Mấy năm trước, mình hay xem một chương trình tivi có cái nhan đề rất ấn tượng: „A világ és ami mögötte van” (Thế giới và cái đằng sau nó). Người dẫn chương trình là Frej Tamás. Anh ta có sang Việt Nam một vài lần để làm một epizod cho cái chương trình này. Rất tiếc, epizod nói về VN mình lại không xem. Hôm đó chắc bận đi đâu đấy. Cũng chẳng có gì quan trọng. Điều mình muốn nói là cái nhan đề của chương trình. Thực tế, trong cuộc sống, con người ta chỉ để ý cái mặt nổi của sự việc, tức cái hiển hiện, chứ ít khi quan tâm cái đằng sau nó, tức cái tiềm ẩn, mà cái này thường quan trọng hoặc ý nghĩa hơn. Trong ngôn ngữ thì điều này càng thể hiện rõ. Cái ý nằm giữa hai dòng chữ thường được/bị người ta bỏ qua. Kiểu như „nói vậy mà không phải vậy”. Kể cũng lạ là tại sao người ta không „nói vậy là vậy” luôn đi, cứ thích „vòng vo tam quốc” là thế nào? Cứ „nói toạc móng heo” với nhau, có phải "nhẹ gánh giang sơn" không? Nhưng „nói vậy là vậy” thì còn gì để mà nói, nói nữa, nói mãi đây, hahaha…, nên ta đành phải ráng chịu chờ đến „hồi sau của hồi sau của hồi sau… sẽ rõ” thôi!
Entry lần trước mình có bàn về từ „mi”, đọc lại thấy vẫn thiêu thiếu. Trong entry lần này mình bổ sung thêm, hòng mong tiêu tan đi cái cảm giác thiêu thiếu ấy. Chính vì thế mà mình đặt tiêu đề cho entry là „Ami mögötte van”(Cái đằng sau nó). Những „cái đằng sau nó”, cụ thể là những từ liên quan đến từ „mi”: miért, mikor, milyen, micsoda, miféle (minõ, minemű), mióta và miatt, mihelyt, mialatt, midõn, miegymás, mielõbb, mielõtt, mihamarabb, mihaszna, miként, miközben, miután, mivel, míg. Nhìn lại, thấy đội quân của „cái đằng sau” từ „mi” cũng hùng hậu ra phết, chúng xếp hàng dài dằng dặc. Nhưng chẳng sao, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng cơ mà! Mình sẽ cho lên thớt từng „chú” một, chắc chắn „toàn thắng ắt về ta”!
miért: 1. Nghĩa: tại sao/vì sao/lý do gì/cớ gì dùng cho câu hỏi, ví dụ: Miért hiányoztál? – Tại sao em vắng mặt?; 2. Nghĩa: mục đích/vì/lý do dùng trong câu khẳng định, ví dụ: Nincs miért dolgoznom – Không có cái mà vì nó tôi phải làm việc; 3. Nghĩa: nguyên nhân/lý do/tại sao (chưa được biết đến) dùng trong câu khẳng định như một danh từ, ví dụ: A kutatókat a nagy miértek foglalkoztatják – Các nhà nghiên cứu xoay quanh những câu hỏi vì sao mang tính bao quát, đại thể. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét