Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Làm... đĩ!

Mình nghiệm ra điều này, nếu chúng ta - những con người bình thường - thỉnh thoảng có thể tự trở thành điên được, thì cũng nên chấp nhận trở thành điên trong vòng vài ba tiếng đồng hồ. Để cho... bõ!

Sống là phải điên, kiểu như, nếu nói theo một câu châm ngôn gì đấy của "khách du lịch": "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán", thì có thể "trệch trạng" thành thế này: Sinh bất vi điên phi hảo hán! Sống mà chưa điên, vẫn chưa phải là người... Hán tốt!hihihi...

Đấy là do hôm nay mình lại đọc được một bài thơ rất... "điên" của anh Viện, bài "Cơn điên của tôi" trên Tiền Vệ. Dĩ nhiên là mình không thể "cảm" hết được cái "độ điên" của anh ấy, nhưng, nói không "ngoa ngoắt" chút nào, có lẽ "độ điên" lần này của nhà thơ "Thánh ám" mà mình hằng ngưỡng mộ, đã dâng cao lên đến tận... cung đình của Thượng Đế! Tức là, lần này, mình được chứng kiến một "cơn điên của... Thượng Đế"!

Mở đầu bài thơ, anh V. viết:

"Cơn điên của tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng
Và nó trốn ra khỏi nhà
Đi theo cái chổi của những người phu quét đường và đến những bãi rác
Và nó gặp những đứa trẻ con không bao giờ mở mắt cho dù mặt trời sẽ mọc..."

Tức là, cơn điên "tỉnh táo" nhất, thường "thức dậy" vào ban đêm (3 giờ sáng mà lị)! Người ta thường nói, ban ngày thì thức, ban đêm thì ngủ. Và, trong trường hợp "cơn điên của tôi" này, anh V. lại "thức dậy" vào ban đêm. Có phải chăng, ban đêm là thời điểm "êm đềm" nhất cho "những cuộc thức dậy", cho "những cuộc xuống đường"?!

Nhưng hãy khoan nói đến "những cuộc thức dậy" và "những cuộc xuống đường", mình muốn nói về "những cơn điên" trước đã. Những năm trước đây, vào cuối thế kỷ trước, mình được đọc một tác phẩm lớn của nhà văn Vũ Thư Hiên, cuốn "Đêm giữa ban ngày". Mình đã bị "ám ảnh" suốt một thời gian dài bởi đoạn văn này trong tác phẩm:

“Mọi sự bóc lột đè nén giờ đây được tiến hành trong tiếng kèn hoan hỉ ngợi ca cuộc đời mới, trong cờ xí rợp trời, trong ánh lấp lánh của vàng mạ phủ lên mọi tối tăm, tủi nhục, tiếng rìu đao phủ chìm nghỉm trong khúc quân hành, và đám đông bị mê mẩn bởi những lời cổ vũ hùng hồn rầm rập kéo nhau đi tới miền đất hứa ở tít mù tầm mắt không nhận thấy máu đồng bào nhơm nhớp dưới chân mình... Tôi đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cuộc lên đồng vĩ đại.”

Mình nói là cả đoạn văn "ám ảnh" mình, nhưng chính xác ra, chỉ cụm từ này: "cuộc lên đồng vĩ đại"! Ở đâu đấy, các "bác sỹ tâm thần" đều kết luận, "lên đồng" cũng chỉ là một "trạng thái" của "điên" mà thôi! Có nghĩa là, hồi viết "Đêm giữa ban ngày", Vũ Thư Hiên "đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cơn điên vĩ đại.". Ở đây, mình xin mở ngoặc một chút, tuy đều là "cơn điên", nhưng có sự khác biệt giữa cơn điên của "đám đông" với "cơn điên của tôi" của anh V.: cơn điên của "đám đông" hiện hữu trong mọi thời khắc, ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày, còn "cơn điên của tôi" chỉ "có", hay "thức dậy" vào duy nhất một thời điểm là "3 giờ sáng" thôi!

Anh V. viết tiếp:

"Bên cạnh những bông hoa hớn hở
Và nó sẽ ngồi xuống chiếc ghế của quán cà phê với những kẻ không biết điên hay tỉnh
Và nó bắt đầu nói...
Những cuộc cách mạng hoa hoè và đẫm máu
Những cuộc ăn cướp và những cuộc giết người
Cơn điên của tôi cúi đầu dưới tiếng chuông và nó đeo một dây thòng lọng của lời cầu kinh vào cổ..."

Chúng ta có thể hình dung một cảnh tượng của "những cuộc sám hối" to lớn (mình không muốn dùng từ "vĩ đại") như thế này: trên đường phố, từng dòng người, từng dòng người bước đi lặng lẽ trong tiếng chuông đổ, trên cổ mỗi người "đeo một dây thòng lọng của lời cầu kinh", sau đó, tiếng chuông chợt dứt, thay vào đó là tiếng súng liên thanh bắn vào dòng người, "pằng... pằng... pằng...", tiếng bom nổ trút xuống dòng người, "bùm... bùm... bùm...", rồi tiếng xích xe tăng nghiến đường, tiếng lựu đạn nổ inh tai, v.v... nhưng tiệt không có một tiếng người kêu la vì đau đớn, chết chóc gì cả, "sám hối" mà!

Đọc những câu thơ trên của anh V., mình chợt nghĩ, sau "cơn điên", cơn tiếp theo, có lẽ là... "sám hối"?! Bởi vì, chỉ có Thượng Đế mới "cứu rỗi" được "linh hồn" của chúng ta, hay, nói một cách "chuyên ngành y học" là, căn bệnh "điên" của những con chiên là loài người chúng ta, duy nhất chỉ "ông bác sỹ tâm thần" là Thượng Đế "chữa nổi" mà thôi! Có một điều thú vị như thế này, vai trò "cứu rỗi" của Thượng Đế, trong thơ ca của NV, dường như không thể "thay thế" bằng thứ khác được?! Để thấy rõ hơn điều đó, chúng ta hãy đọc bài thơ này của anh ấy trên Tiền Vệ, bài "Khi làm tình tôi thấy khuôn mặt Thượng Đế"!

Chính vì thế, ở đoạn tiếp theo anh Viện đã "hé mở" ra như thế này:

"...Đi qua những số phận
Và dừng lại ở một ngã tư
Chào nhân dân đã xuống đường cho cơm áo
Nó vẽ vào những bức tường nỗi khoan cắt bê tông và rút hầm cầu
Cuộc cách mạng của trĩ
Nó đái vào những cuộc ra đi trên bến cảng đẫm nước mắt để chui vào một con ốc trên bàn nhậu đẫm nước bọt
Rồi nó thoát thân trên chiếc cầu vồng của ngôn ngữ
Và đi tìm thượng đế
Nhưng bọn ngu bảo đó là cơn ám ảnh tình dục..."

Mình thích nhất câu này: "Và dừng lại ở một ngã tư". Cái gì đã khiến "cơn điên của tôi" "dừng lại ở một ngã tư"? Mình nhớ đến bài thơ "Cái chết của một khứa lão" của anh V. đăng trên talawas bộ cũ. Trong bài thơ ấy, hình ảnh

"Cô gái điếm banh lồn ở ngã tư khi đèn đỏ
Người đàn ông ấy chỉ còn một chiếc răng cửa mang xuống địa ngục"

cũng đã "ám ảnh" mình một thời gian khá dài! Phải chăng "cơn điên của tôi" "dừng lại ở một ngã tư" (tại sao không ngã ba, ngã năm, hay ngã bảy, mà trong thơ anh V. toàn là "ngã tư" - như cây Thánh giá?) là vì thấy một "Cô gái điếm banh lồn ở ngã tư khi đèn đỏ"?

Đọc những sáng tác của anh V., mình "khoái" nhất là được thưởng thức cái bút pháp "dolby surround" của anh ý. Người đọc như mình, như thể được anh V. trang bị cho một "bộ amply 5.1" để "thưởng thức" thế giới văn chương của ảnh. Mình, nói không "ngoa ngoắt" chút nào, không thể nào quên cái "cảm giác mạnh" khi đang từ "bãi rác" được vọt một phát lên gặp "thượng đế" như ở bài này. Hoặc như trong truyện ngắn "Không đầu không cuối" này của anh V. đăng trên vanchuongviet chẳng hạn, người đọc có thể "phân thân stereo" ra làm nhiều mảnh như thế này: một phần ở "Linh Phong thiền tự", một phần ở "căn phòng trên lầu ba", một phần đang ở thì hiện tại, ở chợ Ba Chiểu chẳng hạn, một phần có thể ở Qui Nhơn cùng thời với anh em Ngyễn Nhạc, Nguyễn Huệ,...

Rất "lịch sử" và "thời sự"! Và đây, cái bút pháp "dolby suround" của anh V. cũng lại xuất hiện trong bài thơ "Cơn điên của tôi" một cách "lịch sử" và "thời sự" như thế này:

"Chào nhân dân đã xuống đường làm đĩ cho hôm nay và mai sau
Và trước khi bắt đầu một ngày mới
Nó chui vào lại giấc ngủ của tôi để tái sinh một cơn điên khác..."

Mình nghĩ tới "những cuộc thức dậy", hay "những cuộc xuống đường", của nhân dân Ai-cập, nhân dân Li-bi-a...

Phải chăng "những đứa trẻ con không bao giờ mở mắt cho dù mặt trời sẽ mọc" là "kết quả" của những cuộc "nhân dân đã xuống đường làm đĩ cho hôm nay và mai sau"???

Có trời biết! Hay nói theo cách của NV là, có "Thượng Đế" biết!

Mình nghĩ, chắc cũng cần phải trở thành "điên" như anh ấy, may ra có thể hiểu được phần nào cái sự "làm đĩ cho hôm nay và mai sau" của nhân dân!


Thế cho nên, mình đi ngủ đây, hy vọng là "cơn điên của mình" "trước khi bắt đầu một ngày mới", sẽ "thức dậy lúc 3 giờ sáng"...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét