Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Việt Nam, máu và... đạn!

Việt Nam, máu và... đạn!

Những năm 79, 80, khi mình nghe cái lời này của một bài hát, là "những đôi mắt mang hình viên đạn", mình đã cảm thấy "rờn rợn" trong người...

Đó là bởi vì mình nghĩ, lại chiến tranh, lại "uýnh nhau" rồi, cái nước Việt mình sao „khốn khổ khốn nạn” thế, đánh nhau suốt ngày...

Đấy là hồi mình còn "nhỏ tuổi", lứa tuổi mà "những người lớn" gọi là chưa "ý thức" được thế nào là "chiến đấu bảo vệ tổ quốc", thế nào là "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", thế nào là "máu và hoa", v.v...

Hôm nay, khi gọi là… "đã lớn", ngày 30/4/2011, nghĩ lại cái ngày 30/4 cách đây 36 năm, mình cũng vẫn cảm thấy "rờn rợn" trong người...

Tại sao?

Đó là bởi vì, một phần do cảm giác nảy sinh khi nghĩ về chiến tranh, phần khác, do mình đọc được một mẩu tin trên Tiền Vệ về một nhân vật người Mỹ ra mắt cuốn sách "chí thép chí thiếc" gì đó vào đúng dịp "kỷ niệm chiến thắng 30/4" ở Việt Nam.

Mình mới nghĩ, tại sao con người ta trên trái đất này, nhất là "dân gian" Việt Nam ta, lại thích "cổ súy" cho chiến tranh đến như thế? Điều gì đã làm cho lịch sử của Việt Nam chỉ là "lịch sử của những cuộc chiến"? Hay, nói một cách "văn vẻ" hơn: làm thế nào mà "dân gian" Việt Nam ta lại "say sưa" với chiến tranh đến như thế?

Đó là bởi vì, như Chúa đã dạy, chúng ta - "những con chiên của Chúa" -, ai ai cũng chỉ "thích" sống trong tình thương thôi, có ai thích "uýnh nhau" đâu! Vậy thì? Mình "bắt chước" nhà văn Mario Vargas Llosa, xin hỏi: Tại sao chiến tranh?, và, chính xác hơn: Tại sao Việt Nam - chiến tranh?

Mình nhớ đến cái truyện ngắn này của Nam Cao, truyện Chí Phèo, đúng ra, mình nhớ đến câu nói này của Chí Phèo (của Nam Cao?) ở cuối câu chuyện, khi Chí Phèo đến gặp cụ Bá Kiến để "quyết tử" với lão ta: "Tao muốn làm người lương thiện!"

Phải chăng, ngày xưa, Chí Phèo đã lấy rượu làm "cơn say sưa" cho mình. Và khi hết "cơn say sưa", thì Chí Phèo đã "ngộ" ra được là... "muốn làm người lương thiện"? Có thể lắm! Bởi vì, như người đời thường nói, những nhà văn nhà thơ là tài tình lắm trong việc ẩn dụ, truyện ngắn Chí Phèo, theo mình, có thể "tóm gọn" lại như thế này: đó là câu chuyện tình sử "máu và rượu" của Chí Phèo, rượu hết thì máu đổ (kết cục của câu chuyện là cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến). Nhà văn Nam Cao chắc chắn muốn gởi gắm điều này với chúng ta: Con người ta, đến một "thằng du côn" như Chí Phèo, còn "muốn làm người lương thiện"...

Mình tiếp tục nghĩ: chiến tranh chẳng qua là do "những thằng cầm đầu" gây ra mà thôi, "những người dân lành", họ biết gì! Mà đúng vậy! Đây nhá, trên thế giới khối cha gì đất nước chẳng có chiến tranh xảy ra bao giờ cả, như Thụy Sỹ, Thụy Điển chẳng hạn. "Những thằng cầm đầu" của những đất nước này, chắc chắn "khôn khéo" hơn "những thằng cầm đầu" của... "nước CHXHCN Việt Nam" chẳng hạn, họ đã "tài tình" đưa dân tộc của họ thoát khỏi những cuộc chiến vô nghĩa, dân lành không phải "đổ máu" một cách ngu xuẩn, và, tất nhiên, họ cũng không muốn „tăng hàm lượng sắt trong máu” của họ lên mà làm gì, mình nghĩ thế.

Quay lại bài hát "Những đôi mắt mang hình viên đạn". Tất nhiên nhiều người sẽ cho là bài hát này được ra đời là để cổ vũ chiến tranh chống xâm lược bành trướng Bắc Kinh. Ờ, ờ, ờ, nhưng điều mình muốn nói ra ở đây là cái "máu... đánh nhau" của "dân gian Việt Nam ta" ý! Lịch sử Việt Nam ta, như mình có nói ở trên, chỉ toàn là "đánh nhau" thôi, từ đánh Tàu, đánh Pháp, đánh Mỹ, đến đánh lẫn nhau. Những cuộc "choảng nhau vỡ đầu" giữa Nhà Lý - Nhà Trần, Chúa Trịnh - Chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh - Nguyễn Huệ, hay như cuộc nội chiến 1954-1975, chẳng là "đánh lẫn nhau" thì là gì hả trời?!

Ừ nhỉ! Nhưng vì đâu nên nỗi?

Thì vì "những đôi mắt mang hình viên đạn" chứ vì đâu!

Mà mình xin nói cho các bạn biết nhá, không chỉ "những đôi mắt" không thôi nhá, cả "những trái tim" nữa đấy, "dân gian" Việt Nam ta, là "những trái tim mang hình viên đạn" đấy!

Có một ý như thế này, mình cũng xin nói nốt ra đây, đó là: phải là một nghệ sỹ có "trái tim mang hình viên đạn" (được/bị đào tạo dưới "mái trường XHCN") thì mới sáng tác những tác phẩm tương tự như "Những đôi mắt mang hình viên đạn", để "cổ súy" chiến tranh, được! Và, dĩ nhiên, những trái tim của "những người Cộng Sản Việt Nam", là "mang hình viên đạn" giống nhất! Và vì thế, "lịch sử cách mạng" của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là câu chuyện "Việt Nam, máu và... đạn", "đánh nhau", dường như là "cơn say sưa" của những người cộng sản. Cho đến tận bây giờ!

Bàn về chiến tranh, mà cụ thể là "cuộc chiến 1954-1975", thì chúng ta đã bàn nhiều, mình xin thôi, không bàn tiếp nữa. Để kết thúc, mình nghĩ như thế này: Nếu "ngày xưa", ở làng Vũ Đại có một "thằng" Chí Phèo với cái lò gạch bỏ hoang, thì "ngày nay" ở làng "Vĩ Đại" cũng có một "ông" Chí Minh với cái lăng xi măng lạnh giá. Và, gần đây xuất hiện một "dở thằng dở ông", là... "Chí Thép"! Giữa những "thằng", những "ông", và những "dở thằng dở ông" này, tuy đều là đồng "Chí" với nhau đấy, nhưng "thằng" Chí Phèo "hơn đứt" "bọn còn lại" ở chỗ, dù chỉ là trong ý muốn: "Tao muốn làm người lương thiện!"...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét