Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Còn Đặng Thân thì... cười!

Tôi được biết đến Đặng Thân là do một chị bạn văn chương giới thiệu. Ngày ấy chị bảo: “Này, mày đọc “Hiếp” của ĐT đi, “thằng cha” ấy viết hay lắm!”. Tò mò tôi đọc, rồi khi đọc xong, buột miệng tôi đã thốt lên rằng, hay, “thằng cha” này viết khá, văn chương gì như thể… “hiếp” con người ta ý! :)

Thế rồi từ đó, cảm cái chất văn chương rất “(k)hiếp” ấy, tôi để ý và… “chăm” đọc Đặng Thân hơn. Mặc dù ngoài đời không quen biết gì anh, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn trao đổi chuyện trò với chị bạn về nhà văn Đặng Thân. Đọc những tác phẩm của anh đăng tải trên Da Màu, Tiền Vệ, vanchuongviet.org, talawas … tôi có “rút” ra một kết luận như thế này: Văn chương của ĐT là một loại văn chương “tự thân” rất độc đáo!

Vừa rồi nghe tin tác phẩm “333.9 (Những mảnh hồn trần)” của anh đã được in ra, tôi cũng cảm thấy vui mừng lây, bởi vì thấy cái câu “dặn dò” (chị Nhung kể lại cho tôi là có nói với ĐT rằng: Phải in, có in ở dưới “địa ngục” cũng phải in!) của chị bạn đã trở thành hiện thực. Viết về nhà văn ĐT đã có nhiều nhà văn nhà thơ nhà phê bình văn học viết rồi. Tôi chỉ xin được chia sẻ ra đây vài suy nghĩ, gọi là “riêng rẽ”, của mình như thế này:

Như một câu văn của anh (mà tôi rất thích) là, “Người ta vẫn nói chính các nhân vật đã tự đẻ ra truyện, còn truyện thì đẻ ra nhà văn“, thì cái “tam đoạn luận” của văn chương Đặng Thân chính là: 1. Các nhân vật tự đẻ ra truyện, 2. Truyện thì đẻ ra nhà văn, và 3. Nhà văn Đặng Thân thì đẻ ra các nhân vật.

Trong loại hình nghệ thuật Nhiếp ảnh, “đỉnh cao” của nó theo tôi có lẽ là chụp ảnh nude. Người nghệ sĩ photographer khi chụp ảnh nude là muốn ghi lại cho đời một vẻ đẹp vĩnh cửu và thực sự nhất, vẻ đẹp của… “tòa thiên nhiên”. Tức là, khi bắt tay vào công việc nghệ thuật, nôm na là “phó nháy” của chúng ta đã bắt model phải cởi hết quần áo ra, “trần trùng trục” trước mặt, rồi chụp hình suốt buổi…

Khi nhìn tấm hình “tiểu sử” của Đặng Thân trên Tiền Vệ, tôi đã “liên tưởng” công việc sáng tác văn chương của anh với việc chụp hình nude của nghệ sĩ nhiếp ảnh. Mà quả đúng thế, đọc các tác phẩm của anh, tôi có cảm giác là nhà văn Đặng Thân, trước khi đưa các nhân vật ra “xuất đầu lộ diện” với độc giả, dường như anh đã “lột trần” tất cả các thứ “xiêm y mão mũ” của họ, chỉ giữ lại “mảnh hồn trần (trùng trục)” của họ mà thôi! Và, không quá lời chút nào khi tôi nói: Cái tinh thần “không xống không áo gì hết” ấy, chúng ta có thể gặp lại hầu hết qua suốt “chiều sâu” tác phẩm của Đặng Thân:

“…thế nghĩa là càng sống càng mặc quần áo lại càng chẳng được làm người hay sao
cởi truồng
phải cởi truồng
nếu không rất uổng
cái nhân sinh
cái tỉnh tình tinh
…”(trích “Factum(a) Cave(i)” – Đặng Thân)

Đó là bởi vì, theo tôi nghĩ, bí quyết nghệ thuật cuả Đặng Thân trong văn chương, chính là ở cái bút pháp “lột trần” này của anh. Và cái bút pháp này có được, đó là do nhà văn tài ba của chúng ta đã “luyện” được môn võ “phân thân” đặc biệt, hiếm những nhà văn khác làm được: Những nhân vật của ĐT, xét cho cùng, chính là “những mảnh hồn trần (trùng trục)” mà anh đã “(tự) phân thân” ra từ “(tâm) hồn” của mình! Mà cũng đúng thôi, như nhà thơ vừa đạt giải Nobel văn chương người Thụy Điển, Tomas Tranströmer có nói: “… Mọi thứ đều đến từ bên trong, từ tiềm thức. Đó là cái nguồn của mọi thứ.“, thì các nhân vật của Đặng Thân, ra đời được, chính là họ đến từ “bên trong” của “cha đẻ” của họ.

Cũng dẫn một ý của một bài viết khác của anh:

Các cụ Mường cảnh báo trong chuyện trai gái các chàng đừng có “ăn dưa bở”:
Nhá heng kha
Va heng hi.
(Nghĩa là: Đừng tưởng cứ trông thấy đùi là thấy được lồn)

Thì ngày nay, với tình hình văn học ít có tác phẩm “để đời” thực sự như của Việt nam ta (vì thiếu tính “lột tả cái chân thực”), khi nói về tác phẩm văn chương mới nhất của Đặng Thân, chúng ta có thể phát biểu một cách “tin chắc” như thế này: Không “tưởng bở” gì nữa, đọc “333.9″, chắc chắn chúng ta sẽ thấy được… “những mảnh hồn trần (trùng trục)” của cuộc đời! :)

Để kết thúc, mượn ý một câu châm ngôn của người Do Thái, tôi có thể phát biểu về Đặng Thân như sau: Có thể những nhà văn khác của Hội Nhà Văn Việt Nam, họ… “nàm mưa nàm gió”(*), còn Đặng Thân thì… cười!

Trân trọng.
Trương Đức

*(Chị bạn có kể cho tôi nghe là nhà văn ĐT đã nói những nhà văn của HNVVN là “một lũ… nàm mưa nàm gió“)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét