Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Cuộc phỏng vấn không bao giờ xảy ra

Phần tôi, làm xong, tôi không đạp, mà „ẵm” nó ra giường khác để nó „ngủ” tiếp tục (nếu được, để nó „ngủ yên ngàn năm”, tôi cũng không tiếc!), còn tôi thì „thức dậy” đi làm một „phát” phỏng vấn như vầy:(Sở dĩ tôi viết phản hồi dưới dạng „phỏng vấn”, cũng bởi vì cái „Thân phận Xã hội” của tôi nó „vùng lên”, đòi những ý kiến của mình phải được xuất bản, tôi biết mình không phải là nhà văn, nhà thơ gì, chỉ là một độc giả „ăn tục nói phét” như một ai đó đã „phong” cho, nhưng tôi vẫn „tràn trề” hy vọng là talawas „chiếu cố” đăng „cuộc phỏng vấn” của mình lên!)

Phóng viên: Chào anh Trương Đức, chúng ta lại tiếp tục cuộc phỏng vấn nhá! Hôm trước, có một độc giả talawas muốn được biết rõ hơn về „triết gia hú vía” mà anh nêu ra. Anh có thể giải thích đôi điều về „triết gia hú vía” được không ạ?

Trương Đức: Ha, ha! Tôi rất thích danh hiệu này. „Triết gia hú vía” là người nói những điều „kinh dị”, nhưng bản thân vẫn cảm thấy „bình an”. Tức là khiến người khác „hú vía”, chỉ một thoáng thôi, sau đó người khác đó, có thể „tức giận”, có thể „hài lòng”, có thể „khinh bỉ”, có thể „mến phục”, v.v…, bởi vì có đến tỉ „kiểu” người khác nhau mà lị!

Pv: Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam với „Thơ đến từ đâu?” thì có liên quan gì với nhau cơ chứ?

TĐ: Ấy, vậy mà có đấy, chị ạ! Có nhiều cái liên quan với nhau giữa hai „cái” ấy! Tôi đơn cử ra đây: „sự thức tỉnh”. ĐCSVN đến từ „sự thức tỉnh”, theo sử sách thì ông Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của ổng đã „thức tỉnh” là phải „cứu nước”, phải „giải phóng dân tộc”, phải „cải cách ruộng đất”, phải „đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, phải „tiến lên CNXH”, phải này phải nọ… „phải” nhiều lắm, không kể xiết, và muốn thực hiện những cái „phải” đó, họ cùng nhau „đẻ” ra cái ĐCSVN! Dĩ nhiên, những điều „phải” đó, là „phải” hay „quấy”, thì lại là chuyện khác, chúng ta sẽ nói chuyện đó vào một dịp khác, chị há! Còn „Thơ đến từ đâu?” thì sao? Thì cũng thế, cũng đến từ „sự thức tỉnh” của các nhà thơ. Điều này, tôi nghĩ, các nhà thơ „đàng hoàng” (tôi xin mạn phép dùng chữ của nhà thơ Nam Dao) đều nhất trí với tôi như thế! Và hy vọng, cả những ai đã đọc „Cổng Tỉnh” của Trần Dần, chắc cũng hiểu điều này! Cái điều liên quan thứ hai là: có chung một chữ „độc”. Ơ, sao chị lại trố mắt ra như thế! Có gì mà đáng ngạc nhiên! Ý tôi muốn nói là, cái nước Việt Nam mình hiện nay có thể „miêu tả” gỏn gọn như thế này: gồm hai phe: „độc tài” và „độc giả”. Đảng Cộng sản Việt Nam, đương nhiên là „độc tài” rồi, và những người còn lại, thì thuộc phe „độc giả”. Những nhà thơ cũng thuộc phe „độc giả”, bởi vì, tôi nghĩ, xét cho cùng, họ là những độc giả của chính họ. À, chị lại cười tôi rồi! Chứng tỏ chị đã hiểu tôi. Nhưng mà chưa hết đâu nhá! Với tư cách „triết gia hú vía”, tôi xin phát biểu như thế này: „Không có gì quí hơn sự thức tỉnh”. Ít ra, sự thức tỉnh, nó quí hơn gấp vạn gấp trăm lần cái „độc lập tự do” mà độc tài „bố thí” cho „độc giả” Việt Nam hiện nay.

Pv: Anh nói chuyện tiếp về „độc tài” và „Thơ đến từ đâu?” đi!

: Vâng, „độc tài” với những nhà thơ, nói rộng ra, những nhà trí thức „đàng hoàng”, như là „trời đất sinh ra”. Một anh cầm quyền, còn một anh cầm tri thức. Hai anh thay nhau „canh thức” cho văn hóa nhân loại. Độc tài „thức” (để kiểm duyệt) thì „độc giả đàng hoàng” „ngủ” kiểu „Cũng trong một người cầm bút, cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn chờ ngày xuống mồ!”(Nguyễn Minh Châu). Còn khi độc tài „ngủ”, thì „độc giả đàng hoàng” „thức tỉnh” theo nhiều kiểu, nhưng có lẽ, tôi không cần phải nêu ra đây, bởi vì có nhiều độc giả biết rõ điều này hơn tôi. Tôi chỉ muốn nêu ra đây trường hợp „thức tỉnh” đến „Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ’,”của cụ Nguyễn Tuân để chúng ta „chiêm nghiệm” mà thôi. À, trường hợp „thức tỉnh” của nhà thơ Nguyễn Viện cũng rất thú vị: đó là hành động „fuck… với độc tài”.

Pv: Ối, khoan, khoan hãy nói chuyện „fuck”, anh Trương Đức ơi! Anh cứ nói chuyện „thức tỉnh” đi!

: Vâng, sự thức tỉnh… Như tôi đã nói, „Không có gì quí hơn sự thức tỉnh”. Có nó là có tất cả. ĐCSVN, hay độc tài, đã ý thức được điều này. Độc tài „thức tỉnh” được rằng: có quyền lực trong tay là có tất cả. Thực tế ở Việt Nam cho thấy: thông qua sự đàn áp „độc giả”, tham nhũng, tham ô, ăn cắp, cá cược, cướp bóc tinh vi, v.v…, cộng với sự „ngủ miên man” (một hình thức „tiếp tay”, hay „đồng lõa”) của số rất đông „độc giả”, mà độc tài trở thành những „đại gia” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này, trong cái gọi là „công cuộc xây dựng đất nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và như vậy, đến đây, chúng ta bắt gặp cái liên quan thứ ba giữa độc tài và „độc giả”. Đó là chữ „đại”. ĐCSVN, không chỉ là độc tài, mà còn là „đại gia”, và „độc giả” là…

Pv: là khối „đại đoàn kết dân tộc”?

: Không, cái đấy xưa rồi, xưa như „trái đất” ý, chị ơi! Mặc dù nó vẫn được „hú” ra rả suốt ngày đấy, nhất là khi có những „vụ” như ĐHVK vừa rồi. Nhưng chúng ta đang nói chuyện „thức ngủ” cơ mà”! „Độc giả” là thuộc phe „đại ngủ” chứ lị! Ơ, sao chị lại cười ngặt nghẽo thế kia! Cẩn thận, không đổ mất ly nước kìa!

Pv: Vâng, tại cái từ „đại ngủ” đấy ạ! Nó „lạ” và „ngộ nghĩnh” quá!

: Đúng thế. Chị nhận xét rất chính xác! „Lạ” và „ngộ nghĩnh”. Các nhà văn, nhà thơ, họ sáng tác ra nhiều từ còn „lạ” và „ngộ nghĩnh” hơn tôi nhiều. Chẳng hạn như cụ Trần Dần của chúng ta, cụ viết thơ như thế này trong „Thơ Lảy”: „sáng bảnh-bành-banh, mày vẫn ngủ-ngù-ngu”. Chị thấy nó có bóng bẩy làm sao không? À, quay lại chuyện của chúng ta, chị phải nói anh đánh máy đánh đúng vào đấy nhá: „đại ngu hỏi ngủ”. Đánh máy mà sai sót, dù một dấu hỏi, là nó „rầy rà” lắm đấy! Dĩ nhiên là mình sẽ đổ hết tội cho anh đánh máy, nhưng như thế thì nó sẽ chẳng „hay ho” gì!

Pv: Vâng. Xin mời anh nói tiếp câu chuyện ạ!

: Sở dĩ tôi dài dòng về „sự thức tỉnh” như thế này, không đi thẳng vào „vụ việc” „Thơ đến từ đâu?”, là bởi vì cái „vụ việc” này nó cũng „dài dòng” lắm cơ! Có thể nói, nó bắt đầu từ 2001, khi talawas ra đời. Tôi đã "vào" talawas đọc say sưa. Và khi đọc bài „Gõ vào ngôn ngữ” (Đông Phương, Phạm Thị Hoài dịch), đến đoạn: „Một số nhà phê bình gọi bà (nữ nhà văn Elfriede Jelinek) là một Cassandra, là tiếng kêu cảnh tỉnh mà thiên hạ bất đắc dĩ lắm mới chịu nghe”, tôi chợt liên tưởng đến trường hợp nước Việt Nam mình, tôi đã nghĩ: „nữ nhà văn Phạm Thị Hoài cũng là một Cassandra Việt Nam, là tiếng kêu cảnh tỉnh mà thiên hạ bất đắc dĩ lắm mới chịu nghe, Phạm Thị Hoài cũng „gõ” cộc cộc vào „giấc ngủ” miên man của „độc giả” Việt Nam, với mục đích „đánh thức” họ dậy. Và talawas như một „cõi thức” vậy.” Vâng, tôi đã nghĩ như thế. Nhân vừa rồi, kỷ niệm 20 năm „Bức tường Berlin” sụp đổ, tôi cũng muốn nói luôn ra đây cái ý như thế này: Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nhưng nó lại được độc tài „khuân” về Việt Nam để làm „bức tường lửa” chặn đứng những „cõi thức” như talawas. Thế rồi, từ 2006, loạt bài “Thơ đến từ đâu?”, có thể nói, được ra đời trong “cõi thức” talawas. Bằng chứng là sau mỗi bài phỏng vấn đều có dấu “bản quyền”: “© 2006 talawas” hoặc “© 2007 talawas”. Và bây giờ, khi “Thơ đến từ đâu?” rời khỏi “cõi thức talawas” để đi về “cõi ngủ CHXHCN Việt Nam”, “sống chung với lũ”, thì tất nhiên là nó xảy ra cái “vụ việc” “Thơ đến từ đâu?” như hiện nay.

Pv: Và như vậy, ngoài Lý Đợi, các nhà thơ Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Nam Dao ra, cả chị Phạm Thị Hoài cũng không được tôn trọng trong “cuộc chơi”.

: Đúng vậy. Mà tôi cũng không hiểu là tại sao chị Phạm Thị Hoài không cầm ba-toong rượt đánh các cha nội biên tập viên của cuốn “Thơ đến từ đâu”. Hay là, tôi đoán, có thể tấm lòng bao dung của bả lớn quá…

Pv: Tôi thì đoán rằng, chắc chị ấy còn bận phỏng vấn “triết gia hú còi”, anh ạ!

(Còn tiếp)

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Cái "hồn nhiên" của dân tộc

Nhân đọc một bài viết của ông Nguyễn Hữu Liêm trên talawas blog, mình "tức cảnh" làm ngay một comment như sau:
"Đọc cái đoạn “Trưa ngày 30 tháng 4, 1975, đeo đu đưa trên chân đáp của chiếc trực thăng cuối cùng rời phi trường Cần Thơ, trên vai vẫn đeo súng, và vai kia mang túi xách, tôi đã thoát đi trong tiếng la hét hoảng sợ và cuồng nộ, bắn giết của đoàn quân đang tan vỡ.” trong bài viết của NHL, tôi nhớ lại cái bài tôi dịch và gửi cho talawas bộ cũ cách đây hơn bốn năm, trong đó có đoạn “Chính quyền Sài Gòn thực tế đã sụp đổ trong vài tuần. Những thước phim ghi cảnh chạy trốn khỏi lực lượng cộng sản, nhất là cảnh các lính Mỹ dùng chân đạp xuống biển những thường dân miền Nam Việt Nam cũng muốn bỏ chạy đang cố bám vào càng trực thăng, được chiếu đi chiếu lại trên khắp thế giới. Chiếc trực thăng cuối cùng của quân lực Hoa Kỳ chở Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn cất cánh khỏi sân thượng toà đại sứ Mỹ vào lúc 4 giờ rưỡi rạng sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975…” Tôi tự hỏi: không biết ông NHL có “ở” trong những thước phim nói trên không? Thế rồi tôi tự trả lời cho mình rằng: có, ông ấy có chứ, ông ấy đã sống sót, bởi vì không bị lính Mỹ đạp rơi xuống biển, ông ấy “thực sự ra đi”, và ngày hôm nay, ông ấy lại cũng “thực sự”… nhưng không phải “ra đi”, mà… “trở về”, dĩ nhiên cũng trong trạng thái “đu đưa”, chỉ khác là không trên chân đáp của máy bay trực thăng, mà trong “nỗi bình an” của ĐHVK. Tôi xin chúc mừng ông, ông Nguyễn Hữu Liêm ạ, bởi vì ông đã làm một việc rất chi là vô… bổ trong cuộc đời mình. Tại sao ông lại mất công ra đi, bỏ phí một quãng đời ba mươi lăm năm lang bạt trên đất người để đến bây giờ quay lại điểm xuất phát. Còn nếu ông đổ tội cho lịch sử, lịch sử “bảo sao thì làm vậy”, thì ông lên tiếng bằng cái bài viết “Nơi giữa Đại hội…” để làm gì cơ chứ? Để “tâm sự”? Để “tìm tri kỉ”? Tôi thật là không thể hiểu nổi. Ông Hoàng Ngọc-Tuấn ví các ông như những con vẹt là còn “nhẹ” đấy, tôi thì “nặng nhời” hơn nhiều, nếu phải đáng giá con người các ông. Nhưng mà thôi, tôi nghĩ không nên bàn tiếp mà làm gì, các ông cũng cùng là “những người khốn khổ” của cái dân tộc Việt Nam như tôi cả thôi. Chúng ta phải biết cám ơn dân tộc Việt Nam, dân tộc đã đẻ ra hàng loạt các con “vẹt” như các ông, đã sinh ra một đống những “lãnh tụ vĩ đại”, những kẻ dẫn dắt dân đen vào những cuộc “kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc” rất chi là “vĩ đại”, rồi những cuộc “cải cách” này nọ cũng “vĩ đại” không kém, làm chết bao dân đen, hàng triệu kẻ phải rời quê hương chạy trốn, v.v… và v.v… nhưng chẳng để làm gì cả! Đấy, như ông thấy đấy, các ông cùng “phe bộ đội của cụ” đánh nhau chí chóe, đến mất mạng đổ máu, xong giờ lại “hòa cả làng với nhau”, thậm chí, các ông còn “hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước.” Cái “hồn nhiên” mà ông nói, có phải chăng là sự ngu xuẩn! Chúng ta quanh quẩn một hồi, có thể ba mươi lăm năm, một trăm năm, hay bốn nghìn năm, xong cuối cùng ngớ người ra, ơ, hóa ra ta chẳng làm gì cả, ta vẫn “hồn nhiên” như xưa!"
Nghĩ mà buồn cho dân tộc Việt Nam. Không biết bao giờ mới hết cái cảnh "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" ở trên mảnh đất quê hương yêu dấu của ta?

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Những ngọn nến cháy tàn(2)

Hôm nay mình lại đăng tiếp chương 2 của NNNCT, có lẽ mình phải dịch hết tác phẩm này thôi, càng đọc càng thấy hấp dẫn, mặc dù mình đã đọc không dưới một lần câu chuyện tình (bạn, yêu, người, ...) này rồi! hehe...


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN

Márai Sándor

2.

Nini đã chín mươi mốt tuổi. Bà bước vào phòng, đến bên cạnh Đại tướng trong chốc lát. Nhiều năm về trước, bà chăm bẵm Đại tướng tại chính căn phòng này. Ngày Đại tướng ra đời, bà cũng có mặt. Ngày ấy, bà là một thiếu nữ xinh đẹp, vừa tròn mười sáu tuổi. Bà dáng thấp, nhưng thon chắc. Nini luôn bình thản, như thể bà biết rõ mọi bí mật. Như thể Nini giữ gìn một điều gì đó, – có lẽ là bí mật của thời gian và cuộc sống – trong xương tủy, dòng máu, thân thể bà. Và điều bí mật ấy không thể nói ra cho người khác biết, cũng chẳng thể phiên dịch sang một ngôn ngữ xa lạ khác. Lời nói không diễn tả nổi điều bí mật. Nini là con gái của nhân viên bưu chính trong làng. Năm ấy, cô gái mười sáu tuổi sinh một đứa con, và Nini chẳng bao giờ tiết lộ cho một ai điều người đàn ông nào là cha của đứa bé. Khi bị cha mình đánh đuổi khỏi nhà, cô gái đến và ở lại lâu đài. Toàn bộ tài sản của Nini là một bộ quần áo và một phong bì nhỏ đựng núm tóc đứa con đã chết. Nini đến lâu đài để làm mụ đỡ cho Đại tướng. Và chính cô đã cho Đại tướng bú ngụm sữa đầu tiên từ bầu vú của mình. Hai bầu vú căng đầy sữa mẹ của Nini đã nuôi nấng Đại tướng đến lớn khôn. Bảy mươi năm năm, Nini lặng lẽ sống trong lâu đài. Lúc nào trên gương mặt Nini cũng như phảng phất một nụ cười. Cái tên Nini lan bay từ phòng này sang phòng khác, tựa hồ các gia nhân của lâu đài nhắc nhau một điều gì đó. Họ thủ thỉ với nhau như thế này: “Nini!”. Dường như họ muốn nói: “Thật kỳ lạ là, ở trên thế gian này, còn tồn tại một thứ gì đó, thứ khác với sự ích kỷ. Phải chăng đó là niềm đắm say hay sự kiêu kỳ. Nini…”. Vì người vú nuôi luôn phải có mặt tại những nơi người ta cần đến bà, nên các gia nhân còn lại trong lâu đài thi thoảng mới nhìn thấy Nini. Và vì Nini lúc nào cũng vui tươi và bình thản, nên không bao giờ người ta hỏi Nini là làm thế nào bà lại có thể vô tư như vậy, khi mà người đàn ông yêu thương của mình đã bỏ đi, và đứa con thơ của mình chưa kịp bú sữa mẹ đã bị Tử Thần cướp mất. Nini dùng dòng sữa mẹ ấy của mình để nuôi nấng Đại tướng, bảy mươi năm năm đã trôi qua. Những khi ánh nắng chan hòa tỏa xuống tòa lâu đài, xuống hàng cây hạt dẻ, người ta chợt thấy Nini mỉm cười.

Thời gian thấm thoát trôi qua, rồi giữa chừng, thân mẫu Đại tướng, bà Hầu tước, qua đời. Nini đứng lau vầng trán trắng nhợt, ướt át mồ hôi của tử thi bằng mảnh khăn niệm tẩm nước dấm. Vài năm sau, ngài Hầu tước bị thương vì ngã ngựa, ông vĩnh viễn không thể tự đi lại bằng đôi chân của mình. Người ta dùng cáng đưa Hầu tước trở về lâu đài. Hàng ngày, ông ngắm nhìn khu vườn hạt dẻ, và cứ thế, thêm tiếp năm năm nữa. Và Nini, ngày lại ngày, đều đặn, cô chu đáo chăm sóc ngài Hầu tước. Cô thường đọc truyện tiếng Pháp cho ngài nghe. Cô chỉ đánh vần các mẫu tự vì mình không biết tiếng Pháp. Nini cũng không thạo phát âm, vì thế, cô đọc dần từng chữ cái. Từng chữ một. Nhưng ngài Hầu tước vẫn hiểu tất cả. Rồi ngày cưới của Đại tướng diễn ra. Khi cặp uyên ương trở về sau tuần trăng mật, Nini đón họ dưới vòm cổng lớn của lâu đài. Cô hôn tay vị hôn phu và dâng tặng một bó hoa hồng tươi đẹp. Lúc đấy Nini cũng mỉm cười. Đại tướng thỉnh thoảng nhớ lại cái khoảnh khắc này. Nhiều năm sau, khoảng hai mươi năm, người vợ Đại tướng lâm bệnh và từ trần. Một mình Nini quán xuyến công việc trông nom ngôi mộ và gìn giữ trang phục của người đàn bà bạc mệnh.

Nini không có danh, cũng chẳng có chức ở lâu đài, nhưng mọi người cảm nhận sức mạnh của bà. Chỉ Đại tướng, một cách lơ đễnh, biết là Nini đã hơn chín mươi tuổi rồi. Nhưng không ai trong hai người nhắc đến điều này. Sức mạnh của Nini tỏa khắp lâu đài. Nó len lỏi qua thân thể mọi thành viên sinh sống ở đây, xuyên suốt các bức tường ngàn năm thầm lặng, thẩm thấu từng đồ vật vô tri vô cảm, nó giống như dòng năng lượng huyền diệu, thứ khiến các hình con rối Vitéz János và Tử thần nhảy nhót trên sân khấu của nhà hát múa rối lưu động. Nhiều khi các gia nhân như còn cảm thấy: nếu chẳng may, có ai đó đụng vào ngôi nhà, và nếu cái sức mạnh huyền bí kia của Nini không kết dính các chất cấu trúc không còn mới mẻ gì của lâu đài thành một khối vững chắc, thì toàn bộ lâu đài sẽ sụp đổ trong tức khắc. Sau khi chôn cất chu tất người vợ của mình, Đại tướng ra nước ngoài trong khoảng thời gian một năm. Ngày trở về, ông chuyển vào khu nhà cũ của lâu đài, đến căn phòng mẹ ông sống khi xưa. Còn khu nhà mới của vợ ông trước đây; rồi tòa đại sảnh, với các bộ xa-lông đã bong dần lớp lụa bọc Pháp; cả gian phòng khách, nơi có lò sưởi cùng thư viện; khu cầu thang mà dọc bức tường của nó được treo vài cái đầu lâu sơn dương, dăm ba chiếc sừng hươu, sừng nai, cùng mấy con gà rừng có bộ lông sặc sỡ đã bị moi hết ruột, làm khô và nhồi bông cho căng; gian phòng ăn to lớn có cái cửa sổ, mà từ đó có thể nhìn đến cái thị trấn quanh năm chìm dưới màn khói xám vật vờ trong khu thung lũng phủ đầy sương và xa xa, tới những ngọn núi xanh bạc im lìm cổ tích; ngay cả các căn phòng của vợ và bên cạnh chúng, căn phòng ngủ trước kia của mình; tất cả, Đại tướng bắt gia nhân khóa lại. Ba mươi hai năm, kể từ ngày người vợ qua đời, và hôm ông quay trở lại lâu đài, chỉ có Nini và đám gia nhân ra vào các gian phòng này. Nơi đây, cứ hai tháng một lần, họ làm công việc quét dọn và lau chùi.

– Ngồi xuống đây, Nini! – Đại tướng lên tiếng.

Người vú nuôi ngồi xuống bên cạnh. Nini già đi rõ rệt vào năm cuối cùng. Sau chín mươi tuổi, con người già đi theo một kiểu khác, không như sau năm mươi hay sáu mươi tuổi. Những người già cả không hề tủi thân khi họ nhận ra rằng, thời gian để lại càng ngày càng nhiều nếp nhăn trên gương mặt họ. Gương mặt của Nini màu hồng và mang nhiều nếp nhăn. Chỉ những chất thật thanh tao mới già đi như vậy, những tấm lụa trăm tuổi, mà từng sợi của chúng đã được một gia đình dệt cái sự khéo tay và giấc mơ của mình vào. Năm ngoái, một mắt của Nini bị lên màng. Con mắt này giờ đây trông buồn rầu, như được nhuộm một màu xám nhạt. Nhưng con mắt kia vẫn giữ một màu thật xanh, như màu xanh phi thời gian của đại dương giữa những dãy núi trùng điệp với tiết trời thu tháng Tám. Nini mặc bộ quần áo màu chàm. Bộ quần áo muôn thưở. Cái váy dạ màu xanh thẫm cùng chiếc áo cánh may liền với váy cũng màu xanh thẫm. Như thể bảy mươi năm năm qua, Nini không hề may cho mình một bộ quần áo nào khác nữa.

– Tôi vừa nhận được thư của Konrad – Đại tướng hững hờ giơ lá thư lên. – Nini còn nhớ ông ta không?

– À, thế ạ! Vâng. – Nini khẽ trả lời. Bà nhớ tất cả.

– Konrad đang ở trong thị trấn – Đại tướng hạ giọng nói tiếp với Nini, như thể ông báo cho bà biết một tin quan trọng và bí mật. – Ông ta ở khách sạn Đại bàng Trắng. Và sẽ đến đây vào buổi tối. Tôi đã bảo Kálmán đánh xe đi đón. Konrad sẽ dự bữa cơm tối tại đây.

– Tại đây? Chỗ nào ạ, thưa ông? – Nini bình thản hỏi. Con mắt xanh biếc linh hoạt của bà đảo một vòng quanh căn phòng.

Đã hai thập kỷ nay, họ không tiếp khách trong lâu đài. Thỉnh thoảng, vài nhân vật quan chức của Thị chính thành phố và tỉnh đến viếng thăm Đại tướng. Đôi khi, một số vị khách thuộc giới quý tộc, những thành viên của câu lạc bộ đi săn, cũng nghỉ lại tại lâu đài. Người quản gia tiếp đón họ trong khu nhà săn. Khu nhà săn ở cách không xa tòa lâu đài, được xây lên ngay cạnh cánh rừng già nguyên sinh, nơi thường diễn ra các cuộc đi săn thú rừng của giới quý tộc. Ngày và đêm, dãy hành lang thoáng mát, các phòng ngủ, phòng tắm, gian phòng khách rộng rãi với chiếc bàn chân cừu dài và rộng đầy những món ăn ngon miệng tiếp đón chu đáo các vị khách. Những lúc như thế, người quản gia ngồi ở đầu bàn, ông thay mặt gia chủ đón tiếp đám thợ săn và khách khứa quí tộc. Không ai tự ái, vì mọi người đều biết rằng, chủ nhân lâu đài không muốn xuất hiện. Hàng năm, vào mùa đông, duy nhất một người tìm đến lâu đài là vị linh mục của nhà Thờ thị trấn. Ông ta đến để ghi những chữ cái đầu tiên các tên gọi Gáspár, Menyhért và Boldizsár lên thanh gỗ bắc ngang của cánh cổng ra vào. Từ lâu, khách của lâu đài không một ai khác ngoài ông linh mục này, người đưa linh hồn các chủ nhân đã chết của lâu đài về thế giới bên kia.

– Tại khu bên kia – Đại tướng nói. – Có được không?

– Vâng, được ạ – Nini trả lời. – Khu đấy vừa được quét dọn cách đây một tháng.

– Buổi tối, tám giờ. Có kịp không nhỉ? – Đại tướng chồm người ra phía trước hỏi với giọng hơi vẻ tò mò của trẻ thơ. – Tại đại sảnh ấy. Bây giờ đã mười hai giờ trưa rồi...

– Giữa trưa ạ, – người vú nuôi tiếp lời. – Tôi bảo mọi người ngay bây giờ. Sáu giờ tối sẽ mở cửa thông gió. Sau đó, sẽ cho dọn thức ăn lên bàn. – đôi môi Nini mấp máy không tiếng động, như thể bà đang nhẩm tính cái gì đó. Nini nhẩm tính thời gian và khối lượng công việc. – Vâng, được ạ, thưa ông! – cuối cùng, người vú nuôi nói, giọng bà bình thản và tự tin.

Đại tướng hơi nhoài thân trên của mình ra phía trước, ông nhìn Nini chăm chú. Hai con người này có cùng một cuộc sinh tồn, với cái trào dâng của nhịp sống chậm rãi từ hai cơ thể già nua nhưng rất khỏe mạnh của họ. Họ biết tất cả về nhau, tường tận hơn giữa mẹ và con, giữa chồng và vợ. Khối gắn bó tồn tại giữa hai người khít chặt hơn bất cứ mối quan hệ con người nào khác. Có thể dòng sữa mẹ đã tạo nên điều này. Có thể do Nini là sinh vật đầu tiên trên thế gian này nhìn thấy cái thân thể nhầy nhụa máu của Đại tướng trong khoảnh khắc lọt lòng mẹ. Cũng có thể do bảy mươi năm năm chung sống dưới một mái nhà, hít thở cùng một luồng không khí, ăn uống một thứ lương thực. Tất cả đều chung, từ mùi ẩm mốc của các bức tường cho đến hàng cây hạt dẻ trước cửa sổ, không có tên gọi cho điều này. Họ không là chị em ruột thịt, cũng không là những người tình của nhau. Có một cái gì đấy khác biệt tồn tại giữa hai con người này, và họ mơ hồ mường tượng được nó. Đó là một tình ruột thịt, lớn lao và cô đặc hơn hai bào nhi sinh đôi trong bụng mẹ. Cuộc sống đã quyện lẫn vào nhau ngày và đêm của họ. Họ thông thuộc tâm hồn và thể xác của nhau, kể cả những giấc mơ riêng.

Người vú nuôi lên tiếng:

– Ý ông muốn mọi chuyện diễn ra như ngày xưa?

– Đúng thế – Đại tướng gật đầu. – Tất cả phải như cái lần cuối cùng ấy.

– Vâng, được ạ, thưa ông – Nini nói ngắn gọn.

Bà tiến lại gần Đại tướng, cúi xuống hôn bàn tay đeo nhẫn già nua và nổi đầy gân xanh của ông. Nini khẽ nói:

– Nhưng ông phải hứa là sẽ trấn an được lòng mình!

– Ừ, tất nhiên rồi – Đại tướng nói nhỏ, giọng đầy vẻ chấp thuận.

(Còn tiếp)