Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Làm... đĩ!

Mình nghiệm ra điều này, nếu chúng ta - những con người bình thường - thỉnh thoảng có thể tự trở thành điên được, thì cũng nên chấp nhận trở thành điên trong vòng vài ba tiếng đồng hồ. Để cho... bõ!

Sống là phải điên, kiểu như, nếu nói theo một câu châm ngôn gì đấy của "khách du lịch": "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán", thì có thể "trệch trạng" thành thế này: Sinh bất vi điên phi hảo hán! Sống mà chưa điên, vẫn chưa phải là người... Hán tốt!hihihi...

Đấy là do hôm nay mình lại đọc được một bài thơ rất... "điên" của anh Viện, bài "Cơn điên của tôi" trên Tiền Vệ. Dĩ nhiên là mình không thể "cảm" hết được cái "độ điên" của anh ấy, nhưng, nói không "ngoa ngoắt" chút nào, có lẽ "độ điên" lần này của nhà thơ "Thánh ám" mà mình hằng ngưỡng mộ, đã dâng cao lên đến tận... cung đình của Thượng Đế! Tức là, lần này, mình được chứng kiến một "cơn điên của... Thượng Đế"!

Mở đầu bài thơ, anh V. viết:

"Cơn điên của tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng
Và nó trốn ra khỏi nhà
Đi theo cái chổi của những người phu quét đường và đến những bãi rác
Và nó gặp những đứa trẻ con không bao giờ mở mắt cho dù mặt trời sẽ mọc..."

Tức là, cơn điên "tỉnh táo" nhất, thường "thức dậy" vào ban đêm (3 giờ sáng mà lị)! Người ta thường nói, ban ngày thì thức, ban đêm thì ngủ. Và, trong trường hợp "cơn điên của tôi" này, anh V. lại "thức dậy" vào ban đêm. Có phải chăng, ban đêm là thời điểm "êm đềm" nhất cho "những cuộc thức dậy", cho "những cuộc xuống đường"?!

Nhưng hãy khoan nói đến "những cuộc thức dậy" và "những cuộc xuống đường", mình muốn nói về "những cơn điên" trước đã. Những năm trước đây, vào cuối thế kỷ trước, mình được đọc một tác phẩm lớn của nhà văn Vũ Thư Hiên, cuốn "Đêm giữa ban ngày". Mình đã bị "ám ảnh" suốt một thời gian dài bởi đoạn văn này trong tác phẩm:

“Mọi sự bóc lột đè nén giờ đây được tiến hành trong tiếng kèn hoan hỉ ngợi ca cuộc đời mới, trong cờ xí rợp trời, trong ánh lấp lánh của vàng mạ phủ lên mọi tối tăm, tủi nhục, tiếng rìu đao phủ chìm nghỉm trong khúc quân hành, và đám đông bị mê mẩn bởi những lời cổ vũ hùng hồn rầm rập kéo nhau đi tới miền đất hứa ở tít mù tầm mắt không nhận thấy máu đồng bào nhơm nhớp dưới chân mình... Tôi đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cuộc lên đồng vĩ đại.”

Mình nói là cả đoạn văn "ám ảnh" mình, nhưng chính xác ra, chỉ cụm từ này: "cuộc lên đồng vĩ đại"! Ở đâu đấy, các "bác sỹ tâm thần" đều kết luận, "lên đồng" cũng chỉ là một "trạng thái" của "điên" mà thôi! Có nghĩa là, hồi viết "Đêm giữa ban ngày", Vũ Thư Hiên "đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cơn điên vĩ đại.". Ở đây, mình xin mở ngoặc một chút, tuy đều là "cơn điên", nhưng có sự khác biệt giữa cơn điên của "đám đông" với "cơn điên của tôi" của anh V.: cơn điên của "đám đông" hiện hữu trong mọi thời khắc, ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày, còn "cơn điên của tôi" chỉ "có", hay "thức dậy" vào duy nhất một thời điểm là "3 giờ sáng" thôi!

Anh V. viết tiếp:

"Bên cạnh những bông hoa hớn hở
Và nó sẽ ngồi xuống chiếc ghế của quán cà phê với những kẻ không biết điên hay tỉnh
Và nó bắt đầu nói...
Những cuộc cách mạng hoa hoè và đẫm máu
Những cuộc ăn cướp và những cuộc giết người
Cơn điên của tôi cúi đầu dưới tiếng chuông và nó đeo một dây thòng lọng của lời cầu kinh vào cổ..."

Chúng ta có thể hình dung một cảnh tượng của "những cuộc sám hối" to lớn (mình không muốn dùng từ "vĩ đại") như thế này: trên đường phố, từng dòng người, từng dòng người bước đi lặng lẽ trong tiếng chuông đổ, trên cổ mỗi người "đeo một dây thòng lọng của lời cầu kinh", sau đó, tiếng chuông chợt dứt, thay vào đó là tiếng súng liên thanh bắn vào dòng người, "pằng... pằng... pằng...", tiếng bom nổ trút xuống dòng người, "bùm... bùm... bùm...", rồi tiếng xích xe tăng nghiến đường, tiếng lựu đạn nổ inh tai, v.v... nhưng tiệt không có một tiếng người kêu la vì đau đớn, chết chóc gì cả, "sám hối" mà!

Đọc những câu thơ trên của anh V., mình chợt nghĩ, sau "cơn điên", cơn tiếp theo, có lẽ là... "sám hối"?! Bởi vì, chỉ có Thượng Đế mới "cứu rỗi" được "linh hồn" của chúng ta, hay, nói một cách "chuyên ngành y học" là, căn bệnh "điên" của những con chiên là loài người chúng ta, duy nhất chỉ "ông bác sỹ tâm thần" là Thượng Đế "chữa nổi" mà thôi! Có một điều thú vị như thế này, vai trò "cứu rỗi" của Thượng Đế, trong thơ ca của NV, dường như không thể "thay thế" bằng thứ khác được?! Để thấy rõ hơn điều đó, chúng ta hãy đọc bài thơ này của anh ấy trên Tiền Vệ, bài "Khi làm tình tôi thấy khuôn mặt Thượng Đế"!

Chính vì thế, ở đoạn tiếp theo anh Viện đã "hé mở" ra như thế này:

"...Đi qua những số phận
Và dừng lại ở một ngã tư
Chào nhân dân đã xuống đường cho cơm áo
Nó vẽ vào những bức tường nỗi khoan cắt bê tông và rút hầm cầu
Cuộc cách mạng của trĩ
Nó đái vào những cuộc ra đi trên bến cảng đẫm nước mắt để chui vào một con ốc trên bàn nhậu đẫm nước bọt
Rồi nó thoát thân trên chiếc cầu vồng của ngôn ngữ
Và đi tìm thượng đế
Nhưng bọn ngu bảo đó là cơn ám ảnh tình dục..."

Mình thích nhất câu này: "Và dừng lại ở một ngã tư". Cái gì đã khiến "cơn điên của tôi" "dừng lại ở một ngã tư"? Mình nhớ đến bài thơ "Cái chết của một khứa lão" của anh V. đăng trên talawas bộ cũ. Trong bài thơ ấy, hình ảnh

"Cô gái điếm banh lồn ở ngã tư khi đèn đỏ
Người đàn ông ấy chỉ còn một chiếc răng cửa mang xuống địa ngục"

cũng đã "ám ảnh" mình một thời gian khá dài! Phải chăng "cơn điên của tôi" "dừng lại ở một ngã tư" (tại sao không ngã ba, ngã năm, hay ngã bảy, mà trong thơ anh V. toàn là "ngã tư" - như cây Thánh giá?) là vì thấy một "Cô gái điếm banh lồn ở ngã tư khi đèn đỏ"?

Đọc những sáng tác của anh V., mình "khoái" nhất là được thưởng thức cái bút pháp "dolby surround" của anh ý. Người đọc như mình, như thể được anh V. trang bị cho một "bộ amply 5.1" để "thưởng thức" thế giới văn chương của ảnh. Mình, nói không "ngoa ngoắt" chút nào, không thể nào quên cái "cảm giác mạnh" khi đang từ "bãi rác" được vọt một phát lên gặp "thượng đế" như ở bài này. Hoặc như trong truyện ngắn "Không đầu không cuối" này của anh V. đăng trên vanchuongviet chẳng hạn, người đọc có thể "phân thân stereo" ra làm nhiều mảnh như thế này: một phần ở "Linh Phong thiền tự", một phần ở "căn phòng trên lầu ba", một phần đang ở thì hiện tại, ở chợ Ba Chiểu chẳng hạn, một phần có thể ở Qui Nhơn cùng thời với anh em Ngyễn Nhạc, Nguyễn Huệ,...

Rất "lịch sử" và "thời sự"! Và đây, cái bút pháp "dolby suround" của anh V. cũng lại xuất hiện trong bài thơ "Cơn điên của tôi" một cách "lịch sử" và "thời sự" như thế này:

"Chào nhân dân đã xuống đường làm đĩ cho hôm nay và mai sau
Và trước khi bắt đầu một ngày mới
Nó chui vào lại giấc ngủ của tôi để tái sinh một cơn điên khác..."

Mình nghĩ tới "những cuộc thức dậy", hay "những cuộc xuống đường", của nhân dân Ai-cập, nhân dân Li-bi-a...

Phải chăng "những đứa trẻ con không bao giờ mở mắt cho dù mặt trời sẽ mọc" là "kết quả" của những cuộc "nhân dân đã xuống đường làm đĩ cho hôm nay và mai sau"???

Có trời biết! Hay nói theo cách của NV là, có "Thượng Đế" biết!

Mình nghĩ, chắc cũng cần phải trở thành "điên" như anh ấy, may ra có thể hiểu được phần nào cái sự "làm đĩ cho hôm nay và mai sau" của nhân dân!


Thế cho nên, mình đi ngủ đây, hy vọng là "cơn điên của mình" "trước khi bắt đầu một ngày mới", sẽ "thức dậy lúc 3 giờ sáng"...

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Mộc dưỡng Hỏa

Có hai thứ mà người đời chúng ta luôn luôn quan tâm trong Ngũ Hành, đó là Mộc và Hỏa. Mộc, là cây, như Goethe có nói, "Lý thuyết là màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi". Còn Hỏa, là lửa, như Xuân Diệu có nói, "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt ngàn năm".

Mình xin nói trước về Hỏa. Hỏa, hay lửa, thường dẫn đến sự tàn lụi. Nhớ hồi dịch "Những ngọn nến cháy tàn" của Márai Sándor, mình đã hơi gợn gợn trong người là cuốn tiểu thuyết này "ghê" quá, nó nói về "sự tàn lụi" của tình bạn như cái tiêu đề của nó! Vậy thì có nên dịch hay không? Nhưng rồi mình vẫn bắt tay vào dịch, cũng là để thử sức thôi, đam mê mà!

Ở trên đời này, cái gì nếu có "huy hoàng", rồi cũng trở thành "tàn lụi"! Mình nghĩ thế! Không có gì "ngàn năm" cả. Ngày xưa, nếu Xuân Diệu nghĩ là có cái "le lói buồn suốt ngàn năm", chẳng qua là ông đã lầm! Sự vĩnh cửu không có. Chỉ có sự chuyển đổi. Nói theo các nhà vật lý học, nếu năng lượng không mất đi, chỉ biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, thì mọi sự việc trên đời này, không mất đi, chỉ chuyển từ "dạng" này sang "dạng" khác!

Và, đóng vai trò quyết định trong sự "chuyển đổi" đó, chính là Hỏa, hay LỬA! Mà đúng là thế đấy! Các bạn hãy ngẫm nghĩ mà xem. Người ta thường nói, lửa tình, hay ngọn lửa cách mạng, hay gì gì đó mà liên quan đến lửa. Tức là, Lửa như một cái gì đó là nguồn gốc của mọi sự trên Trái Đất này. Kiểu như, "Không có lửa làm sao có khói" ý! Cái mà loài người chúng ta cần đến đầu tiên, chính là LỬA. Thần Lửa đã giúp con người chúng ta trong sự ăn uống đồ chín, bộ não phát triển, và như thế, ánh sáng văn minh cũng tỏa sáng cho nhân loại!

Người ta thường nói, trong ánh sáng, khó có thể nhận ra bóng tối. Mà, như chúng ta đều rõ, ánh sáng và bóng tối, thường tồn tại song song với nhau. Như trong cái sự "to tát" nhất là "vũ trụ", ngoài những "mặt trời" ra, còn có những "hố đen". Tức là, "ánh sáng" như thể làm lóa mắt chúng ta, làm chúng ta không nhận ra "bóng tối", hay nói một cách văn vẻ là, không nhận ra "những thế lực đen tối" đang bao quanh chúng ta!

Mình nhớ, vào quãng thời gian khi mình chưa "cưới vợ", bà già mình thường bảo là phải lấy vợ mạng Mộc, Mộc dưỡng Hỏa con ạ! Từ hồi đó mình mới để ý đến cái sự là "mạng Mộc". Mộc dễ cháy, tức là "sinh", nên "hợp" với Hỏa, lấy cô vợ mạng Mộc, sẽ "ăn nên làm ra", mẹ mình bảo thế!

Không biết là "ông Giời" có xui khiến hay không, nhưng cuối cùng, mình lấy cô vợ tuổi Giáp Tý, mạng Kim. Tất nhiên là những "thiên định" không còn tác động mạnh như "ở nhà"! Cuộc sống của mình vẫn đều đều xảy ra như nó cần phải xảy ra! Nhưng ý mình muốn nói ở đây là, có vẻ như cái mệnh Hỏa của mình, không dẫn đến "sự tàn lụi", mặc dù mình có nói ở trên: Hỏa, thường dẫn đến sự tàn lụi!

Mình suy nghĩ nhiều về cái "cây đời mãi mãi xanh tươi" của Goethe. Chẳng lẽ "cây đời" của Goethe không bao giờ "héo mòn"? Mình đã chứng kiến một tai nạn cháy rừng khủng khiếp. Hồi còn làm cho AsiaCenter, mình đã tận mắt nhìn thấy cảnh cháy rừng. Thật kinh khủng! Ở cạnh AsiaCenter có một khu rừng rất rậm rạp. Thế là một ngày, vào mùa hè 2008, khu rừng xanh tươi ấy tự nhiên cháy rụi không còn một cây. Mình đã giật mình khi nghĩ, có thể nào sự tồn tại của cây xanh, cuối cùng cũng chỉ là để "một phút huy hoàng rồi chợt tắt"?!

Giấy được làm từ gỗ, và gỗ là do cây, hay "mộc" "sinh" ra. Những trang giấy chứa đựng những câu thơ bất hủ, những dòng chữ rúng động lòng người, nếu trước đó không được chế ra từ gỗ, thì sự tồn tại của cuộc sống trên Trái Đất này, có còn mang những ý nghĩa như chúng đang mang nữa không?

Và, nếu không có Lửa, thì thử hỏi trên cõi trần gian lắm này, có còn "sự ấm" nữa không? Có còn "những phút huy hoàng" nữa không! Cái điều, rằng trong ánh sáng vẫn ngự trị bóng tối, thì chúng ta vẫn có thể "hiểu" được! Nhưng trong bóng tối, chúng ta không thể nhận ra được ánh sáng! Đó là chân lý!

Mình có một tật xấu là hay nói... "linh tinh"! Nhưng, mình lại "đúc kết" được như thế này: Chỉ có ngọn lửa mới làm cho cuộc sống của chúng ta có được một ý nghĩa cao quí hơn. Đó là sự phát triển! Mà muốn "dưỡng", hay làm cái "ngọn lửa" ấy "bùng lên", cần phải có "cây đời", tức là "mộc"! Đó là một trong những điều chắc chắn của chúng ta!

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Thân lừa ưa... nịnh!

Mấy hôm trước mình đọc trên Tiền vệ những trao đổi về bài phỏng vấn "nhà phê... phê... phê... bình" NTS, thấy hay phết! Cái hay ở đây, không phải là cái hấp dẫn, bổ ích, mà là một sự "hay... mất giá trị", phải hiểu là "những tác phẩm văn học Việt Nam đa số thường (hay mà lị!) đi thẳng từ bộ não của nhà văn vào... thùng rác"!

Nói riêng về "nhà phê... phê... phê... bình" NTS với những nhận định của mình về văn học Việt Nam đương đại, kể ra thì "nhà ông ấy" cũng có cái lý của ổng. "Nhà ông ấy" nói rằng, "Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị.", thì mình thấy chưa đủ. Đó là bất cứ một sự việc gì, cũng phải có "quá trình" của nó. Khi nói về một nền văn học nào đó, có lẽ và theo mình, cần thiết phải nói cả về quá khứ (tức là "quá trình" đấy!) của nó nữa. Thế cho nên, chỉ "chăm chăm" vào "thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi" là chưa đủ, mà còn phải "đếm xỉa" đến những "thế hệ nhà văn khoảng 40, 50, 60 tuổi" nữa ("những nhà văn khoảng 70 tuổi" thì mình không dám "đụng" đến, bởi vì dù sao họ cũng thuộc lớp người "cổ lai hy... lạp" rồi, hehe...).

Có thể "nói trắng" ra một điều như thế này, văn học Việt Nam đã mất các giá trị! Đơn giản thế thôi. Mất giá trị nên mới... "nên nông nỗi"! Thử hỏi là trên thế giới có một dân tộc nào lại tự "huyễn hoặc" mình suốt "bốn ngàn năm văn hiến" như dân tộc Việt Nam? Mà giới nhà văn nhà thơ là tầng lớp điển hình! Dĩ nhiên cái sự "tự hào dân tộc", hay nói như tay thủ tướng Hungary Orbán Viktor: "Chúng ta hãy dám trở thành vĩ đại!" ("Merjünk nagyok lenni!"), là cần thiết. Nhưng cái "sự dám" và "tưởng bở", chúng khác nhau "một trời một vực" đấy chứ! Dân Việt ta, từ "thằng vua ngồi mát ăn bát vàng" cho đến "thằng dân chân đất mắt toét", đều "tưởng bở" rằng, mình là "thằng vĩ đại" thật, hay nói cho có vẻ "mùi (mẫn) lịch sử", là sao mình lại "oai hùng" thế cơ chứ!

Tất nhiên, về cái lịch sử "oai hùng" của Việt Nam ta, thì mình không muốn bàn đến nữa, bởi vì như mình đã nói, nó đã bị "bóp méo xệch méo xẹo" từ bao đời nay rồi, đã bị... "mất các giá trị" rồi. Điều mình muốn nói ở đây, là cái sự "đến bây giờ vẫn cố tình khoác "cái áo hào hùng" cho lịch sử" của một số nhà văn nhà thơ Việt Nam ta. Mình nhớ, năm ngoái thì phải, cũng có một tay cũng được mệnh danh là "nhà phê... phê... phê... bình" là NTL, đã viết về Chí Minh như một "cha đẻ" của văn học viễn tưởng của Việt Nam. Tay
"nhà phê... phê... phê... bình" này đã ví ngang hàng cái sự "vừa đi đường vừa kể chuyện" của Chí Minh với cái sự "vừa đi đường vừa quệt mỡ dòng chữ "Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần" lên lá cây" của Nguyễn Trãi. Có nghĩa là, ngày xưa, những "quả lừa" luôn được "tung" ra để "thu phục lòng dân" như thế nào, thì ngày nay, cũng được "áp dụng" một cách "triệt để" như thế. Hay, "người ta" vĩ đại bởi vì ta "ăn quả lừa", hihi... Lê Lợi vĩ đại vì Nguyễn Trãi "lừa" dân đen. Ờ, mà ngay bản thân Nguyễn Trãi cũng bị Lê Lợi "lừa" đấy chứ?! Ông chẳng bị Lê Lợi chết đi còn sai con là Lê Thái Tông "tru di tam tộc" đấy là gì?! Tức là Lợi lừa, Trãi cũng lừa, rồi sau này Hồ lừa, Duẩn cũng lừa, Thọ lừa, Mạnh cũng lừa, Phú chắc cũng "quả dứa", cũng lừa,... rồi tiếp theo là NTL lừa, NTS lừa,... Riệt một lũ lừa! Nhưng mà thôi, tự "huyễn hoặc" mà lị! Thằng nào cũng lừa để làm "thằng vĩ đại" hết, từ Lê Lợi vĩ đại, Nguyễn Trãi vĩ đại, đến Hồ Chí Minh vĩ đại, rồi NTL vĩ đại, NTS vĩ đại, ai nữa nhỉ? À, mới đây, vĩ đại "nổi cộm" nhất là NQT, cái tay có tác phẩm "Hội thề hội thốt" gì đấy được người ta trao cho cái "giải thưởng giải theo" gì đó!

Đọc bài viết của nhà văn Trần Mạnh Hảo về tác phẩm "Hội thề hội thốt" đấy mà mình... phì cười! Rồi đọc những "tự huyễn hoặc lẫn nhau" trên blog của tay tác giả NQT này, mình cũng phải... phì cười nốt, không thể nhịn được!

Thật đúng là: Thân lừa ưa... nịnh!

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Văn mình vợ... mình!

Hôm nay ngày Valentine, Ngày hội của Tình Yêu. Mình cũng phải viết một cái gì đó về tình yêu chứ nhỉ!

Như ở bài này, mình có nói, cuộc sống có ba điều khá quan trọng, đó là Tình cảm, Hạnh phúc và Sức khỏe. Về hạnh phúc và sức khỏe, thì để hôm khác bàn, hôm nay mình "bàn loạn" về tình cảm chút chơi!hehe...

Trong ba loại tình cảm: tình bạn, tình thương và tình yêu, mình nghĩ tình yêu có tầm quan trọng thứ ba như mình đã "sắp xếp". Tức là, dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng mình vẫn vững như kiềng ba chân, hehe, thì mình vẫn cho rằng, quí nhất là tình bạn, sau đến tình thương, rồi, còn cái đuôi đi sau rốt, mới đến tình yêu!

Đó là bởi vì, tất cả mọi cuộc tình trên thế gian này, theo mình, đều xuất phát từ... tình bạn! Hay nói một cách "tâm lý chiến" học: tình thương và tình yêu, đều là "biến tính" của tình bạn mà thôi. Mình đọc được ở đâu đó, "cơ sở" tình cảm của con người dựa vào khả năng "điều phối" chất hoóc-môn giới tính của bộ não, tức là tình cảm phụ thuộc vào bộ não, chứ không phải vào "trái tim" như văn chương thơ ca thường "ca ngợi"; và khi con người ta biểu hiện tình cảm, thì đầu tiên, những "tín hiệu tình bạn" được "phát ra" và "nhận lại" trước, bộ não sẽ có nhiệm vụ "tổng hợp" những tín hiệu đó, "nhào nặn" một hồi, rồi mới cho phép chúng ta "phát ra" và "nhận lại" những tín hiệu thuộc loại gì: tình bạn, tình thương hay tình yêu; và, điều cốt yếu, cũng chính vì tình yêu có sau cùng nên... hơi bị hiếm! Thường thường, tình bạn và tình thương được bộ não chúng ta "hất ra" nhiều hơn!hơ,hơ,hơ...!

Quá trình "nhào nặn" và "hất ra" đó của bộ não, có được và xảy ra trong đầu, là bởi có một sự "lựa chọn tình cảm" đã xảy ra, và, trớ trêu thay, lại trong... "trái tim ba phần tươi đỏ" của chúng ta. Mình nói nghiêm túc đấy, không phải "giễu cợt" gì cái "nhà ông Lành" đâu!hihi... Thì như mình đã "khẳng định" một cách chắc chắn rồi mà: cuộc đời là một "cuộc đổi chác vĩ đại"! Và, muốn có "sự đổi chác", trước hết, phải có "sự lựa chọn" chứ?! Đâu phải con người chúng ta là thứ sinh vật cứ "cắm đầu cắm cổ" "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" đâu, Đảng bảo "đổi chác", là cứ thế "đổi chác" đâu! Ấy chết, mình lại lan man sang chủ đề "chính chị chính em" mất rồi, mình xin lỗi, hôm nay là ngày Tình yêu cơ mà, mình xin lỗi các bạn nhá, hahaha...

Quay lại tình yêu. Có thể nói, theo mình, vì "nó" được bộ óc "nhào nặn" và "hất ra" sau cùng, nên "tình yêu" là loại tình cảm không những "hiểm" (phát âm từ "hiếm" của người miền Trung), mà còn... "phức tạp" nhất! Đây, mình xin "trình bày" cái "luận điểm" ấy của mình như thế này:

Trước tiên, mình muốn nói về "sự phức tạp" của Tình yêu: Tâm lý của con người chúng ta vốn dĩ "đơn giản" như của... trẻ thơ, nhưng qua "năm tháng", nó "phong phú" dần lên, và trở thành một "mớ hỗn độn" không thể tưởng tượng nổi, "đố ai biết được khi nào nước mắt chảy vào trong?", hà, hà! Và như vậy, tình yêu cũng thế, cũng... đố ai biết được "khi nào là yêu" đấy! Mình chợt nhớ đến lời của một bài hát: "Con gái nói có là không", đấy, "tâm lý bạn gái" nó "phức tạp" như thế đấy! "Anh đợi hoài đợi mãi, Chẳng biết khi nào, Em mới nói yêu anh?"...

Tất nhiên cái sự "nói không là có, nói có là không" của "con gái", là rất khác cái sự "Lời mẹ dặn" của Phùng Khoán, dĩ nhiên rồi! Ở đây, mình chỉ muốn nói lên một điều là: chính vì "phức tạp", nên Tình yêu mới hấp dẫn. Nếu Tình yêu mà cứ "thẳng ruột ngựa", thì có lẽ trên cái trần gian lắm này, đã chả ai "yêu" cả?!hahaha... Nhưng dù sao, hãy dừng lại ở bài thơ "Lời mẹ dặn" của cụ Phùng một chút. Ngay cái sự:

"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu"

của cụ là mình đã thấy, đối với nhiều người Việt nam chúng ta, khó... "thực hiện" nổi! Ngay như bản thân mình đây, nhớ cái hồi sinh viên, "yêu" rất nhiều "con gái", (nhưng chẳng được bao nhiêu!hihi...), nhưng mình có dám... mở miệng nói "yêu" với những "con gái" ấy đâu, huhuhu! Đấy là chưa kể, mình nhớ, có đứa "con gái" cầm... tay mình đặt vào trái tim của nàng để dọa... "hiếp", thế là mình vội "nói ghét thành yêu" ngay! "Yêu" quả là "phức tạp" thật, "phức tạp" quá!hahaha...

Bây giờ mình nói về sự "hiểm" (hay "hiếm") của Tình yêu. Theo mình nghĩ, tình yêu "hiếm", bởi vì không phải lúc nào ta cũng "yêu" được. Hay nói "nôm na" như người Việt Nam ta là, có thể "ra ngõ gặp anh hùng", chứ không phải là cứ "ra đường" là "gặp người yêu" đâu! Cái sự "hiếm" của tình yêu, chúng ta cũng có thể tìm thấy ở cái sự "tình duyên". Người ta hay nói, "yêu đương" là "duyên nợ". Kiểu như, có "duyên dáng Việt Nam", thì mới có "yêu nước XHCN" chứ! Có thể lắm!hihi... Và "XHCN", đích thị là "hiếm" rồi, trên thế giới này chỉ vẻn vẹn có bốn nước XHCN thôi, là Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba và Bắc Triều Tiên, và như thế, "yêu XHCN", hẳn lại càng "khan hiếm", đúng không các bạn?! Đấy, tình yêu "hiếm đã khan thế đấy"!hihi...

Và không những "hiếm", tình yêu còn "hiểm" (phát âm từ "hiểm" của người Hà Nội!hihi) nữa! Hôm trước, mình đọc được một bài viết về tình yêu của Nguyễn Hưng Quốc khá hay. Theo cái sự "hiểu" của mình qua bài viết này, thì tình yêu như là một "sự tỏ tình với ngôn ngữ". Mà nếu như vậy, tức là tình yêu là sự "đụng chạm với ngôn ngữ" rồi còn gì?! "Đụng chạm" đến ngôn ngữ thì quả thật là "hiểm" và "nguy hiểm". Đó là bởi vì con người chúng ta có được tình yêu thông qua ngôn ngữ, và mục tiêu cuối cùng là bằng ngôn ngữ, tiến bước trên con đường tìm đến Sự thật và Chân lý, và con đường đó, chứa đựng biết bao nhiêu cái "hiểm" và "nguy hiểm"!

Nói đến ngôn ngữ, tức là nói đến văn chương. Văn chương đã cho loài người chúng ta biết bao nhiêu câu chuyện tình đẹp đẽ sống mãi với thời gian. Con người sáng tác văn chương là để lại cái đẹp cho chính con người! Đó là bởi vì con người biết yêu cái đẹp, hay cụ thể hơn là... "phái đẹp"! Thì những nhà văn "đàn ông" vẫn thường "quả quyết" "chắc như đinh đóng cọc" rằng: phương châm của họ là "văn mình vợ người" đấy thôi, hihi!

Thời trẻ, mình chưa hiểu hết được "ý nghĩa bóng bẩy" của cái "phương châm" này, nhưng bây giờ mình đã hiểu. Và để "lý giải" thêm, mình nghĩ, đó là chẳng qua, những người đàn ông sinh ra trên "cõi địa đàng" này, đều như Adam, là yêu thích cái đẹp... hơn, và nhiều khi, bên cạnh cái chắc chắn đẹp hơn là "văn mình", họ cứ tưởng rằng, "vợ người" luôn là cái đẹp hơn... "vợ mình"! Đấy là cái sự trớ trêu của Tình yêu!

Thôi thì, thiên hạ thế nào mặc kệ thiên hạ, mình chỉ "tuân thủ" cái "phương châm" này thôi: "Văn mình vợ mình"!Hihi...

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Cuộc đổi chác vĩ đại!

Có một câu ngạn ngữ của người Do thái mà mình rất "thích", đó là "Con người suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười". Cái ý nghĩa của nó, thì đã có rất nhiều nhà văn nhà thơ giải nghĩa rồi. Ở bài này, mình chỉ muốn bàn về "ý nghĩa nhập gia tùy tục" của nó ở Việt Nam ta thôi.

Nói đi nói lại, nói dai nói dại, nói nữa nói mãi, nhưng cuối cùng mình thấy: cuộc đời rốt cục, là một Cuộc Đổi Chác Vĩ Đại giữa Con người và Thượng đế. Để mình "ní nuận" như thế này nhé:

Ngay từ "Thưở trời đất nổi cơn gió bụi", Adam và Eva đã "tuyên bố" với Thượng đế là thà sống một "cuộc sống tự do" dưới trần gian còn hơn chịu đựng một "cuộc sống tù túng" trên thiên đàng. Và Thượng đế cũng... "mỉm cười" đồng ý như vậy, hehe! Nhìn về khía cạnh "gốc gác", thì đây có thể gọi là một cuộc "đổi chác nguồn gốc" của loài người chúng ta. Dĩ nhiên là mình không bàn tới cái việc: cuộc đổi chác nguồn gốc này là "có lợi lộc" gì không đối với Adam và Eva, hay với loài người chúng ta, mình chỉ muốn nói lên cái sự là: gì thì gì, đã xảy ra một cuộc đổi chác giữa Con người và Thượng đế rồi đấy!

Những cuộc chiến tranh trong lịch sử nhân loại, cũng là những... "cuộc đổi chác" giữa Con người và Thượng đế. Hay chính xác hơn, giữa Con người và các "thế lực thù địch"! Mình đọc được ở đâu đó rằng, "quỷ sứ" cũng là một loại "thượng đế", Con người chúng ta chỉ là một "đồ chơi" gì đó trong "trò chơi chiến tranh" của các Thượng đế, mà "trò chơi" thì phải có các "luật chơi", và chúng ta bắt buộc phải sống trong những "luật chơi" đó của các Thượng đế. "Trò chơi", về thực chất, là một cuộc đổi chác. Chẳng hạn như trong chơi cờ, anh "thí" quân xe để "chiếu tướng", tức là "đổi" xe để "chác táng", ấy chết, "chiếu tướng", kiểu như Chí Minh cũng có nói rồi đó: "Lạc nước hai xe đành bỏ phí, Gặp thời một tốt cũng thành công", hehe... Chính vì thế, có thể hiểu nôm na cái câu ngạn ngữ của người Do-thái mình dẫn trên như thế này: Con người "nát óc" về những "luật chơi rắc rối", còn Thượng đế thì "rung đùi" vì thấy "trò chơi" của mình "hay ho" quá, hahaha!

Đấy là nói về những cái "to tát" ở trên đời, còn về những cái "nhỏ nhặt vụn vặt" thì sao? Thì cũng "tô huy rứa", cũng là "đổi chác" cả thôi! Đây nhá, mình lấy cái ví dụ "đổi chác" của một đứa trẻ sơ sinh vừa mới "chào đời": em bé, sau chín tháng mười ngày, sẵn sàng "đánh đổi" sự "bình yên êm đềm trong lòng mẹ" lấy sự "xáo động đọa đày ở ngoài đời gian truân". Mình chợt nhớ tới một câu tục ngữ của người Bulgary: Người sống đóng mắt cho người chết, còn người chết thì mở mắt cho người sống. Ý nghĩa của câu tục ngữ này, phải chăng là có một sự "đổi chác" nào đấy giữa người sống và kẻ chết, giữa hai Đấng Thượng đế: Tạo hóa và Tử thần? Có thể lắm!

Rồi con người lớn lên. Đi học, khám phá những điều mới mẻ, v.v... để... đổi chác. Chỉ riêng cái việc đi học thôi, cái sự chúng ta ngồi xuống nghe lời thầy cô giảng giải bài học, đó cũng là một sự đổi chác: chúng ta đổi "những giờ vàng ngọc để chơi bời" lấy "những kiến thức cơ bản để làm người"! Hoặc như cái "việc" yêu đương: chúng ta đánh đổi "những vần thơ óng ả, câu văn mùi mẫn" để lấy "một ánh nhìn âu yếm, nụ hôn nóng bỏng", v.v... (Tiện đây, mình có thể "dẫn chứng" cái sự "đổi chác chẳng thấy lời lãi ở đâu cả" của Xuân Diệu ra ở đây: "Yêu là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu, Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu, Người ta phụ, hoặc thờ ơ chẳng biết...").

Đấy, tới đây chắc các bạn cũng đã nhận thấy là cuộc sống cuối cùng cũng chỉ là một sự đổi chác, một Cuộc Đổi Chác vĩ đại. Con người ta sống là đổi chác, là bán là cho, chẳng biết lỗ lãi như thế nào, cứ đổi, cứ bán, cứ cho! Thế Thượng đế mới cười... cho vào mặt! Bán linh hồn cho quỷ mà lị!

Mình nghĩ đến những cái chết phi lý của bao con người trên Trái đất này trong chiến tranh: Những "cuộc đổi chác" của Con người với Thượng đế đã xảy ra để lấy cái gọi là "hòa bình cho nhân loại"! Thật là ngu xuẩn, vì loài người chúng ta đã làm những "cuộc đổi chác" không lấy gì làm "lãi to" cả! Lỗ, lỗ, lỗ nặng! Mà tại sao Con người chúng ta phải "chiến tranh", từ đó phải "đổi chác" mạng sống để lấy cái "hòa bình"? Cái "hòa bình" chẳng phải là Thượng đế đã "cho không" chúng ta từ thưở Ngài bắt đầu "lập thế" cơ mà?!

Nhiều người Việt Nam chúng ta cứ luôn cho rằng đất nước Việt Nam hiện giờ là... "OK." lắm rồi! Người dân đã có cơm ăn áo mặc. Nhiều người đã trở thành "đại gia", có xe hơi nhà lầu, có "đại gia" có cả máy bay "đi mây về gió" nữa! Đòi hỏi "dân chủ", "tự do", rồi "đa nguyên đa đảng" mà làm gì! Rách chuyện! "Đổi chác" thế là... "hời" rồi! Đấu tranh, tránh đâu?!

Nhưng mình lại nghĩ khác: ở Việt Nam hiện nay, hình như mọi người vẫn mải mê "đổi chác", vẫn bán bán mua mua, vẫn "cắm đầu cắm cổ" suy nghĩ xem "làm thế nào có thể bán linh hồn mình cho quỷ để được lời nhất". Vậy nên, nhập gia tùy tục, mình có thể sửa lại câu ngạn ngữ của người Do-thái cho phù hợp với Việt Nam ta như thế này: Các nhà dân chủ cứ đấu tranh, còn Đảng Cộng sản Việt Nam thì cười... khẩy!

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

"Năng lực" và "Nhu cầu", hay Việt nam ta "đánh nhau giỏi"!

Hôm nay ngày Mồng một Tết Tân Mão, mình muốn viết lách một chút về "Tự do", mới cả, tiện thể, gọi là "khai bút đầu xuân" luôn, hihi!

Mình hình dung ra cảnh ngày Tết ở quê nhà. Chắc là vui và tưng bừng hơn mọi năm. Năm nay thằng em út của mình cùng gia đình nó về quê ăn Tết với ông bà nội, gọi là "thay mặt" thằng anh cả là mình về với ba mẹ! Chắc chắn là mọi người đều vui và phấn khởi, nhất là ông bà già mình. Hai cụ năm nay đã qua cái ngưỡng "bát tuần" rồi, lứa tuổi "hiếm hoi" còn hơn cả "thất thập cổ lai hi", hihi...! Gia đình mình, được cái, nhờ "Giời", hai cụ khỏe mạnh và... lạc quan yêu đời hơn bao giờ hết! Nhớ những năm còn ở bên ba mẹ, cuộc sống gia đình mình luôn chứa đầy một niềm tin lạc quan yêu đời. Căn nhà nho nhỏ ở cái phố vắng vẻ gần nhà ga Quảng Ngãi của gia đình mình trong mấy ngày Tết hồi ấy, hầu như lúc nào cũng tấp nập người đến chơi chúc Tết, những người họ hàng, những người bạn của ba, của mẹ, của mình, của mấy đứa em mình... Vậy mà đã gần ba chục năm rồi nhỉ!

Cuộc sống, theo mình nghĩ, chỉ có thể cảm nhận được ý nghĩa của nó, khi con người ta có niềm tin yêu lạc quan vào nó! Mình có thể phát biểu một cách khách quan như thế này: mình đã "thừa hưởng" được cái "niềm tin yêu lạc quan vào cuộc sống" từ ba mẹ mình. Cuộc sống của gia đình mình cũng chỉ là một cuộc sống bình thường như hàng triệu gia đình khác ở trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Hạnh phúc có, khổ đau có, đủ cả!

Mình nhớ trước "giải phóng", tức trước '75, cuộc sống ở Hà Nội - cái nôi của "miền Bắc XHCN", tất nhiên rồi - của gia đình mình, cũng dường như, "chứa đầy niềm lạc quan yêu đời", hihi... Hồi đấy Mỹ đem máy bay B52 đến bỏ bom Hà Nội thật khốc liệt. Khu phố Khâm Thiên bị đánh phá hủy diệt như... trong phim Starwars. Bao nhiêu người chết, phố xá tan hoang... Nhưng người dân Hà Nội, trong đó có gia đình mình, vẫn... "đánh Mỹ giỏi"! Sau này mình nghe nói, tay cowboy Nixon hồi đó muốn đưa Hà Nội của mình "quay trở lại thời kỳ đồ đá" thì phải?! Kinh, chiến tranh mà lị! Là "cuộc truy hoan đầy máu lửa" giữa nhân dân và quỷ! Chỉ có trong chiến tranh người ta mới nhận ra được bộ mặt thật của "Quỷ"! Thời nào mà chả thế!

Loài người chúng ta, hình như chỉ "giỏi" về chiến tranh thì phải, tức là "đánh nhau giỏi"?! Nhất là dân tộc Việt Nam! Thì đấy, trên thế giới có khoảng vài ba "thằng đế quốc to", đếm được trên đầu ngón tay là Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, thì Việt Nam ta đã "đánh nhau giỏi", thắng được tất cả "chúng nó"! hehe... Nếu chúng ta cứ cho cái nền văn hiến của dân tộc Việt là có "bốn nghìn năm lịch sử" đi, thì phải mất "ba nghìn chín trăm chín mươi chín năm lịch sử" là "đánh nhau giỏi", sinh ra là "đánh nhau", lớn lên cũng "đánh nhau", khỏe "đánh", "ốm liệt giường" cũng "đánh", "còn cái lai quần cũng đánh", "đánh đến người Việt nam cuối cùng", đến "chết nhăn răng" ra rồi cũng "ướp trong lăng" để "sống mãi", để "đánh" tiếp, "đánh nhau" muôn năm! Kiểu như "đánh, đánh nữa, đánh mãi" ý, hihi! Mà Việt Nam ta, không những "đánh truyền kiếp", lại còn "đánh giỏi" nữa chứ! Kinh! Hì,hì...

À, mà không biết "đánh đến người Việt Nam cuối cùng" xong để làm gì? Không còn người Việt Nam nào nữa, thì xây dựng chế độ XHCN, chế độ "cộng sản chủ nghĩa" bằng ai đây? Với ai đây? Với dân Tàu chắc? Đúng là "dân ngu cu đen"!

Mình nghĩ, có lẽ có bao nhiêu "tinh hoa", thì "nhân dân" đã đem "đổ" hết vào "chuyện đánh nhau" là "chiến tranh" mất rồi. Nên, khi có được "một tí thời bình", "nhân dân" chẳng biết "chi mô răng rứa" cái gì cả! Nghe thấy "lũ quỷ" chúng ve vãn là đi theo chúng sẽ "làm theo năng lực - hưởng theo nhu cầu", thế là "cắm đầu cắm cổ" đi theo, là "phơi phới Việt Nam trên đường chúng ta đi..., đi giữa tình thương của Đảng, tiếng bác Hồ rung động mãi trong tim...", chứ không ngờ rằng, mình đã bị "một quả lừa ngoạn mục nhất thế kỷ"!

Thực ra cái chiêu bài "làm theo năng lực - hưởng theo nhu cầu" của "lũ quỷ", cũng chả có gì gọi là "lừa lọc", là "đểu giả" cả! Tức là với trường hợp, nếu trên đời này có được cái sự gọi là "Tự do - hai tiếng ngọt ngào"! Một chế độ "cộng sản chủ nghĩa" thực sự nếu có, theo mình thì có thể sẽ có sự "làm theo năng lực - hưởng theo nhu cầu" thật, bởi vì khi ấy, con người có sự tự do biểu hiện năng lực, biểu hiện nhu cầu!

Đấy là về mặt lý thuyết. Còn ở trên cái đất nước Việt nam hiện giờ, không thể nào có được Chủ nghĩa Xã hội, và như thế, cái Chủ nghĩa Cộng sản, cũng chẳng thể nào "xây dựng" được!

Đó là bởi vì: có một sự "trớ trêu" ở trên đất Việt Nam như thế này, cái "năng lực" và "nhu cầu" của "nhân dân", lại do "Đảng" quy định. Đảng bảo "năng lực" của anh này là "44 tuổi đảng là tuổi lớn lắm đó", vậy anh này làm "tổng bí thư" và hưởng theo "nhu cầu nhớn", "nhu cầu đại gia" hay "tư bản đỏ", còn anh kia, "anh nhân dân", anh "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", và hưởng theo... "sức của mình", tức là "nhu cầu nhỏ", chứ không phải là tí te theo mấy cái nước Đông Âu, bày đặt "cách mạng nhung cách mạng nheo", dẹp, không có nhân quyền, tự do, dân chủ gì ráo trọi, dứt khoát không đa nguyên đa đảng gì hết á!!!

Nói dông nói dài, chẳng qua mình muốn nói lên cái "niềm lạc quan yêu đời" của nhân dân mình. Nó đã giúp chúng ta, những người con của Đất Mẹ Việt Nam, vượt qua bao khổ ải đày đọa để tin vào một tương lai tươi sáng hơn!

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo!

Hôm trước mình đọc được một bài thơ rất hay của nhà văn NV. Nhớ hồi talawas còn "sống động", mình hay "còm cõi" dưới các bài thơ của anh ấy. Các bài thơ mà, phải nói là, đã để lại những "ám ảnh" mạnh mẽ trong đầu mình!

Bài thơ lần này cũng vậy. Nó nói về "lịch sử" và "số phận đĩ điếm của nhân dân", nhưng điều "ám ảnh" mình hơn cả, là câu thơ này:

"Những cái tôi lịch sử mềm oặt nằm trên trang giấy khải hoàn"!

Tục ngữ Việt Nam có câu "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", còn tiếng Hungary: "nyelv", ngoài nghĩa là "lưỡi" ra, còn là "ngôn ngữ". Và, như anh NV có nói, "Bởi vì lịch sử chỉ là chuyện của cái lưỡi", tức là, dù có "sự cương cứng" của hàng triệu cái tôi trên thế giới này, có vẻ như, cũng chả "chống lại" được cái "sự mềm oặt" của cái lưỡi!

Mình chợt nhớ cái câu thơ này của "nhà ông Lành":

"Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra."

Tức là, chính xác ra phải là: "Có những lưỡi làm nên lịch sử"! Tất nhiên rồi, ai chả biết là "nhà ông Lành" muốn ca ngợi một "nhân vật lịch sử" là Nguyễn Văn Trỗi, nhưng ý mình muốn nói ở đây, rằng, anh NV đã nêu ra được "cái cốt lõi" của vấn đề ở đây là "sự lắt léo" của Lịch sử, "Bởi vì lịch sử chỉ là chuyện của cái lưỡi"!

Xét về những "lắt léo" của Lịch sử nhân loại, có lẽ Lịch sử Việt Nam, theo mình, là "lắt léo" nhất! Đấy, chúng ta cứ "nhìn lại" (kinh, mình dùng từ "nhìn lại" như một "nhà sử học" thực thụ ấy nhỉ, hihi...) quá khứ Việt Nam mà xem! Nó chẳng phải đã bị "bóp méo xệch méo xẹo" rồi là gì?! "Mềm oặt" mà lị! Từ cái gọi là "cội nguồn" ("chúng ta là con một nhà, là con Lạc cháu Hồng, cùng một bọc trứng sinh ra, trên thế giới này ít có nơi nào có cái đó lắm á", hahaha!)", cho đến cái gọi là "giải phóng miền Nam", rồi "xây dựng thiên đường XHCN", tất thảy, đều bị "bóp méo" một cách... dã man! Kinh!

Mình suy nghĩ mãi về câu thơ này của anh V, "Giữa những cơn co giật của khoái cảm lịch sử là số phận đĩ điếm của nhân dân ". Mình liên tưởng đến chiến tranh, đến những cú co giật của khẩu pháo cao xạ, đến những cơn giãy "đành đạch" của những thân thể trước giờ phút lâm chung, đến những cơn co giật cong quéo cuộc "giao phôi" của hai vợ chồng, cặp tình nhân, đôi trai gái..., đến những linh hồn vừa sinh ra nhưng đã phải chết đi vì bom đạn chiến tranh, đến những người lính trai tráng tử trận, đến những cuộc "truy hoan đầy máu lửa" giữa nhân dân với... "quỷ"! Mình đã nghĩ như thế này, từ hàng đời xưa, nếu có thể làm một phép so sánh, thì lịch sử nhân loại, như là "đĩ điếm sử" của nhân dân với "quỷ", từ những cuộc "thánh chiến", "kháng chiến", hay "nội chiến", tất thảy!

(Cần phải mở ngoặc ở đây nói thêm một chút về từ "đĩ điếm" này của anh V. Mình thật "tâm đắc" với từ này! Anh V. nói chí phải, lịch sử là do nhân dân cùng "nhảy nhót" với "lũ quỷ" mà làm nên, và "lũ quỷ" về "cội gốc", cũng "từ nhân dân mà ra"! Tức là, nhân dân có "đĩ điếm" với "quỷ", thì mới có thể "sản sinh" ra những "lũ quỷ con cái" cho đời chứ! Chúng ta chứng kiến biết bao những "đĩ điếm sử" ở trên cõi trần gian lắm này! Tức là ý mình muốn nói đến những sự ra đời của các "quỷ con cái" như là Hitler, Stalin, Mao, Kim, Hồ, v.v...)

Mình lại chợt nhớ đến tác phẩm "Làm đĩ" của Vũ Trọng Phụng. Phải chăng cái "số phận đĩ điếm" của nhân dân đã được các nhà văn nhà thơ nói đến từ lâu rồi? Và như thế, phải chăng nhân dân không chỉ "bán trôn nuôi miệng", mà còn "bán lưỡi nuôi miệng" từ lâu rồi mà chúng ta không biết?! Con người ta có cái lưỡi để "biểu thị", tức là "nói ra", tâm hồn mình với đời, nếu "bán" đi rồi thì lấy gì mà "nói ra", để "nhổ" đây hả trời?

Thôi thì, năm hết tết đến, mình cũng chỉ biết làm như anh V. mà thôi, "Thế rồi tôi đã đi ra khỏi nó bằng một bãi nước bọt"!

Kính chúc các bạn độc giả một năm mới mọi sự tốt đẹp!

CUNG CHÚC TÂN XUÂN 2011!