
Đây mới chính là điều bất hạnh cho Việt Nam!

3. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 “bẩn thỉu” đã 35 năm rồi, nhưng có vẻ như những người CSVN vẫn nghĩ rằng, họ là “những người chiến thắng”. Có thể hiện giờ, họ có được quyền lực cai trị đất nước, mỗi cá nhân họ đã có một “đống” của cải này nọ, nhưng cái thất bại mà họ không bao giờ chịu nhìn nhận, là đã đưa Việt Nam vào con đường suy thoái, và có thể bị diệt vong!

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

"Vòng 3 của em gái" hay cái "mông muội" của loài người

“Ông tỏ vẻ bất bình về chuyện kể thân mẫu Lý Công Uẩn thụ thai vì gần gụi người thần (“thần nhân” trong nguyên tác chữ Hán) và kết án nặng nề tác giả Đại Việt Sử ký Toàn thư (mà ông không rõ danh tính). Xin ông vui lòng xét lại thái độ đối với tiền nhân.

Người xưa viết sử chịu ảnh hưởng văn hoá, xã hội, chính trị v.v… khác hẳn với chúng ta ngày nay. Tác giả Đại Việt Sử ký Toàn thư – giới nghiên cứu quen gọi là Toàn thư – là Ngô Sĩ Liên đỗ tiến sĩ cách đây năm trăm sáu mươi tám năm. Vận dụng cung cách suy nghĩ thời internet để phê phán một nhân vật sử dụng bút lông mực xạ tưởng cần phải thận trọng.”(Trần Văn Tích)

@bác Trần Văn Tích kính,

Trước hết, xin cám ơn bác về thông tin tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tôi xin thú thực là, từ thời còn đi học phổ thông trong nước, đã rất “dốt” về môn Lịch sử, nên có thiếu sót là không biết đến tên tuổi của bậc tiền nhân Ngô Sỹ Liên. Bây giờ, tôi xin được trao đổi với bác về vài điểm trong PH của bác như thế này:

1. Thứ nhất: Thực lòng mà nói, tôi không có ý định “kết án” ai cả qua cái PH vừa rồi của mình. Là một độc giả bình thường của diễn đàn talawas này, tôi không có một “đặc quyền” gì để mà có thể “kết án” bất kỳ một ai đấy, “tiền nhân” hay “thần nhân”. Vậy nên, bác bảo tôi “hãy xét lại thái độ đối với tiền nhân” là ý bác như thế nào ạ? Có phải là chúng ta hãy cứ chấp nhận đi, tiền nhân nói như thế là đúng đấy? Nếu ý bác là như vậy, thì tôi sẽ làm bác thất vọng đấy. Tôi không chấp nhận được cái kiểu “viết sử” này của ông Ngô Sỹ Liên đâu! Nếu bảo rằng ông “tiền nhân” NSL đang viết chuyện (tâm) thần thoại dã sử về Lý Công Uẩn, thì tôi có thể “chậc” lưỡi một cái mà gật gù rằng, ờ, thì cũng chẳng chết ai, không biết chính xác cha của Công Uẩn là ai thì “đổ” cho “thần nhân” hóa lại hay! Nhưng nếu ông “tiền nhân” NSL là đang viết sử nghiêm túc, thì phải nói là tôi thật “ngao ngán” với trình độ sử học của vị “tiền nhân” này của bác. Thế thôi! Bác có “viện” ra một loạt “lý gio lý trấu”, nào là “thời đại bút lông mực xạ”, hay “người lạ người quen”, thì tôi vẫn không thay đổi “lập trường” của mình được. Và trong trường hợp này, cái “chủ nghĩa xét lại thái độ đối với tiền nhân” của bác Tích, dĩ nhiên là tôi “gột bỏ” thẳng thừng!

2. Thứ hai: Cái sự bác cho là “Người xưa viết sử chịu ảnh hưởng văn hoá, xã hội, chính trị v.v… khác hẳn với chúng ta ngày nay.” là tôi thấy nó “ngụy biện” với tinh thần học thuật của diễn đàn talawas này. Nó “ngụy biện” ở chỗ là, tại sao chúng ta ngày nay vẫn cứ phải chấp nhận cái sự “khác hẳn” của người xưa? Đành rằng thời đại nào cũng có cái “mông muội” và cái “văn minh” của nó, nhưng tại sao chúng ta không “gột bỏ” cái mông muội đi để “xây dựng” cái văn minh cho mình? Thiết tưởng, mục tiêu sống chính của loài người là xây dựng nền văn minh cho chính mình, và công việc đầu tiên là “gột bỏ” sự mông muội của “tiền nhân”, có phải không bác Trần Văn Tích?

3. Thứ ba: Tôi luôn luôn nghĩ rằng, trong tranh luận học thuật, thì không có chuyện “thái độ”, hoặc chuyện “tiền nhân – hậu nhân”. Mọi “thái độ” đều “tan biến”, và mọi “hậu nhân” đều có thể trở thành “tiền nhân”, nếu thời gian trôi đi đủ lớn. Sau vài trăm năm nữa, bác và tôi đều sẽ trở thành “những tiền nhân”. Vấn đề là, chúng ta – những “tiền nhân tương lai”, sẽ “để lại” được gì cho “hậu thế”! Bởi vì, đó là trách nhiệm của chúng ta, và công việc viết sử một cách trung thực là một trong những “trách nhiệm hàng đầu” của mọi thời đại. Cái lịch sử VN đã bị “viết sai” một cách thảm hại, nhưng không phải là do “viết bằng bút lông mực xạ”, mà phần lớn là do “hậu thế” không tìm cách “gột bỏ” những mông muội của “tiền nhân”. Xin bác Tích cứ nhìn vào cái “di sản” của “tiền nhân” là cái nước VN hiện giờ của chúng ta đi! Bác sẽ hiểu tôi ngay thôi mà! Trân trọng.

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

"Nực sử" Việt Nam oai hùng!

“Vua mặc áo Tàu, quân mặc váy Tây, cái nước mình nó cứ phải linh tinh như vậy thì mới ra Việt Nam chăng?”(Phùng Tân Côi)

Đọc bài này, rồi đọc chuyện “Đường tới thành Thăng Long hay Đường về nô lệ”, tôi nhớ đến lời PH của Đinh Công Bình dưới bài “Tranh luận xung quanh phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” trên talawas này, trong đó có đoạn: “Về thân thế của Lý Công Uẩn, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau:

“Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh.”

Trong bản dịch Việt Sử Lược, dịch giả GS Trần Quốc Vượng đã chú thích như sau về “hành trạng” của Lý Công Uẩn:

“Theo Toàn thư và Cương mục, bà mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng thần nhân giao hợp mà sinh ra vua. Đến năm lên ba, mẹ bế đến nhà Lý Khánh Vân, Khánh Vân nuôi làm con. Nhân đấy lấy theo họ Lý… Vậy thuyết nói Công Uẩn gốc người Mân có thể đúng, và để giấu gốc tích Trung Quốc của mình, Lý Công Uẩn đã bịa ra thuyết là con thần nhân, đồng thời cũng để tăng lòng tin cậy của dân. Tống lấy đất Mân năm 971, có thể gia quyến Công Uẩn chạy sang nước ta sau năm đó; cũng như tổ tiên Hồ Quý Ly, Trần Lãm (1 trong 12 sứ quân)đều là gốc người Bắc, tránh loạn sang nước ta vào cuối đời Ngũ đại.” (VSL, nxb Thuận Hóa 2005, tr. 118).

Như vậy giả thuyết Lý Công Uẩn có gốc Phúc Kiến cũng đã được giới sử học Việt nam đặt ra. Chỉ tiếc là GS Trần Quốc Vượng không dẫn chứng kỹ lưỡng các tài liệu ông đã dẫn để người đọc có thể kiểm chứng.”

Có hai suy nghĩ về “những thứ linh tinh của VN” như thế này, xin được chia sẻ với các bác:

1. Tình tiết “nực sử” “Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh.”, tức là vua Lý Công Uẩn là con của “thần”, thì không thể nào chấp nhận được. Tôi không biết ai là tác giả của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhưng viết sử Việt Nam như vậy thì, trình độ sử học của vị tác giả này, nói không quá, có lẽ bằng… Nguyễn Minh Triết là cùng! Cái “linh tinh” thứ nhất ở đây là cái sự ra đời rất thường tình như bao con người bình thường khác trên cái hành tinh này của một nhân vật “người trần mắt thịt” là Lý Công Uẩn, nhưng lại được hư (giao) cấu thành “cùng với người thần giao hợp rồi có chửa”. Cứ cái kiểu “viết sử” như thế này, thì đến năm 3010, tức là 1000 năm nữa, người ta sẽ bảo là ông HCM cũng sinh ra đời là do mẹ ông ta “giao hợp với người thần” chắc?!

2. Mr. Do viết: “Đã xuất hiện trên báo chí “dòng chính” và các trang mạng nhiều ý kiến chỉ trích bộ phim Đường tới thành Thăng Long. Các chỉ trích trước sau đều xoáy vào một điểm: “giống Tàu”. Theo nhận định của GS Trần Quốc Vượng là “Vậy thuyết nói Công Uẩn gốc người Mân có thể đúng, và để giấu gốc tích Trung Quốc của mình, Lý Công Uẩn đã bịa ra thuyết là con thần nhân, đồng thời cũng để tăng lòng tin cậy của dân.”, thì cụm từ “giống Tàu” ở đây, đúng cả về “nghĩa đen” lẫn “nghĩa bóng”! Vậy thì, làm một bộ phim về “giống Tàu”, không “giống Tàu” thì “giống Ai?”

Còn rất nhiều “những thứ linh tinh” khác của “nực sử VN”, nhưng có lẽ, xin để các bác khác lên tiếng vậy!