Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Diêm vương

Blog talami của mình được ra đời với hi vọng nó sẽ trở thành một từ điển Hung – Việt alternatív cho riêng mình. Dĩ nhiên bên cạnh đó, còn là nơi để mình „trút bầu tâm sự” con cà con kê nữa. Mình nói vậy bởi vì cách đây mấy tháng, mình có vào Libri (tên một hệ thống cửa hàng sách lớn nhất nhì ở Hungary) „cưỡi ngựa xem hoa”, tức là chỉ ngó ngó ngàng ngàng xem có sách gì mới không, thì thấy một cuốn từ điển có cái tên nghe khá hấp dẫn, Szép magyar szótár (Từ điển tiếng Hung mỹ miều). Mới đầu cứ tưởng nó giống như các từ điển tiếng Hung khác, nhưng khi giở ra đọc vài trang bên trong thì mình hoàn toàn bị bất ngờ. Bởi nó không phải là từ điển với cái định nghĩa truyền thống thế nào là từ điển như bình thường vẫn biết, mà hoàn toàn khác, một loại từ điển „lạ” (hiện nay ở trong nước đang thịnh hành cái từ "lạ" này, có dịp mình sẽ „đả động” đến nó, cũng khá thú vị!). Không biết ở Việt Nam đã có ai làm từ điển giống cuốn này chưa, mình nghĩ là chưa. Mình cứ tạm gọi đây là loại từ điển alternatív. Nó không giải nghĩa từ ngữ, mà ứng với mỗi từ là một câu chuyện lí thú. Mình chăm chú đọc vài „câu chuyện của từ”, rồi bụng bảo dạ: tay tác giả này giỏi, trình độ triển khai câu chữ nhãn hiệu con nai vàng, ấy chết, con cà con kê của hắn khá thâm hậu con châu chấu đá voi. Đời thửa nào có một từ, vậy mà hắn ta „nhân cách hóa” (phải hiểu là phương cách nhân ra nhiều bản!) thành một câu chuyện với lượng từ gấp chục gấp trăm lần. Giỏi, giỏi! Tay tác giả cuốn từ điển này, mình đoán chắc là ngay từ thời „hôm nay em đến trường mẹ dắt tay từng bước”, hắn đã rất chi là có năng khiếu với mấy môn tự nhiên toán lí hóa, bởi vì có thông thạo lấy tích phân một con số thì mới nhuần nhuyễn nhân cách hóa một con chữ được. Ngẫm đi nghĩ lại, thấy âu cũng là mình suy bụng ta ra bụng người, chả là mình cũng dân bách khoa mà lị, học toán lí hóa rất oách, phương trình này đẳng thức nọ là mình cứ vanh vách mỗi khi trả bài, rồi cứ tưởng sau này sẽ trở thành một kỹ thuật gia gì gì đấy. Thế mà không, sau đại học, bắt chước thi sĩ Phan Khắc Khoan "Hạ mái tình xưa: sương về gió tạt, Nghiêng nghiêng tình cho trút nhẹ chua cay", mình cũng "nghiêng nghiêng tình" trút bỏ hết các phương trình đẳng thức để "ngả" sang mê mẩn thơ ca, rồi tập tành chiết câu chắp cú thành những áng văn tự cho là bất hủ. Cảm hứng Nàng (Tây) Thi rất chi là mạnh mẽ, tất nhiên không đến nỗi „Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết, Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh” (thơ Hàn Mặc Tử), nhưng cũng làm mình „điêu đứng” (ý mình muốn nói là „đứng nói điêu”) dài dài. Mà mình không nói điêu đâu nhá. Có rất nhiều nhà văn nhà thơ nhà dịch giả nhà dịch thật văn học rất nổi tiếng của nước Việt Nam ta phát xuất là dân kỹ thuật.

Quay lại cuốn từ điển „lạ”. Mình lấy một ví dụ trong cuốn này: định nghĩa từ „gyufa(que diêm). Cái tay tác giả giỏi nhân cách hóa viết như thế này: „Pontosan harminc szál gyufa lapult a dobozban, amit már évek óta nem használtak. Vajon ki lesz a következõ, és mikor, tanakodtak a gyufák, de hogy kint mi történik, arról egyikük sem tudott.” Mình tạm „xê dịch” sang tiếng Việt như sau: „Chính xác có ba mươi que diêm nằm trong hộp, đã bao năm rồi người ta không sử dụng. Các que diêm thầm thì bàn tán với nhau là rồi đây, khi nào và đến lượt ai phải đi chầu Diêm vương, nhưng cái gì đang xảy ra bên ngoài thì tất cả bọn chúng đều không biết.” Trình độ "xê dịch" của mình, kể ra cũng "điêu luyện" đấy chứ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét