Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Những ngọn nến cháy tàn(1)

Khoảng 2005, mình bắt đầu dịch cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Márai Sándor. Dịch xong được khoảng 5, 7 chương thì mình bỏ giở, vì công việc ở AsiaCenter. Ngày hôm qua, trong lúc lục tìm những tài liệu cũ, mình gặp lại bản thảo bản dịch. Đọc lại, thấy hay quá, rồi tự khen, hồi ấy sao mình "giỏi giang" thế! Và thế là hứng chí lên, bụng bảo dạ, phải post lên đây làm bằng chứng:


NHỮNG NGỌN NẾN CHÁY TÀN

Márai Sándor

1.

Cả buổi sáng, Đại tướng lụi cụi dưới hầm rượu của xưởng ép nho. Từ lúc trời còn tờ mờ, ông đã cùng người thợ vườn ra ruộng nho vì có hai thùng nho vừa lên men. Bây giờ, hơn mười một giờ trưa, đóng xong rượu vào chai, ông trở về lâu đài. Người thợ săn đang đứng chờ ông trong bóng râm của dãy cột hành lang. Mùi ẩm nồng của các bức tường đá lâu năm bốc lên dọc lối đi. Khi Đại tướng đến gần, người thợ săn trao cho ông một lá thư.

– Có chuyện gì vậy? – Đại tướng dừng lại hỏi với vẻ hơi phật ý.

Một tay ông hất chiếc mũ rơm ra sau lưng. Cái vành mũ rộng che khuất gương mặt đỏ gay vì nắng của ông. Đã nhiều năm rồi, Đại tướng không bóc những lá thư. Ông cũng chẳng buồn đọc chúng. Viên quản gia thường làm công việc này trong thư viện của lâu đài.

– Thưa ông, bưu chính mang đến ạ! – Người thợ săn trả lời trong tư thế đứng nghiêm.

Đại tướng nhận ra nét chữ trên phong bì. Ông cầm lá thư rồi bỏ ngay vào túi quần. Ông bước vào đại sảnh, không khí ở đây mát lạnh. Ông lặng lẽ đưa mũ rơm và gậy cho người thợ săn. Đại tướng lấy cái kính lão trong chiếc hộp đựng - ra. Ông vừa đeo kính, vừa đi đến gần cửa sổ. Ông chăm chú đọc lá thư trong ánh sáng nhờ nhờ phát ra từ các khe rèm hé mở một nửa của cửa sổ.

– Nghe đây đã! – ông chợt cất tiếng ra lệnh về phía sau vai mình với người thợ săn. Anh ta đang chuẩn bị đi ra ngoài, tay cầm chiếc mũ rơm và cây gậy.

Đại tướng vò lá thư vào túi.

– Anh bảo Kálmán chuẩn bị xe ngựa cho tôi lúc sáu giờ. Nhớ đóng mui xe, vì sẽ mưa đấy. Phải sửa soạn như đi dạ hội! Anh cũng vậy! – Đại tướng đột nhiên gằn giọng, như thể ông đang giận dữ. – Tất cả phải trang trọng vào! Các anh cọ rửa xe và ngựa ngay bây giờ đi. Rồi khi đi phải vận lễ phục, rõ không! Anh phải ngồi cạnh Kálmán!

– Vâng, tôi nghe rõ, thưa ông. – người thợ săn trả lời và nhìn chăm chú người chủ của mình: – Vâng, đúng sáu giờ ạ.

– Sáu rưỡi các anh khởi hành là vừa. – Đại tướng nói, môi ông mấp máy không phát ra tiếng, tựa hồ ông đang nhẩm đếm. – Các anh đến khách sạn Đại bàng Trắng. Chỉ cần nói là tôi cử đến đón ngài Đại úy. Anh nhắc lại xem nào!

Người thợ săn lặp lại lời Đại tướng. Lúc này – dường như muốn nói thêm điều gì – Đại tướng giơ tay lên cao và ngước mắt nhìn trần nhà. Nhưng ông không nói gì. Ông rảo bước lên tầng trên. Người thợ săn vẫn đứng nghiêm, con mắt ráo hoảnh của anh ta dõi theo Đại tướng cho đến khi đôi vai rộng của ông khuất hẳn sau tay vịn trạm trổ bằng đá của cầu thang.

Đại tướng đi vào phòng của mình. Ông rửa tay, rồi bước đến cái kệ gỗ đặt ở giữa phòng. Cái kệ gỗ được bọc một lớp dạ màu lục loang lổ nhiều vết mực xanh thẫm. Vài quyển sổ, loại học sinh thường dùng, có bìa bằng vải kẻ ka-rô tráng lớp sáp mỏng, nằm ngay ngắn bên cạnh hai ba cây bút và một lọ mực. Căn phòng cũng thiếu ánh sáng như gian đại sảnh. Đại tướng bật chiếc đèn có cái chụp cũng màu lục nằm ở giữa bàn. Phía sau tấm rèm gỗ của cửa sổ, mùa hè đang cố phả nốt cơn bực bội cuối cùng của mình xuống khu vườn khô khốc đầy mùi lá và nhựa cây, như một kẻ điên khùng trong cơn thịnh nộ cuồng phong của hắn, đốt cháy tất cả bờ dậu hàng rào trước khi bỏ đi. Đại tướng đặt lá thư lên bàn. Ông thận trọng vuốt phẳng mặt giấy. Một lần nữa, dưới ánh sáng rực của ngọn đèn bàn, ông đọc lại những dòng chữ mảnh khảnh như xương cá của lá thư. Ông vòng hai tay mình ra sau lưng và nắm chặt lại. Trong tư thế ấy, ông đọc lá thư.

Đại tướng ngước nhìn tấm lịch treo tường có những con số to bằng khuỷu tay. Mười bốn tháng Tám. Đại tướng ngẩng đầu lên trần và nhẩm đếm. Mười bốn tháng Tám, mùng hai tháng Bảy. Ông tính khoảng cách giữa ngày hôm nay với một ngày xa xưa. Bốn mươi mốt năm, cuối cùng ông lẩm bẩm thành tiếng. Rồi lớn giọng nói vài câu vô nghĩa. Bốn mươi năm, ông lại thốt lên thảng thốt, và ngẩng đầu ra sau, hơi nhắm đôi mắt giờ đã ngưng lệ. Mặt ông bất chợt ửng đỏ như một học sinh đang gặp phải bài toán khó. Mùng hai tháng bảy năm một nghìn tám trăm chín mươi chín, ngày ấy là ngày diễn ra cuộc đi săn, ông lại rên khe khẽ. Sau đó, sự im lặng bao trùm lên khắp gian phòng. Đại tướng tư lự chống tay lên mặt bàn. Rồi như một đứa trẻ đang cố học thuộc lòng bài học, ông vô cảm nhìn những dòng chữ viết tay trong lá thư. Bốn mươi mốt năm. Cộng bốn mươi ba ngày. Ừ, đã bấy nhiêu thời gian rồi ư! – cuối cùng ông hộc lên.

Và như thể đã bình tâm lại đôi chút, Đại tướng bắt đầu dạo quanh gian phòng. Trần nhà được cấu trúc bằng các thanh xà ngang bê-tông hình vòng cung. Một cây cột trụ ở chính giữa, để đỡ các thanh xà ngang. Trước đây, một bức tường ngăn đôi khu này thành hai phòng riêng biệt, phòng ngủ và phòng thay đồ. Nhiều năm về trước, Đại tướng ra lệnh cho thợ xây phá vỡ bức tường ngăn, chỉ giữ lại cây cột trụ chính ở giữa phòng. Bây giờ, ông chỉ nghĩ đến những thập kỷ, không nghĩ đến con số chính xác, như thể con số chính xác sẽ gợi lại điều cần phải quên. Ngôi nhà cũ trước đây trên nền móng hiện nay, khởi thủy là của một thương gia quân nhu. Trong thời chiến, ông ta chuyên bán lúa yến mạch cho kỵ binh Áo. Sau cuộc chiến, thương gia quân nhu này được phong tước công hầu. Tòa lâu đài được xây lên từ đấy. Đại tướng chào đời chính tại gian phòng này. Khoảng thời gian đó, gian phòng của thân mẫu Đại tướng là nơi có các cửa sổ nhìn ra khu vườn và dãy nhà kho. Nó ở vị trí phía trong nên ít ánh sáng. Còn căn phòng bên ngoài sáng thoáng hơn là nơi dùng để thay trang phục. Vài thập kỷ trước, Đại tướng chuyển đến tòa nhà này để ở hẳn tại đấy, và sau khi người ta phá bức tường ngăn để xây toàn bộ tầng trên thành một gian, căn phòng trở nên thoáng rộng hơn nhưng hơi tối. Đi từ cửa ra vào đến giường, đúng mười bảy bước chân. Còn từ bức tường phía khu vườn ra đến ban-công thì mười tám bước. Đã rất nhiều lần, Đại tướng nhẩm đếm các khoảng cách đó. Ông biết chúng một cách chính xác.

Ông sống nhiều năm trong căn phòng này, như người mang một căn bệnh mãn tính, quá quen thuộc tất cả thể trạng của căn bệnh ấy. Căn phòng này như thể được xây lên cho riêng ông. Nhiều mùa lá rụng trôi đi, nhưng ông không chuyển sang dãy nhà bên kia của lâu đài, nơi có đủ các bộ xa-lông màu lục, màu chàm và màu hồng, cùng những bộ đèn chùm mạ vàng sáng loáng. Khu nhà này là nơi có các cửa sổ nhìn ra công viên và hàng cây hạt dẻ. Mùa xuân, cành lá hạt dẻ đâm chen qua những chấn song của ban-công để đón nắng. Giữa hai khu nhà, hàng cây hạt dẻ rung rinh rừng nhụy hoa hồng tươi, xen lẫn mầm lá cây xanh thẫm, như mời chào điều gì đó với đám người đón nắng sau hàng chấn song bằng đá tạc hình những thiên thần bụ bẫm trên ban-công. Dù đi bất cứ đâu, ra hầm rượu hay vào rừng, hoặc đến con suối có cá hương ngư, vào mọi buổi sáng, kể cả mùa đông và mùa tiết trời đổ mưa, khi trở về, ông cũng đi qua đại sảnh, lên phòng mình và ăn uống ở đây.

– Thế là cậu ta đã quay lại – giọng ông vang lên giữa gian phòng – Bốn mươi mốt năm, bốn mươi ba ngày.

Rồi, tựa hồ bị đuối sức khi nói những lời này, hoặc như thể đến bây giờ mới hiểu được khoảng thời gian bốn mươi mốt năm bốn mươi ba ngày dài lâu như thế nào, người ông hơi lảo đảo. Đại tướng ngồi xuống chiếc ghế bành đã sờn da ở hai bên tay tỳ. Ông nhấc chiếc chuông nhỏ bằng bạc và rung nhẹ.

– Gọi Nini lên đây ngay! – Ông nói cho người hầu. Sau đó, Đại tướng nhận ra là mình hơi nặng lời, ông hạ giọng lịch sự: – À, tôi cần bà ấy mà.

Đại tướng ngồi bất động, cái chuông bạc nằm trong tay, cho đến khi Nini bước vào phòng. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét