Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Im lặng

Nhân đọc cái entry „Vì sao Im lặng?” trên blog Cầu bánh tét của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, mình nổi hứng muốn viết một cái gì đấy về „Im lặng”. Thế là mình giở từ điển ra để xem thế nào là „im lặng”. Cuốn Đại từ điển tiếng Việt ghi: „1. Lặng lẽ không nói năng gì; 2. Không phản ứng, không hành động gì”. Tương ứng với từ „im lặng” là từ „csend” trong tiếng Hung, và từ điển tiếng Hung giải nghĩa như sau: „1. Hangtalan, zajtalan állapot: trạng thái không âm thanh, không tiếng động; 2. Háborítatlan, nyugodt állapot: trạng thái yên bình, không bị khuấy động.

Như vậy từ „im lặng” có thể hiểu theo nhiều nghĩa, tùy thuộc vào ngữ cảnh của câu văn nó nằm. Định nghĩa của tiếng Việt chỉ thiên về hành vi của con người, còn của tiếng Hung thì bao quát hơn, chỉ chung cho trạng thái của mọi sự việc, vật thể. Nhớ hồi còn ở nhà, chưa sang Hung học, mình có xem một bộ phim Việt Nam với cái tên „Những khoảnh khắc im lặng của chiến tranh”, rồi có đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng „Sông Đông êm đềm” của nhà văn Nga Sholokhov, và khi sang Budapest, mình cũng tìm đọc bằng tiếng Hung, tiếng Hung thì với cái tựa đề: Csendes Don, dịch ngược sang tiếng Việt là „Sông Đông im lặng”. Thế mới biết, không phải lúc nào „Im lặng” cũng chỉ có một cái nghĩa cứng nhắc là „câm mồm”, mà còn có thể hiểu nó theo nhiều nghĩa trải rộng hơn, nhất là trong văn học. Các nhà văn nhà thơ nước nhà đã gán cho „im lặng” cơ man nào là nghĩa, mình liệt kê ra đây để có thể thấy cái nội công „dụng ngôn” của họ thâm hậu con diều hâu đến nhường nào: yên ắng, yên lặng, yên tĩnh, yên bình, lặng lẽ, lặng ngắt, lặng thinh, lặng yên, câm họng, câm mồm, câm lặng, lẳng lặng, phẳng lặng, thinh lặng, thinh không, trầm lặng, thầm lặng, vắng lặng, vắng vẻ, làm thinh, mần thinh, nín thinh, êm lặng, êm ru, êm ru, êm đềm, êm ả, bằn bặt, im bặt, im bẵng, im re, im ắng, im lìm, im ỉm, im khe, khe khẽ, im phăng phắc, im thin thít, nín bặt, tịch, cô tịch, u tịch, thanh tịch, thanh tịnh, thanh tĩnh, tĩnh mịch, tĩnh lặng, tịch mịch, tịch liêu, tịnh, tịnh hòa, tịnh mịch. Bên cạnh đó, còn có cả một „kho” thành ngữ tục ngữ về từ „im lặng”, như: „im hơi kín tiếng”, „im ỉm như bà cốt uống thuốc”, „im ỉm như gái ngồi phải cọc”, "im ru bà rù", "im như thóc đổ bồ”, „im như tờ”, „im như hến”, „im thin thít như thịt nấu đông”, „lặng ngắt như tờ”, (Buồng không lặng ngắt như tờ, Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh (Truyện Kiều)), (Tình tôi mở giữa mùa thu, Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm (thơ Nguyễn Bính)), „lặng như nhà Thánh tế rồi”, „ngậm miệng ăn tiền”. Và những nhà văn nhà thơ Hungary cũng trổ tài không kém: csend(im lặng), csönd(yên lặng), némaság(câm lặng), hallgatás(không nói gì), elcsitulás(sự lắng xuống), hangtalanság(không âm thanh), zavartalanság(êm đềm), háborítatlanság(không có sự khuấy động), nesztelenség(khẽ khàng), zajtalanság(không tiếng ồn), szótlanság(không nói năng gì), szilencium(im ắng, có nguồn gốc từ từ tiếng Anh „silence”), nyugalom(thanh tịnh), béke(yên bình), síri csend(im như nhà mồ), vihar előtti csend(sự yên lặng trước cơn bão). Và cuối cùng, anh chàng viết từ điển „lạ” – mình kể trong entry lần trước – định nghĩa „csend”(im lặng) như thế này: „A férfi és a nő jó két óra alatt jutott fel a hegyre, ahonan gyönyörű panoráma tárult eléjük. Látták az autókat odalent rohanni, de a hangjuk nem ért el hozzájuk. Olyan mérhetetlen volt a csend, hogy ijedtükben elkezdtek csókolózni.” Mình tạm phỏng dịch như sau: „Người đàn ông và người đàn bà sau hơn hai tiếng đồng hồ leo lên đến đỉnh núi, từ nơi đây phong cảnh tươi đẹp trải dài trước mắt hai người. Họ nhìn thấy những chiếc ô tô đang phóng vun vút ở phía dưới, nhưng âm thanh của chúng không vang tới tai họ. Sự im lặng thật là mênh mang đã làm hai con người hoảng sợ, đến nỗi họ bắt đầu ôm chặt lấy nhau và hôn nhau.”.

Nói tóm lại, có thể hiểu „im lặng là gì?” theo đủ kiểu, nhưng trong tất cả mọi trường hợp, theo mình, „im lặng” có một cái nghĩa rất chi là chí lí, mà người Hung họ cũng bảo thế: „Hallgatni arany!” (Im lặng là Vàng!).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét