Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Chúng ta dối trá một cách khá "trong suốt"

Mấy ngày hôm nay, dường như vô tận, cái „nỗi buồn chiến tranh” cứ ám ảnh mình mãi. Mình có đọc được ở đâu đó một câu về chiến tranh, không còn nhớ nguyên văn, nhưng nhớ đại khái là nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh chính là cái tội lỗi nguyên thủy của loài người. Theo Kinh thánh, con người từ khi mới vừa sinh ra đã có tội(?), nên theo tục lệ, những đứa trẻ từ khi chào đời đều được làm lễ „rửa tội” trong Nhà Thờ (dĩ nhiên, được „rửa tội” càng sớm càng tốt!), và những người ngoan đạo thì luôn vào Nhà Thờ để làm lễ sám hối, tức là xưng tội với linh mục để „Ngài” rửa tội cho, mỗi khi cảm thấy mình đã phạm tội. Có thể nói, lịch sử của nhân loại, nhất là của Việt Nam, gắn liền với lịch sử của chiến tranh. Bản thân mình, mỗi khi nói đến chiến tranh là lại liên tưởng tới một điều gì đó thật „ngu xuẩn” của con người!

Hôm nay mình post tiếp một bài dịch khác lên. Có thể nói đây là bài dịch mình tâm đắc nhất từ khi dịch cho chị Hoài. Đọc bài, lại nhớ đến ông đạo diễn làm phim chiến tranh tài ba người Anh này, thật đáng tiếc là ông vĩnh viễn không thể làm phim cho nhân loại được nữa, vì ông đã từ trần vào tháng Ba năm ngoái, thọ 54 tuổi. Buồn. Lại một „nỗi buồn chiến tranh” chăng?!


Chúng ta dối trá một cách khá "trong suốt"

(Phỏng vấn của tạp chí Cinema)


Cinema: Có thể nói, anh bây giờ làm việc như một chuyên gia dựng phim độc lập theo đúng nghĩa truyền thống của nó. Anh có thể cho chúng tôi biết đôi điều về mối quan hệ giữa anh và các hãng phim lớn?


Anthony Minghella (AM): Tôi phải trả lời như thế nào đây? Nghiêm chỉnh hay đùa cợt nhỉ? Thế này nhé, nói nghiêm túc: đối với các hãng phim lớn ở Hollywood, những công việc của tôi chẳng "hay hớm" gì đâu. Họ không quan tâm cho lắm các cuốn phim tôi dựng. Vì lẽ gì, ai biết được. Tôi cũng chẳng bỏ thì giờ tìm hiểu làm gì! Vấn đề, có lẽ, ở chỗ: tiền, tiền và tiền. Những phim mang lại nhiều lợi nhuận như loại phim "action" được họ quan tâm hàng đầu. Bạn chớ hiểu lầm: đối với họ không có vấn đề nghệ thuật, chỉ có câu hỏi "xanh rờn"* mà thôi! Không phải là tôi muốn làm những phim có kinh phí dàn dựng thấp, mà là những phim mang tính sáng tạo, có câu chuyện riêng tư. Và điều này đi ngược với lợi ích của họ. Đến nay, khi mà ba bộ phim của tôi đã mang lại cho họ một núi tiền, mọi chuyện vẫn chẳng mảy may suy suyển.

Tôi vẫn đụng đầu với những khó khăn, bởi vì họ luôn hỏi tôi: "Này, Anthony, nếu thất thu thì sao?". Tôi vẫn nhớ rất rõ cảnh tôi còng lưng "vác bị gậy" từ hãng phim này sang hãng phim khác như thế nào trong thời gian làm phim Bệnh nhân người Anh**. Chả là tiền quay không có, mặc dù kịch bản của phim được nhiều người để mắt tới và hàng ngũ diễn viên cũng chẳng xoàng. Lúc đấy tôi nghĩ rằng: mình sẽ không tìm được một nguồn tiền nào cho bộ phim; một thân xác bị cháy bỏng gần hết, nằm trên một cái giường, kể những mẩu chuyện đâu đâu cho một cô y tá người Canada trên đất Ý; chẳng có một tí gì "Mỹ" cả, lại đòi người ta cho tiền. Quá viễn vông! Tình cảnh khi làm phim The Talented Mr. Ripley (Ngài Ripley tài ba)*** cũng i xì: một chàng người Mỹ giết một đống người, bên châu Âu, vào những năm 50. Không, chúng tôi xin cám ơn! Khó khăn lắm tôi mới hoàn thành được các phim này. Bây giờ, nếu họ nói với tôi về chuyện giá trị và uy tín, tôi sẽ trả lời rằng: nếu có ai chịu chi tiền, tôi sẽ làm phim "ok" ngay cho mà xem.

Cinema: Dường như anh không thích làm phim có "dung lượng" bé nữa?

AM: Đúng vậy! Có vẻ như những phim tôi làm càng ngày càng "to" ra. Nhưng thực ra, tôi muốn chúng "bé" đi đấy chứ. Có cái gì đấy không "công bằng" liên quan đến các bộ phim. Nếu, giả sử tôi là một nhà văn, tôi phải viết một cuốn tiểu thuyết về chín nhà văn đang ngồi trong một phòng kín với một nhà đạo diễn phim, họ bị nhốt ở đấy ba tuần liền, thì kinh phí cho chuyện viết lách sẽ phụ thuộc vào số trang tôi "ngoáy bút" ra. Nhưng nếu tôi quay phim cũng về đề tài này, thì lúc đó, ngân quỹ phải bỏ ra lớn lên rất nhiều. Thế là mối lo dựng phim biến thành chuyện lo về tiền nong. Sở thích và ngay cả những mộng ảo của con người được gắn cái bảng giá to tướng. Tức là, cho dù có gạt chuyện lời lãi thua lỗ sang một bên, việc tôi dựng phim với một phong cách đặc biệt khác cũng vô ích thôi. Tôi không thể làm được, vì mọi thứ đều có giá của nó. Tất nhiên, tôi sẵn sàng làm một phim có đề tài hay với một kinh phí thấp. Bởi vì, cũng chẳng sung sướng gì khi làm phim với một số vốn khổng lồ. Tôi biết chứ! Tốt đẹp biết mấy nếu công việc quay phim chỉ là đổ ra đường và cứ thế lia ống kính. Trong phim Cold mountain (Núi lạnh)**** có một cảnh ruộng ngũ cốc đang sinh sôi. Giá mà quay được cảnh nảy mầm của các hạt ngũ cốc. Hay biết bao!

Cinema: Anh tìm thấy cuốn tiểu thuyết này như thế nào?

AM: Nó tìm thấy tôi đấy chứ! Mà đúng như vậy. Cô biết không, câu chuyện hơi kỳ lạ. Đúng lúc tôi đang trả lời phỏng vấn, có thể, cũng tại nơi đây, chúng tôi đang nói chuyện về đề tài phim mới mà tôi dự định. Trước đó, tôi có ghi chép về các cuộc hành hương và sự di cư. Tôi còn đang đắn đo: không biết nên làm phim về cuộc trẩy hội thánh, hay về "Nơi gột sạch bụi trần".

Làm Ripley, là do tôi bị chinh phục bởi cái gọi là "sự tỉnh ngộ tâm hồn". Tôi đọc nhiều về đề tài di cư, ví dụ, của những thổ dân Úc. Khi mang những ghi chép đến một người bạn ở Canada, nhà xuất bản ở đấy đã ấn vào tay tôi cuốn tiểu thuyết này, bắt xem. Lúc đấy, tôi vẫn chưa nghĩ rằng mình có một cốt phim mới. Tôi bỏ vào vali, rồi quên bẵng nó. Đến lúc về Đức, hai gói "FedEx" đã chềnh ềnh giữa nhà. Trong hai gói, đều là cuốn tiểu thuyết này. Bốn tám tiếng đồng hồ, ba cuốn Cold mountain. Thế có lạ không chứ! Sau đó ông bầu của tôi gọi phôn: "Cậu phải đọc ngay cuốn tiểu thuyết này! Ngay đấy nhá!"

Cinema: Anh có biết nhà văn Charles Frazier không?

AM: Vâng, bây giờ thì biết rồi. Đây là tác phẩm đầu tay của ông ấy. Trước đây tôi không biết tí gì về nhà văn này.

Cinema: Frazier viết khá rõ về bản chất tự nhiên của con người. Anh đưa lên màn ảnh vấn đề này như thế nào?

AM: Tôi đã phải nghiền ngẫm rất lâu một vài điều hoàn toàn thường tình. Khi các nhà văn viết tiểu thuyết, họ làm sáng tỏ hơn tính cách của các nhân vật trong chuyện. Và độc giả cũng đoán ra được việc gì sẽ phải diễn ra với nhân vật trước khi đọc đến, chẳng hạn, cái chết của Inman. Đến lúc đó, ai cũng biết rõ điều này sẽ xảy ra. Chúng ta là những sinh vật, ra đời, giao cấu hoặc không giao cấu, rồi chết. Đây chính là cái sâu lắng của cuốn tiểu thuyết mà tôi khám phá được. Tôi đã bị choáng váng bởi sự cắt ngắn liên quan đến Inman. Đó là cuộc đời của Inman, và của cả chúng ta nữa, có thể tóm gọn như sau: sinh ra, ái ân, rồi xuống lỗ (cười). Một câu chuyện khá lớn!

Cinema: Nhưng cũng có thể làm thành một phim ngắn...

AM: Không thể được, vì Inman đi khá lâu (cười). Trở lại vấn đề, tôi suy gẫm rất nhiều về loài vật và về thế giới hiện đại. Để mà bác bỏ những điều này. Chúng ta cố phủ nhận ba việc trên. Điều này khá thú vị: chúng ta tạo nên một nền văn minh. Trong cái thế kỷ của nền văn minh ấy, chúng ta lại chẳng muốn nghĩ đến chuyện: đó chính là mục đích sống của chúng ta. Mọi cái chúng ta làm đều ở rất xa mục đích sống.

Khi quay phim Cold mountain, tôi cố tình dồn sự chú ý vào các động vật. Rất lạ là cảnh chết chóc của bốn ngàn người trong đoạn miêu tả một trận chiến ở đầu phim, dường như đã không làm khán giả "động lòng". Ngược lại, cảnh một bà cụ cắt tiết một chú dê con đã làm đông đảo khán giả Hoa kỳ phải "ồ" lên phẫn nộ. Đầu phim thì mọi người ngồi xem trong im lặng. Đến đoạn cắt tiết dê thì đồng thanh lên tiếng phản đối. Họ thương tiếc con vật tội nghiệp.

Cinema: Anh và Nicole Kidman đã quyết định như thế nào việc quay phim tại Rumani lạnh lẽo?

AM: Là do cô Kidman quyết định (cười). Sự thể là thế này: một anh bạn đã gợi ý cho tôi việc quay phim tại Rumany. Chả là cậu ta làm việc cho một tạp chí du lịch và có viết một bài báo về xứ sở "lạnh lẽo" này. Thú thực, tôi chẳng biết tí gì về đất nước này. Trước đó, không và bây giờ, cũng không nốt. Tôi chẳng muốn trở thành khiếm nhã, nhưng đơn giản chỉ là tôi không có thời gian để tìm hiểu. Duy nhất một lần, tôi phóng vội vào thành phố Brasso để mua một cái quần ấm. Thời gian còn lại, hoặc ngồi sửa soạn kịch bản ở khách sạn, hoặc tất bật ở trường quay. Mười tháng trời tôi chẳng làm gì sất, dĩ nhiên (cười), ngoài hai việc này.

Cinema: Anh còn là một nhà soạn nhạc tài tình. Anh đã lựa chọn các tiết tấu như thế nào cho nền nhạc của phim?

AM: Khá phiêu lưu đối với tôi, khi phải phát hiện được bản tình ca của các ngọn núi, phải lồng nhạc thật khớp với từng cảnh một, với từng đặc tính vai một. Một quá trình khá là lê thê. Vì kiêm luôn đạo diễn âm nhạc, nên tôi phải bay đến Nashville để cùng Henry Burnett soạn nhạc cho bộ phim. Tôi có nghe thử. Tuyệt vời! Tôi đã tìm ra linh hồn của cuốn phim qua âm nhạc. Ý tôi muốn nói đến bài hát "rửa tội" trong các cảnh nhà thờ ở đầu phim. Mọi người vừa hát, vừa đung đưa cánh tay như thế này này: "Tôi hạnh phúc vì tôi sinh ra để mà chết "(hát). Nicole Kidman cũng làm như thế.

Chúng tôi chợt tỉnh ra. Lời bài hát nói lên được rất nhiều về thời kỳ đó, về con người lúc bấy giờ, và về cả lòng tin của họ. Nếu chúng ta nghĩ tới cảnh trận mạc ở đầu phim, với cái chết của rất nhiều người, trong ta hình thành một lời giải thích gì đó. Thượng đế luôn bị liên can vào mọi cuộc chiến. Do nghe nhạc mà tôi liên tưởng đến những cuộc thập tự chinh, đến đất nước Croatia hoặc đến cuộc nội chiến. Ý nghĩa sâu xa ở đằng sau nội dung của cuốn phim là âm nhạc làm thay đổi con người. Điều này có tính chất động viên, nhưng lại không đúng. Trong phim có cảnh: một nhóm "homeguard" - những kẻ săn tìm lính đào ngũ - bắt hai nhạc sỹ hát cho họ nghe. Sau khi nghe xong, họ bắn vỡ sọ hai ca sĩ này một cách không thương tiếc, như trước đó chẳng có gì xảy ra cả. Họ nghe hát, thưởng thức, rồi bóp cò không run tay vào ngay chính những người vừa mới đấy, hát cho họ nghe. Đây chính là một trong những điều bí ẩn về nền văn minh của chúng ta. Chúng ta cứ tưởng rằng văn hoá, nghệ thuật sẽ làm chúng ta thành người, từ thiện hơn, văn minh hơn. Nhưng ở đây có một sự mâu thuẫn hết sức to lớn: vô số kẻ cường bạo, hằng hà tên quân phiệt, cùng biết bao nhà độc tài yêu thích âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, nhưng họ không vì thế mà thức tỉnh lương tâm, không làm điều ác nữa.

Cinema: Vậy thì chúng ta có thể kết luận rằng...

AM: Rằng con người đủ khả năng tự lừa dối mình. Chúng ta có thể rơi nước mắt vì một nỗi đau nào đó, nhưng cũng sẵn sàng gây ra nó nếu cần. Tại sao chúng ta lại có những hành động xấu xa, khi mà chẳng ai tỉnh dậy để rồi sẽ trở thành kẻ xấu. Phim Ripley cũng vì thế mà "tóm" được tôi. Chúng ta dối trá một cách khá "trong suốt".

Cinema: Anh tin vào điều gì?

AM: Tôi tin rằng sau khi hát xong bài hát của mình, chúng tôi sẽ không bị bắn vỡ sọ (cười). Tôi muốn tin rằng âm nhạc, hội họa, điện ảnh sẽ thay đổi con người. Tôi biết rằng tôi đã được thay đổi bởi những thứ này. Điều này lại chứng minh cho điều ngược lại của nó. Nhưng tôi không tin rằng các nghệ sỹ có một đặc ân gì đó. Tôi không tin là mình biết hết mọi thứ. Tôi không tin là mình có câu trả lời xác đáng cho những vấn đề quan trọng này. Có nghĩa là: vì tôi cảm thấy rằng nghệ thuật đã thay đổi con người tôi, nên tôi muốn tin vào điều đó. Nghệ thuật đã làm cho tôi trở nên nhạy cảm hơn, dịu dàng hơn. Và tôi rất muốn tin vào điều này. Tuy thế, vẫn có cách nhìn nhận thứ hai: À, ra thế, nhưng biết rồi, khổ quá, nói mãi, đi mà làm việc gì đấy đi (cười).

Cinema: Anh nghĩ gì về nước Mỹ, về người Mỹ?

AM: Có một bộ phim tôi xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần: The Tree with Wooden Clogs (Cây với đôi giày gỗ). Một phim Ý rất hay, mặc dù được đóng do toàn những diễn viên không chuyên. Tôi có cho cả đoàn cùng xem. Rất tiếc, tôi đã bỏ quên ở một khách sạn nào đó. Số là, tôi đã nhận ra: bộ phim này là chìa khóa cho phim của mình. Phim chính trị, truyền thuyết và khá dài. Nói về dân cư vùng Bắc Ý. Cả cái làng Bắc Ý ấy cùng khu lân cận là của một lão lãnh chúa. Một đứa trẻ hiếu học không thể đến trường được vì không có giày. Ban đêm, người cha đốn một cây lấy gỗ về làm giày cho con. Sáng hôm sau, vì thế mà lão lãnh chúa kia đã cho phá hủy cả làng.

Bộ phim, bằng sự miêu tả thiên nhiên, bằng cách nói về bản chất cố hữu của những người nông dân với thiên nhiên, với cộng đồng, có giá trị tương đương một cuộc cách mạng. Cách kể chuyện của phim về thế giới, đối với tôi rất quan trọng. Các mối quan hệ con người đã lôi cuốn tôi vào công việc làm phim là vì vậy. Nếu phim Bệnh nhân người Anh nói về sự phản bội, thì Cold mountain kể về sự tương thân, tương ái. Tôi đã nhìn thấy biết bao điều thiện. Và rất nhiều cái ác, điều mà không bao giờ tôi có thể chấp nhận được. Vì thế tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: cái gì đã khiến nhân loại có những hành động xấu xa. Chúng ta phải sống như thế nào cho phải đạo? Tôi muốn làm sáng tỏ điều này.


Anthony Minghella (1954), đạo diễn Anh, nổi tiếng với những tác phẩm như The English Patient (1996, 9 Oscars), The Talented Mr. Ripley (1999, giải đạo diễn National Board of Review)..., và gần đây nhất: Cold Mountain (2003, 1 Oscar)

© 2005 talawas


*Ám chỉ đồng đô la Mỹ.

**Tên tiếng Anh: The English Patient (1996) dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Michael Ondaatje. Các diễn viên chính: Ralph Fiennes, William Dafoe, Kristin Scott Thomas, Naveen Andrews, Jürgen Prochnow, Juliette Binoche. Phim đoạt 9 giải Oscar, trong đó có thể loại phim hay nhất.

***Phim được dựng vào năm 1999. Các diễn viên chính: Matt Damon, Gwyneth Paltrow, Jude Law, Cate Blanchett. Phim được đề cử tranh giải Oscar ở năm thể loại.

****Phim mới nhất của Anthony Minghella, được quay vào năm 2003. Các diễn viên chính: Jude Law, Nicole Kidman, Renee Zellweger, Donald Sutherland, Brendan Gleeson, Philip Seymour Hoffman, Giovanni Ribisi, Natalie Portman, Kathy Baker. Trong bảy thể loại đề cử tranh giải Oscar thì chỉ Renee Zellweger đạt được ở thể loại vai nữ phụ hay nhất.

Nguồn: Cinema (Hungary), số tháng 3.2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét