Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chí Phèo & Thị Nở cũng có thể là... mỗi chúng ta!

Mình giật mình đánh... thót, khi đọc được bài thơ này của bác Nguyễn Đăng Thường bên trang Da Màu. Đó là bởi vì đoạn kết của bài thơ... nó đúng quá, chí lý quá!

Đây nhá, nếu mình chỉ "lôi" câu này: "Chí Phèo nay đã trở thành ngài Lãnh Tụ" ra thôi, là đã thấy bác ý nói quả... đích đáng, đúng không?!

Và, mình xin nói như thế này nhé, chỉ có nhà văn nhà thơ đích thực mới có thể "giải nghĩa" xác đáng cho "mọi sự" ở trên đời này, theo mình là thế!

Và, mình nói không ngoa đâu nhá, tức là, qua đó, thế mới thấy Nam Cao ngày xưa không chỉ là một nhà văn "sống mòn" qua ngày đoạn tháng, mà ông còn là một nhà tiên tri có "đôi mắt" nhìn thấu chuyện đời một cách... "đáng sợ" cho "mỗi chúng ta" ngày nay - những kẻ cũng "sống mòn" qua ngày đoạn tháng như Nam Cao ngày xưa, chẳng hạn như là mình, hehe, nhưng lại không có "đôi mắt tinh tường" như của cụ!

Nói dông nói dài, chẳng qua mình muốn nói lên cái ý như thế này: văn học và đời (chính trị?), nó liên quan gì với nhau? Hay, mượn lời nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, "& Chí Phèo, & Thị Nở, có thể là... mỗi chúng ta"?

Sau khi "giật mình tự hỏi" như vậy, mình đã "chạy" qua Tiền Vệ, một phần là để đọc tin "chuột cống lại trở về với cống", phần nữa là xem xem tình hình "văn học và chính trị" đã đến đâu rồi!

Đọc qua đọc lại một hồi, thì mình thấy như thế này: cái "sự đời", tức là "văn học và chính trị" ấy mà, nó... "éo le" lắm cơ! Mà đúng thế đấy! Một bên, nhà văn Phan Quỳnh Trâm cho rằng:

"...Điều đó nói lên rằng tư cách chính trị hoàn toàn độc lập với tư cách của nhà văn... Tôi chỉ muốn phân biệt nhà văn với tư cách công dân và với tư cách người cầm bút. Tôi cho sự lẫn lộn giữa hai tư cách ấy không có lợi gì cho văn học."

Còn một bên, nhà thơ Nguyễn Đăng Thường nhấn mạnh:

"Có nhiều cuốn sách viết về tiểu thuyết chính trị của Thế kỷ 20, vì tiểu thuyết chính trị là thể loại nổi bật nhứt của cái thế kỷ đẫm máu này. Tiểu thuyết chính trị đã cho ra đời những tác phẩm lớn ký tên Disraeli, Kafka, Joyce, Orwell, Hemingway, Malaparte, Greene, Grass, Kundera, Naipaul, Solshenitsyn, Gordimer, Garcia Marquez, Carpentier, Semprun, Asturias, Heller, Vonnegut... PQT có nên tìm đọc trưốc, trước khi viết về “văn học và chính trị?

Tôi đang viết một bài về Văn chương là... chính trị nhưng rất uể oải vì muốn tránh “đụng chạm”, tránh “đánh phá” giấc ngủ an lành của các độc giả tự đắc có thể đánh mũi biết ngay cái hay, cái dở. Sau đây là một đoạn trích trong bài tôi đang viết về sự sai lầm của PQT, hầu cho thấy sơ qua vì sao tôi không đồng ý với PQT trong trường hợp nếu tôi chán ngán bỏ luôn không viết tiếp:

Bài viết của Phan Quỳnh Trâm đặt sai câu hỏi, sai vấn đề, dựa trên quan niệm cũ ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Tác giả dị ứng chính trị trong văn chương ta nói riêng và truyện có nội dung chính trị nói chung vì sự liên kết với văn chương hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Tác giả đã hiểu từ “chính trị” theo nghĩa xấu, nghĩa hẹp nhứt. Loại văn chương này (VCXHCN) dở, không phải vì nó chính trị, mà vì nó là văn chương tuyên truyền, không đến từ đời sống thật, tình huống bịa đặt, nhân vật là những con rối để chứng minh nọ kia kia nọ...”"

Thì mình thấy, cả hai người đều có lý, nhưng, những lý luận của họ, nói như thế nào để khỏi bị "mất lòng nhau" nhỉ?, hihi, đúng rồi, cả hai đã... "chưa tới bến"! Ha, ha, tức là, như thế này nhé, mình xin nói ngay đây:

Thứ nhất: nữ văn Phan Quỳnh Trâm, mình nhận xét là cổ "chưa tới bến", là bởi vì đã cho rằng có hai tư cách - tư cách công dân (chính trị) và tư cách người cầm bút (nhà văn) - đứng "hoàn toàn độc lập" trong "một con người sáng tác văn học". Theo mình, nhận định như cổ, như bác Thường đã nói, là "tự mâu thuẫn", bởi vì không thể có hai tư cách trong cùng một con người. Những nhà văn đích thực, theo mình, trong họ chỉ tồn tại một (và chỉ một) tư cách, đó là "tư cách người cầm bút" (hay có thể gọi là tư cách trí thức nói chung). Cái gọi là tư cách công dân (tôn trọng pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, v.v...), chẳng qua là một "nền nếp sống" mà có thể do Phan Quỳnh Trâm luôn bị "phạm trù đạo đức" nó ám ảnh nên mới suy nghĩ và nhận định như vậy, chắc chắn thế! Bởi vì, chúng ta phải hiểu rằng, một khi nhà văn - ở đây chúng ta đang nói đến những người cầm bút đích thực - đã đạt đến cái "tầm cao hơn" rằng, "nhà văn được xem là những con người của chữ nghĩa, những người trí thức, và những điều họ nói, họ phát biểu thường được người ta trân trọng lắng nghe, nói cách khác, chúng có ảnh hưởng đến xã hội, đến chính trị"(Phan Quỳnh Trâm), tức là họ "đứng trên" cả xã hội, chính trị. Nói cách khác, khi đã có "tư cách nhà văn", thì "tư cách công dân" của họ, không còn nữa, chính xác hơn, đã trở thành "tư cách nhà văn"! Mình chỉ xin nêu ra một "luận điểm" chúng minh cho điều này, rằng: "tư cách công dân" chẳng qua là một thứ "tư cách" do những "công dân khác" dưới tầm nhà văn nghĩ ra, và, thế là hàng loạt công dân còn lại phải "bám theo", còn những nhà văn thì họ "tự do", và tất nhiên, họ đã để "tuột" (hay nói như anh Viện là "đạp chân vào bầu trời") lại sau lưng tất cả những gì gọi là "tư cách công dân" ấy. Bởi vì, một lẽ thường tình, họ "tôn trọng luật pháp" và "trách nhiệm với xã hội" hơn hết thảy chúng ta, đó là điều chắc chắn! Ở đây, còn một ý như thế này, mình cũng xin nói luôn: như thế nào là một "tư cách công dân" đúng? Phải chăng khi ông nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu rằng xóa điều 4 Hiến pháp là tự sát, là ông ta đã thể hiện "tư cách công dân" đúng? Hoặc, khi nguyên tổng thống Mỹ là Bush bố ra lệnh ném bom Irak, là lúc ổng thi hành tư cách công dân một cách chính đáng nhất?

Nói tóm lại, nhà văn đích thực là chỉ một người với một tư cách duy nhất, tư cách nhà văn. Có như vậy họ mới sáng tác được những tác phẩm để đời. Những kẻ cầm bút mà vẫn "loay hoay" không biết làm gì với "tư cách công dân" của mình, về thực chất, không phải là những nhà văn! Những loại người này nhiều lắm, cứ hàng đàn, như bầy "chim cách cụt biết bay", họ "sáng tác" là cứ phải kéo nhau vào "trại sáng tác", hoặc nếu có "hiện đại hóa thơ ca" thì cứ phải "tụ bạ" lại với nhau, "ứng khẩu" với nhau, thì mới được!

Thế còn nhà thơ Nguyễn Đăng Thường của chúng ta thì sao? Ông "chưa tới bến" ở điểm nào?

Hi,hi, bác Thường "chưa tới bến" là ở chỗ bác ý đã không nói thẳng ra ngay từ đầu với Phan Quỳnh Trâm là "văn học là... chính trị". Nếu bác ý nói ngay từ ở đối thoại đầu của bác ý, không chỉ dừng lại ở chỗ "Phan Quỳnh Trâm tự... mâu thuẫn", thì sự thể "đâu đến nỗi"?! Đúng không?!

Nhưng mà, nhưng mà... Nam Cao thì có liên quan gì đến câu chuyện này?

Ấy, ấy, có chứ! Nam Cao, vì "sống mòn" với "tư cách nhà văn" của mình, nên đã để lại cho đời "những tư cách công dân" bất diệt là "Chí Phèo & Thị Nở"! Và, mình giật mình đánh "thót" là vì thấy được ý nghĩa của điều nhà thơ Nguyễn Đăng Thường viết, là ngày nay, do có quá ít "tư cách nhà văn", nên "tư cách công dân" được thể "lên ngôi" (do vì ít đọc? hay do "viết như... cứt"?), "Chí Phèo & Thị Nở" có thể thấy nhan nhản "trong nhà, ngoài đường", ở làng V(ĩ)ũ Đại bây giờ!

Phải chăng có một cuộc "tiến hóa" của loài "con Rồng cháu Tiên" đi từ Long Quân & Âu Cơ thành Chí Phèo & Thị Nở ở cái làng Việt Nam Vĩ Đại của chúng ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét