Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ăn "quả đấm thép" nhớ... Ba Dũng!

Mình suýt buột miệng "tự chửi", Hỏi ngu bỏ mẹ, khi mình "tự hỏi" như thế này: Tại sao lại "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nhỉ? Quả gì mới được chứ? Nhớ là nhớ như thế nào? Hehe...

Nhớ khi xưa, kiểu như "khi xưa đôi ta bé ta chơi, Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi, Chơi công an đi bắt quân gian, Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! Bang!..." ý, hihi, tức là ý mình muốn nói cái thời mới "giải phóng", mình theo "ông già mình" vào Nam ở, chơi với mấy đứa nhỏ "Nam kỳ", tụi chúng nó, láo thật cơ đấy, hay trêu ghẹo mình rằng: "Bắc kỳ ăn quả cà na, ăn nhầm lựu đạn chết cha Bắc kỳ", hihi, cũng may mà mình chẳng "ăn nhầm" bao giờ, chứ không, chẳng những "chết cha", mà còn chết... cả mình nữa cũng nên! Số mình may thế, hehe...

Tất nhiên là mình cũng "mang máng" cái ý nghĩa của câu tục ngữ khuyên răn "đạo lý ở đời" trên, câu "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" ấy mà! Nhưng tuy vậy, mình vẫn... "lăn tăn" mãi cái câu chuyện về "đạo lý ở đời" của Việt Nam ta...

Số là hôm rầy, mình có đọc được một lời tâm huyết của bác Phùng Tường Vân trên Tiền Vệ, đó là "Trông người lại ngẫm đến ta, một dân tộc bị nhào nặn trong bấy nhiêu năm trong tay một tập đoàn thống trị cực kỳ vô liêm sỉ thì cái đất nước này nó sẽ ra sao nhỉ?".

Mình nói là mình ""lăn tăn" mãi cái câu chuyện về "đạo lý ở đời" của Việt Nam ta", chứ thực ra, là mình cứ nghĩ hoài nghĩ riết về cái từ "nhào nặn" mà bác PTV đã dùng trong bài viết của mình...

Mình nhớ có một câu chuyện như thế này ở cái "làng" của mình. Dĩ nhiên, tin câu chuyện này hay không là "chuyện của các bạn", "chuyện mình kể thì mình cứ kể", nhá, hehe...

Hồi ấy, "Thưở trời đất nổi cơn gió bụi" ý, ở cái làng Nhàng của mình, có một cụ già làm nghề gõ đầu trẻ tên là Hồ, người ta gọi là cụ Hồ Đồ, để phân biệt với một cụ già khác ở làng Sen bên cạnh làng mình cũng tên là Hồ, nhưng làm nghề trồng giang nuôi mây, có biệt danh là Giang Hồ.

Cụ Hồ Đồ làng mình cắm một túp lều trên mỏm đồi Trụy giữa làng Nhàng làm trường học cho bọn trẻ. Làng Nhàng của mình bị chia đôi bởi một con sông nước quanh năm chảy lững lờ. Muốn đến được túp lều của cụ Hồ Đồ, bọn trẻ phải băng qua một quãng đường của con đê Tiện. Con đê này có tên là Tiện, bởi vì bọn trẻ đi học, hay ỉa bậy dọc bờ đê, cho... tiện, chúng bảo thế!

Tất nhiên là mình không có ý định "đi sâu" vào cái chuyện dạy dỗ của cụ Hồ Đồ ở làng Nhàng của mình, tức là phương pháp giáo dục của cụ như thế nào?, dạy được bao "thằng" nên "người"?..., bởi vì, như có lần cụ bảo, dạy thì cứ dạy, thằng nào thành người thì cứ thành người, thằng nào không muốn thành người thì cứ không muốn thành người, tùy, "khôn sống mống chết"! Đấy, nguyên văn cụ nói như thế đấy! Nhưng có một câu chuyện cụ Hồ Đồ kể mà mình cứ nhớ mãi, kiểu như "có một câu chuyện không thể nào quên" ý, hihi...

Truyện kể rằng, có một thời người ta lặn lội sang tận xứ Tàu xa xôi để kiếm đem về trồng ở làng Nhàng những hạt của một giống cây quí hiếm, có tên là "Mạt Hạt", loại cây này cho ra "quả Cách mạng" rất ngon, có thể đem lại "cơm no áo ấm cho mọi người" và "ai cũng được học hành". Công việc tìm kiếm cuối cùng cũng đem lại kết quả, nhưng mất khá nhiều ngày, bởi vì người ta muốn kiếm được những hạt "Mạt hạng nhất" cơ. Và, khi đã cầm chắc trong tay rồi những hạt "Mạt hạng nhất" đó, người ta bắt đầu nhanh chóng trồng chúng để hòng thu hoạch được cái "lợi ích trăm năm" trong việc trồng trọt này, trăm năm là dài lắm, phải "tiến (hành) nhanh" mới "kịp", mà không những phải "tiến (hành) nhanh", phải "tiến (hành) mạnh", rồi "tiến (hành) vững chắc" mới được, cụ Hồ Đồ kể lại với một giọng rất hào hứng như vậy.

Thấm thoát năm tháng trôi qua, nhưng vẫn chưa đến "trăm năm", chỉ khoảng đâu vài năm chi đó, tức là nụ hoa của rừng cây "Mạt hạng nhất" chưa đủ thời gian để thành "quả Cách mạng" chín muồi, hay nói "toạc móng heo" là vẫn chưa "thu hoạch" được cái loại "quả Cách mạng" của cây "Mạt hạng nhất" đó, cụ Hồ Đồ vung tay phát vào không khí, giải thích.

Nhưng nạn đói đang hoành hành, cụ Hồ Đồ say sưa kể tiếp, đến nỗi người ta còn truyền tai nhau về một cái nạn khác nữa, đó là nạn "thực dân", tức là "ăn dân" gì đấy của những kẻ đến từ "đế quốc Sài lang". Thế là, mọi người lúc đấy, không chờ tới "trăm năm" nữa, hừng hực lên đường đi "thu hoạch" cái giống cây "Mạt hạng nhất" mất công vun trồng được vài năm ấy... Kể đến đây, cụ Hồ Đồ dừng lại, trên môi nở một nụ cười tủm tỉm rất bí hiểm. Rồi cụ nói tiếp, nhưng việc "thu hoạch Mạt hạng nhất" ấy đã không dễ chút nào, người ta không chặt đứt được những cành trĩu "quả cách mạng" trong rừng "Mạt hạng nhất" bạt ngàn. Thế là công việc "thu hoạch" phải dừng, mọi người túm tụm lại bàn nhau. May là có một người mặt mũi sáng sủa đã sáng ý lên, bảo rằng hãy đến hỏi cụ Giang Hồ ở làng Sen, giang mây là thứ cây dai khó chặt đứt, vậy mà cụ Giang Hồ vẫn có cách chặt đứt được, người mặt mũi sáng sủa giải thích sáng kiến của mình. Nghe có vẻ có lý, mọi người vỗ vai nhau vui mừng, đúng rồi, ta đi đến cụ Giang Hồ đi...

Thế là mọi người kéo nhau sang làng Sen bên cạnh để đến nhà cụ Giang Hồ hỏi ý kiến. Đến nơi, mọi người mới biết là cụ Giang Hồ đã bỏ làng Sen đi lâu rồi, công việc trồng giang nuôi mây không đủ ăn, nghe đâu cụ theo tàu viễn dương sang tận Pháp Phủng gì đó kiếm sống, rồi cũng chẳng ăn thua gì, cụ phải quay trở lại quê hương bằng đường qua xứ Tàu, ở đó hình như cụ bị người Tàu bắt giam vì tội gì đó thì phải, phạm tội người ta mới bắt giam chứ, không đâu người ta lại bắt giam mình à, cụ Hồ Đồ nhấn mạnh tình tiết câu chuyện ở đây như thế.

Thế bây giờ biết tìm cụ Giang Hồ ở đâu? Mọi người đồng loạt "ồ" lên hỏi. Lúc đó, người mặt mũi sáng sủa mới thốt lên: Thôi chết rồi, vậy mà tôi không nhớ ra, chả là hôm trước có người bảo là sau khi được người Tàu tha bổng, cụ Giang Hồ về lại trong nước, hiện đang ở hang Pắc Pó, suốt ngày sáng cụ ra bờ suối tối cụ vào hang, đó là bởi vì cụ Giang Hồ làm một cái nghề mới, là "dịch sử đảng", nghe nói có thể kiếm được nhiều tiền hơn nghề "trồng giang nuôi mây" cũ của cụ...

Thế là mọi người lại kéo nhau lên hang Pắc Pó. Ở đấy, mọi người được cụ Giang Hồ chỉ cách "thu hoạch" những "thành quả cách mạng" như thế nào là tốt nhất. Cụ bảo rằng, Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu thua cây "Mạt hạng nhất", nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người làng Nhàng thì phải đứng lên chặt cây "Mạt hạng nhất" để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Không có cuốc, thuổng, gậy gộc thì dùng mác, lê. Ai cũng phải ra sức chặt "Mạt hạng nhất" cứu nước...

Kể đến đây, cụ Hồ Đồ dừng lại, cụ nhấp một ngụm trà, chép chép miệng, rồi nói tiếp. Và nhờ vào việc chặt thành công những cây "Mạt hạng nhất" ấy mà nạn đói khủng khiếp năm 45 qua đi, tuy khá nhiều người đã bỏ mạng vì không kịp ăn "quả cách mạng". Và sau này, để ghi ơn cụ Giang Hồ và những người theo lời khuyên của cụ đã chặt thành công cây "Mạt hạng nhất", người ta viết một khẩu hiệu rõ to đặt ở trên con đê Tiện của làng Nhàng như thế này: Đời đời nhớ ơn cụ Giang Hồ và những người đốn Mạt của cụ!

Câu chuyện của cụ Hồ Đồ làng mình đến đây là hết, mình chỉ nghe người ta kể lại có thế, hehe! Mới đây, mình nghe đâu là có một người tên là Ba Dũng, cũng thuộc lớp "những người đốn Mạt" của cụ Giang Hồ ngày nào, nhưng đã được "nhào nặn" bài bản hơn, người này đã cho dân làng Nhàng của mình "ăn" một "quả" mới, đó là "quả đấm thép", dân làng Nhàng mình "biết ơn" lắm, họ "kháo nhau" câu tục ngữ thời "hiện thực xã hội chủ nghĩa" suốt ngày như thế này: Ăn "quả đấm thép" nhớ... Ba Dũng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét