Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Hướng tới cái... quái mới!

Xem hình "cái đẹp... mới" của "Chí Phèo & Thị Nở" ngày nay, mình suýt... phì cười vãi đái, hehe, đó là bởi vì thấy "cái đẹp mới" của Việt nam ta, sao nó... "quái" thế cơ chứ...

Thì "Chí Phèo & Thị Nở" Việt Nam thời nào chả... "quái"!

Ừ, thì mình cũng biết thế, nhưng phải công nhận bà Nguyễn Thị Sương có "đôi mắt tinh tường" thật đấy, như của Nam Cao chứ không phải bỡn...

Thế à? Bà Sương như... "Nam Cao tái thế"?

Chứ còn gì nữa! Đây nhá, phải có "đôi mắt" thật tinh tường thì trong một đống "quái" đông đúc - toàn "quái" là "quái" - ở Việt Nam ta hiện giờ, bà Sương mới "chộp" ra được "cặp quái", phải gọi là... tiêu biểu nhất và... đẹp đôi nhất, cho chúng ta xem!

Mình nhớ "hồi xưa", hihi, đùa tí, thực ra cũng chẳng "xưa" lắm, mới đây thôi, cách đây ba năm, bác Hoàng Ngọc-Tuấn cũng đã "túm cổ" cho chúng ta thấy "một cặp quái" trong cái "quái trạng văn hóa" Việt Nam ta. Hồi ấy, thú thực, mình vẫn phân vân không biết "cái quái trạng văn hóa" ấy có thực không, nhưng đến bây giờ thì mình tin thật rồi, tin quá đi chứ lị, hihi, tức là, cái "quái trạng văn hóa Việt Nam" là có đấy bà con ơi!

Và vì tin là nó có, nên mình mới lại tự hỏi, vì đâu nên nỗi?, hay, để cho nó "văn vẻ", văn hóa mà, mình bắt chước bác Nguyễn Đức Tùng tự hỏi như thế này: "Quái" đến từ đâu? Hehe...

Bây giờ mình xin đi tìm câu trả lời cho câu "tự hỏi" đó...

Mất công đi tìm mà làm gì, ông Hoàng Ngọc-Tuấn đã phát hiện ra cái "quái trạng văn hóa" của Việt nam, chắc chắn phải biết nó đến từ đâu, cứ hỏi ổng là xong!

Ờ, ờ, tất nhiên rồi! Nhưng mình không muốn "làm phiền" bác ý, hihi, bác ý có việc của bác ý, mình đã "xác định" rồi, không được lôi thôi, đã "tự hỏi" thì phải "tự trả lời", không nên làm phiền người khác, đúng không?!

Mình nghĩ thế này, mọi sự trên đời này, kể cả "quái", không thể "tự sinh ra" được, tức là phải có cái gì đó khác "tác động", thì nó mới "hình thành", mới "sinh sôi nảy nở" được, kiểu như cây cối hút nước, hút đất thì mới xanh tươi, trẻ em được học hành, nuôi dưỡng tử tế thì mới lớn khôn được, v.v... Tức là, văn hóa cũng thế, cũng phải được/bị "cái khác" tác động thì mới hình thành và phát triển được. Vậy, "vấn đề" ở đây là: "cái khác" là cái gì?

Tất nhiên, sẽ có nhiều bạn bảo "cái khác" là cái khác cơ, nhưng theo mình, "cái khác" chính là ngôn ngữ. Mà thật đấy, mình không nói gì khác đâu, chỉ xin "trích" lời Kinh Thánh ra đây: Khởi thủy là lời! Có nghĩa là: Nền văn minh của chúng ta được hình thành và phát triển, do tác động của "lời" - "ngôn ngữ"!

Hôm trước, mình đọc được "lời" của nhà thơ vừa đạt giải Nobel văn chương, Tomas Tranströmer, trong bài đối thoại của Black Raccoon, rằng: The language marches in step with the executioners. Therefore we must get a new language. [Ngôn ngữ đi chung nhịp bước với đao phủ thủ. Do đó chúng ta phải có một ngữ ngôn tinh mới.]. Mình suy nghĩ rất "mông lung", như thế nào là "chung nhịp bước với đao phủ", là "phải có một ngôn ngữ mới"?

Có một "lời" cũng của ông như thế này: "Mọi thứ đều đến từ bên trong, từ tiềm thức. Đó là cái nguồn của mọi thứ." Mình mới nghĩ: Phải chăng tiềm thức chính là "một ngôn ngữ mới" của nhà thơ? Nếu đúng như vậy, đối với những kẻ "không đánh thức" (vẫn dùng "ngôn ngữ cũ") được tiềm thức của mình, thì sao đây?

Thì "chung nhịp bước với đao phủ" chứ còn sao nữa hả trời!

Đây nhá, theo mình hiểu, nhà thơ Tomas Tranströmer, khi nói "ngôn ngữ chung nhịp bước với đao phủ", là muốn nói lên cái tính "hành hình" của ngôn ngữ, ngôn ngữ cũng "thi hành bản án" như "một đồ tể"!

Đọc bài này của Song Chi nói về cái sự học hành của trẻ em Việt Nam hiện giờ mà mình thấy... "rùng mình" cho cái "nền giáo dục" của nước nhà. Trong bài viết, đạo diễn Song Chi nói rằng: "Cũng chỉ tại cái nền giáo dục điên rồ, chạy theo thành tích, điểm số, chuộng cái hư danh-có sự phân biệt giữa trường chuyên, trường điểm, trường chọn…với trường thường, nên các ông bố bà mẹ mới phải thúc vào lưng con, ép con phải vào bằng được trường chuyên, không vào được thì…chạy tiền, nhờ cậy người quen. Rồi một xã hội điên rồ, chuộng bằng cấp hơn khả năng thực, nên mới có chuyện chạy điểm, chạy bằng, mua bằng, bằng giả bằng dỏm v.v…", thì mình thấy ngay cái sự "thi hành bản án như một đồ tể" của ngôn ngữ. "Ngôn ngữ giáo dục XHCN" trong nước hiện giờ đã "giết chết" hay "chém đứt đầu" những "cái thật", "cái đẹp", "cái văn minh", và - điều đáng nói -, là giờ đây chỉ còn lại "một quái trạng văn hóa" nửa người nửa ngợm, không ra một thể thống gì cả ở trên mảnh đất "èo uột" hình chữ S mà thôi!

Bậy nà, chứng minh đê!

Được thôi, mình chẳng cần lấy "bằng chứng" ở tận đâu xa, lấy ngay đích "Thị Nở" nhà mình đây thôi, hihi. Trên một trang mạng "văn hóa", mình đọc được lời này của Vi Thùy Linh "làn da cẩm thạch": "Có bao lăm ai cuồng say và liều lĩnh xả thân vì tình yêu, vì văn chương giữa cõi hiện sinh đang xuống cấp nhiều mặt, thực dụng bủa vây này? Để tạo được nghệ thuật ấy, không thể cũ và giả, bất tài lại hay tham. Không thể đánh đồng, đánh tráo ánh sáng giá trị mới, kinh điển với cũ kỹ, lười nhác, ấu trĩ, ngụy tạo, giả hiệu; nghệ sĩ thực tài với thi sĩ vỏ và nghệ sĩ rởm. Dẫu đời sống là một sân khấu lớn, tôi không đến các vũ hội hoá trang." Tức là "thị ta" cũng "nhận ra" cái xã hội Việt Nam hiện giờ là "cõi hiện sinh đang xuống cấp nhiều mặt, thực dụng bủa vây này", và tuy có nói rằng "Dẫu đời sống là một sân khấu lớn, tôi không đến các vũ hội hoá trang.", nhưng vẫn liên tục "mò" đến các "vũ hội hóa trang" đều đều...

Ừ, có thể, đối với những người "lớn lên dưới mái trường (định hướng) XHCN" như "làn da cẩm thạch" Vi Thùy Linh, hay "cơn gió đực" Đào Anh Khánh, hoặc ông Hoàng Ngọc Hiến, thì có thể như thế, nhưng ông Trịnh Lữ thì ổng từ Mỹ về cơ mà? Sao lại bảo ông là "quái"? Bậy nà...

Ấy, ấy, cũng thế cả thôi, ông Lữ tuy "lớn lên ở Mỹ" thật đấy, nhưng lại không "có một ngôn ngữ mới" là tiềm thức của chính ổng, và, có thể đã bị "ngôn ngữ XHCN"... "chặt đứt đầu" từ lâu rồi cũng nên! Có thể lắm!

Nói tóm lại, trong cái "quái trạng văn hóa Việt Nam" có rất nhiều "quái", nhiều vô kể và... đủ loại, từ quái "nằm trong lăng" cho đến quái "làm tình một mình trên mái", thế mới bỏ mẹ! Và, nói thật đấy, không biết cái "quái trạng văn hóa" Việt Nam ấy, sẽ đi về đâu?

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chí Phèo & Thị Nở cũng có thể là... mỗi chúng ta!

Mình giật mình đánh... thót, khi đọc được bài thơ này của bác Nguyễn Đăng Thường bên trang Da Màu. Đó là bởi vì đoạn kết của bài thơ... nó đúng quá, chí lý quá!

Đây nhá, nếu mình chỉ "lôi" câu này: "Chí Phèo nay đã trở thành ngài Lãnh Tụ" ra thôi, là đã thấy bác ý nói quả... đích đáng, đúng không?!

Và, mình xin nói như thế này nhé, chỉ có nhà văn nhà thơ đích thực mới có thể "giải nghĩa" xác đáng cho "mọi sự" ở trên đời này, theo mình là thế!

Và, mình nói không ngoa đâu nhá, tức là, qua đó, thế mới thấy Nam Cao ngày xưa không chỉ là một nhà văn "sống mòn" qua ngày đoạn tháng, mà ông còn là một nhà tiên tri có "đôi mắt" nhìn thấu chuyện đời một cách... "đáng sợ" cho "mỗi chúng ta" ngày nay - những kẻ cũng "sống mòn" qua ngày đoạn tháng như Nam Cao ngày xưa, chẳng hạn như là mình, hehe, nhưng lại không có "đôi mắt tinh tường" như của cụ!

Nói dông nói dài, chẳng qua mình muốn nói lên cái ý như thế này: văn học và đời (chính trị?), nó liên quan gì với nhau? Hay, mượn lời nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, "& Chí Phèo, & Thị Nở, có thể là... mỗi chúng ta"?

Sau khi "giật mình tự hỏi" như vậy, mình đã "chạy" qua Tiền Vệ, một phần là để đọc tin "chuột cống lại trở về với cống", phần nữa là xem xem tình hình "văn học và chính trị" đã đến đâu rồi!

Đọc qua đọc lại một hồi, thì mình thấy như thế này: cái "sự đời", tức là "văn học và chính trị" ấy mà, nó... "éo le" lắm cơ! Mà đúng thế đấy! Một bên, nhà văn Phan Quỳnh Trâm cho rằng:

"...Điều đó nói lên rằng tư cách chính trị hoàn toàn độc lập với tư cách của nhà văn... Tôi chỉ muốn phân biệt nhà văn với tư cách công dân và với tư cách người cầm bút. Tôi cho sự lẫn lộn giữa hai tư cách ấy không có lợi gì cho văn học."

Còn một bên, nhà thơ Nguyễn Đăng Thường nhấn mạnh:

"Có nhiều cuốn sách viết về tiểu thuyết chính trị của Thế kỷ 20, vì tiểu thuyết chính trị là thể loại nổi bật nhứt của cái thế kỷ đẫm máu này. Tiểu thuyết chính trị đã cho ra đời những tác phẩm lớn ký tên Disraeli, Kafka, Joyce, Orwell, Hemingway, Malaparte, Greene, Grass, Kundera, Naipaul, Solshenitsyn, Gordimer, Garcia Marquez, Carpentier, Semprun, Asturias, Heller, Vonnegut... PQT có nên tìm đọc trưốc, trước khi viết về “văn học và chính trị?

Tôi đang viết một bài về Văn chương là... chính trị nhưng rất uể oải vì muốn tránh “đụng chạm”, tránh “đánh phá” giấc ngủ an lành của các độc giả tự đắc có thể đánh mũi biết ngay cái hay, cái dở. Sau đây là một đoạn trích trong bài tôi đang viết về sự sai lầm của PQT, hầu cho thấy sơ qua vì sao tôi không đồng ý với PQT trong trường hợp nếu tôi chán ngán bỏ luôn không viết tiếp:

Bài viết của Phan Quỳnh Trâm đặt sai câu hỏi, sai vấn đề, dựa trên quan niệm cũ ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Tác giả dị ứng chính trị trong văn chương ta nói riêng và truyện có nội dung chính trị nói chung vì sự liên kết với văn chương hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Tác giả đã hiểu từ “chính trị” theo nghĩa xấu, nghĩa hẹp nhứt. Loại văn chương này (VCXHCN) dở, không phải vì nó chính trị, mà vì nó là văn chương tuyên truyền, không đến từ đời sống thật, tình huống bịa đặt, nhân vật là những con rối để chứng minh nọ kia kia nọ...”"

Thì mình thấy, cả hai người đều có lý, nhưng, những lý luận của họ, nói như thế nào để khỏi bị "mất lòng nhau" nhỉ?, hihi, đúng rồi, cả hai đã... "chưa tới bến"! Ha, ha, tức là, như thế này nhé, mình xin nói ngay đây:

Thứ nhất: nữ văn Phan Quỳnh Trâm, mình nhận xét là cổ "chưa tới bến", là bởi vì đã cho rằng có hai tư cách - tư cách công dân (chính trị) và tư cách người cầm bút (nhà văn) - đứng "hoàn toàn độc lập" trong "một con người sáng tác văn học". Theo mình, nhận định như cổ, như bác Thường đã nói, là "tự mâu thuẫn", bởi vì không thể có hai tư cách trong cùng một con người. Những nhà văn đích thực, theo mình, trong họ chỉ tồn tại một (và chỉ một) tư cách, đó là "tư cách người cầm bút" (hay có thể gọi là tư cách trí thức nói chung). Cái gọi là tư cách công dân (tôn trọng pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, v.v...), chẳng qua là một "nền nếp sống" mà có thể do Phan Quỳnh Trâm luôn bị "phạm trù đạo đức" nó ám ảnh nên mới suy nghĩ và nhận định như vậy, chắc chắn thế! Bởi vì, chúng ta phải hiểu rằng, một khi nhà văn - ở đây chúng ta đang nói đến những người cầm bút đích thực - đã đạt đến cái "tầm cao hơn" rằng, "nhà văn được xem là những con người của chữ nghĩa, những người trí thức, và những điều họ nói, họ phát biểu thường được người ta trân trọng lắng nghe, nói cách khác, chúng có ảnh hưởng đến xã hội, đến chính trị"(Phan Quỳnh Trâm), tức là họ "đứng trên" cả xã hội, chính trị. Nói cách khác, khi đã có "tư cách nhà văn", thì "tư cách công dân" của họ, không còn nữa, chính xác hơn, đã trở thành "tư cách nhà văn"! Mình chỉ xin nêu ra một "luận điểm" chúng minh cho điều này, rằng: "tư cách công dân" chẳng qua là một thứ "tư cách" do những "công dân khác" dưới tầm nhà văn nghĩ ra, và, thế là hàng loạt công dân còn lại phải "bám theo", còn những nhà văn thì họ "tự do", và tất nhiên, họ đã để "tuột" (hay nói như anh Viện là "đạp chân vào bầu trời") lại sau lưng tất cả những gì gọi là "tư cách công dân" ấy. Bởi vì, một lẽ thường tình, họ "tôn trọng luật pháp" và "trách nhiệm với xã hội" hơn hết thảy chúng ta, đó là điều chắc chắn! Ở đây, còn một ý như thế này, mình cũng xin nói luôn: như thế nào là một "tư cách công dân" đúng? Phải chăng khi ông nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu rằng xóa điều 4 Hiến pháp là tự sát, là ông ta đã thể hiện "tư cách công dân" đúng? Hoặc, khi nguyên tổng thống Mỹ là Bush bố ra lệnh ném bom Irak, là lúc ổng thi hành tư cách công dân một cách chính đáng nhất?

Nói tóm lại, nhà văn đích thực là chỉ một người với một tư cách duy nhất, tư cách nhà văn. Có như vậy họ mới sáng tác được những tác phẩm để đời. Những kẻ cầm bút mà vẫn "loay hoay" không biết làm gì với "tư cách công dân" của mình, về thực chất, không phải là những nhà văn! Những loại người này nhiều lắm, cứ hàng đàn, như bầy "chim cách cụt biết bay", họ "sáng tác" là cứ phải kéo nhau vào "trại sáng tác", hoặc nếu có "hiện đại hóa thơ ca" thì cứ phải "tụ bạ" lại với nhau, "ứng khẩu" với nhau, thì mới được!

Thế còn nhà thơ Nguyễn Đăng Thường của chúng ta thì sao? Ông "chưa tới bến" ở điểm nào?

Hi,hi, bác Thường "chưa tới bến" là ở chỗ bác ý đã không nói thẳng ra ngay từ đầu với Phan Quỳnh Trâm là "văn học là... chính trị". Nếu bác ý nói ngay từ ở đối thoại đầu của bác ý, không chỉ dừng lại ở chỗ "Phan Quỳnh Trâm tự... mâu thuẫn", thì sự thể "đâu đến nỗi"?! Đúng không?!

Nhưng mà, nhưng mà... Nam Cao thì có liên quan gì đến câu chuyện này?

Ấy, ấy, có chứ! Nam Cao, vì "sống mòn" với "tư cách nhà văn" của mình, nên đã để lại cho đời "những tư cách công dân" bất diệt là "Chí Phèo & Thị Nở"! Và, mình giật mình đánh "thót" là vì thấy được ý nghĩa của điều nhà thơ Nguyễn Đăng Thường viết, là ngày nay, do có quá ít "tư cách nhà văn", nên "tư cách công dân" được thể "lên ngôi" (do vì ít đọc? hay do "viết như... cứt"?), "Chí Phèo & Thị Nở" có thể thấy nhan nhản "trong nhà, ngoài đường", ở làng V(ĩ)ũ Đại bây giờ!

Phải chăng có một cuộc "tiến hóa" của loài "con Rồng cháu Tiên" đi từ Long Quân & Âu Cơ thành Chí Phèo & Thị Nở ở cái làng Việt Nam Vĩ Đại của chúng ta?

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Ánh chớp trong đêm dài

Đọc bài “lại nghĩ về thơ” này của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường xong, tôi tâm đắc nhất câu này: “Nói tóm lại, một bài thơ kiểu đó để làm gì trong những ngày tháng tất bật hôm nay? Thơ, hay là cứt… thi sĩ? Để làm gì? Để làm gì? Một bài thơ Lý Bạch, Thôi Hiệu có thể “tự hay” để thi hữu có thể tiếp cận “liền tù tì”, vì nó nằm trong một hệ mỹ học quen thuộc, duy nhứt, bất di bất dịch. Thơ văn xuôi của Rimbaud phải chờ các nhà phê bình diễn dịch thêm, thì độc giả mới hiểu… nổi.“.

Trên trang Tiền Vệ tôi có đọc được một bài đối thoại “nghĩ về thơ” của Nhã Thuyên, có lẽ, theo tôi, rất “ăn nhập” vào “dòng suy nghĩ” của bài viết này. Tôi xin trích lại ra đây: “Bài thơ vừa ráo bàn phím sẽ luôn là bài thơ hay nhất, với tôi, vì nó nằm giữa một quá khứ đang trôi tuột đi vào hư rỗng và cái khoảnh khắc hiện tại ngắn ngủi mà người viết còn đang cảm thấy. Ngoài giây phút ấy là sự chết.“(Nhã Thuyên).

Tức là, một “bài thơ hay” là một thứ “ánh chớp” về Cái đẹp (của tư tưởng) mà thi nhân đã nhanh tay “chớp” lại cho… chỉ chính bản thân thi sĩ, chứ không cho ai khác! Mà đã là “ánh chớp”, thì “bài thơ hay” là nó “hay trong tức khắc”, “hay trong lần đầu tiên”, nó khó có thể “diễn dịch”, nếu tôi không muốn nói là “nó không thể diễn dịch”!

Tôi thấy câu trả lời của nhà văn William Faulkner, rằng “Xin bà hãy đọc thêm một lần nữa“, rất hay và thâm thúy! Bởi vì ông “biết tỏng” nữ độc giả kia đã không hiểu “ngay trong lần đầu tiên”, nên có đọc lại nghìn lần cũng không thể hiểu nổi, và ông cũng chẳng mất công “diễn dịch” mà làm gì.

Tôi cũng hay “nghĩ về thơ” qua việc đọc thơ của các nhà thơ mình yêu thích. Bởi vì, như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường cũng đã nói ở cuối bình luận mới nhất của ông: “Ngoài ra, nhà thơ không phải là một người hầu bàn sẽ mang đến tận tay người đọc những bài thơ “tự hay” như một “món ngon”. Người đọc phải bước vào cái thế giới riêng biệt của thi nhân (của một nhà thơ đúng nghĩa). Nếu không thì vẫn có thể “quăng cuốn thơ ra cửa sổ” (Thanh Tâm Tuyền, trích dẫn không chính xác).”, tôi cũng “nghĩ về thơ” như một “bức tranh đẹp”, nếu ta không “bước vào cái thế giới riêng biệt của họa sĩ”, sẽ không “chớp” được cái Hay, cái Đẹp của bức tranh. Người họa sĩ đã “tốn công” vẽ ra một bức tranh đẹp, chẳng lẽ bên dưới anh ta lại phải “ghi chú” là mình đã vẽ cái gì, vẽ bằng màu gì? Thơ cũng vậy, “ráo bàn phím” xong là… xong! Chấm hết!

Dĩ nhiên ở đây tôi không có ý ám chỉ gì đến cái việc “hỏi” của độc giả Thu cả. Tôi chỉ muốn nêu lên vài lời “lại nghĩ về thơ” của tôi mà thôi. Nếu có điều gì “ấm ớ” trong bình luận này của tôi, tôi xin “đi chỗ khác chơi” vậy!

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Lời của Chúa

Từ hồi đọc bài viết của Đặng Thân nói rằng, anh Viện là “nhà thơ thánh ám”, tôi đã mường tượng phần nào cái nghĩa “thánh ám” trong văn chương Nguyễn Viện, chỉ mường tượng thôi, chưa thấy rõ nét. Và từ đó tôi say mê đọc anh, cũng hòng để đi đến được cái “bức tường thánh” mà, theo trí tưởng tượng của tôi, anh Viện đang, vừa “ngồi bên lề rất trái”, vừa “đạp chân vào bầu trời” trên đó. Và, phép lạ xảy ra chăng, đọc bài “Những bản thế vì khai sinh bị xé rách (1) và (2)” này của anh, tôi chợt thấy mình đang đứng dưới chân “bức tường thánh” ấy.

Anh Viện nói: “Và tôi vẫn viết như một kẻ lạc đường.”!

Thời gian talawas “còn sống”, tôi có đọc được một bài viết của Aleksandr Solzhenitsyn, trong đó nhà văn Nga nổi tiếng này phát biểu rằng: “Thuở nhỏ, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi nhớ là thường nghe nhiều người có tuổi đưa ra lời giải thích như sau về những tai ương lớn đã giáng xuống nước Nga: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.”

Trên trang vanchuongviet.org, giáo sư Nguyễn Quỳnh có nói về thơ rất… “thơ” rằng: “Thơ là âm-nhạc trong ngôn-ngữ rất tự-nhiên (a priori) của con người”, và anh Viện thì cho tôi một định nghĩa khác cũng rất “thơ” như thế này: “Thơ là một thứ bùa chú cho những cuộc lên/xuống đường của con người. Nhưng thơ trước hết và sau hết vẫn là nghệ thuật của ngôn từ”.

Tôi dẫn dắt dài dòng, cũng chỉ để nói lên một ý như thế này: nếu coi tự do và sự thật là một thứ “ngôn ngữ” của Thượng Đế, thì văn chương, nghệ thuật chính là những “bản dịch” của thứ “ngôn ngữ” ấy, và, các tác giả – nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sỹ, v.v…, tất nhiên, đích thực, – chính là những “dịch giả” cho “những lời của Chúa”, khi họ sáng tác. Anh Viện là “nhà văn thánh ám”, chính là ở ý như vậy, bởi vì, không ngoa chút nào, anh đã rất thành công trong việc “phiên dịch” những lời của “Thượng Đế” ra tiếng Việt trong các tác phẩm của mình. Người đọc như tôi, khi đọc những câu văn câu thơ của Nguyễn Viện, cảm nhận được ngay cái tự do và cái sự thật mà anh muốn nhắc đến, cảm nhận được ngay cái sự “dấn thân” của anh trong văn chương. Bởi vì, nói nôm na như thế này cho dễ hiểu: anh Viện nói, như… “thánh nói”!

Tôi chỉ xin trích một câu văn này của anh Viện, ngụ ý là để “chứng minh” cho những gì tôi phát biểu ở trên: “Và ánh sáng đã đến thế gian xua đi tăm tối, cho dù tăm tối không nhận biết được ánh sáng.”

Những “lời của Chúa” hàng ngày vẫn đang đến với chúng ta để xua đi “tăm tối”, cho dù, (khốn khổ thay!) chúng ta vẫn không nhận biết, vẫn “quên Chúa”! Đó là bởi vì, chúng ta không biết mình là “những kẻ lạc đường”!

Những kẻ không biết mình “đang lạc đường”, đương nhiên không cần (nghe, thấy, cảm nhận) đến “lời chỉ đường của Chúa”, và, tất nhiên, cũng chẳng thể hiểu được “những bản dịch lời của Chúa” qua các nhà văn nhà thơ!

Cái ý của anh Viện khi nói “Và tôi vẫn viết như một kẻ lạc đường.”, theo tôi, chính là ở cái ý nghĩa này!

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Bệ phóng dân tộc, hay "sến" là... "loài chim cánh cụt biết bay"?

Phải nói là mình là một thằng thích đùa, hehe, lại đùa dai, mới bỏ mẹ! Mà thật đấy, đây nhá, hôm trước mình có đùa rồi, cũng đã bị "đồng bào" té tát cho vào mặt là "hỏi ngu bỏ mẹ" rồi, nhưng vẫn chưa chừa, vẫn thích đùa...

Thế à? Nguyên cớ?

Hì, chả là hôm nay đọc được bài "đấu khẩu" của Lâm Quang Thăn trên Tiền Vệ, trong đó có nhắc tới ông Hữu Thỉnh, chủ tịch hội...

Ông Hữu Thỉnh bao giờ cũng nghiêm túc, sao thấy nhắc tới ổng, cha nội lại thích đùa? Kỳ dzậy hè?

Hỏi ngu bỏ mẹ! Chính vì cái sự nghiêm túc của lão Thỉnh, tao mới phải "đùa", cho "cân bằng", cho "hài hòa thẩm mỹ", hihi,

??

Đây này, mày không đọc à, lão Thỉnh nói chắc như đinh đóng cột đây này: "Khát vọng lý tưởng và khát vọng nghề nghiệp cũng là tinh thần của Hội thảo, nó luôn luôn là lẽ cân bằng của sáng tạo thơ. Đến cái tầu ngầm ở sâu dưới biển cũng cần có đôi cánh, đó là hài hòa của thẩm mỹ. Đánh mất sự hài hòa thì gây đổ vỡ cái đẹp."

Nghe... sến quá! Thơ với tàu ngầm thì liên quan gì đến nhau!

Thì thế! Nhưng khoan hẵng bàn đến thơ, cứ để cho "cân bằng" trước cái đã, tức là mình phải "đùa" một chút, cho nó "hài hòa", cho "cái đẹp đừng đổ vỡ", nhá!

Cũng trên trang của Hội Nhà Văn Việt Nam, mình đọc được bài này, trong đó có đoạn "nổ" rất "oách" của Hữu Thỉnh như thế này:

"Lối sống tình nghĩa là đạo lý, là căn cước dân tộc, căn cước văn hoá quan trọng nhất trong hệ thống giá trị của Việt Nam. Hoá ra, mọi khát vọng hiện đại hoá văn học chỉ thực sự có nghĩa khi nó được phóng lên từ bệ phóng dân tộc."

Về "Lối sống tình nghĩa là đạo lý, là căn cước dân tộc, căn cước văn hoá quan trọng nhất trong hệ thống giá trị của Việt Nam", thì mình không dám bàn tới, bỏ 410 tỉ đồng ra để xây một bức tượng Bà mẹ anh hùng thì quá là tình nghĩa rồi còn gì, ai chả biết, mới cả cũng có bác Tưởng Năng Tiến bàn tới rồi, mình xin thôi, mình chỉ muốn nói về cái "bệ phóng dân tộc" mà ông chủ tịch hội muốn "phóng" lên từ đó thôi!

Đi tìm hiểu xem cái "bệ phóng dân tộc" của Việt Nam nó giống cái gì, con gì, nó có như cái tàu ngầm có cánh không, thì mình bắt gặp được một bài viết này khá hay trên blog của bác sĩ Hồ Hải. Bài viết này có câu kết rất hay như thế này, mình xin trích ra đây: "Có lẽ cái thời rùng rợn ấy - người với người sống không phải để yêu nhau, mà sát phạt nhau vì ý thức hệ - đã làm cho con người không còn là người mà, chỉ là loài bò sát, nhai lại tư duy chân đất?"

Đấy, chính xác, quá chính xác, cái "bệ phóng dân tộc" chính là cái này đấy, nó được hình thành từ "loài bò sát, nhai lại tư duy chân đất" đấy!

Bậy nà, cha nội ăn nói kiểu gì, ừ thì "thơ ca văn chương" của ta theo như ý của ông Thỉnh là phải "Bay lên bằng đôi cánh [của chim cánh] cụt", ờ mà chim cánh cụt thì bay lên như thế nào vậy cà?, nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, thì "bệ phóng dân tộc" cũng phải là "bệ phóng anh hùng" chứ, sao lại "chỉ là loài bò sát, nhai lại tư duy chân đất"?, bậy nà!

Hỏi ngu bỏ mẹ, chim cánh cụt không (tư duy) chân đất thì là gì hả trời!

Viết đến đây, mình nhớ đến một "loài chim cánh cụt biết bay", gọi là "tân sến", "loài chim cánh cụt biết bay" ấy đã "cất đôi cánh cụt bay lên" như thế này:

"Váy bay/ Tóc bay/ Mắt bay sóng sánh/ Chúng mình là ngôi sao bay" (Vi Thùy Linh)

Phải chăng cái "bệ phóng dân tộc" của ông Hữu Thỉnh nói riêng, của Hội nhà văn Việt Nam nói chung, sẽ tiếp tục "bay lên" như thế?


Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Thế nào thì gọi là... bạt mạng?

Đọc lời bình của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường xong, một thằng bạn mới hỏi mình như thế này: Này, hôm trước mày phán, nếu tự do thì gọi là thơ, thế bây giờ, cha nội có dám "ho he" thế nào thì gọi là... "bạt mạng" nữa không hè?

Lúc đầu mình chột dạ, nhưng sau thì phá lên cười, hahaha..., thằng này khá, câu hỏi của mày có thể nói là câu hỏi hay nhất... thế kỷ! Thế nào thì gọi là bạt mạng? Hay! Rất hay! Khá! hahaha...

Cười một lúc, cuối cùng mình nói, tao cũng chẳng biết nữa, nhưng hình như, theo tao, bạt mạng là cái..., hừm, nếu không là... "cách mạng", thì đó gọi là "bạt mạng"!

Lần này đến lượt thằng bạn mình... chột dạ (bởi vì mình nhìn mắt nó mà, lướt qua lướt lại, nhanh như mắt một thằng "việt gian"), nhưng sau đó nó cũng cười phá lên, cái gì, không cách mạng thì là bạt mạng, hà hà, mày định chơi chữ với tao đấy hả?

Tất nhiên đoạn kể trên đây của mình chỉ là... "hư cấu" thôi, chẳng có ai hỏi mình thế nào thì gọi là bạt mạng đâu, hehe, chẳng qua thấy nhà thơ Nguyễn Đăng Thường "dùng" từ "bạt mạng" rất... "nên thơ", nên mình cũng "liều mình như chẳng có", tức là mình cũng... "bạt mạng" viết bài này ra đây đấy mà, hihi...

Tức là câu chuyện là thế này: đã từ lâu mình nghĩ, cái sự "văn thơ ca phú", hay nói riêng về thơ (tất nhiên mình nói về "thơ thực thụ"), nó cũng như... toán, hay triết học ý, tự nhiên đến và rất... "bí hiểm", kiểu như trong toán: một cộng một bằng hai, là chân lý, hihi, đố ai giải thích được! Hoặc như trong triết học, cái thực chất, là cái không nhìn thấy được, còn cái nhìn thấy, lại là cái hư vô!

thơ cũng thế, "tự nhiên" như câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường:

Em ơi đợi anh dìa

Ðợi anh hoài em nhía

Mưa có rơi dầm dìa

Ngày có dài lia thia

Em ơi em, cứ ịa!...

Và rất "bí hiểm" như câu thơ này của nhà thơ Trần Dần:

".thơ là cái thăm thẳm."!

Thơ là cái thăm thẳm! Mình cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi câu thơ này, nhưng vẫn không thể hiểu được, cuối cùng, đành phải chấp nhận nó! Đúng, cụ Trần Dần nói đúng, thơ là cái thăm thẳm, đó là một chân lý bí hiểm, cũng như định lý huyền ảo "một cộng một là hai" của toán học, và, kiểu như... mưa rơi (thì ướt áo và...) không cần phiên dịch!

Nhắc đến Trần Dần, mình nhớ đến bài viết này của Nguyễn Hưng Quốc, chính xác ra, câu văng tục... "bạt mạng" của Trần Dần: "Nắm, nắm cái con cặc!"...

Thì cái buổi "bình minh của cách mạng", ai mà chẳng "bạt mạng"! - Thằng bạn "chua" một câu xanh rờn...

Mình cười bảo nó, thì thế, nhưng cái "bạt mạng" của cụ Trần Dần nó khác, khác xa "sự bạt mạng của nhân dân", cụ Trần Dần "bạt mạng đi thẳng vào vấn đề", cụ văng tục chửi bố chúng nó lên, còn nhân dân ta thì... "bạt mạng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", hoặc "bạt mạng đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng"...

Thì cũng phải thông cảm, nhân dân ta như những đứa trẻ ấy mà...

Thì mình có nói gì đâu, mà đúng đấy, mày nói đúng, nhân dân ta là những đứa trẻ...

Những đứa trẻ sau hồi chuông nửa đêm?!

Đúng! Ơ, hóa ra mày cũng biết bài thơ thăm thẳm đó à?

Biết chứ, bài thơ của Nguyễn Tôn Hiệt đó thì tao lạ gì, viết về những đứa trẻ "đều (bạt mạng) đòi cùng vượt biên nhưng không được phép", tao thích nhất câu thơ "bạt mạng" này của ông Hiệt:

"Khó diễn nhất là đoạn lính của Hê-rốt lùng giết hết trẻ con ở thành Bết-lê-hem sau lúc nửa đêm.

Cô giáo không biết phải làm cảnh máu chảy như thế nào.
Tôi bảo cô giáo phát cho bọn lính những chiếc khăn quàng đỏ.
Khi chúng quàng vào cổ đứa trẻ nào thì đứa ấy ngã xuống chết như bị cắt cổ.
Đoạn ấy diễn ra thật rùng rợn. Từng đàn trẻ con cổ đỏ ối nằm ngổn ngang trên sân khấu."

Đấy, mày nghe câu thơ có "thăm thẳm" không, nó làm tao nhớ đến câu thơ này của Trần Dần:

"tác phẩm là bản gốc? đời là bản sao?"

Tức là, "nhân dân ta" chính là "bản sao" của "những đứa trẻ sau hồi chuông nửa đêm" đấy! Những đứa trẻ buộc phải "bạt mạng", mặc dù chúng không bao giờ muốn "làm cách mạng" cả!

Nói đến đây, chắc mày đã hiểu là như thế nào rồi, khi tao nói: Nếu không là cách mạng, thì gọi là bạt mạng! Có phải không, cha nội?