Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Ánh chớp trong đêm dài

Đọc bài “lại nghĩ về thơ” này của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường xong, tôi tâm đắc nhất câu này: “Nói tóm lại, một bài thơ kiểu đó để làm gì trong những ngày tháng tất bật hôm nay? Thơ, hay là cứt… thi sĩ? Để làm gì? Để làm gì? Một bài thơ Lý Bạch, Thôi Hiệu có thể “tự hay” để thi hữu có thể tiếp cận “liền tù tì”, vì nó nằm trong một hệ mỹ học quen thuộc, duy nhứt, bất di bất dịch. Thơ văn xuôi của Rimbaud phải chờ các nhà phê bình diễn dịch thêm, thì độc giả mới hiểu… nổi.“.

Trên trang Tiền Vệ tôi có đọc được một bài đối thoại “nghĩ về thơ” của Nhã Thuyên, có lẽ, theo tôi, rất “ăn nhập” vào “dòng suy nghĩ” của bài viết này. Tôi xin trích lại ra đây: “Bài thơ vừa ráo bàn phím sẽ luôn là bài thơ hay nhất, với tôi, vì nó nằm giữa một quá khứ đang trôi tuột đi vào hư rỗng và cái khoảnh khắc hiện tại ngắn ngủi mà người viết còn đang cảm thấy. Ngoài giây phút ấy là sự chết.“(Nhã Thuyên).

Tức là, một “bài thơ hay” là một thứ “ánh chớp” về Cái đẹp (của tư tưởng) mà thi nhân đã nhanh tay “chớp” lại cho… chỉ chính bản thân thi sĩ, chứ không cho ai khác! Mà đã là “ánh chớp”, thì “bài thơ hay” là nó “hay trong tức khắc”, “hay trong lần đầu tiên”, nó khó có thể “diễn dịch”, nếu tôi không muốn nói là “nó không thể diễn dịch”!

Tôi thấy câu trả lời của nhà văn William Faulkner, rằng “Xin bà hãy đọc thêm một lần nữa“, rất hay và thâm thúy! Bởi vì ông “biết tỏng” nữ độc giả kia đã không hiểu “ngay trong lần đầu tiên”, nên có đọc lại nghìn lần cũng không thể hiểu nổi, và ông cũng chẳng mất công “diễn dịch” mà làm gì.

Tôi cũng hay “nghĩ về thơ” qua việc đọc thơ của các nhà thơ mình yêu thích. Bởi vì, như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường cũng đã nói ở cuối bình luận mới nhất của ông: “Ngoài ra, nhà thơ không phải là một người hầu bàn sẽ mang đến tận tay người đọc những bài thơ “tự hay” như một “món ngon”. Người đọc phải bước vào cái thế giới riêng biệt của thi nhân (của một nhà thơ đúng nghĩa). Nếu không thì vẫn có thể “quăng cuốn thơ ra cửa sổ” (Thanh Tâm Tuyền, trích dẫn không chính xác).”, tôi cũng “nghĩ về thơ” như một “bức tranh đẹp”, nếu ta không “bước vào cái thế giới riêng biệt của họa sĩ”, sẽ không “chớp” được cái Hay, cái Đẹp của bức tranh. Người họa sĩ đã “tốn công” vẽ ra một bức tranh đẹp, chẳng lẽ bên dưới anh ta lại phải “ghi chú” là mình đã vẽ cái gì, vẽ bằng màu gì? Thơ cũng vậy, “ráo bàn phím” xong là… xong! Chấm hết!

Dĩ nhiên ở đây tôi không có ý ám chỉ gì đến cái việc “hỏi” của độc giả Thu cả. Tôi chỉ muốn nêu lên vài lời “lại nghĩ về thơ” của tôi mà thôi. Nếu có điều gì “ấm ớ” trong bình luận này của tôi, tôi xin “đi chỗ khác chơi” vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét