Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Lời của Chúa

Từ hồi đọc bài viết của Đặng Thân nói rằng, anh Viện là “nhà thơ thánh ám”, tôi đã mường tượng phần nào cái nghĩa “thánh ám” trong văn chương Nguyễn Viện, chỉ mường tượng thôi, chưa thấy rõ nét. Và từ đó tôi say mê đọc anh, cũng hòng để đi đến được cái “bức tường thánh” mà, theo trí tưởng tượng của tôi, anh Viện đang, vừa “ngồi bên lề rất trái”, vừa “đạp chân vào bầu trời” trên đó. Và, phép lạ xảy ra chăng, đọc bài “Những bản thế vì khai sinh bị xé rách (1) và (2)” này của anh, tôi chợt thấy mình đang đứng dưới chân “bức tường thánh” ấy.

Anh Viện nói: “Và tôi vẫn viết như một kẻ lạc đường.”!

Thời gian talawas “còn sống”, tôi có đọc được một bài viết của Aleksandr Solzhenitsyn, trong đó nhà văn Nga nổi tiếng này phát biểu rằng: “Thuở nhỏ, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi nhớ là thường nghe nhiều người có tuổi đưa ra lời giải thích như sau về những tai ương lớn đã giáng xuống nước Nga: con người đã quên Chúa; vì vậy đã xảy ra mọi cơ sự.”

Trên trang vanchuongviet.org, giáo sư Nguyễn Quỳnh có nói về thơ rất… “thơ” rằng: “Thơ là âm-nhạc trong ngôn-ngữ rất tự-nhiên (a priori) của con người”, và anh Viện thì cho tôi một định nghĩa khác cũng rất “thơ” như thế này: “Thơ là một thứ bùa chú cho những cuộc lên/xuống đường của con người. Nhưng thơ trước hết và sau hết vẫn là nghệ thuật của ngôn từ”.

Tôi dẫn dắt dài dòng, cũng chỉ để nói lên một ý như thế này: nếu coi tự do và sự thật là một thứ “ngôn ngữ” của Thượng Đế, thì văn chương, nghệ thuật chính là những “bản dịch” của thứ “ngôn ngữ” ấy, và, các tác giả – nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sỹ, v.v…, tất nhiên, đích thực, – chính là những “dịch giả” cho “những lời của Chúa”, khi họ sáng tác. Anh Viện là “nhà văn thánh ám”, chính là ở ý như vậy, bởi vì, không ngoa chút nào, anh đã rất thành công trong việc “phiên dịch” những lời của “Thượng Đế” ra tiếng Việt trong các tác phẩm của mình. Người đọc như tôi, khi đọc những câu văn câu thơ của Nguyễn Viện, cảm nhận được ngay cái tự do và cái sự thật mà anh muốn nhắc đến, cảm nhận được ngay cái sự “dấn thân” của anh trong văn chương. Bởi vì, nói nôm na như thế này cho dễ hiểu: anh Viện nói, như… “thánh nói”!

Tôi chỉ xin trích một câu văn này của anh Viện, ngụ ý là để “chứng minh” cho những gì tôi phát biểu ở trên: “Và ánh sáng đã đến thế gian xua đi tăm tối, cho dù tăm tối không nhận biết được ánh sáng.”

Những “lời của Chúa” hàng ngày vẫn đang đến với chúng ta để xua đi “tăm tối”, cho dù, (khốn khổ thay!) chúng ta vẫn không nhận biết, vẫn “quên Chúa”! Đó là bởi vì, chúng ta không biết mình là “những kẻ lạc đường”!

Những kẻ không biết mình “đang lạc đường”, đương nhiên không cần (nghe, thấy, cảm nhận) đến “lời chỉ đường của Chúa”, và, tất nhiên, cũng chẳng thể hiểu được “những bản dịch lời của Chúa” qua các nhà văn nhà thơ!

Cái ý của anh Viện khi nói “Và tôi vẫn viết như một kẻ lạc đường.”, theo tôi, chính là ở cái ý nghĩa này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét