Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

"Thị Màu"

Hôm nay mình lang thang trên mạng thế nào lại bắt gặp một bài nói về "Thị Màu" hay quá, post lên đây để làm tài liệu cho công việc dịch thuật của mình:

Nhìn sao nói vậy

Thu Tứ


Tinh tế màu hữu cảm
Màu và nghệ thuật
Màu và bản sắc văn hóa
Màu là sóng, là số
Màu là da bò
Bây giờ, ở đây
Mai kia, ở một nơi nào
Màu và chọn lựa sinh tồn



TINH TẾ MÀU HỮU CẢM

Màu hữu cảm cực kỳ tinh tế.(1)

Hãy xem vài ví dụ.

Khái Hưng: "bát canh cà chua nước đỏ lờ lờ". Nguyễn Tuân: "phản nịnh mặt trắng mốc có vệt đỏ nhờ nhờ".

Chinh Phụ: "Cỏ biếc um, dâu mướt màu xanh". Vũ Bằng: "những ngọn rau muống chẻ nhỏ xanh muôn muốt". Nguyễn Tuân: "tóc xanh mượt như một làn rêu giữa làn suối trong".

Lờ lờ với nhờ nhờ là hai. Mướt với muốt với mượt là ba. Không thể trao qua đổi lại gì cả.

Cũng thế: xanh nhạt và xanh nhợt cùng chỉ màu xanh không đậm, nhưng chỉ các ông tây ông tàu (nói tiếng Việt) mới dùng lẫn lộn. Rắc rối ở chỗ xanh nhạt không hữu cảm: "tường phòng bệnh quét vôi xanh nhạt"; trong khi xanh nhợt lại không phải là từ chỉ màu thuần túy nữa, mà cho thấy một ấn tượng nơi người nhìn: "người bệnh nom xanh nhợt". Ðổi chỗ nhợt với nhạt là lộ tung tích ngay!

Lạ hơn nữa, nói người bệnh nom xanh nhạt là nói tiếng Việt gốc tây gốc tàu, mà nói người bệnh nom xanh lợt dường như cũng vẫn không ổn. Trường hợp này, chỉ nhợt mới đích thị... con Rồng cháu Tiên!


MÀU VÀ NGHỆ THUẬT

Nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam nặng tính tượng trưng. Với ta, làm nghệ thuật là tìm cách chuyển đạt nội dung mà không phải mô tả dài dòng. Tùy "kích thước" của tác phẩm, để thành công ta sẽ cần đến nhiều hay ít những "nghệ thuật trong nghệ thuật".

Thử nghĩ về chèo, về hát bộ. Ðể chuyển nội dung tích truyện đến khán giả, mỗi vở chèo hay tuồng hát dùng nhiều loại động tác khác nhau. Ðặc sắc bậc nhất trong chèo là động tác xoay cổ tay (2), còn trong hát bộ là "cưỡi ngựa". Một cử động nhỏ, kín đáo, mà biểu lộ được ý tình, một cách xê dịch không cố gò theo hiện thực, mà gợi được hiện thực: cử động ấy hay cách xê dịch ấy trước tiên tự nó là nghệ thuật, rồi nó đóng góp vào thành công của nghệ thuật.

Giờ xét đến những bạc phơ, đỏ hỏn, xanh rờn v.v.

Những từ chỉ màu ấy gợi lên được hình ảnh sống động -hình ảnh, chứ không phải chỉ màu sắc - mà không thông qua chi tiết rườm rà, không dùng đến ráp nối lủng củng.

Thử tưởng tượng thay bạc phơ bằng "bạc một cách thế kia thế nọ", thay xanh rờn bằng "xanh thế này thế này"!

Từ mà cô đọng, hàm súc như bạc phơ, đỏ hỏn, xanh rờn v.v., đáng xem là nghệ thuật chứ.

Nghệ thuật nhỏ giúp làm nên nghệ thuật lớn:

"Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây".

Nếu tiếng Việt không có "bạc phau" với "đen rầm", Nguyễn Du biết thơ thẩn sao đây?!

(Tất nhiên từ chỉ màu chỉ là một trong rất nhiều loại từ hữu cảm của tiếng ta. Nhờ Việt ngữ hết sức phong phú các loại từ hữu cảm, nếu dùng để chuyển đạt nội dung thiên về cảm tính, nó có nhiều hy vọng chiếm ngôi Tiếng Ðẹp. Ngược lại, ngôn ngữ mà giàu từ khái niệm như các ngôn ngữ Tây phương thì khi dùng để lý luận sẽ dễ rõ ràng, khúc chiết, tức dễ đoạt giải... Công cụ Tiên tiến!)


MÀU VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA

Trên mặt đất, ngoài người Việt Nam có dân tộc nào khác cũng "trông trời, trông đất, trông mây" rồi cảm miên man, dạt dào, rồi sáng tác luôn đủ thứ màu sắc ăm ắp cảm như thế chăng?

Ở người Việt, cái "khung cửa sổ của linh hồn" thích thu vào thêm lắm thông tin "lạ". Cái con người mặc nâu nhũn nhặn mà nhìn xuống đất thấy tơ, chuối vàng giãy nảy, nhìn lên thấy trời xanh thăm thẳm, xanh mênh mông, xanh thao thiết..., cái con người ấy rõ ràng là chủ tể của một thế giới cảm phong phú, tế nhị lạ kỳ.

Chúng ta có thói quen ăn nói "màu mè". Dễ thường màu mè nhất thế giới. Chỗ đặc biệt ấy liên hệ thế nào với bản sắc văn hóa Việt Nam?

Ðể dễ hiểu mình, hãy thử so với người.

Màu là sóng, là số

Trong một cuốn khảo luận về lịch sử của cái đĩa màu họa sĩ, Victoria Finlay mở đầu bằng mấy dòng khá "mơ màng": "Màu sắc đâu có thực (...) chỉ là cách cơ thể chúng ta diễn dịch những rung động nào đấy đấy mà (...) Mọi thứ trong vũ trụ này chẳng qua chỉ là rung động..."(3) Chính xác, thì màu sắc mà mắt ta thấy được chẳng qua là những ba động điện từ với độ dài sóng từ 0.00038 đến 0.00075mm.

Tất nhiên người Tây phương trước thời đại khoa học chẳng biết sóng điện từ là cái quái gì. Nhưng có lẽ tổ tiên của Maxwell, Einstein, Heisenberg, Bohr v.v. đã sớm quen nhìn màu sắc, cũng như nhìn bất cứ thứ gì khác, theo cách riêng. Là tách rời nó ra khỏi chỗ tự nhiên của nó mà săm soi, ngắm nghía, phân tích rạch ròi. Bên Âu châu cũng có, chẳng hạn,... lá cây. Dân Anh thấy green trên lá. Ít lâu, họ táy máy bóc green ra khỏi lá, biến nó thành một khái niệm. Khái niệm green. Khoa học chào đời, tiến bộ, dần dà green chuyển ra sóng điện từ 0.00049-0.00057mm. Khoa học tiếp tục tiến bộ, ai biết rồi mai kia các khoa học gia sẽ vỡ lẽ rằng sóng điện từ thực ra bản chất là gì v.v. Dù sao, sau khi bị bóc ra khỏi lá, thì green chỉ còn lại sắc độ.

Người Tây phương phân biệt sắc độ tinh vi đúng mức. Trong tập Hướng dẫn đầy đủ về phép dùng màu cho các họa sĩ (4), Simon Jennings cho in thật trung thực mấy chục trang pa-lét chứa 400 màu mẫu (chọn ra từ khoảng 1500 màu mẫu do các hãng chế tạo sơn cung cấp). Cơ man sắc độ vàng, xanh, tím, đỏ v.v. Dĩ nhiên tiếng Anh làm gì có từ gọi đích danh từng xanh nọ đỏ kia. Một green nào đấy, rốt cục là một ký hiệu, chẳng hạn PG124!

Màu là da bò

Màu, cứ để nguyên trên lá, trên cây, trên... trời mà ngắm lại phong phú lối khác. Chỉ khi còn ở chỗ tự nhiên của nó, màu mới có thể sinh động, tương giao, chứa cảm tưởng, chở tâm trạng, mang phong cách. Vì khi ấy nó là một phương diện của một vật nhất định nào đấy. Vật có thể bé xíu như con kiến, có thể nhơ nhỡ như con bò, có thể lớn như cả bầu trời. Màu chưa tách ra khỏi vật là màu "sống", tiềm tàng đủ thứ khả năng. Màu tách ra rồi, khái niệm hóa, là màu "chết", chỉ còn việc phân loại, phân tích, rồi đem... chôn (vào sách).

Thử nghĩ về bộ da của con bò. Da chưa phải là tất cả bò. Nhưng khi da còn bao kín bò đang nhai cỏ, còn được máu huyết bò nuôi dưỡng, thì đó hiển nhiên là một thứ da khác thứ da đã lột, nằm lù lù cạnh một đống thịt bò đỏ hỏn.

Không biết từ đời nào, người Việt chúng ta quen nhìn màu, cũng như nhìn bất cứ đặc điểm nào khác của bất cứ vật gì, theo cách nhìn thứ da "bò đang nhai cỏ".

E có kẻ gắt: "Gớm, lạ gì những bạc phơ, trắng toát, xanh lè, đỏ hỏn, vàng chóe... Bỏ ít thì giờ “nghiên cứu” thì sẽ biết ngay cụ thể ý nghĩa là thế nào, gồm mấy yếu tố, thành phần. Viết hẳn cách cấu tạo từ ra thành công thức cũng chẳng khó khăn...".

Quả thực da có lớp trong lớp ngoài có chất sừng chất mỡ có mạch máu vi ti, có cách cấu tạo nhất định. Nhưng có thực cứ phanh phui xong tất cả những "bí mật" ấy, phơi chúng ra ánh sáng, là nắm chắc được "ý nghĩa" của da?

Xanh nọ trắng kia trong tiếng Việt là kết quả của một cách NHÌN TOÀN THỂ. Khi nhìn một vật, mắt ta thấy "trọn gói" vật ấy, chứ không chỉ thấy màu. Dưới mắt ta, màu - cũng như mọi đặc điểm khác - chỉ hiện hữu trong một quan hệ hữu cơ với vật.

Bây giờ, ở đây

Nói chuyện màu sắc, dễ nghĩ đến hoa. Hoa mai, hoa lan, hoa hòe, chẳng hạn.

Ta ngắm hoa như ta đọc thơ (bài thơ nhỏ của tạo hóa). Mắt ta vuốt ve màu hoa như miệng ta cao hứng ngâm đi ngâm lại lời thơ. (Màu là một thứ lời của hoa - thơ. Mất màu là mất thơ.)

Ðối cảnh ta sinh tình. Ta ngắm hoa, rồi ta làm thơ (bài thơ nhỏ của ta). Thơ "cánh hoa mai trắng mươn mướt", thơ "bông hoa lan trắng nuột", thơ "hoa hòe nở vàng ối", chẳng hạn.

Tự nhiên vốn bao giờ cũng là toàn thể. Ta ngắm tự nhiên cách toàn thể, rồi ta bật tiếng nói toàn thể. Nói toàn thể thì lời gắn bó, liền lạc như chính tự nhiên.

Ðối diện trò chơi của Trẻ Tạo, ta phản ứng nghệ thuật: trước thưởng thức cái đẹp, sau sáng tạo cái đẹp.

Ta quan niệm hạnh phúc là ngay bây giờ, ở đây, là ngắm hoa mai, hoa lan, hoa hòe trên bàn, trước sân, ngoài ngõ.

Ta quen ngồi yên một chỗ, an nhiên, tự tại.

Mai kia, ở một nơi nào

Họ ngắm hoa như họ đọc đề toán. Mắt họ soi mói "hiện tượng màu" như óc họ nghiền ngẫm ý đề. (Màu là một thứ ý của hoa - đề toán. Tách màu cũng như rút ý, rút xong có thể bỏ đề, tách màu xong có thể vất hoa.)

Ðối cảnh, họ không sinh tình, họ sinh... lý thuyết. Nhằm giải mã "bí mật của lan", họ lồng lộn chui vào từng tế bào, từng phân tử, từng nguyên tử, từng thứ hạt mỗi lúc một bé hơn, cho đến lúc "hoa mắt", không còn thấy gì nữa ngoài chi chít những "tiến trình vận động".

Họ nhìn tự nhiên như muốn chẻ ra vô số mảnh, nên lời nói của họ là một cấu trúc nhân tạo do nhiều bộ phận ráp lại.

Ðối diện máy móc của Già Tạo, họ phản ứng khoa học: trước kỳ công tháo rời hết ra, xong hì hục ráp trở lại, xong loay hoay chế tạo cái (máy) khác.

Họ đâu phải chỉ cố chui biến vào lan, họ còn cùng lúc đòi nhảy vọt ra xa tít tắp. "Ði dăm bước" là mắt đã mất lan rồi. Nhưng không sao, vì với họ, hạnh phúc luôn còn ẩn ở một nơi nào chưa ai từng đặt chân đến.

Họ quen nhảy nhót, háo hức, bồn chồn.


MÀU VÀ CHỌN LỰA SINH TỒN

Một đằng đủng đỉnh xem hoa, làm thơ. Một đằng chạy như ma đuổi đi tìm "chân lý". Ai thích đứng thì đứng, ai ưa chạy thì chạy chăng?

Lịch sử dạy rằng kẻ chạy liên tục bành trướng theo đủ mọi hướng, lấn người đứng đến không còn miếng đất cắm dùi. "Dọc đường gió bụi"(5), "hành giả" chế ra đủ thứ "máy" kinh khủng, dư sức hóa kiếp trong nửa sát na tất cả hoa và tất cả những kẻ thưởng hoa.

Ðể sống, "thiền giả" phải chạy theo.

Chuyện màu, trông vậy, đâu phải là chuyện màu mè.


4 - 2004

(Thu Tứ, Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)

_______________________
(1) Thế nào là màu hữu cảm, xin xem bài “Có màu và màu”.
(2) Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 128: "cổ tay xoay tròn (...) một thứ ngôn ngữ sân khấu đặc biệt".
(3) Victoria Finlay,
A Natural History of the Palette, nxb. Ballatine Books, Mỹ, 2003.
(4) Simon Jennings,
Artist”s Color Manual - The Complete Guide to Working with Colors, Chronicle Books, Mỹ, 2003.
(5) Tên một truyện ngắn của Khái Hưng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét