Mình nghe nói, con người khác với động vật ở chỗ con người có tiếng nói, hay một cách văn vẻ, ngôn ngữ, còn động vật thì không có „ngôn ngữ”. Mới nghe thì có thể cho rằng loài người thông minh hơn loài vật, nhưng ngẫm đi nghĩ lại, mình không đồng ý với nhận định ấy. Theo mình, loài vật khôn hơn loài người trên bình diện ngôn ngữ, và sự khôn ngoan này không phụ thuộc vào chỉ số IQ của loài vật. Mình chứng minh cái „luận điểm” này của mình như sau:
Loài vật khôn ngoan vì chúng có một „ngôn thanh” chung duy nhất để „nói chuyện” với nhau., để "hiểu và thương yêu" nhau. Tất cả các sinh mạng mà chúng ta, Con Người, gọi là „động vật”, đều rất chi là "hiểu biết lẫn nhau" mỗi khi "tiếp xúc" với nhau, bất kể ở đâu, châu Á hay châu Phi, Pháp hay Canada, rừng sâu hay suối cạn, trời cao hay vực thẳm, v.v… và v.v... Và như vậy, Loài Vật tiết kiệm được cơ man nào là của cải, thời gian và sức lực, vì chả phải bỏ tiền đi học thêm "ngoại ngữ", không lãng phí thời gian vào việc nghiên cứu "tiếng nước ngoài" và chẳng hao tốn sức lực cho công cuộc khám phá "ngôn ngữ mới", tức là giữa chúng với nhau: bất khả dĩ cái gọi là "bất đồng ngôn ngữ". Mình kể một thí dụ: nhà mình có chú chó mực và ả mèo miu, cu mực ăng ẳng suốt ngày với con miu trong cái vụ „lông của ai nhiều hơn lông của ai”, không phải vì chúng không biết „tiếng nói” của nhau, mà ngược lại, chính vì cả hai đều „biết tỏng” bụng nhau lắm lắm từ lâu rồi, nhưng không ai chịu thua ai, nên cứ đụng mặt nhau là cu mực lại ra rả "chê mèo lắm lông", còn ả mèo nhà ta thì cũng không phải loại kém phần chanh chua, cũng „eo éo” lại ngay: đồ "chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, và những người mục kích cuộc „cãi vã” của hai anh ả khác loài nhau này đều có thể nhận ra rằng: đúng, chúng chỉ sử dụng duy nhất một „ngôn thanh”. Dĩ nhiên, Con Người chúng ta không thể hiểu được cái „ngôn thanh” ấy, cùng lắm chỉ cố mường tượng ra là chúng đang „thao thao bất tuyệt” về cái chuyện gì thôi. Vậy, mình có quyền đặt câu hỏi: chúng ta - những Con Người, khôn ngoan ở chỗ nào? Thế nhưng, những Con Vật lại có thể "đi guốc trong bụng" những Con Người chúng ta qua chính tiếng nói của chúng ta. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng không cần phải mỏi mồm „lên tiếng”, mà chỉ một cái trừng mắt hay cái đằng hắng là cu chó đằng ấy và ả mèo nhà ta phải cúp đuôi nằm im hay sụp mắt lủi mất. Điều này cho thấy loài vật khôn ngoan lanh lợi hơn chúng ta nhiều. Những thành ngữ „mưu cáo già”, „khôn như chấy”, „lanh như sóc”, „trứng đòi khôn hơn vịt” (phải hiểu là: vịt là khôn nhất, không ai khôn bằng hoặc hơn, trứng cũng chả là cái đinh gì cả!) càng chứng tỏ điều này. Hơn nữa, Con Người có, phải đến hàng tỷ ngôn ngữ khác nhau để làm „khó dễ” lẫn nhau, thật rách việc! Thậm chí, nhiều khi, hai Con Người thông minh tuy biết cùng một ngôn ngữ đấy, nhưng vẫn không muốn nhường nhịn nhau mỗi khi xảy ra chuyện „thua đủ” giữa nhau. Lẽ tất nhiên, đến đây, sẽ có bạn phản ứng: Con Người vẫn thông minh hơn vì bên cạnh ngôn ngữ, chúng ta còn có cả, nào là chữ viết, nào là nền văn minh, rồi khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, nồi cơm điện, mobil telephon, bom nguyên tử, v.v... Mình, vì không muốn „cãi cọ”, sẽ chỉ mỉm cười mà nói nhỏ với bạn ấy rằng: Loài Vật vẫn khôn ngoan hơn, chúng văn minh hơn và sẽ được lên Thiên Đàng trước Loài Người. Và mình cũng không muốn con cà cuống là bạn ấy phải chấp nhận cái „luận điểm” này của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét