Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Văn mình vợ... mình!

Hôm nay ngày Valentine, Ngày hội của Tình Yêu. Mình cũng phải viết một cái gì đó về tình yêu chứ nhỉ!

Như ở bài này, mình có nói, cuộc sống có ba điều khá quan trọng, đó là Tình cảm, Hạnh phúc và Sức khỏe. Về hạnh phúc và sức khỏe, thì để hôm khác bàn, hôm nay mình "bàn loạn" về tình cảm chút chơi!hehe...

Trong ba loại tình cảm: tình bạn, tình thương và tình yêu, mình nghĩ tình yêu có tầm quan trọng thứ ba như mình đã "sắp xếp". Tức là, dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng mình vẫn vững như kiềng ba chân, hehe, thì mình vẫn cho rằng, quí nhất là tình bạn, sau đến tình thương, rồi, còn cái đuôi đi sau rốt, mới đến tình yêu!

Đó là bởi vì, tất cả mọi cuộc tình trên thế gian này, theo mình, đều xuất phát từ... tình bạn! Hay nói một cách "tâm lý chiến" học: tình thương và tình yêu, đều là "biến tính" của tình bạn mà thôi. Mình đọc được ở đâu đó, "cơ sở" tình cảm của con người dựa vào khả năng "điều phối" chất hoóc-môn giới tính của bộ não, tức là tình cảm phụ thuộc vào bộ não, chứ không phải vào "trái tim" như văn chương thơ ca thường "ca ngợi"; và khi con người ta biểu hiện tình cảm, thì đầu tiên, những "tín hiệu tình bạn" được "phát ra" và "nhận lại" trước, bộ não sẽ có nhiệm vụ "tổng hợp" những tín hiệu đó, "nhào nặn" một hồi, rồi mới cho phép chúng ta "phát ra" và "nhận lại" những tín hiệu thuộc loại gì: tình bạn, tình thương hay tình yêu; và, điều cốt yếu, cũng chính vì tình yêu có sau cùng nên... hơi bị hiếm! Thường thường, tình bạn và tình thương được bộ não chúng ta "hất ra" nhiều hơn!hơ,hơ,hơ...!

Quá trình "nhào nặn" và "hất ra" đó của bộ não, có được và xảy ra trong đầu, là bởi có một sự "lựa chọn tình cảm" đã xảy ra, và, trớ trêu thay, lại trong... "trái tim ba phần tươi đỏ" của chúng ta. Mình nói nghiêm túc đấy, không phải "giễu cợt" gì cái "nhà ông Lành" đâu!hihi... Thì như mình đã "khẳng định" một cách chắc chắn rồi mà: cuộc đời là một "cuộc đổi chác vĩ đại"! Và, muốn có "sự đổi chác", trước hết, phải có "sự lựa chọn" chứ?! Đâu phải con người chúng ta là thứ sinh vật cứ "cắm đầu cắm cổ" "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" đâu, Đảng bảo "đổi chác", là cứ thế "đổi chác" đâu! Ấy chết, mình lại lan man sang chủ đề "chính chị chính em" mất rồi, mình xin lỗi, hôm nay là ngày Tình yêu cơ mà, mình xin lỗi các bạn nhá, hahaha...

Quay lại tình yêu. Có thể nói, theo mình, vì "nó" được bộ óc "nhào nặn" và "hất ra" sau cùng, nên "tình yêu" là loại tình cảm không những "hiểm" (phát âm từ "hiếm" của người miền Trung), mà còn... "phức tạp" nhất! Đây, mình xin "trình bày" cái "luận điểm" ấy của mình như thế này:

Trước tiên, mình muốn nói về "sự phức tạp" của Tình yêu: Tâm lý của con người chúng ta vốn dĩ "đơn giản" như của... trẻ thơ, nhưng qua "năm tháng", nó "phong phú" dần lên, và trở thành một "mớ hỗn độn" không thể tưởng tượng nổi, "đố ai biết được khi nào nước mắt chảy vào trong?", hà, hà! Và như vậy, tình yêu cũng thế, cũng... đố ai biết được "khi nào là yêu" đấy! Mình chợt nhớ đến lời của một bài hát: "Con gái nói có là không", đấy, "tâm lý bạn gái" nó "phức tạp" như thế đấy! "Anh đợi hoài đợi mãi, Chẳng biết khi nào, Em mới nói yêu anh?"...

Tất nhiên cái sự "nói không là có, nói có là không" của "con gái", là rất khác cái sự "Lời mẹ dặn" của Phùng Khoán, dĩ nhiên rồi! Ở đây, mình chỉ muốn nói lên một điều là: chính vì "phức tạp", nên Tình yêu mới hấp dẫn. Nếu Tình yêu mà cứ "thẳng ruột ngựa", thì có lẽ trên cái trần gian lắm này, đã chả ai "yêu" cả?!hahaha... Nhưng dù sao, hãy dừng lại ở bài thơ "Lời mẹ dặn" của cụ Phùng một chút. Ngay cái sự:

"Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu"

của cụ là mình đã thấy, đối với nhiều người Việt nam chúng ta, khó... "thực hiện" nổi! Ngay như bản thân mình đây, nhớ cái hồi sinh viên, "yêu" rất nhiều "con gái", (nhưng chẳng được bao nhiêu!hihi...), nhưng mình có dám... mở miệng nói "yêu" với những "con gái" ấy đâu, huhuhu! Đấy là chưa kể, mình nhớ, có đứa "con gái" cầm... tay mình đặt vào trái tim của nàng để dọa... "hiếp", thế là mình vội "nói ghét thành yêu" ngay! "Yêu" quả là "phức tạp" thật, "phức tạp" quá!hahaha...

Bây giờ mình nói về sự "hiểm" (hay "hiếm") của Tình yêu. Theo mình nghĩ, tình yêu "hiếm", bởi vì không phải lúc nào ta cũng "yêu" được. Hay nói "nôm na" như người Việt Nam ta là, có thể "ra ngõ gặp anh hùng", chứ không phải là cứ "ra đường" là "gặp người yêu" đâu! Cái sự "hiếm" của tình yêu, chúng ta cũng có thể tìm thấy ở cái sự "tình duyên". Người ta hay nói, "yêu đương" là "duyên nợ". Kiểu như, có "duyên dáng Việt Nam", thì mới có "yêu nước XHCN" chứ! Có thể lắm!hihi... Và "XHCN", đích thị là "hiếm" rồi, trên thế giới này chỉ vẻn vẹn có bốn nước XHCN thôi, là Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba và Bắc Triều Tiên, và như thế, "yêu XHCN", hẳn lại càng "khan hiếm", đúng không các bạn?! Đấy, tình yêu "hiếm đã khan thế đấy"!hihi...

Và không những "hiếm", tình yêu còn "hiểm" (phát âm từ "hiểm" của người Hà Nội!hihi) nữa! Hôm trước, mình đọc được một bài viết về tình yêu của Nguyễn Hưng Quốc khá hay. Theo cái sự "hiểu" của mình qua bài viết này, thì tình yêu như là một "sự tỏ tình với ngôn ngữ". Mà nếu như vậy, tức là tình yêu là sự "đụng chạm với ngôn ngữ" rồi còn gì?! "Đụng chạm" đến ngôn ngữ thì quả thật là "hiểm" và "nguy hiểm". Đó là bởi vì con người chúng ta có được tình yêu thông qua ngôn ngữ, và mục tiêu cuối cùng là bằng ngôn ngữ, tiến bước trên con đường tìm đến Sự thật và Chân lý, và con đường đó, chứa đựng biết bao nhiêu cái "hiểm" và "nguy hiểm"!

Nói đến ngôn ngữ, tức là nói đến văn chương. Văn chương đã cho loài người chúng ta biết bao nhiêu câu chuyện tình đẹp đẽ sống mãi với thời gian. Con người sáng tác văn chương là để lại cái đẹp cho chính con người! Đó là bởi vì con người biết yêu cái đẹp, hay cụ thể hơn là... "phái đẹp"! Thì những nhà văn "đàn ông" vẫn thường "quả quyết" "chắc như đinh đóng cọc" rằng: phương châm của họ là "văn mình vợ người" đấy thôi, hihi!

Thời trẻ, mình chưa hiểu hết được "ý nghĩa bóng bẩy" của cái "phương châm" này, nhưng bây giờ mình đã hiểu. Và để "lý giải" thêm, mình nghĩ, đó là chẳng qua, những người đàn ông sinh ra trên "cõi địa đàng" này, đều như Adam, là yêu thích cái đẹp... hơn, và nhiều khi, bên cạnh cái chắc chắn đẹp hơn là "văn mình", họ cứ tưởng rằng, "vợ người" luôn là cái đẹp hơn... "vợ mình"! Đấy là cái sự trớ trêu của Tình yêu!

Thôi thì, thiên hạ thế nào mặc kệ thiên hạ, mình chỉ "tuân thủ" cái "phương châm" này thôi: "Văn mình vợ mình"!Hihi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét