Sức mạnh của câm lặng
Từ hồi talawas vẫn còn hoạt động, tôi đặc biệt chú ý đọc những bài viết, bài dịch được đăng tải trên mạng của tác giả Đinh Từ Thức. Đọc bài này, tuy rất hiểu những ý tưởng (chính đáng) của tác giả khi so sánh song song “phim câm” với “chủ nghĩa cộng sản”, nhưng tôi thấy vẫn cần nêu lên một vài suy nghĩ của mình xung quanh việc cho rằng: sự lụi tàn của nghệ thuật phim câm là biểu tượng cho sự lụi tàn của chủ nghĩa cộng sản.
Trước tiên, tôi xin nói về “nghệ thuật phim câm”:
Điện ảnh, đến giờ có vẻ như đang sống với thời kỳ huy hoàng nhất của mình, từ phim trắng-đen, “câm”, qua phim màu, có lời nói và đấy đủ âm thanh, cho đến bây giờ là 3D, sống động như thật ở ngoài đời! Sự phát triển dường như không có điểm đích. Có thể một ngày nào đó, phim sẽ trở thành một nghành nghệ thuật… “sống” ngay bên cạnh chúng ta không biết chừng?!
Tuy vậy, với cái dòng “tiến bộ” của nghệ thuật điện ảnh như thế, giới làm phim Hollywood nói riêng, nghành nghệ thuật điện ảnh thế giới nói chung, vẫn cho rằng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, ở đây là điện ảnh, vẫn chính là “phim câm”. Tôi có thể lấy lời phát biểu của đạo diễn Hazanavicius rằng “Tiếng nói hữu dụng, nhưng chỉ hữu dụng thôi. Tuy nhiên nó cũng làm giảm giá trị của truyền thông. Khi một đứa trẻ không biết nói, cười với bạn, làm bạn xúc động khác với cái cười của người lớn. Ngay cả với những người bạn yêu, không phải lúc nào bạn cũng dùng lời nói để biểu lộ những việc quan trọng. Tôi nghĩ khi bạn không cần phải nói, đó mới thực sự là sức mạnh” để làm dẫn chứng cho điều này. Và tôi có thể phát biểu tiếp như thế này: “phim câm” là đỉnh cao trong nghệ thuật làm phim, một phần cũng chính bởi nó có một “sức mạnh” mang tải những điều cần nói đến được thế giới bên ngoài, cụ thể là tới người xem. Phần nữa, như chúng ta đều biết, sáng tạo nghệ thuật, xét cho cùng, chẳng qua là một quá trình thể hiện “cái tôi” của người nghệ sĩ. Mà mà như thế, “câm” nhưng lại “nói” lên được “tất cả”, tức là đỉnh cao, không thể là mức nghệ thuật “tàng tàng”, hoặc “bình bình” được. Không đâu xa, việc “phim câm” The Artist đạt được hơn 20 giải thưởng nghệ thuật, và “đỉnh cao” là Oscar, gồm toàn các giải hàng đầu như phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, nam tài tử xuất sắc nhất. Điều này chứng tỏ “phim câm” vẫn chiếm vị trí cao nhất trong đánh giá giá trị nghệ thuật, ở đây là giá trị nghệ thuật điện ảnh. Đấy là tôi có vài ý kiến về giá trị nghệ thuật của “phim câm”. Tất nhiên, việc vì sao “phim câm” trắng đen lại không còn “thịnh hành” nữa, đã “lụi tàn”, thoáng qua, có vẻ như cho chúng ta thấy điều rằng: giá trị của nó đã không còn, đã… lỗi thời. Nhưng theo tôi nghĩ thì không phải vậy. “Phim câm” có vẻ “suy”, một phần do đòi hỏi của “commers” là phải màu mè, đầy đủ âm thanh và có lời thoại, một phần đa số những người làm phim luôn chạy theo lợi nhuận, nên ít người làm phim câm nghệ thuật nữa, tức là không phải lý do “đẳng cấp” nghệ thuật. Nói tóm lại, công việc sáng tạo ra một tác phẩm “không lời” (phim câm) nhưng tác phẩm vẫn có đủ sức mạnh để “nói lên” những ý tưởng mà người nghệ sĩ cần truyền tải, thì đó là đỉnh cao nghệ thuật. Một dẫn chứng “sát sườn”: phim The Artist là một “phim câm”, nhưng đã “đánh thức” được tư duy của tác giả Đinh Từ Thức, để ông viết xuống được bài viết này!
Về chủ nghĩa cộng sản: Chúng ta đều biết, bên cạnh những đặc trưng “xấu” của một xã hội theo thể chế cộng sản, như là dối trá, toàn trị, hủy diệt, thì có sự đàn áp dân chủ, cụ thể là không có sự tự do ngôn luận. Nhưng điều này không có nghĩa là cả xã hội là một “phim câm”, bởi vì nghệ thuật phim câm là sự sáng tạo tác phẩm trong tự do, với tất cả ngôn ngữ của điện ảnh “không lời”, không điều gì bị cấm đoán cả. Còn cái xã hội cộng sản là “tác phẩm” của độc tài, mà trong đó mọi sự tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, dẫn đến tự do sáng tạo, đều bị cấm đoán và trừng trị, nhiều trường hợp, bị tiêu diệt. Sự lụi tàn của chủ nghĩa cộng sản là tất yếu, trong khi Hollywood, hay giới nghệ thuật điện ảnh thế giới, vẫn đang tìm lại với nghệ thuật phim câm, làm “sống” lại nó trong ý nghĩa “đỉnh cao nghệ thuật”!
Tất nhiên, như tôi có nói ở trên, trong phần mở đầu, rằng tôi rất hiểu những ý tưởng của tác giả Đinh Từ Thức về sự suy tàn của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng, theo tôi nghiệm ra, đấy chỉ là những ý tưởng nảy sinh khi ông mới chỉ xem phần “âm bản” của bộ “phim câm” The Artist, mà phần “dương bản” của bộ phim này, lại chứa đựng nhiều ý nghĩa quan trọng khác!
Trân trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét