Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Muối và Tiêu (5)

Lâu đài

Trời chiều xám xịt lúc tôi đến lâu đài. Tôi, kẻ du mục xa lạ. Lâu đài đang tàn đổ, những chủ nhân của nó, những quí ông bỏ đi từ lâu, có lẽ giờ này họ ngồi trong những căn phòng thuê ngắn hạn ở đâu đó, những thành phố lớn, giải ô chữ, đố vui, dưới ánh điện, họ nhìn những móng tay dài của họ, phụng phịu. Lâu đài còn lại ở đây, ngày thêm ngày, phai nhạt hơn, loang lở hơn, như một người bệnh mãn tính. Hôm nay một cái cột đổ, ngày mai một cửa sổ rơi. Rêu xanh phủ kín dần các bức tượng sư tử bằng đá. Hồ phun nước cạn khô, xác những con cá vàng cong keo, chỏng chơ. Phía sau miếng kính vỡ cửa sổ, trong những căn phòng phất phơ mạng nhện, hoang trống, chỉ cơn gió của nỗi đau đớn tình yêu đơn phương còn mải miết giật kéo các cánh cửa. Bởi vì những lâu đài cũng đang chết đi, như mọi thứ quí tộc trên thế gian này. Chúng mất đi, như tôi và bạn. Nào, chúng ta hãy cùng ngồi xuống thềm đá của lâu đài nào!

Sự trọn vẹn

Chẳng phải là thời trai trẻ tốt hơn: nông nổi thì đúng hơn, ta luôn sợ rằng mình bỏ sót cái gì đó. Giờ đây ta biết, hàng ngày, mọi giây phút, ta đều bỏ sót rất nhiều; nhưng cái ý thức này không còn làm ta đau nữa. Tuổi trẻ đầy một loại u buồn của ta, như bóng tối và áp suất thủy lực cho những loài cá dưới đại dương sâu thẳm; ta gần như sợ đến những vùng trời khác, lên cao hơn, lên trên bề mặt. Giờ đây ta không sợ gì nữa, ngoài những căn bệnh triền miên, những cuộc đọa đày phi lý. Cái chết, sự nghèo khổ, những xuẩn ngốc thú vật của con người, tất cả tồi tệ của trần gian, đã không còn gây cảm giác sợ hãi cho ta nữa. Không, thời trai tráng không tốt hơn. Giờ đây mọi thứ có vị thật của nó: ngọt: là ngọt, đắng: là đắng, cái gì thơm: là thơm, cái gì thối: là thối. Có lẽ đây là thời gian của sự trọn vẹn, giữa bốn mươi và năm mươi. Thời Gian, ta xin cúi rạp trước ngươi, lặng lẽ và thành kính!


Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Muối và Tiêu (4)

Tự sự

Có lẽ khoảnh khắc, khi bạn tuyên bố bạn muốn tất cả mọi thứ, sẽ phải đến. Tất thảy, những thứ đích thực, không phải những thứ đền bù, hoặc tương tự, hay phụ: tất thảy, hạnh phúc và đích thực, toàn bộ sự thật, cho dù chúng có đáng sợ và thô thiển như thế nào chăng nữa. Bạn không muốn những thứ thay thế cuộc sống, chỉ hao hao giống cuộc sống, bạn không muốn những thứ chỉ là bức tranh biến dạng khéo léo của tâm hồn và chữ nghĩa, thay vì tâm hồn và chữ nghĩa; bạn muốn yêu đương những người đàn bà đích thực, muốn viết những cuốn sách đích thực, muốn chiến đấu và hòa giải với những con người đích thực. Bạn muốn tất thảy, không muốn từng mảnh rời rạc của cuộc sống. Ước muốn của bạn không thành. Bạn thất bại. Là kẻ chiến bại bị đâm gục xuống đất bùn, bạn hãy than lên điều này: "Ít nhất ta đã thèm muốn tất thảy, ít nhất ta đã muốn cái đích thực, chỉ bấy nhiêu thôi, các người hãy hiểu và tha thứ cho ta."

Mưa

Đã bốn ngày mưa rơi. Tôi viết những dòng này dưới ánh điện, vào buổi chiều; mưa lộp bộp lên kính cửa sổ, như thể thiên đàng đang dùng một súng máy xinh xinh nã những tràng đạn mềm mại xuống trần gian. Tất thảy một màu xám xịt như những tàu chiến hạm, ướt át và căng thẳng.

Bốn ngày mưa rơi, tôi không nhìn thấy lối thoát cho cuộc đời mình. Có lẽ sáng suốt hơn, nếu tôi nằm xuống vệ đường, trần truồng, để mưa xối thành tấm giẻ rách ướt, bủng mục. Tôi nghĩ đến điều này và nghe tiếng mưa rơi. Tôi chăm chú nghe, bởi vì điều ấy cũng có ý nghĩa.

Tâm thức

Chúng ta không biết gì về cơ thể của chúng ta. Người ta dạy dỗ chúng ta kém. Tôi gọi điện từ phòng mình đến San Francisco, nhưng tôi không rõ trong những giây phút đó, gan và mật của tôi làm gì. Nhiệm vụ của nền giáo dục mới sẽ là tường thuật cuộc sống của các cơ quan nội tạng. Tôi mà biết động tác của tay, mắt, miệng, thì cũng như thế, cần biết sự hoạt động của dạ dày, lá nách, thận. Con người chưa đủ mạnh và dũng cảm với chính bản thân. Bằng cặp mắt chó sói, con người đã nhìn tới những ngôi sao; với gan và ruột mình, vẫn không dám. Một tâm thức sâu xa hơn, sự kết nối bằng tia röntgen thế nào đó với bản thân - đây là con đường của loài người. Nhưng con đường này đầy trở ngại và đáng sợ, như một cuộc du hành lên Mặt Trăng.

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Muối và Tiêu (3)

Không khí

Không khí vào đêm trở nên hiền dịu hơn, như thể thế giới hiểu ra rằng, với cơn giận dữ không thể giải quyết được việc gì cả. Với cơn giận dữ, chỉ có thể hành động mà thôi; nhưng sự giải quyết hơn hẳn hành động. Con người hòa giải và sự yên bình sẽ có. Thế giới hòa giải với mùa xuân cũng như vậy đấy. Chỉ những rặng cây còn chiến đấu trong rừng, trần trụi, với những thanh gươm tuốt khỏi bao. Nhưng thung lũng đã trải dài, như một người tình mệt mỏi, giang rộng hai cánh tay. Đâu đây tiếng nhạc đu quay của gánh xiếc ngân nga. Cái gì đó lướt chạm mặt tôi. Tôi không tin vào niềm hạnh phúc, nhưng tôi mừng vui vì vẫn tồn tại khoảnh khắc bình yên trên thế gian này.

Tội lỗi

Tội của tôi không phải là vì tôi nói này nói nọ, cũng không phải là vì tôi làm này làm nọ: tôi không lột hết tiền của các quả phụ và những đứa trẻ mồ côi, không thu tiền vay lãi từ người nghèo, không thuê nhân công với đồng lương rẻ mạt. Nhưng tôi vẫn có tội. Tội của tôi đơn giản là vì tôi sống.

Dường như con người ta luôn luôn sống để chống lại ai đó, chống lại ít hoặc nhiều người. Con người ta luôn luôn sống từ mỡ, công việc, giấc mộng, hạnh phúc của kẻ khác. Tội lỗi của tôi, đơn giản là tôi sinh ra và sống trên đời này. Tội lỗi lớn. Tôi bắt đầu hiểu rằng, người đời không biết và không thể tha thứ tội lỗi của tôi.

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Muối và Tiêu (2)

Con voi

Tôi nhìn thấy con voi mẹ dẫm chết con voi con vừa sinh ra của mình trong khu vườn giam. Thời gian trôi qua trên đầu tôi, trái tim và tư duy của tôi ngày càng nặng mối ưu phiền, tôi muốn tha thứ con voi mẹ và hiểu được hành động của nó. Nhưng tư duy và trải nghiệm chỉ dạy tôi một điều: cuộc sống có duy nhất một sự tử tế, vì nó đáng sống, đó là sự tự do. Tôi bắt đầu hiểu con voi.

Khả nghi

Tôi ngồi trong quán cà-phê, cô đơn và rầu rĩ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi không hiểu thế giới xung quanh mình, và cùng lúc tôi cảm nhận được ánh nhìn hiện hữu hơn sự va chạm của khả nghi: ai đó đang theo rõi. Từ bàn bên cạnh người ta đang theo rõi tôi; phải chăng công an mật, hay điệp viên chính trị, săn bắt tư tưởng, hoặc thanh tra thế giới quan. Tôi cảm thấy khó chịu. Tôi là một kẻ khả nghi.

Nhưng tôi không là đảng viên của đảng nào cả, tôi nộp thuế đầy đủ, không ăn trộm, không giết người, từ lâu không thèm muốn vợ người khác, bởi vì tôi an phận rằng không có giải thoát trên cõi đời, giữa con người và con người, giữa đàn bà và đàn ông. Vậy tại sao có sự nghi ngờ này? Tôi tội gì?... Tôi chợt hiểu ra:

- Tôi là kẻ khả nghi, bởi vì tôi suy nghĩ.

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Muối và Tiêu (1)

Đây là thập niên giữa bốn mươi và năm mươi, người Pháp gọi: "giữa muối và tiêu". Họ hiểu về mái tóc, xen lẫn màu đen tiêu là cái uyên bác màu muối của những sợi màu bạc. Họ hiểu về con người, bắt đầu trở nên từ tốn hơn: không còn nóng vội và chua cay nữa, thay vào đó, muốn cứu độ và giải thoát. Họ hiểu về cuộc sống, mờ nhạt hơn, vô vị hơn.

Phải chăng cuộc sống trở nên mờ nhạt hơn, vô vị hơn, giữa bốn mươi và năm mươi, giữa muối và tiêu?... Thi thoảng, chưa bao giờ cuộc sống lại đúng và thật như thế. Con người ta sống cuộc sống giữa bốn mươi và năm mươi, không phải cho những dự định xa xăm nữa, cũng không phải cho khoảnh khắc ngắn ngủi, tham lam, như thời trẻ và tuổi già: đây là thời gian sống cho thực tại hiện hữu, cho ban ngày và ban đêm, chính xác, toàn bộ ngày, từ lúc bừng tỉnh thức dậy đến lúc chìm vào giấc chiêm bao, một cách chăm chú và ơn huệ, tường tận và nhẫn nại, gần như hạnh phúc. Bởi vì, niềm hạnh phúc, không gì khác, chính là nắm bắt được cái cuộc sống thực tại, chịu đựng và thông hiểu nó.

Thế giới vẫn xám dần... chỉ một ít, như vào đầu tháng Mười, buổi chiều, những ngày sương mờ. Đâu đó vang lên tiếng đàn, mặt trời chiếu nắng giữa những đỉnh núi, đâu đó những con người suy tư và chiêm nghiệm, đâu đó chúng ta vẫn phải làm gì đó với đời... Ôi, cầu phước lành! Bạn hãy đứng lại, im lặng, khoanh tay trước ngực, hãy mỉm cười, giữa bốn mươi và năm mươi, giữa muối và tiêu.

Trên đây là đoạn mở đầu cuốn "Muối và Tiêu" của Márai Sándor. Mình tự dưng lại thấy muốn dịch Márai. Hôm trước lục lọi cái giá sách, mình tìm thấy cuốn này. Đọc mải miết, quên ngày quên đêm... Ôi, Márai...

Cô gái

Cô gái, không lý do, bật cười khanh khách. Xung quanh cô, bừng sáng dần. Cô cười, vì cảm thấy niềm vui trào dâng trong thân thể mình, hoặc vì cô nhớ lại cái vị ngòn ngọt của miếng bánh sữa, hoặc vì trong đầu hiện lên nụ hôn đầu tiên cô nhận mới đây ở buổi dạ hội, tại hàng lang, bên tai văng vẳng, ngột ngạt tiếng dương cầm dạo khúc van-xơ. Cô vẫn cười. Toàn thân rung lên. Những ngón chân cựa quậy, bờ vai mơn mởn gợn sóng, hai đầu gối nhấp lên nhấp xuống. Cô gái thật hồn nhiên, trẻ thơ. Không phải cô hạnh phúc, chỉ vui mừng. Cô chưa muốn gì, chỉ sống. Tôi nhìn cô gái đầy ngưỡng mộ. Tôi kính cẩn nghiêng mình.


Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

"Cá" đã "tôi" thế đấy!

Hôm trước một thằng bạn nhậu gọi điện cho mình hỏi, này, mày viết tôi ta cá nhân cá quả gì trên blog mà tao chẳng hiểu gì cả. Mình cười, bảo, thế à, ai bảo nhậu cho lắm vào, mấy chai rồi. Nó rống lên, nghiêm túc đấy, mày viết lại cái entry đó đi, à, mà rảnh không, ra quán Hồng đi, làm vài choác, tao đang khát khao tự do hai chén ngọt ngào đây. Mình phì cười, chứng tỏ hôm nay mày chưa say, ừ thì ra. Ở chỗ mình có hai quán bia mình hay đến, một của Tàu, một của Hung. Quán Hồng là quán có tên Hongkong, bọn nhậu người Việt gọi tắt thành quán Hồng, để phân biệt với quán Hung kia, tên là Xanh.

Mình ra đến quán thấy thằng bạn đã ngồi phì phèo bên cô bồi bàn người Ucraina. Nó nói gì đó với cô gái, cô ta cười tít mắt. Thấy mình đến, thằng bạn giả vờ nghiêm mặt, nói nhanh với cô ta, thế nhá, mai kể tiếp, rồi quay sang chào mình. Lại chén tạc chén thù hả, mình bắt nọn. Nó cười hê hê, mày lại xuyên tạc tao rồi, không có gì đâu.

Chả là thằng bạn mình, tuy nó mới "nửa chừng xuân", nhưng, như nó thường tự ca ngợi, một mình hai vợ ba con bốn bồ năm chai! Tức là, nó bảo, tao là thằng lãng tử... đa tình! Hồi còn talawas, nó hay "xúi" mình viết những ý nghĩ khá là... độc đáo của nó lên phần PH của talawas, tất nhiên là lấy tên mình. Có lần mình hỏi, sao mày không đăng ký một tên mà viết, tự viết không hay hơn à, hay tay mày giờ chỉ biết nâng cốc, quên mất bấm bàn phím rồi. Nó cười he he, quên làm sao được, cuốn Nhật ký khổ sai tao dịch gần xong rồi đấy, tao không thích phản biện phản thùng, đa nguyên đa đảng gì sất, chỉ thích đa chai đa chén, tức là đa... tình thôi. Một lần nó giải thích, tình là chai là chén, hết tình là quên béng nhau ngay, cụ Khiêm đã nói rồi mà, còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi. Mình nghe xong chỉ biết cười trừ với nó...

Cái câu "chén tạc chén thù" cũng là do nó nghĩ ra với cái nghĩa khác. Hồi mới sang Hung, một hôm nó bảo, này Đức ơi, bọn mình sang Hung đây phải thực hiện chính sách chén tạc chén thù thôi. Mình ngạc nhiên hỏi lại, cái gì, làm cái gì. Nó cười hí hí, tức là uống rượu và tán gái ý, mày củ cà zốt thật, đất Hung đầy rượu ngon và gái đẹp, ôi, những nàng tiên tóc vàng da trắng mắt bồ câu chân dài thuột... Và thế là, nửa thế kỷ qua, thằng bạn của mình đã không "chối bỏ" được cái "chính sách" kể cũng... "có lý" này của nó!

Mình ngồi xuống bên cạnh, hỏi luôn, nào, mày không hiểu ở chỗ nào, mày dịch Nhật ký khổ sai thì phải hiểu Kertész nói gì chứ. Nó phẩy tay, ăn cái gì đã, ê, em ơi, cho tụi anh nồi lẩu nhỉ, lẩu cá. Cô bồi bàn lại cười tít mắt với nó, vâng ạ. Thằng bạn nhìn mình nháy mắt, mày viết cá nhân cá quả, thì hôm nay lẩu cá. Mình gật đầu, ờ, nhưng đừng có mà... "lẩu quả" (phát âm từ "lâu quá" theo tiếng miền Trung) như lần trước đấy nhá. Thằng bạn vừa châm điếu thuốc mới vừa nheo mắt nhìn mình, này, theo tao, cái tôi, cái cá nhân như mày viết, chỉ là một thôi, tức là giả sử, cứ cho là tồn tại cái sự riêng rẽ giữa chúng đi, thì vẫn không thể biểu hiện cùng một lúc được. Mình gật gù, cũng có thể, nhưng dù sao quả đất vẫn cứ quay, he he..., ý tao muốn nói là, vẫn tồn tại hai bản thể riêng rẽ của cái tôi và cái cá nhân, sự biểu hiện cùng một lúc của hai bản thể riêng rẽ này, chúng ta - những cái "ta" thiểu não - không đủ "trình độ" để "thấy" được. Nói xong câu này, mình thấy thằng bạn đột nhiên im lặng sau màn khói thuốc. Nó có vẻ như chìm vào dòng suy nghĩ chợt đến nào đấy của nó. Mình nhìn bâng quơ ra cái bể cá vàng của quán, những con cá vàng ngàn năm câm nín đang lượn lờ trong bể. Mọi sự ở bên ngoài cái bể đối với chúng chẳng là cái quái gì cả, mình nghĩ, cá vàng ơi, có chăng cái tôi của mày. Mình chợt vỗ vai thằng bạn, này, mày biết không, tao vừa thấy cái tôi của mày đấy. Thằng bạn tỉnh hẳn, bậy nào, thấy gì nào. Mình phì cười, ha ha... thì tao thấy cái cá nhân của mày chẳng đang hút thuốc, trong khi cái tôi của mày nghĩ về nàng là gì, đúng không. Nó há hốc mồm chấp nhận, đúng, đúng, thằng này khá, mày nói đúng, vậy mà tao không nghĩ ra, hay, hay...

Buổi nhậu hôm đó hai thằng mình say bí tỉ, mỗi thằng nốc trọn năm chai bia vào ruột,... đúng tiêu chuẩn!

"Cá" đã "tôi" thế đấy!


Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Cái "tôi" và cái "cá nhân", hay thân phận của "ta"

Hôm trước mình được chị Nh. gửi cho một bài thơ "buồn thấm thía" của chị ấy. Mình đọc xong, thấy cũng buồn thật! Liền viết thư cho chị Nh. như thế này:

Chào chị,

Đọc cái bài chị gửi, em bị ám ảnh mãi, không ngủ được. Có thể là do cái "âm điệu" u ám đau buồn, như chị viết:
"đau buồn là niềm hân hoan duy nhất xác thực, là hạnh phúc duy nhất diễn tả nỗi hài lòng của con người.

Đau mang lại cảm giác duy mỹ hiếm hoi từng ngày. Cái đẹp là sự nâng niu từng nỗi đau phải sống,"

gây ra cũng nên?!


Em có cảm giác là chị đang đánh mất đi cái vô tư yêu đời, cái lạc quan tin tới một tương lai gì đấy, mà những người tuổi rắn như chị em mình thường hay có!

Những bài viết gần đây của chị đã mang đậm hơn những nét buồn, những hơi đau nhân tình thế thái... Em nghiệm ra một điều, là khi càng viết nhiều, nhất là những nhà văn, người ta càng đi gần đến cái thực chất sâu thẳm nhất của sự việc, của vấn đề. Như anh V. chẳng hạn, những bài viết gần đây của anh ấy cũng dường như "toát" ra mạnh mẽ hơn nỗi đau cô đơn của người sáng tác. Phải chăng là anh chị đã đạt được đến cái cần phải đến: sự tha phương hiu quạnh của một kiếp người hiu quạnh!


Em nhớ đến bài thơ chị viết gửi tặng NTC, trong đó có câu:


"Thi sĩ

là kẻ

chưa bao giờ thất lạc giữa quê hương."

Và bây giờ, khi đọc những dòng này của chị:

"cơn mộng du xé nửa giấc trăng tàn

ngơ ngác ngày xuân lá xanh vặt lá xanh trần trụi

đêm phiền muội thắp lửa lòng phiền muội

hơ nóng quạnh hiu bằng một kiếp quạnh hiu."

thì em lại thấy, thi sĩ là kẻ, bao giờ cũng thất lạc giữa quê hương!

Và không những thế, ở đâu trên cái Trần gian lắm này, con người chúng ta cũng đều là những kẻ thất lạc hết trọi! Hahahahahahaha...

Chị có đồng ý với em không?!?!


Và hôm nay, mình lại nhận được lời chia sẻ của bác Trần Quốc Việt trên blog này của mình. Mình bị "choáng váng" bởi câu này của bác ý: "Chúng ta tự nguyện lưu vong mà sao vẫn nặng lòng về quê cũ hở bác"

Mình nói mình bị "choáng váng" là vì câu nói này của bác ý, sao nó "buồn thấm thía" thế không biết! Mà đúng thật, không cứ gì những người lưu vong như bác ý và mình - những người Việt xa xứ, mà ngay cả đối với nhiều người đang sống ở trong nước - những kẻ lưu vong trên chính quê hương xứ sở của mình -, tất cả cũng đều chung một mối nặng lòng với quê hương Việt Nam!

Để hiểu được cái sự "vì sao nên nỗi" này, mình nghĩ có lẽ cần phải quay lại với Kertész Imre. Tức là quay lại với cái TÔI, cái CÁ NHÂN và cái TA, trong các tác phẩm của ông, chính vì thế mà mình đã đặt cái tiêu đề của entry này là "Cái "tôi" và cái "cá nhân", hay thân phận của "ta"". Như mình đã viết ở bài trước, trong con người chúng ta tồn tại hai bản thể của một cái "TA": cái TÔI và cái CÁ NHÂN. Cái "cá nhân" thì có số phận, kiểu như "Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa lại quét lá đa" Hehe... Còn cái "tôi" thì không số phận. Hai cái "tôi" và "cá nhân" này làm nên cái "ta" của thân phận một con người trong xã hội. Có những "bằng chứng hùng hồn" cho cái thuyết "phân thân" này của KI. Mình chỉ lấy đơn giản làm ví dụ minh họa như trường hợp của ông nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khải. Nhà văn quá cố này đã viết "Đi tìm cái tôi đã mất". Tức là cái "cá nhân" của ông ta vẫn "sống bình thường" như một người sáng tác văn học, trong khi đó cái "tôi" của ông ta thì bị "đánh mất". Hay nói một cách "văn vẻ" ra là: cái "tôi" của NK luôn luôn bị chính ông ấy "ruồng bỏ", nhưng nó vẫn "vất vưởng" đeo bám ông ấy suốt đời. Hoặc như trường hợp của ông nhà thơ Chế Lan Viên cũng thế, cái "tôi" của ông này biết là "bánh vẽ" đấy, nhưng cái "cá nhân" của ổng, vẫn cứ... ăn! Hehe... Mình chợt nhớ tới câu nói của mẹ: "Ăn cho mau lớn con ơi!". Ôi, Mẹ Việt Nam buồn!

Viết đến đây, mình có thể "trả lời" câu hỏi "Chúng ta tự nguyện lưu vong mà sao vẫn nặng lòng về quê cũ hở bác?" của bác Trần Quốc Việt quí mến như thế này: Có cái "nông nỗi" đó, là bởi vì cái "cá nhân" chúng ta sống lưu vong, còn cái "tôi" của chúng ta thì "nặng lòng" với quê hương đất tổ!

Entry này mình viết với ý định mến tặng bác Trần Quốc Việt, tác giả mình rất quí mến trên talawas.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Lélektelenség, hay tiếng Việt là Không tâm hồn

Hôm nay mình lại đọc được một bài dịch của chị Nhung rất hay, là cái bài này. Ở Hung đã lâu, lại đọc cũng khá nhiều tác phẩm văn học Hung, mình nhận thấy, cùng với nhà văn Kertész Imre, nhiều nhà văn Hung cũng xứng đáng được trao giải Nobel văn chương, tức là mình nghĩ thế! Nhưng không hiểu sao Ủy ban Nobel chỉ trao cho mỗi KI. Trong kho tàng văn học Hungary, có khá nhiều những tác phẩm, có thể nói là ngang tầm với Không số phận. Nhưng không hiểu sao các tác giả của những tác phẩm ấy, lại không được Ủy ban Nobel "đoái hoài" tới. Thậm chí, trong danh sách ứng cử viên hàng năm cũng thật "hãn hữu". Chẳng lẽ những nhân vật trong Ủy ban không có mắt? Hoặc vì tiếng Hung Gia Lợi quá khó đối với họ? Nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới cũng phải công nhận là nền văn học Hungary không nhất thì nhì trên văn đàn quốc tế! Vậy thì?

Nói lan man vậy thôi, chứ mình biết thừa là cái giá trị của một tác phẩm, không phải là nó có đoạt giải Nobel hay không, mà là nó có để lại cho nền văn hóa nhân loại một cái gì "đáng giá" hay không! Đây mới chính là điều cần nói tới, mỗi khi người ta muốn "nhận định" tác phẩm. Chẳng hạn như cuốn "Chiến tranh và Hòa bình" của Lev Nikolayevich Tolstoy, một tác phẩm mà, có thể gọi là vĩ đại nhất trong nền văn học của nhân loại. Nếu có một sinh vật khác nào đó, UFO chẳng hạn, từ "phía bên kia" của vũ trụ đến Trái Đất của chúng ta để "tìm hiểu" về loài người chúng ta, thì theo mình, đơn giản nhất và nhanh chóng nhất, là sinh vật ấy (với đôi mắt có kích thước to hơn của chúng ta!) hãy đọc "Chiến tranh và Hòa bình" bằng nguyên bản tiếng Nga là sẽ hiểu hết ngay lịch sử loài người! Dĩ nhiên, nếu các vị "UFO" không biết tiếng Nga, thì có thể đọc bằng tiếng Hungary, nếu các vị ấy muốn! Bởi vì như người Hung thường nói với mình, có vẻ như người Hung là những cư dân đến từ Sao Hỏa!!! Hehe... Tức là mọi sinh vật đến từ hành tinh khác, đều là dân Hungary!!!

Mình nói đến KI, bởi vì ông nhà văn này, có thể nói là, hoàn toàn... chinh phục mình! Đọc các tác phẩm của KI, mình luôn luôn có một cảm giác là, ông nhà văn này dường như không bao giờ để ý đến cái "thực tại" bao quanh mình. Những gì ông nói đến, dường như không có thực trên cuộc đời này?! Nó có vẻ như một giấc chiêm bao thật khủng khiếp, nhưng rốt cuộc, chỉ là một giấc chiêm bao, cuộc đời thực vẫn "khác", vẫn "không là thế"! Nhưng tuy vậy, mình vẫn cảm nhận được một tư tưởng rất "thực" bao trùm lên các tác phẩm của ông. Đó là câu hỏi, tại sao TA tồn tại? Có phải TA chính là TA, hay TA là một KẺ KHÁC?

Cái sâu xa của "Không số phận" chính là ở điều này? Nhiều nhà phê bình văn học của Hungary cũng đã phát hiện ra mối tương quan giữa "cá nhân" và cái "tôi" riêng rẽ của con người. KI đã giải nghĩa rất cặn kẽ sự khác nhau này trong các tác phẩm của mình. Tức là ý mình muốn nói là, theo KI, cá nhân con người thì có "số phận", nhưng cái "tôi" của chính con người đó, thì lại không có số phận. Cái TÔI có thể trở thành rất vĩ đại, trở thành nổi tiếng, cũng có thể trở thành "vô tích sự", vô nghĩa! Ngược lại, CÁ NHÂN con người, cùng lắm, thì chỉ có thể trở thành một thành phần "có ích" cho xã hội. Đây là một giá trị của sự nghiệp văn chương của KI. Ông đã đem lại một cái nhìn mới cho những nhà nghiên cứu văn học sử. Không phải cứ đáng giá về mặt nghệ thuật, về mặt ý nghĩa nhân sinh quan một tác phẩm văn học, là "xong" đâu, mà cả về ý nghĩa của cái TÔI, cái riêng tư, cái bao trùm lên một thân phận nhà văn nữa!

Mình nhớ đến tác phẩm "Một kẻ khác"(Valaki más) của KI. Hoặc như tác phẩm "tự vấn", K. dosszié, của ông. Các tác phẩm này, giá như mà chúng được dịch sang tiếng Việt nhỉ! Dĩ nhiên là phải dịch thật hay cơ, chứ còn dịch như một cái lão nào đó, mà không biết là lão đó (giục) dịch hay (rục) rịch, thì chán chết! Mình đã có lần khuyên chân tình lão ta là hãy chỉ viết luận văn tiến sĩ (diện) thôi, đừng dính đến văn chương mà làm gì, tội nghiệp lắm! Nhưng có vẻ như lão ấy, nặng tai, hơi khó nghe, thì phải?!

Nói đến đây thì mình phải nói "toạc móng heo" ra luôn, tức là có những con người, không những họ không có cái "TÔI" quí báu như đã nói ở trên, mà còn ngay cả cái TÂM HỒN của họ cũng... KHÔNG CÓ! Như cái trường hợp của cái lão dịch giả mà mình đã nói ở trên!

Phải chăng cái sự này, KI sẽ gọi là LÉLEKTELENSÉG, hay nói tiếng Việt trong sáng của mình là, KHÔNG TÂM HỒN?!

Có thể lắm! Bởi dường như nhân loại đang dần dần đánh mất đi tâm hồn của mình! Thế giới giờ đây, chỉ còn lại đầy rẫy sự... vô cảm!

Chát với Chúa! (4)

Hôm trước mình đọc được cái bài này ở trên mạng, thấy hay hay. Hôm nay mình liền "lên đường" đi gặp Chúa, cũng là "Chat" với "Chúa" để làm "hồi" tiếp theo của trường thiên "tiểu thuyết chat":

tôi: Dạ thưa Chúa, hôm trước con có đọc được bài báo nói về một phát ngôn của đứa con của ngài, Đức Giáo hoàng Benedict XVI, con thấy có nhiều điểm chưa được rõ lắm. Vậy hôm nay, con xin hỏi thẳng ngài, có được không ạ?

Chúa: Ờ, chào con Trương Đức. Hôm nay thế nào mà "tôm lại đến nhà rồng" thế này? À, con có thắc mắc hả, sao con không hỏi Đức Giáo Hoàng ý? Hỏi ta làm gì? Thì giờ của con đã ít ỏi, chưa kể đường xá xa xôi, xăng dầu đắt đỏ...

tôi: Vâng, kính thưa Chúa! Thì con cũng định sang Vatican đấy. Nhưng thiết nghĩ, bọn người trần gian lắm của chúng con thường hay nói: "tam sao thất bản", nên con mới muốn gặp thẳng Chúa để hỏi cho chắc. Tuy lời Đức Giáo hoàng cũng là lời Chúa cả thôi, nhưng dù sao, nghe từ miệng Chúa nói ra thì vẫn cảm thấy yên tâm hơn ạ!

Chúa: Ờ, con nói nghe cũng có lý. Bọn người trần gian lắm của các con, kể cũng hay nói lung tung thật. Các con đang còn trong u mê lắm, không biết đâu là ánh sáng, không biết đâu là sự thật. Con không quản đường xá xa xôi hiểm trở, lên tận đây chat với ta là con khôn ngoan và tận tâm tận lực lắm! Thôi được rồi, ta cũng vui lòng chat với con vậy, cho bõ cái công con bỏ ra. Nào, con hỏi đi!

tôi: Vâng, con chỉ xin hỏi Chúa một câu thôi ạ! Đó là, tại sao Đức Giáo hoàng lại nói internet làm tê liệt trí óc của con người, khi mà mọi sự có trên cái trần gian lắm này, kể cả internet, cũng đều do bàn tay của Đấng Tạo Hóa, của Chúa, nặn nên? Đức Giáo hoàng nói như vậy, thế hóa ra, Chúa lại "tự mâu thuẫn" với mình à?! Chúa đã tạo ra một thứ sinh vật tuyệt vời có tên là "loài người trần gian lắm" với bộ óc hơn hẳn những loài sinh vật còn lại, song Ngài lại chế ra internet có tác hại làm tê liệt trí óc của cái sản phẩm kỳ diệu ấy?!

Chúa: Ái chà, con hỏi "hắc búa" ghê nhỉ! Có câu hỏi nào dễ hơn không? Bây giờ ta đã hiểu ra là, tại sao con lại lên đây hỏi thẳng ta, câu hỏi này của con, đối với Đức Giáo hoàng cũng là rất khó rồi! Nhưng không sao, ta sẽ trả lời theo khả năng của ta. Là loài sinh vật có trí óc, con người các con cần luôn luôn phải hỏi. Còn nhỏ thì hỏi cha mẹ, lớn lên đi học thì hỏi thầy cô giáo. Già chút nữa thì tự hỏi bản thân. Và cuối cùng, khi nào bí quá thì hỏi... ta. Bởi vì chính ta đây cũng vậy thôi! Nhiều khi ta cũng gặp phải những câu hỏi khó mà tự bản thân ta không thể trả lời được. Chẳng hạn như câu hỏi hôm nay của con...

tôi: Tức là Chúa không trả lời được cho con à?...

Chúa: Không phải thế! Mà ý ta muốn nói là nó thuộc những câu hỏi khó mà ta chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng cho nó. Ta có rất nhiều những câu hỏi không lời giải đáp. Chẳng hạn như câu hỏi này: ta là gì? Mà các con, loài người trần gian lắm, cũng có cái câu hỏi tương tự đấy. Hơn chín năm qua, bọn các con chẳng hỏi nhau suốt ngày: talawas? đấy là gì!

tôi: Vâng, nhưng đấy là chuyện của chị Hoài và chuyện của những kẻ trần gian lắm chúng con. Con rất muốn Chúa hãy cho con biết ý kiến của chính Ngài là gì ạ?

Chúa: Có lẽ con phải đọc lại Kinh Thánh một lần nữa! Ta đã dạy rất nhiều điều về lẽ sống ở trần gian lắm cho các con ở trong đó. Một trong những điều quan trọng nhất là hãy sống bằng sự thật và tình thương yêu lẫn nhau. Tức là đừng giả dối. Sự giả dối sinh ra thù hận, và từ đó, làm tê liệt trí óc các con. Ta sinh ra sự sống ở dưới trần gian lắm cho các con, với một mong muốn là các con phải biết tự tìm đến tình thương yêu của ta. Đến được tình thương yêu của ta, coi như là các con tự trả lời cho câu hỏi muôn đời ta là gì? của mình! Mà, điều kiện duy nhất của cái sự này, chính là các con phải sống với nhau bằng sự thật, tức là không được giả dối với nhau. Nhưng...

tôi: Vâng, con hiểu ý Chúa. Loài người trần gian lắm chúng con bao đời nay đã sống trong giả dối. Sự giả dối ngự trị chúng con như thể là một hình phạt cho chúng con. Nguồn gốc của chiến tranh, của chết chóc, đau thương, của bất hạnh, tủi hổ, của mọi sự khốn khổ khốn nạn... đều chính là sự giả dối. Nhưng tại sao? Tại sao Chúa không cứu rỗi chúng con?

Chúa: Ta vẫn thường cứu giúp các con đấy chứ! Từ xa xưa, ta đã để cho cha mẹ của các con là adam eva, được tự do lựa chọn để chung sống với nhau. Họ sống trong sự thật và tình thương yêu lẫn nhau, đấy cũng chính là tình thương yêu của ta, nhưng họ đã bị sự giả dối đánh gục, họ sa ngã vào những dục vọng giả dối, trí óc của họ bị tê liệt từ đấy, và đã phải bị xuống trần gian lắm để sống tiếp. Nhưng ta luôn luôn bên các con, ta luôn luôn chìa bàn tay ra để nâng các con ra khỏi vũng lầy của sự giả dối! Cái chính là các con vẫn mải u mê trong vũng lầy giả dối ấy, không đứa nào chịu đưa tay ra cho ta nắm! Làm sao ta có thể nắm được cả cái toàn thân nhầy nhụa bùn đen giả dối của các con được!

tôi: Có phải chúng con không chìa được tay mình ra cho Chúa nắm là do chúng con dường như đang bị tê liệt?

Chúa: Đúng vậy! Mà không chỉ chân tay các con đang bị tê liệt nặng, trí óc của các con cũng đang dần dần tê liệt theo! Benedict con ta nói rằng, internet làm tê liệt trí óc con người, cũng là cái ý này đấy. Internet là mạng ảo. Mà đã ảo thì thường dễ bị hiểu lầm là giả dối. Benedict muốn nói cái sự ảo, cái sự giả này của internet đấy! Nếu các con của ta cứ chìm ngập mãi vào cái sự ảo này của internet, thì trí óc của các con đến một ngày nào đó sẽ bị tê liệt hoàn toàn, sẽ không còn biết đến tình thương yêu của ta, sẽ không tìm được về ngôi nhà thân yêu của chúng ta - cõi Thiên đàng - nữa!

tôi: Vậy chúng con phải làm gì bây giờ, thưa Chúa?

Chúa: Hà hà...! Dễ ợt! Các con đừng cắm cúi suốt ngày trước màn hình máy tính nữa! Hãy chạy ra ngoài trời đi, hãy tắm ánh nắng ấm áp đầy tình thương yêu của ta đi! Đừng giả dối nữa! Hãy nói thật với nhau! Đi đi các con...

tôi: Vâng, con đi đây... À, nhưng để con đăng bài này lên blog đã...

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Chát với Chúa! (3)

Mình cũng đăng luôn cái PH này, gọi là "hồi tiếp theo" của Chát với Chúa:

Pv: Ối, khoan, khoan hãy nói chuyện „fuck”, anh Trương Đức ơi! Anh cứ nói chuyện „thức tỉnh” đi!

: Vâng, sự thức tỉnh… Như tôi đã nói, „Không có gì quí hơn sự thức tỉnh”. Có nó là có tất cả. ĐCSVN, hay độc tài, đã ý thức được điều này. Độc tài „thức tỉnh” được rằng: có quyền lực trong tay là có tất cả. Thực tế ở Việt Nam cho thấy: thông qua sự đàn áp „độc giả”, tham nhũng, tham ô, ăn cắp, cá cược, cướp bóc tinh vi, v.v…, cộng với sự „ngủ miên man” (một hình thức „tiếp tay”, hay „đồng lõa”) của số rất đông „độc giả”, mà độc tài trở thành những „đại gia” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này, trong cái gọi là „công cuộc xây dựng đất nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và như vậy, đến đây, chúng ta bắt gặp cái liên quan thứ ba giữa độc tài và „độc giả”. Đó là chữ „đại”. ĐCSVN, không chỉ là độc tài, mà còn là „đại gia”, và „độc giả” là…

Pv: là khối „đại đoàn kết dân tộc”?

: Không, cái đấy xưa rồi chị ơi, xưa như „trái đất” ý! Mặc dù nó vẫn được „” ra rả suốt ngày đấy, nhất là khi có những „vụ” như Đại hội Việt Kừu vừa rồi. Nhưng chúng ta đang nói chuyện „thức ngủ” cơ mà”! „Độc giả” là thuộc phe „đại ngủ” chứ lị! Ơ, sao chị lại phì cười ngặt nghẽo thế kia! Cẩn thận, không đổ mất ly nước kìa!

Pv: Vâng, chỉ tại cái từ „đại ngủ” đấy ạ! Nó „lạ” và „ngộ nghĩnh” quá!

: Đúng thế. Chị nhận xét rất chính xác! „Lạ” và „ngộ nghĩnh”. Các nhà văn, nhà thơ, họ sáng tác ra nhiều từ còn „lạ” và „ngộ nghĩnh” hơn tôi nhiều. Chẳng hạn như cụ Trần Dần của chúng ta, cụ viết thơ như thế này trong „Thơ Lảy”:

sáng bảnh-bành-banh,
mày vẫn ngủ-ngù-ngu”...

Chị thấy nó có bóng bẩy làm sao không? À, quay lại chuyện của chúng ta, chị phải nói anh đánh máy đánh đúng vào đấy nhá: „đại ngu hỏi ngủ”. Đánh máy mà sai sót, dù một dấu hỏi, là nó „rầy rà” lắm đấy! Dĩ nhiên là mình sẽ đổ hết tội cho anh đánh máy, nhưng như thế thì nó sẽ chẳng „hay ho” gì!

Pv: Vâng. Xin mời anh nói tiếp câu chuyện ạ!

: Sở dĩ tôi dài dòng về „sự thức tỉnh” như thế này, không đi thẳng vào „vụ việc” „Thơ đến từ đâu?”, là bởi vì cái „vụ việc” này nó cũng „dài dòng” lắm cơ! Có thể nói, nó bắt đầu từ 2001, khi talawas ra đời. Tôi đã “vào” talawas đọc say sưa. Và khi đọc bài „Gõ vào ngôn ngữ” (Đông Phương, Phạm Thị Hoài dịch), đến đoạn: „Một số nhà phê bình gọi bà (nữ nhà văn Elfriede Jelinek) là một Cassandra, là tiếng kêu cảnh tỉnh mà thiên hạ bất đắc dĩ lắm mới chịu nghe”, tôi chợt liên tưởng đến trường hợp nước Việt Nam mình, tôi đã nghĩ: „nữ nhà văn Phạm Thị Hoài cũng là một Cassandra Việt Nam, là tiếng kêu cảnh tỉnh mà thiên hạ bất đắc dĩ lắm mới chịu nghe, Phạm Thị Hoài cũng „gõ” cộc cộc vào „giấc ngủ” miên man của „độc giả” Việt Nam, với mục đích „đánh thức” họ dậy. Và talawas như một „cõi thức” vậy.” Vâng, tôi đã nghĩ như thế. Nhân vừa rồi, kỷ niệm 20 năm „Bức tường Berlin” sụp đổ, tôi cũng muốn nói luôn ra đây cái ý như thế này: Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nhưng nó lại được độc tài „khuân” về Việt Nam để làm „bức tường lửa” chặn đứng những „cõi thức” như talawas. Thế rồi, từ 2006, loạt bài “Thơ đến từ đâu?”, có thể nói, được ra đời trong “cõi thức” talawas. Bằng chứng là sau mỗi bài phỏng vấn đều có dấu “bản quyền”: “© 2006 talawas” hoặc “© 2007 talawas”. Và bây giờ, khi “Thơ đến từ đâu?” rời khỏi “cõi thức talawas” để đi về “cõi ngủ CHXHCN Việt Nam”, “sống chung với lũ”, thì tất nhiên là nó xảy ra cái “vụ việc” “Thơ đến từ đâu?” như hiện nay.

Pv: Và như vậy, ngoài LĐ, các nhà thơ NV, TN, ND ra, cả chị PTH cũng không được tôn trọng trong “cuộc chơi”.

: Đúng vậy. Mà tôi cũng không hiểu là tại sao chị PTH không cầm ba-toong rượt đánh các cha nội biên tập viên của cuốn “Thơ đến từ đâu”. Hay là, tôi đoán, có thể tấm lòng bao dung của bả lớn quá…

Pv: Tôi thì đoán rằng, chắc chị ấy còn bận phỏng vấn “triết gia hú còi”, anh ạ!

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Chát với Chúa! (2)

Cái đoạn "sáng tác" dưới đây là mình lấy ra từ talawas, cái PH của mình dưới bài "Nam Dao - Thơ không đến từ kiểm duyệt". Mình lấy về để đưa vào mục "Chát với Chúa", coi như một đoạn của cái trường thiên tiểu thuyết chat của mình.

Để tạm kết, tôi xin trích nhà văn Nguyễn Viện: “Fuck với độc tài, chắc là sướng tê tái. (Dù có phải đeo bao cao su cũng chưa phải là mất hết sướng.)” Phần tôi, tê tái là chắc nhưng sướng hay không, tôi không dám tin. Duy một điều, làm xong thì thôi đạp nó ra khỏi giường mình nằm. Để còn ngủ yên chứ!” (Nam Dao)

Phần tôi, làm xong, tôi không đạp, mà „ẵm” nó ra giường khác để nó „ngủ” tiếp tục (nếu được, để nó „ngủ yên ngàn năm”, tôi cũng không tiếc!), còn tôi thì „thức dậy” đi làm một „phát” phỏng vấn như vầy: (Sở dĩ tôi viết phản hồi dưới dạng „phỏng vấn”, cũng bởi vì cái „thân phận xã hội” của tôi nó „vùng lên”, đòi những ý kiến của mình phải được xuất bản, tôi biết mình không phải là nhà văn, nhà thơ gì, chỉ là một độc giả „ăn tục nói phét” như một ai đó đã „phong” cho, nhưng tôi vẫn „tràn trề” hy vọng là talawas „chiếu cố” đăng „cuộc phỏng vấn” của mình lên!)

Phóng viên talami: Chào anh Trương Đức, chúng ta lại tiếp tục cuộc phỏng vấn nhá! Hôm trước, có một độc giả talawas muốn được biết rõ hơn về „triết gia hú vía” mà anh nêu ra. Anh có thể giải thích đôi điều về „triết gia hú vía” được không ạ?

Trương Đức: Ha, ha! Tôi rất thích danh hiệu này. „Triết gia hú vía” là người nói những điều „kinh dị”, nhưng bản thân vẫn cảm thấy „bình an”. Tức là khiến người khác „hú vía”, chỉ một thoáng thôi, sau đó người khác đó, có thể „tức giận”, có thể „hài lòng”, có thể „khinh bỉ”, có thể „mến phục”, v.v…, bởi vì có đến tỉ „kiểu” người khác nhau mà lị!

Pv: Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam với „Thơ đến từ đâu?” thì có liên quan gì với nhau cơ chứ?

: Ấy, vậy mà có đấy, chị ạ! Có nhiều cái liên quan với nhau giữa hai „cái” ấy! Tôi đơn cử ra đây: „sự thức tỉnh”. ĐCSVN đến từ „sự thức tỉnh”, theo sử sách thì ông Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của ổng đã „thức tỉnh” là phải „cứu nước”, phải „giải phóng dân tộc”, phải „cải cách ruộng đất”, phải „đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, phải „tiến lên CNXH”, phải này phải nọ… „phải” nhiều lắm, không kể xiết, và muốn thực hiện những cái „phải” đó, họ cùng nhau „đẻ” ra cái ĐCSVN! Dĩ nhiên, những điều „phải” đó, là „phải” hay „quấy”, thì lại là chuyện khác, chúng ta sẽ nói chuyện đó vào một dịp khác, chị há! Còn „Thơ đến từ đâu?” thì sao? Thì cũng thế, cũng đến từ „sự thức tỉnh” của các nhà thơ. Điều này, tôi nghĩ, các nhà thơ „đàng hoàng” (tôi xin mạn phép dùng chữ của nhà thơ Nam Dao) đều nhất trí với tôi như thế! Và hy vọng, cả những ai đã đọc „Cổng Tỉnh” của Trần Dần, chắc cũng hiểu điều này! Cái điều liên quan thứ hai là: có chung một chữ „độc”. Ơ, sao chị lại trố mắt ra như thế! Có gì mà đáng ngạc nhiên! Ý tôi muốn nói là, cái nước Việt Nam mình hiện nay có thể „miêu tả” gỏn gọn như thế này: gồm hai phe: „độc tài” và „độc giả”. Đảng Cộng sản Việt Nam, đương nhiên là „độc tài” rồi, và những người còn lại, thì thuộc phe „độc giả”. Những nhà thơ cũng thuộc phe „độc giả”, bởi vì, tôi nghĩ, xét cho cùng, họ là những độc giả của chính họ. À, chị lại cười tôi rồi! Chứng tỏ chị đã hiểu tôi. Nhưng mà chưa hết đâu nhá! Với tư cách „triết gia hú vía”, tôi xin phát biểu như thế này: „KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN SỰ THỨC TỈNH”. Ít ra, sự thức tỉnh, nó quí hơn gấp vạn gấp trăm lần cái „độc lập tự do” mà "độc tài"bố thí cho „độc giả” Việt Nam hiện nay.

Pv: Anh nói chuyện tiếp về „độc tài” và „Thơ đến từ đâu?” đi!

: Vâng, „độc tài” với những nhà thơ, nói rộng ra, những nhà trí thức „đàng hoàng”, như là „trời đất sinh ra”. Một anh cầm quyền, còn một anh cầm tri thức. Hai anh thay nhau „canh thức” cho văn hóa nhân loại. Độc tài „thức” (để kiểm duyệt) thì „độc giả đàng hoàng” „ngủ” kiểu „Cũng trong một người cầm bút, cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn chờ ngày xuống mồ!” (Nguyễn Minh Châu). Còn khi độc tài „ngủ”, thì „độc giả đàng hoàng” „thức tỉnh” theo nhiều kiểu, nhưng có lẽ, tôi không cần phải nêu ra đây, bởi vì có nhiều độc giả biết rõ điều này hơn tôi. Tôi chỉ muốn nêu ra đây trường hợp „thức tỉnh” đến „Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ’,”của cụ Nguyễn Tuân để chúng ta „chiêm nghiệm” mà thôi. À, trường hợp „thức tỉnh” của nhà thơ Nguyễn Viện cũng rất thú vị: đó là hành động „fuck… với độc tài”...

(còn tiếp)

Sáng-tác, tối-đăng!

Mấy hôm nay bận dịch VT, nên không viết thêm được gì cả.Hôm trước mình đăng cái chat với chị Nh. lên blog, cũng là để "câu giờ" và cũng muốn lưu lại những ý nghĩ chợt đến trong khi "đối thoại" với bà chị văn chương của mình. Mình thấy cái sự chat cũng hay ra phết! Mình nhận thấy, nếu không nói chuyện với ai đó, thì khó có thể "nảy" ra được một ý nghĩ gì, gọi là mới mẻ, là "ấn tượng" cả! Vì thế, nên thường xuyên chat, mình đã bàn với chị Nh. như vậy. Chat, hình như còn có thể gọi nó bằng cái tên "tự vấn" nữa thì phải?!

Nhà văn Kertész Imre có một tác phẩm, cuốn K. tiểu thuyết. Cuốn này mình chưa đọc hết, mới đọc mấy chương đầu, nhưng phải nói, đây là một cuốn tiểu thuyết độc đáo, KI tự phỏng vấn mình (hay chính vì thế mà người ta còn nói đây là một tiểu thuyết ở dạng mới, dạng chat?). Mình sẽ cố gắng đọc hết nó, sau đó thì... đọc lại, như Márai có nói! Bây giờ nghĩ lại, cái thời tham gia viết phản hồi cho tlw, chính là mình đang chat với các bác độc giả khác. Không biết các bác ấy "khắc phục" cái tình trạng "hụt hẫng" do thiếu vắng tlw như thế nào? Vẫn biết là tất cả rồi cũng "qua" thôi, nhưng vẫn phải công nhận rằng, tlw đem đến cho mình nhiều hơn là lấy đi!

Mới chợt nghĩ, tại sao mình không thử viết một cuốn tiểu thuyết chat cho riêng mình nhỉ?! Mình cũng tự đặt câu hỏi, rồi trả lời, trả lời rồi đặt câu hỏi, hoặc chỉ đơn giản là viết lại những suy nghĩ thành một "mạch" chat là cũng có thể đăng lên blog được cơ mà?! Công việc có vẻ "hồi hộp" ra phết đấy nhỉ! Đúng, vậy thì bắt đầu từ mai mình sẽ "tiến hành" cái công việc "sáng tác tối đăng" đầy hồi hộp này! Sáng, tác vài dòng như vậy cái đã, tối rồi, đăng thôi!...

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Chát với Chúa!(1)

Hong: H. à?

tôi: Vâng, em đây!

Hong: Hôm nay chị nhận thư tên Kecske bên Đức thông báo em sẽ dịch VT, chị bảo đúng thế, có thể tin tưởng hoàn toàn vào em. À, anh Victor đọc xong bài, viết cho chị một câu rất kinh, vì chị bảo chị sẽ về nhà, sẽ vào SG.

tôi: Anh ấy nói gì?

Hong: Bảo: vào SG có sợ anh ăn thịt không?

tôi: hehe…

Hong: Nghĩa là sao? Chị nghĩ mãi, tư duy đàn ông? Mách nước đi!

tôi: Em nghĩ là anh ấy đang bị chị "bắt thóp" rồi…

Hong: Nhanh thế? Quen nhau đâu

tôi: Anh Victor viết cái gì ra cũng bị chị nói trúng „tim đen”…

Hong: Thế theo em làm thế nào đây?

tôi: Tim đen trong ngoặc kép… Em thì nghĩ đây là thứ tình cảm chân thật, chị nên đón nhận

Hong: Hỏi như trẻ con hoặc như...lưu manh?

tôi: Kiểu như "yêu nhau lắm cắn nhau đau"

Hong: Chị bèn viết (sau một ngày nghĩ không ra): anh hỏi câu nào dễ hơn được không?

tôi: Anh ấy "ăn thịt" chị cũng chẳng có gì là lạ cả! Hehe...

Hong: thế thì...biến, hehehehe…, anh Victor tuổi Sửu, hợp với bọn rắn đấy

tôi: Những tâm hồn như anh ấy, thường thì "đi thẳng" vào "vấn đề" luôn…

Hong: Chị thấy buồn cười, được một ông nhà văn giỏi nhất VN hỏi không biết trả lời thế nào

tôi: Thì chị hỏi lại là: em không sợ, thế anh có sợ em ăn thịt không?

Hong: Cái chính là chị... không cảm thấy gì mới khổ chứ! Văn chương thôi, nhưng đàn ông hay thật! Anh CP chắc chắn không bao giờ hỏi thế…

tôi: Mỗi người một kiểu…

Hong: Chị thích kiểu của BHV - rất finom(tinh tế)

tôi: Nhưng em nghĩ anh Viktor vẫn thẳng thắn và tình cảm hơn.

Hong: Anh Victor cô đơn hơn

tôi: Anh ấy không úp úp mở mở với chị…

Hong: Thế mới... bỏ mẹ!

tôi: cảm thấy muốn nói gì là nói ra.

Hong: Nên anh ấy mới viết tàn bạo như thế

tôi: Anh CP thì hơi "tây", cứ phải rượu vang, giày nơ đen bơ vơ, ở truồng…

Hong: À, anh Victor làm Tinh Vi thù tận xương tủy vì coi thường cô này!

tôi: Em không thích Tinh Vi vì tình cảm trong thơ của cô ta có vẻ không thật…

Hong: Nên gặp người như anh Victor phải thật

tôi: Văn cách của cô ta hơi sáo…

Hong: Giả vờ anh ấy biết ngay

tôi: Dùng từ không thật lắm!

Hong: Em đọc bài thơ Từ bỏ của chị chưa?

tôi: Chưa, ở đâu?

Hong:

TỪ BỎ

anh đã từ bỏ em trong một chiều nắng đẹp

góc phố chiêm bao hoa trắng đọng ngang cành

rưng rưng mờ sương mắt giăng mù lạc lối

anh đã từ bỏ em giữa nắng rạng mời chào.

NHN (2010.11.07)

tôi: À, bài trước bài của anh Victor

Hong: Bài này cũng gửi cho anh Victor xem, nhưng không phải viết cho anh ấy đâu, chị viết trong một giây, theo đúng tình cảm của mình, nhưng không nhận xét được…

Hong: Em nhận xét xem, em nói hay chính xác.

tôi: Hình như anh Vinh mất vào chừng này năm ngoái thì phải?

Hong: Đúng, nhưng chị không mang cảm giác tang đâu, cũng không phải viết vì thế… Đây là cảm giác lúc đi ngoài phố và đứng sững lại, vì tất cả bỏ mình đi hết, trừ thiên nhiên…

tôi: Cảnh trong thơ thì đẹp, nhưng từ góc nhìn của nhân vật "em" thì lại buồn!

Hong: Viết là thứ không giải thích được…!?

tôi: Và đây chính là sự khác biệt giữa nhà thơ và thi sĩ…

Hong: Anh Victor rất nhạy cảm…

tôi: …nhà thơ thì không giải thích được câu chữ mình viết ra, còn thi sĩ thì giải thích được

Hong: …có một tâm hồn nhiều tình cảm, nhưng văn lại rất dữ dội…

tôi: Thi sĩ là những người dụng chữ, còn nhà thơ thì viết ra chữ!

Hong: …nên chị sợ gặp nhau ngoài đời chị nhìn thấy những khía cạnh trần trụi của sự dữ dội

tôi: Anh Victor là nhà thơ, còn Tinh Vi là thi sĩ.

Hong: Đúng đấy, viết vào blog được, em dần dần làm phê bình được đấy…

tôi: Chị hãy đọc lại bài thơ "Sự điêu tàn của tiếng nói" của anh Victor mà xem

Hong: Ở tv?

tôi: Không, trên tlw.

Hong: Em hiểu anh Victor hơn chị ấy chứ…

tôi: Không phải, em cũng học cách phê bình từ chị đấy… Đọc những bài phê bình của chị xong là em "rút" được ra những bài học cho mình

Hong: Chị thấy anh Victor từ góc độ "đàn bà", nhưng hiểu anh ấy định nói gì, hình như đàn ông phải có đàn bà hiểu, hihihi…

tôi: Thực ra, em phát hiện ra một điều này: nhà thơ thường chỉ nói duy nhất một ý trong một bài thơ. Nếu mình nắm bắt được cái ý ấy, coi như là… "xong"!

Hong: Vì thơ: ý nằm trong từ, từ phải đẹp. Khó là dùng từ…

tôi: Và muốn nắm được cái ý duy nhất ấy, mình phải tìm trong những từ gợi nên hình ảnh chủ đạo của bài…

Hong: Nếu không có ý làm sao dùng từ chính xác được? Nên cả hai đều cần

tôi: …tức là một cái từ duy nhất của bài thơ…

Hong: Động từ rất cần, hình ảnh cần

tôi: …như bài thơ của chị, cái bài có tên là "khoảng trống" ấy

Hong: Tên bài rất cần… Em thích bài đó? Chị được một độc giả khen là rất con người, cảm ơn nữa…

tôi: Vâng, bài thơ gây cho em nhiều ám ảnh, bởi vì nó nói lên rất chính xác cái hiện trạng của cả đất nước, con người VN

Hong: …một anh khác thì bảo bài đấy và bài của cái X50 Phá Phách, bạn chị, ngang nhau và nặng như nhau

tôi: Cái di sản còn lại sau bốn ngàn năm văn hiến là một… "khoảng trống"

Hong: Bài chị viết vừa xong cho anh Victor cũng thế đấy: thực trạng VN

tôi: Quá ám ảnh!

Hong: Có một câu chủ đạo trong bài đó, đố em tìm ra?

tôi: Là câu gì ạ?

Hong: Thế mới đố?

tôi: Ok, để em xem lại, bởi vì cũng chỉ đọc mới một lần, hehe... Nhưng nói chung, chị viết thơ tình cảm vẫn hay hơn là "ellenzék"(phản biện)!

Hong: Đàn bà mà…

tôi: Em nghĩ như thế, bởi vì chị quá "trong sáng" để có thể làm ellenzék, ellenzék cũng phải "đen tối" như "chính thống" cơ!

Hong: Cái đau của mình chính là ellenzék - anh Victor nhận ra điều này từ chị, nên anh ấy "thương" thì phải! hehehe… Rất đàn ông!

tôi: Cũng có thể! Chị em mình không có đủ bản lĩnh để trở thành "đen tối"…

Hong: Đen tối của ellenzék nằm trong phần âm mưu, mình đi về linh hồn, âm mưu để trả thù, lật đổ…

tôi: …mới cả chữ nghĩa nó "érzékeny"(nhạy cảm) lắm!

Hong: … linh hồn cao hơn, tha thứ, anh Victor khô âm mưu mà uất hận rồi-đau quá…

tôi: Làm ellenzék là phải biết bẻ cong sự thật, tức là làm cho con chữ nó "cong" đi ít nhiều…

Hong: …nhưng chị cũng "thương" lại anh ấy thì thành cải lương mất…

tôi: …và như thế cũng chính là làm bản thân mình đau.

Hong: …ca bài gục vào nhau khóc, chị em mình quen cười ha hả!

tôi: Em không nghĩ anh Victor là ellenzék…

Hong: Không, anh ấy là sự thật, nên anh ấy đứng tách riêng

tôi: …anh ấy như một cánh chim bị bắn gãy gục trước khi bay tới được chân trời tự do…

Hong: Hamvas gọi là thi sĩ thiêng liêng đấy!

tôi: …nên tức giận trở thành con phượng hoàng đang cố cất cánh bay lên để thoát khỏi đống tro tàn của giả dối...

Hong: Thế anh Hugo có là ellenzék không?

tôi: Anh Hugo là ellenzék!

Hong: Vì anh ấy xuất phát từ chính trị?

tôi: Vâng, mới cả anh ấy đã thuộc về giới triết gia tư tưởng…

Hong: Thảo nào P.T. H muốn quay lại viết văn…

tôi: …mà đã tư tưởng thì chỉ có thể là chính thống hay ellenzék…

Hong: …nhưng văn nghệ cũng không ở giữa được…

tôi: …hay còn gọi là ý thức hệ.

Hong: …cũng phải xác định ý thức hệ đấy.

tôi: Vâng, em có nói văn nghệ là trung tính đâu…

Hong: anh Victor cự tuyệt xh VN hoàn toàn, nhưng viết văn chứ không viết tư tưởng.

tôi: …những nhà văn họ "bay" theo một hướng khác, có thể nói là "không giống ai"…

Hong: Cao hơn bọn tư tưởng? Có chất tâm linh đấy, còn bọn tư tưởng vẫn ở mặt đất

tôi: …họ tìm đến những phạm trù không mang tính thời gian như là tâm hồn, sự thật, thiên nhiên, tự do...

Hong: Tâm linh mà, anh Hugo theo duy vật mác-xít…

tôi: …còn triết gia hay nhà chính trị thì chỉ xoay quanh cái phạm trù "quyền lực"

Hong: …nên đoạn tâm linh anh ấy... không bàn!

tôi: Tất cả các nhà tư tưởng đều bị cái phạm trù "quyền lực" nó chi phối…

Hong: Nhưng anh Hugo viết về chủ nghĩa Mác rất đúng, đúng cho cái thời đại này, quyền lực như Hugo nói nằm trong kinh tế, như Mác viết.

tôi: …ngay cả cái quyền lực của Chúa, của Thượng Đế cũng bị họ "giải thích"!

Hong: Bọn nào chả có nhu cầu giải thích cái đó, chị chỉ bị Hamvas thuyết phục thôi

tôi: Tức là họ nói là đi tìm chân lý, nhưng kì thực là họ đang tìm cách "giải thích" tại sao có "quyền lực" trên thế gian này.

Hong: Bọn duy vật biện chứng lấy kinh tế giải thích hết…

tôi: Mọi sự của xã hội con người, dường như đều xuất phát từ cái gọi là "quyền lực", kinh tế cũng là một cái "quyền lực"…

Hong: …từ kinh tế phát triển mới đẻ ra quyền lực.

tôi: …và khi tìm cách giải thích "quyền lực", thì triết gia tưởng nhầm là mình đang đi đúng hướng…

Hong: Nhưng có ai đánh đổ được họ đâu?

tôi: …thực ra họ đang bị phong tỏa bởi cái gọi là "quyền lực của tri thức",

Hong: em định nói thứ tri thức có sẵn?

tôi: …những nhà thơ nhà văn thì dường như không bị "ám" bởi cái sự phong tỏa quỉ quái này, họ thiên về cái sự đi tìm tâm hồn, cái đẹp, thiên nhiên, những thứ không bị quyền lực nào chi phối.

Hong: Đấy là cái có sẵn của sự sống…

tôi: Tâm hồn của con người cũng như cái đẹp, hay thiên nhiên, là những thứ tự do

Hong: …nhưng quyền lực cũng là một biểu hiện của sự sống thôi.

tôi: Thực ra, quyền lực là cái sản phẩm của chính con người…

Hong: Có quyền lực vũ trụ nữa…

tôi: …con người tự nó muốn có quyền lực, vũ trụ không có quyền lực, bởi vì vũ trụ là thiên nhiên

Hong: …vì nó là chất xúc tác của sự sống, thiên nhiên chỉ là một phần của vũ trụ, có vật thể(anyag) tinh thần(szellem) và linh hồn(lélek)…

tôi: Em thì cho rằng vũ trụ là một phần của cái gọi là thiên nhiên, những thứ hình thành theo một định luật ngẫu nhiên…

Hong: …con người là forma(hình dạng) thể hiện cả 3 điều này của vũ trụ…

tôi: …chị hãy đọc thêm „Lược sử của thời gian”…

Hong: …nên con người đáng bàn đến nhất

tôi: …cuốn sách của ông bác học vật lý Stephen Hawking, nhưng cuốn ấy dày lắm, em đọc phải mất hai tuần mới hết!

Hong: Tiếng Hung?

tôi: Tiếng Hung.

Hong: Thế thì chịu! Chị không đủ thời gian…

tôi: Có tiếng Việt đấy, nhưng có vẻ các bác nhà ta dịch không sát lắm

Hong: …thôi, chị theo bác Hamvas đủ mệt

tôi: Vâng, vật lý đối với em đã „khô khan” rồi, nữa là đối với chị

Hong: cứ phải có kết quả cụ thể, nếu không...vô tận, thảo nào ông anh Viktor đặt vấn đề ngay, hahahaha

tôi: Quay lại hai anh, Victor và Hugo vậy!

Hong: Em thích ai hơn?

tôi: Dĩ nhiên là em thích anh Victor hơn

Hong: Gần hơn?

tôi: …bởi vì em chỉ là một thằng người bình thường mà…

Hong: Thì anh Hugo cũng bình thường…

tôi: …em không "viển vông" như anh Hugo

Hong: …nghĩa là anh ấy... nghệ sĩ?

tôi: Thời buổi này anh Hugo còn đem Mác ra để "nghiên cứu", thì theo em, là quá „viển vông”!

Hong: Anh ấy bị"quy định" rồi…

tôi: Em đoán là anh Hugo cũng chẳng "sướng ích" gì với mấy „mớ” triết học ấy?! Anh Victor còn tìm thấy những niềm an ủi cho bản thân, cho bạn đọc, trong những sáng tác của mình. Anh Hugo thì có vẻ như "đánh vật" với tầng không triết học cao vòi vọi của anh ấy…

Hong: …anh ấy không thể ra khỏi cái nhân sinh quan ấy!

tôi: …sẽ có lúc anh ấy "rơi đánh bịch" xuống đất cho mà coi!

Hong: Nhưng chính vì quen anh Hugo, chị mới hiểu ra như hôm nay…

tôi: Và lúc đó thì... thôi rồi lượm ơi! Niềm an ủi không có, và niềm vui cuộc sống cũng… không nốt! Chị em mình cùng với anh Viktor đã "bay" đến một chân trời nào đó là cái chắc!

Hong: Điều em viết chị đã từng bảo anh ấy, nhưng anh ấy im lặng…

tôi: Đó là bởi vì anh ấy bị cái "quyền lực tri thức" nó "đè" như em đã nói ở trên…

Hong: …nhưng anh ấy xử sự rất con người!

tôi: …mà đã bị "đè" thì khó có thể "thoát" lắm, bởi vì nhiều khi, được "đè", khéo lại "sướng" không biết chừng! Hehe... Kiểu như anh VN mình hiện giờ ý!

Hong: Anh ấy sống theo chuẩn riêng, logic riêng…

tôi: Thằng TQ nó „đè” cho bẹp dúm, nhưng vẫn "tự sướng", chằng ho he gì cả!

Hong: Em lại bỏ yếu tố lịch sử địa lý rồi!

tôi: Em chỉ "ví von" một chút thôi, cái vị thế của anh VN không thể so với anh Hugo được

Hong: Anh ấy tây nhiều hơn…

tôi: Anh Hugo vẫn có thể vừa nghiên cứu Mác, vừa uống rượu sâm-banh Pháp…

Hong: …hoàn cảnh cho phép!

tôi: …còn VN thì vừa "ngậm miệng ăn tiền" Việt Cừu, vừa cúi đầu vâng lệnh TQ. Nói tóm lại, chỉ khổ dân đen thôi, chỉ khổ những "thiên thần gẫy cánh" như anh Victor thôi! Biết làm sao được! Chị em mình cũng may mà không "gãy cánh" ở mảnh đất dữ VN!

Hong: Chị về và thấy đúng là may mắn được thoát, cả thời tiết lẫn đảng cs… Nhưng chả lẽ cả nước bỏ đi?

tôi: Vâng, dường như cái linh hồn, hay cái tâm hồn của chị không bị cái "QL" nó chi phối

Hong: Vì vậy suy ra đảng cs VN nên bỏ!

tôi: Những ai sống lại trong nước đều bị cái QL nó chi phối…

Hong: Cái X50 Phá Phách bạn chị giống anh Victor ấy, nó khổ vô cùng, thơ đau đớn ghê rợn luôn!

tôi: Thằng Dê Non ở lại hẳn VN là cũng như vậy…

Hong: không, nó hạnh phúc lắm, đầy tự mãn, gặp nó xong chị rất buồn vì nó thay đổi hoàn toàn, nó chỉ nói chuyện tiền, chả có tình cảm gì hết, viết văn thì thích lá cải humor rẻ tiền, chuyện đút lót nọ kia. Tóm lại: THỎA HIỆP…

tôi: …vâng, thì cũng như anh Hugo thôi, anh Hugo cũng hạnh phúc đấy chứ, một thứ hạnh phúc của một con chó sống trong nhà địa chủ, hay một con lợn trong trại chăn nuôi, được cho ăn uống no nê!

Hong: A, em viết điều này rất tỉnh! Nhưng họ khác được chăng? Chị vẫn đôi khi ngạc nhiên vì sự tỉnh của em…

tôi: Có những tia sáng đến từ trong sâu thẳm tận cùng của sự thật, nhưng chúng ta sẽ không nhận thấy nếu quay lưng về hướng khác…

Hong: Hướng nào cũng có sự thật hết!

tôi: …và tưởng rằng mình đang đứng đúng hướng tới của ánh sáng!

Hong: Nhưng loại trừ cảm tình ra sẽ khách quan hơn

tôi: Chỉ đơn giản vậy thôi! Thôi, em đi ngủ với em bé đây, muộn rồi, chúc chị ngủ ngon!

Hong: Chúc ngủ ngon, ông nhà văn Hung vừa xuất hiện lại chat, kiểu này mình không được đi ngủ mất… Chúc em ngủ ngon nhé!