Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Ne fordíts, hay Đừng dịch em!

Trong khi chờ đợi giáo sư Nguyễn Quỳnh trả lời nhà thơ Quỳnh Thi, tôi xin được góp một vài ý kiến của mình nhân chuyện “thơ dịch” như thế này:

Hôm trước, tôi cũng đã suy nghĩ khá lâu khi đọc được cái ý này trong một bài thơ của anh Viện: “Nhưng tôi chỉ có thể là thi sĩ khi thơ của tôi làm cho người chết sống lại và những người đang sống cần phải biết chết đi.” Tức là, sáng tác thơ ca, đối với anh Viện, như một cách bốc thang thuốc “cải tử hoàn sinh” cho những người chết và, nếu chẳng may có “những người đang sống” uống đúng thang thuốc này, “cần phải biết chết đi”! “Sống” hay “chết”? Câu trả lời, chính là ở vị thế của “kẻ uống thuốc”, hay chính xác ra, “người đọc”!

Và, theo tinh thần đó, tôi nghĩ, cái ý của anh Viện, đối với những người “dịch thơ dịch văn” – dịch giả -, nó cũng có thể đúng trong rất nhiều trường hợp!

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những tác phẩm văn học dịch, mà dịch giả dường như hoàn toàn làm cho tác giả nguyên tác “sống lại”, tức là dịch rất thành công.

Và chúng ta cũng gặp phải không ít những trường hợp ngược lại, tức là dịch giả “vô tình làm chết” tác giả nguyên tác một cách không thương xót! Để tránh đụng chạm, tôi xin được miễn trích dẫn ra đây cụ thể là những trường hợp “dịch chết người” nào.

Cụ thể về bài thơ dịch “Ne felejcs – Đừng quên em” của Nguyễn Hồng Nhung: Một phần vì biết tiếng Hungary, một phần tự thấy sự cảm thụ thơ (tiếng Việt hay tiếng Hung) của mình không có lắm, nên tôi chẳng muốn “bàn loạn” về bài thơ dịch này của chị Nhung ra ở đây. Và tôi nghĩ, giáo sư Nguyễn Quỳnh đã “bình” rất hay về bài thơ dịch này rồi, tôi đã đọc được trên vanchuongviet.org.

Tuy vậy, tôi vẫn muốn nêu ra đây cái ý kiến của mình như thế này: Riêng THƠ, “hay ho” nhất là thưởng thức trong ngôn ngữ nguyên tác, bởi vì, như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã có nói: “Với tôi thơ làm xong là xác chết, thơ đăng báo là xác ướp”, tức là bản “thơ dịch” của bài THƠ gốc, sau khi “làm xong” và “đăng báo”, có lẽ đã trở thành một cái gì đó… “tệ hại” hơn “xác chết” và “xác ướp” từ lâu rồi!

Tất nhiên, việc “sống” hay “chết” của thơ dịch, cụ thể là bài thơ dịch này của Nguyễn Hồng Nhung, như tôi có nói ở trên, tùy thuộc vào “góp nhìn” của từng người đọc chúng ta, tôi không đi sâu vào nữa.

Tiện đây, tôi xin nêu ra đây với nhà thơ Quỳnh Thi rằng, trên trang vanchuongviet.org có bài viết của giáo sư Nguyễn Quỳnh về “cách viết lập dị” của ông rất rõ ràng, thi sĩ họ Quỳnh có thể tham khảo thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét