Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Tên bạn là gì?

Tiếp tục chuyện từ „mi”… Nhớ hồi sinh viên, nghe tụi năm dưới kể chuyện vui của một em trong năm chúng nó. Em ý tên Mi, Phan Kiều Mi. Ngày mới sang Hung, đến ký túc xá nhận phòng, bạn nữ người Hung hỏi: „Mi a neved?” (Tên cậu là gì?). Em ý trả lời: „Mi a nevem” (Mi là tên tớ). Không hiểu, cô người Hung hỏi lại: „Mi a neved?” (Tên cậu là gì?), em ý lại trả lời: „Mi a nevem” (Mi là tên tớ), cứ thế, đến lần thứ 5 cả hai mới hiểu nhau. Chết cười! Những chuyện „thật như đùa” tương tự thì vô cùng nhiều, nhưng khổ nỗi giờ mình quên hết. Chắc phải để vài hôm nữa, lục lọi ký ức, thì may ra mới nhớ lại được. Có một câu cửa miệng của người Hung là: „Mit tudom én!” (Tao không biết, và cũng đếch thèm quan tâm!). Mình cũng dùng thử, sau quen và cứ thế phát ngôn bừa bãi trong mọi trường hợp, nhất là trong kỳ thi cử, đến chỗ bài mình không thuộc, ngắc ngứ một tí, song chỉ một tí, sau đó cứ thế là „Mit tudom én!”„Mit tudom én!” với giám thị người Hung, ra vẻ thông thạo tiếng người ta. Hồi đấy, không hiểu sao, mấy ngài làm nghề hít bụi phấn viết người Hung ấy lại cho „qua”, không „chém” mới lạ chứ! Có lẽ mấy ổng không thèm chấp cái thằng „dốt hay nói chữ” như mình. Những lúc ngồi nghĩ ngợi lung tung con bọ hung, thấy cũng phải, giả dụ, đặt trường hợp mình là giáo viên hỏi thi một thằng người nước ngoài, nghe nó nói: „ồ, kính thưa ngài giáo sư kính cẩn kính cận của tôi ơi, tưởng gì, hóa ra chuyện nhỏ như con thỏ…” thì mình cũng phải phì cười mà cho nó „qua”. Mình nghe nói, con người ta thường dùng tiếng mẹ đẻ để cảm thán, ví dụ khi kêu trời kêu đất, kiểu như „Trời ơi, sao tôi ngu vậy!”, „Trời ơi, đau quá!”. Nói đến tiếng mẹ đẻ, mình lại nhớ một kỷ niệm. Hồi còn ở „Intézet” (tiếng Việt có nghĩa là viện), cùng khóa bọn mình có một anh người Căm, tên là Un Samay. Mình với thằng D. khá thân với anh ý. Un Samay kém tiếng Hung, nhưng lại có biệt tài giỏi tiếng Việt, nói như gió, và đặc biệt, toàn cảm thán và văng tục bằng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Chúng mình, đa số đều cho rằng ảnh là con cháu Lạc Hồng, làm nghề phá lưới dân chài bên Phnông-pênh với biệt danh X30. Phải sau khoảng 30 lần nghe ảnh tức cảnh tàu điện giật cục khi phanh gấp: „Đ. mẹ, tàu điện Tây đéo gì mà xóc thế!” thì ảnh mới tâm sự, anh sinh ra và lớn lên ở Phú Khánh, sau khi đất Căm được những chiếc T54 từ trên trời rơi xuống giải thoát khỏi nạn trở thành hố chôn người khổng lồ, ảnh cùng gia đình trở lại quê hương, vài năm sau thì ảnh sang Hung để được đi tàu điện „lung linh như hoàng cung nhưng chỉ tội hơi xóc”, ảnh bảo thế. Như mình đã kể, Samay học tiếng Hung hơi bị kém, nhưng kỳ thi năm ấy anh cũng được „qua”. Rồi lên đến đại học thì người tình báo vĩ đại của nhân dân Căm đã bị mấy tay thợ hít bụi phấn viết bậc thầy người bản xứ đánh trượt ngay cuối năm thứ nhất, phải về nước quên thân vì nhân dân phục vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét