Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Đàn cừu cao cấp

Tết năm nay, bên cạnh những bữa nhậu nhẹt linh đình, mình còn được “ăn uống thả cửa” những món tinh thần, phải nói là muốn... “tức thở”!

He, he, ý mình muốn nói là mình vừa “tức cười” vừa “than thở”!

Để mình giải thích.

Nhớ khi xưa, nhà văn “gạo cội” của Hà Nội là Nguyễn Tuân, có bài tùy bút là “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, thì bây giờ, mình chợt nghĩ, nếu ông “nhà văn phở” này mà sống lại, chắc sẽ viết một tùy bút khác, không kém phần hay ho, là “Việt Nam ta... ăn “bánh vẽ” giỏi”!

He, he, để mình nói tiếp! Nếu nói như chị Hoài, tức là “Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành”, thì mình có thể phát biểu rằng, ông Ngô Bảo Châu là mẫu mực của một người “ăn bánh vẽ” giỏi! (Tất nhiên, như chúng ta đều biết, khi nói đến “chiếc bánh vẽ”, phải nhắc đến “nhà thơ XHCN” Chế Lan Viên trước, nhưng, khổ quá, ông nhà thơ này đã thuộc hàng người thiên cổ, nên mình không muốn trở thành khiếm nhã, không nhắc tới họ Chế nữa mà làm gì.)

Nhưng giáo sư Châu làm về toán cơ mà, lại là “toán cao cấp”, sao cha nội lại bảo ổng ăn bánh vẽ giỏi? Lắt léo quá!

He, he, lắt léo thế mới gọi là... toán chứ! Hay mình gọi nó là... “bổ đề bánh vẽ”? Cho nó “kêu”, cho nó “sành điệu”, nhá!

Câu chuyện “bổ đề bánh vẽ” này, theo mình nghĩ, có lẽ có từ thời mấy ông triết gia người Đức là Mác, là Ăng- ghen tự dưng nghĩ ra cái Chủ nghĩa Cộng sản, để rồi gần như một nửa nhân loại phải “điêu đứng” vì nó. Nhưng, tất nhiên, bàn về cái sự điêu đứng của nhân loại do CNCS gây ra, không phải là việc chính của mình hôm nay, mà mình chỉ muốn nói lên cái sự “ăn bánh vẽ giỏi” của Việt Nam ta mà thôi! Và, chủ yếu là của cái gọi là “trí thức XHCN Việt Nam”, nhá, mình xin bắt đầu:

Trong bài đối thoại của tác giả Nguyễn Xuân Phước trên Tiền Vệ, có một nhận định làm mình suy nghĩ mãi, là “Giấc mơ giải phóng Việt Nam khỏi bàn tay của đế quốc để xây dựng chế độ “chuyên chính vô sản” tại Việt Nam của các tiền bối cách mạng cộng sản Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đã trở thành sự thật.” Đó là bởi vì, mình tự hỏi như thế này, do đâu mà giấc mơ “chuyên chính vô sản” của những người cộng sản Việt Nam lại trở thành sự thật, trong khi giấc mơ ấy của các nhà cộng sản Đông Âu cũ thì thất bại? Phải chăng những người CSVN, họ “giỏi” hơn các đồng chí ở châu Âu? Không, không thể, bởi vì những người CSVN, như chúng ta đều biết, họ tuy “nhiều bằng cấp nhưng khá dốt”, nên không thể một mình biến “giấc mơ” thành “sự thật” được. Tức là, theo mình nghĩ, đã có “một thứ gì đó”, góp một phần trọng yếu cho họ trong “công cuộc” xây dựng chế độ độc tài, hay nói như tác giả NXP là “nền chuyên chính vô sản VN”, được thành công. Vậy, “một thứ gì đó”, là cái gì ở đây?

Cũng trong bài đối thoại của tác giả Nguyễn Xuân Phước, mình rút ra được một đoạn văn rất hay như thế này: “Qua cuộc sống thực tiễn, tích lũy kinh nghiêm sống còn, nối, tiến hóa của hàng triệu năm, con người đã dần dần chuyển được tính sống còn tự nhiên của mọi loài sinh vật thành nhân tính đặc thù của loài người. Quá trình đó tạo thành đường sống đặc thù của loài người mà ngày nay chúng ta gọi là nhân đạo. Chính sự xuất hiện của nhân đạo và nhân tính mới làm cho loài người khác với loài vật. Xây dựng một xã hội văn minh là xây dựng một xã hội Người, theo nhân đạo, có nhân tính.” Tức là, “nhân tính” chính là yếu tố quyết định hoàn toàn cho sự có đi đến được văn minh hay không của xã hội loài người!

Ở Việt Nam ta, cái sự phát triển của yếu tố “nhân tính” ấy như thế nào?

Chúng ta hẳn còn nhớ câu phát biểu gây nhiều “cơn bão trong cốc thủy tinh” của giáo sư toán học họ Ngô rằng “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Ở đây có hai hiện thực: một là tồn tại cái “lề phải” là chế độ độc tài Đảng trị, hai là tồn tại những “con cừu bám theo lề phải” trong cái “animal farm” có tên mỹ miều là “Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Tức là, xét cho cùng, con người của hầu như cả xã hội Việt nam hiện giờ, đều là “con cừu” theo nghĩa “sinh vật không có nhân tính”! Và như thế, việc “giấc mơ xây dựng nền chuyên chính vô sản được trở thành sự thật” trên đất nước Việt Nam gần một thế kỷ qua, chính là do Đảng Cộng sản Việt Nam đã “nuôi nấng” thành công “một đàn cừu không có nhân tính”! Và vấn đề còn lại ở đây là chúng ta hãy đi tìm hiểu xem “quá trình Nuôi Dạy” đó xảy ra như thế nào mà thôi!

Trong một bài viết của bác Hoàng Ngọc-Tuấn, bài “Vấn đề trí thức và phản trí thức”, mình có đọc được một đoạn văn, mà theo mình, định nghĩa một cách tổng quát và đúng nhất về trí thức: “Gramsci đến với lý thuyết của Marx như đến với những ý tưởng để chiêm nghiệm và vận dụng chúng vào cuộc cải cách xã hội, chứ không phải đến với một ý thức hệ. Ông đến bằng lý trí tỉnh táo chứ không phải bằng niềm tin mù quáng. Với lý trí tỉnh táo, ông luôn luôn giữ được một khoảng cách cần thiết giữa những ý tưởng của mình và những ý tưởng của Marx, giữa bản thân và đảng Cộng Sản Ý Đại Lợi. (Trong khi đó, chua chát thay, đa số “đồng chí” quanh ông, cũng như vô số đảng viên Cộng Sản trên thế giới, chưa bao giờ đọc qua cuốn Tư Bản Luận, thậm chí Tuyên Ngôn Cộng Sản Đảng, mà lại hoàn toàn nhiệt thành tin tưởng vào “thắng lợi cuối cùng” của chủ nghĩa Cộng Sản.)

Tức là, nói gọn lại, người trí thức là một người tỉnh táo. Thật đơn giản, thế thôi, tỉnh táo trong tất cả mọi phương diện cuộc sống! Về sự tỉnh táo này, chúng ta có thể đọc được qua nhiều bài viết, nhưng bài của bác Tuấn mình thấy là tiêu biểu, nói lên hết được những vấn đề chính của người trí thức tỉnh táo.

Quay lại trường hợp của giáo sư họ Ngô. Mình thấy như thế này, bản tính của loài người là suốt từ khi chui ra khỏi bụng mẹ chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi trần, luôn luôn muốn vươn tới sự hoàn thiện cái nhân tính có trong mình, tức là con người chúng ta muốn xây dựng một xã hội văn minh cho chính mình. Nhưng có sự trớ trêu là, trong quá trình sống, do không tỉnh táo nên con người dễ vấp phải những điều “khù khờ” (như “khóc ngu” chẳng hạn!) có ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của xã hội cộng đồng nói chung. Ở đây có thể nói rằng, vì không tỉnh táo nên những người của cái gọi là “giai cấp vô sản” không nhận ra chủ nghĩa cộng sản chỉ là... “cái bánh vẽ”, “khốn nạn” hơn, lại cho đấy là “thiên đàng”, và thi nhau “cắn lấy cắn để”, thậm chí, “tiêu diệt lẫn nhau” trong cái gọi là “đấu tranh giai cấp”, để “một còn” với “cái bánh vẽ”. Những trí thức tỉnh táo ở các nước XHCN Đông Âu cũ, sau một thời gian “bị ăn chán chê”, đã phát hiện ra thực trạng của “bánh vẽ”, họ lập tức “lên tiếng” và làm các cuộc “cách mạng nhung” để “vứt bỏ” nó đi, vứt bỏ cái chủ nghĩa cộng sản như chúng ta đã chứng kiến cuối thế kỷ qua. Ở Việt Nam thì không thế, “bầy cừu” cứ “gậm nhắm” tiếp tục “cái bánh vẽ” trong khi “các ông chủ lãnh đạo” ăn “bánh thật”. Nhưng nói cho công bằng, có một số trí thức, tuy thế cũng “tỉnh” ra chút đấy, tiêu biểu như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải (lúc sinh thời) chẳng hạn, họ đã phát hiện ra cái lõi thực sự của “bánh vẽ”, nhưng vẫn phải “ăn”, vẫn phải “ngồi vào bàn nhai”. Và bên cạnh đó, những người từ chối “bánh vẽ”, những nhà văn nhà thơ trong “vụ Nhân văn Giai phẩm” chẳng hạn, đều bị Đảng “đì” cho không “ngóc đầu lên được”, cuộc đời của những trí thức tỉnh táo này, coi như “điêu tàn” từ đó...

Ngày nay, để củng cố chế độ độc tài Đảng trị, những “ông chủ” của bầy cừu, một mặt ra sức “đúc” thêm những loại “bánh vẽ” mới, như là “định hướng XHCN” chẳng hạn, hay xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” cũng thế, mặt khác, tìm cách “cấy gien” tạo ra một “giống cừu” mới, cái “giống cừu” mới này - mà chị Hoài đã không muốn nói thẳng ra, chỉ “nói bóng (đá cao cấp) nói gió” thôi -, mình đặt tên cho là “giống cừu cao cấp”!

“Đàn cừu cao cấp” này ra đời từ tầng lớp gọi là “trí thức XHCN” (được học hành dưới “mái trường XHCN” ở trong nước hoặc ở các nước XHCN Đông Âu cũ, ngày nay có thể được đào tạo kiến thức ở các nước Phương Tây nhưng rất mực trung thành với ĐCSVN, phần lớn là con cháu của những người cộng sản “đại gia”), có rất nhiều thuộc tính “quái đản” (cho “sành điệu”, phù hợp với thời đại), mà trong số đó, mình có thể nêu ra đây một vài thuộc tính như thế này:

- Lạc quan vô tận: họ có một niềm tin tưởng sắt đá là “tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước”. Tức là vẫn phải “ăn bánh vẽ” dài dài!

- Nói một đường làm một nẻo: (Ăn) bám theo lề là việc của con cừu, ta đây là “con người tự do” không “(ăn) bám”, chỉ nhận nhà chục tỉ, làm giám đốc (ăn lương) cao cấp thôi!

- Có thể biến hóa thành “đàn sói cao cấp”: sau một thời gian “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn”, họ có thể biến thành những “ông chủ” của “bầy cừu im lặng”, kể cả “đàn cừu cao cấp”, để duy trì và củng cố chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN thành “muôn năm”.

- Không tỉnh táo: vì “ăn mãi ngàn năm” cái thứ “bánh vẽ” của ĐCSVN, nên đã hình thành “phản xạ vô điều kiện” trong tư duy (bằng tiếng Đảng đẻ) là “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”.

Nói tóm lại, ở Việt nam hiện nay, vì “bầy cừu”, mà cụ thể là “đàn cừu cao cấp”, vẫn “im lặng ngàn năm” bám theo lề phải để nhai “bánh vẽ” của Đảng, nên cái sự mong mỏi văn minh cho xã hội Việt Nam ta, dường như mãi mãi chỉ là... “mong mỏi để đấy” mà thôi!

Bởi vì, muốn thay đổi, rất cần sự tỉnh táo, cho “bầy cừu bám lề”, và nhất là, cho “đàn cừu cao cấp”...

Nhưng, cha nội này, ngay từ thời “bùng nổ” của internet, đã có biết bao những sự đánh thức khỏi cái sự “ăn mãi bánh vẽ ngàn năm”cơ mà, như “những đánh thức” của các trang mạng talawas, tienve.org, ... chẳng hạn, “bầy cừu” vẫn không “thức tỉnh” à?

Thì thế, “bầy cừu Việt Nam” mà “thức tỉnh”, đã không nên chuyện! Phải không?! Mình đã chẳng phải viết... mỏi cả tay cái bài này! Khổ lắm, cái nước (bọt) mình nó thế! Chuyện Việt Nam... nghĩ còn nhiều việc, nói mãi không hết đâu!

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

"Tiếng Đảng đẻ", hay nhân trường hợp của anh Chu Hảo

Cũng sắp tết, mình định "ra Giêng" mới viết lách tí gì đó, gọi là... "khai phím đầu xuân", nhưng nhân đọc được bài "Khóc ngu" của bác Nguyễn Hưng Quốc tren VOA, mình không thể... "cưỡng chế" lại cái sự "gõ phím", nó cứ "sôi sùng sục lên" bắt mình phải viết, hehe...

Như bài trước mình có nói, trong khi Thượng Đế cười (khẩy) thì con người chúng ta đa số là "khù khờ", hihi, và, khi đọc xong bài viết của bác Quốc, mình rút ra được một kết luận là: một trong những "động tác" thể hiện cái sự khù khờ ấy của con người chúng ta, chính là... "khóc ngu", huhuhu!

Mà như thế, nếu chúng ta nhìn hiện tượng theo cái "diễn biến hòa bình" của nó, hay nói theo cách của các nhà triết học là "biện chứng luận", thì có thể hiểu hành động "khóc ngu" (của nhân dân Bắc Triều Tiên) là kết quả của một quá trình tư duy đi từ lý thuyết (chất) "khù khờ" đến thực hành (lượng) khóc ngu! Mình mới nghĩ, như vậy cái gì đã làm cho con người chúng ta, cụ thể là người dân Bắc Hàn, được/bị "tư duy khù khờ" như thế?

Để tìm được câu trả lời, chúng ta có thể đi lui về quá khứ, tít tít tận... thời "hoang sơ" của loài người...

Hê, thời hoang sơ của loài người xa lắc xa lơ, làm sao mà đi lui tới được hè cha nội?

Hihi, được chớ! Đây này, Eduardo Galeano đã nói rồi này, trong bài "Nhân loại" ấy, nhà văn nói loài người chúng ta là "kẻ sáng tạo ra ngôn từ để thực tại và ký ức không câm lặng", có nghĩa là chúng ta có "ngôn từ" để tư duy "đánh động" thực tại và ký ức, mà ký ức ở đây, chính là quá khứ đấy, đúng không các bạn?!

Ừ, nghe cũng có lý!

Có lý quá đi chứ! Nghĩa là chúng ta có thể "trở về" tất cả mọi thời kỳ của quá khứ loài người, kể cả thời kỳ Nguyên thủy! Nào, chúng ta hãy "đánh động" quá khứ nhé!

Có một quá khứ như thế này, mình muốn nhắc đến Cuộc cách mạng Pháp vào năm 1789, chính xác ra là câu nói nổi tiếng của Marat: "On est grand, parce - que vous vous mettez à genoux - Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống". Tức là, bình thường ra ai cũng biết như vậy, đúng không, nhưng mình xin hỏi, tại sao ở cái kỷ nguyên thứ 21 của văn minh loài người này, còn rất rất nhiều cái gọi là "ngươi", vẫn luôn hàng ngày "cúi xuống"? Cái sự như là "đỉnh cao chói lọi", hay là "lãnh tụ vĩ đại", cuối cùng cũng là do "các ngươi" cúi xuống cơ mà?!

Mình mới nghĩ tiếp, chắc chắn có một cái gì đó đã "thay đổi" tư duy vốn rất "thánh thiện và văn minh" của loài người chúng ta, ít ra là ở các nước theo đuổi chủ nghĩa cộng sản như là Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba.

Vậy cái đấy là cái gì?

Mình nghiệm ra điều này, trong thế giới của chúng ta, chỉ có tinh thần (tư duy) là vận động, còn vật chất thì... "đứng yên"! Mà đúng thế đấy, như các bạn cũng biết, đã bao đời nay, quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ khoảng 120 nguyên tố là "tồn tại" trong thế gian nhỏ bé là Trái đất này của chúng ta. Tức là, vật chất không "thêm" ra được tí gì, hay nói cho có vẻ "biện chứng" là: vật chất không vận động, chỉ tinh thần thôi! Đây nhá, mình xin giải thích, đã có một lần mình nghĩ như thế này, nếu giả sử tất cả 7 tỉ nhân mạng trên toàn cầu trong cùng một lúc "nhắm mắt lại", ngừng tư duy, thì cái thực tại này: cuộc sống, trái đất, mặt trời, dải ngân hà, toàn thể vũ trụ, đều sẽ... biến mất ngay lập tức! Chắc chắn thế, đó là bởi vì, khi loài người ngừng tư duy, không "thấy" gì nữa, sẽ không còn một "mống tinh thần" nào để "chứng thực" cái "sự tồn tại" của vật chất!

Mình nêu những điều trên ra như thế, là để muốn nói lên cái ý: tư duy quyết định vật chất! Chắc chắn sẽ có bạn "giãy nảy" lên là, nhưng vật chất vẫn tồn tại độc lập cơ mà!? Hehe, không, đấy là do bạn "nghĩ" thế đấy chứ, tức là tư duy của bạn "bảo (quyết định)" bạn như thế đấy chứ...

Hê, cha nội, nói chuyện triết huyên thuyên rồi, quay lại chuyện khóc ngu của nhân dân Bắc Triều Tiên đê!

Hehe, ừ thì quay lại.

Mình nghĩ như thế này, con người chúng ta sinh ra có được một "phương tiện" để tư duy sáng tạo ra cuộc sống và văn minh cho chính mình, đó chính là ngôn ngữ, hay nói cho có vẻ "dân dã" một chút là "tiếng mẹ đẻ". Về điều này thì đã có rất nhiều nhà văn nhà thơ nói lên rồi trong các tác phẩm của họ, mình chỉ xin nêu ra đây bài văn mới nhất của giáo sư Nguyễn Quỳnh, bài "Những mảnh gương soi", chính xác ra, đoạn này:

"Vậy thì cảm-tính của tôi tống cổ í-thức của tôi ra ngoài, khi tôi thấy những cột mầu trong tranh của Hoàng Ngọc Biên, zựng lên như fướn lụa. Tôi cũng thấy những jòng bồng bềnh trong không-jan và thời-jan. Một cái gương không fản chiếu nhiều đời-sống chỉ là một mảnh vô-hồn. Tuy nhiên, khi gương-soi chiếu rọi nhiều đời-sống thì gương-soi đó trở thành biểu-tượng đưa chúng ta trở về cỗi uyên-nguyên vô thủy vô chung. Và lạ thay, khi chợt nhận ra điều đó, nó júp tôi nhớ đến bài hát cho tam-ca không cùng jai-điệu của Zarathustra, một tác-fẩm lạ-lùng của Nietzsche trong đó đã một lần Nietzsche thấy thú “đau-thương” – quặn người lên đau vì sướng đến ngất-ngây!"

Tức là, ngôn ngữ của nghệ sĩ, chính là tấm gương soi (nhìn vào đó ta thấy "thực tại và ký ức không im lặng") cho chính nghệ sĩ, và nói rộng ra, với con người chúng ta cũng vậy, cuộc sống của chúng ta chính là hình ảnh chiếu rọi của tư duy qua tấm gương ngôn ngữ là "tiếng mẹ đẻ" của chúng ta...

Lại chì lại chiết rồi, đang nói chuyện "khóc ngu" cơ mà?

Đây, đây, mình nói ngay đây! Cũng như thế, có thể nhận định như vầy: từ khi cái Đảng Cộng sản ra đời, cụ thể là Đảng Cộng sản Việt Nam, thì cùng lúc cũng có một thứ ngôn ngữ mới ra đời, mà mình đặt tên cho nó là "tiếng Đảng đẻ". Không như "tiếng mẹ đẻ" là thứ tiếng yêu thương mà người mẹ truyền cho người con một cách tự nhiên, ấm áp ngọt ngào như dòng sữa mẹ, thứ "tiếng Đảng đẻ" này mang đầy sự "cứng lạnh" và độc ác, (kiểu như "Nay ở trong thơ nên có thép"!) được Đảng độc tài "tống vào họng" nhân dân bắt "thấm nhuần" cho bằng được (chúng ta cứ xem cái sự "cách mạng văn hóa" là đốt sạch "tiếng mẹ đẻ" và đọc "sách đỏ Mao tuyển" của Trung Quốc, hay cái sự "lãnh tụ đời đời" Kim Nhật Thành bắt người dân Bắc Triều tiên hàng ngày phải học "trước tác" của mình, v.v...). Trong suốt quãng thời gian của những cái gọi là "giải phóng dân tộc", hay "xây dựng XHCN", thực ra chỉ là quá trình nhồi nhét "tiếng Đảng đẻ" vào đầu óc của người dân. Sự tình thật là "khốn nạn" cho người dân ở các nước bị Đảng độc tài "lãnh đạo", bởi vì, do chỉ được nói thứ "tiếng Đảng đẻ", nên suốt ngày họ chỉ có thể "tư duy" bằng "tiếng Đảng đẻ" mà thôi! Và như thế, là điều dễ hiểu khi cuộc sống của họ đầy những sự lầm than và uất ức, luôn bị đau thương và mất mát bao phủ, bởi vì, như mình đã có nói rồi đấy, bản chất của hệ thống độc tài là... "bầy hầy"! Và, đến đây, cái "sự khóc ngu" của nhân dân Bắc Hàn, chắc các bạn đã suy luận ra được rồi, chính là kết quả của bao năm tháng "học và nói" "tiếng Đảng đẻ", Đảng (cha con nhà Kim Nhật Thành) "Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao"!

Cũng như thế, tình hình ở Việt Nam ta không có gì gọi là "khả quan" hơn cả! Đều "quả dứa"! "Tiếng Đảng đẻ" dường như đã chiếm thế thượng phong trong cuộc sống của từng cá nhân con người. Chúng ta có thể lấy ví dụ cho cái sự "thấm nhuần tiếng Đảng đẻ" là câu thơ "thô lậu nhất" trong "văn chương xã hội chủ nghĩa" của Tố Hữu: "Tiếng đầu lòng con gọi Stalin", chỉ những kẻ thấm nhuần "tiếng Đảng đẻ" mới "xuất thần" một câu thơ "để đời" như vậy được, một người nói "tiếng mẹ đẻ" bình thường không bao giờ có thể "tư duy khù khờ" như thế!

Bây giờ, mình xin nói tiếp về chuyện thời sự Việt Nam ta. Mới đây, chị Hoài đã "tái xuất giang hồ" bằng một loạt bài viết khá sâu sắc. Trong số những bài viết đó, mình có tìm thấy cái ý "thấm nhuần tiếng Đảng đẻ" trong bài viết mới nhất của chị ấy, bài "Sự lạc quan vô tận", ở đoạn văn này:

"Tôi xin thử một câu trả lời: nửa thế kỉ qua, hệ thống toàn trị của Đảng đã biến đổi thành công bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, “sự lãnh đạo của Đảng” đã ăn vào gen trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không phù hợp nhất. Năm 2012 mở đầu với nhiều tin xấu: vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương, vụ xung đột ở Tiên Lãng, vụ xét xử Lê Văn Luyện, những vụ xe cứ cháy người cứ chết từ cuối năm ngoái chưa dứt… Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất.

...Nếu cách tư duy, cách diễn đạt, nếu ngôn ngữ chính thống này hoàn toàn thắng thế thì trong vòng ba thế hệ tới, sẽ không còn ai đọc và hiểu những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành."

Tức là, bởi vì đã lâu tư duy chỉ bằng một thứ ngôn ngữ độc nhất là "tiếng Đảng đẻ", nên "thấy" cũng chỉ độc nhất rằng "chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước", bởi vì nếu "giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước", tức là không nói "tiếng Đảng đẻ" nữa, thì nói tiếng gì đây? Và cũng bởi vì, "tiếng mẹ đẻ" của chúng ta đã bị, một cách chua xót, "bay đi (ít) nhiều" lắm rồi, còn rất ít người "chăm sóc nâng niu giữ gìn" nó, mà giờ đây, con người ở xã hội Việt Nam, có thể nói, bắt đầu ngay từ khi chào đời, đều bị Đảng CSVN "bắt ép" học "tiếng Đảng đẻ", để "nói", để "nghĩ", để "khom lưng", để "cúi đầu", và, thật nực cười, để "xây dựng đất nước hơn mười ngày nay" theo "định hướng XHCN" trong cái vòng - nói như chị Hoài là "lạc quan vô tận" - u mê dường như bất tận là cái Chủ nghĩa Cộng sản!

À, ra thế! Vấn đề là ở đây đây! Vậy giải quyết vấn đề đi cha nội!

Hehe, cực dễ! Chúng ta có thể nói "một tiếng nói khác" như anh Viện, hoặc... tất cả chúng ta hãy đồng loạt "nhắm mắt lại" và không nói "tiếng Đảng đẻ" nữa, thế thôi, tức khắc ĐCSVN sẽ "biến mất", mọi sự "người ta lớn (Đảng CSVN quang vinh muôn năm) bởi vì ngươi quì xuống (khóc ngu)" sẽ "không còn", bầu trời văn minh sẽ bừng sáng, tiếng cười tự do sẽ ngân vang! Ha, ha, ha...

Thế nhá!


Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Còn con người thì... "khù khờ"?

Hôm rầy có một thằng bạn mới hỏi mình một câu như thế này: Ờ, cũng có thể cha nội nói đúng là nhân loại đã đánh mất tình thương, nhưng như thế giờ đây nhân loại trở thành là gì? Mình mới nhẹ nhàng mỉm cười bảo nó, khù khờ, đánh mất tình thương, không trở thành "khù khờ", thì trở thành gì vào đây nữa hả trời!

Mình nghiệm ra một điều: ở trên đời này, có những thứ mà con người ta phải nhắm mắt lại mới "thấy" được! Ví dụ như là giấc mơ (trong khi ngủ), hay là cơn sướng tâm lý (khi hôn nhau, lúc làm tình), hoặc "cõi hư vô" của các nhà tu khi ngồi thiền...

Tức là con người ta có mắt cũng như không, nhiều khi không cần sử dụng đôi mắt nhưng vẫn "thấy"! Có thể đi sâu vào đề tài này, nhưng ở đây không phải là mục đích chính của mình hôm nay, mà mình muốn "đi sâu" vào cái sự... khù khờ của nhân loại chúng ta cơ!

Có một câu văn rất hay nói lên tất cả cái sự khù khờ của nhân loại chúng ta, đó là câu văn này:

"Và trên những cánh đồng canh tác, chúng ta đã thờ phượng các nữ thần phồn thực, những người đàn bà có hông nở nang và đôi vú phong nhiêu. Nhưng qua thời gian, họ đã bị thay thế bằng những nam thần dữ dằn của chiến tranh. Và chúng ta đã hát những bài tụng ca để vinh danh các hoàng đế, các thủ lĩnh chiến binh, và các giáo sĩ thượng phẩm."

Mình trích trong "Sử yếu của văn minh" của Eduardo Galeano (Hoàng Ngọc-Tuấn dịch). Đấy, các bạn cũng thấy đấy, qua thời gian, loài người chúng ta đã trở thành quá "khù khờ" khi mà chúng ta bỏ "các nữ thần phồn thực, những người đàn bà có hông nở nang và đôi vú phong nhiêu" để đi thờ phụng "những nam thần dữ dằn của chiến tranh" và "hát những bài tụng ca để vinh danh các hoàng đế, các thủ lĩnh chiến binh, và các giáo sĩ thượng phẩm."!

Quay lại "sự nhắm mắt". Ý mình muốn nói, loài người chúng ta, bên cạnh đôi mắt, còn có cái đầu, chính xác ra, trí óc, để "thấy" mọi sự ở trên đời. Ở đây, mình liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của René Descartes: "Cogito, ergo sum"("Tôi tư duy, tôi tồn tại"). Nghĩa là, nếu chúng ta "mất đầu"(không còn mắt và bộ não), thì sự việc sẽ xảy ra sao đây?

Hì, mình xin nói một cách "văn vẻ" rằng, khi chúng ta "mất đầu", tức là "không tư duy", chúng ta vẫn tồn tại, nhưng không còn thông minh như... Descartes nữa, hehe, mà rất... "khù khờ", hahaha!

Mà đúng như thế đấy! Đây nhá, mình có thể dẫn chứng ra đây vài "sự kiện lịch sử" biểu hiện cái khù khờ của nhân loại chúng ta như thế này:

Chúng ta đã "đem Chúa đi đóng đinh trên cây thập tự", đánh mất tình thương mà Thượng Đế qua Chúa gửi đến chúng ta.

Chúng ta đã "đẻ ra" một "bóng ma" là Chủ nghĩa cộng sản để tự tàn phá văn minh mình.

Chúng ta đã sáng chế ra một cái "bẫy người" là bom nguyên tử để tự hủy diệt mình.

Chúng ta, nói như Galeano, "thờ phụng những nam thần dữ dằn của chiến tranh" là những con Quỷ Sứ của thời đại, để đến tận bây giờ, ở cái thế kỷ thứ 21 của nền văn minh loài người, chúng vẫn còn "hoành hành" reo rắc đau thương, như ở vài nước "định hướng XHCN": Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc chẳng hạn.

V.v... và v.v...

Nhưng biết rồi, khổ lắm, nói mãi, cha nội ơi! Ai chả biết thế, nhưng vấn đề ở đây là làm sao... "giải quyết vấn đề" đây?

Hehe, "giải quyết vấn đề"? Hehe, hơi khó, hơi khó đấy! Nhất là khi chúng ta đã quá "khù khờ"! Tất nhiên, có thể "lạc quan" như bác Khuất Đẩu, tức là "Biết đâu đó, thánh nhân nhiều khi đãi kẻ khù khờ!", nhưng, chúng ta đã "chờ" thánh nhân trong suốt hơn "80 năm" qua từ khi Đảng CSVN ra đời rồi, "thánh nhân đãi kẻ khù khờ" đâu chẳng thấy, chỉ toàn... đau thương và mất mát, hoặc nếu chỉ nói về nhân dân Bắc Triều Tiên, từ năm 1948 cho đến bây giờ, họ đã "khù khờ" như thế là được hơn 60 năm rồi đấy chứ, đúng không, sao "thánh nhân" không "đãi" đi cho nhân dân Bắc Triều Tiên... "dễ thở" hơn đi?

Nói tóm lại, cái "sự mất đầu" để trở nên "khù khờ" của "nhân dân", rất chi là... nan giải. Mình cũng chưa nghĩ ra được cách "giải quyết" như thế nào cả! Chắc cứ phải mong chờ vào các nhà văn nhà thơ thôi, chắc thế! Bởi vì, "sự mất đầu" của loài người chúng ta, một phần do chúng ta "nhắm mắt làm ngơ", phần nữa do chúng ta cứ "để mặc" "những con dao" trong tay lũ độc tài vung xuống "chặt đầu" chúng ta, và, nói theo cách của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, là:

"Tao là cái thoi thóp chình ình trên thớt-
đụ má tụi mày cứ không ngớt mài dao!"

Mình chợt nhớ đến một câu ngạn ngữ cổ xưa của người Do-thái, câu "Con người suy nghĩ, còn Thượng Đế thì cười", và, liên hệ với cái sự "hỗn loạn" của thời đại chúng ta, có thể nói tiếp như thế này chăng:

Thượng Đế cười, còn con người thì... "khù khờ"?