Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Rũ bùn đứng dậy... thối ình!

Hóa ra cái "mái trường XHCN" là được "ra đời" từ túp lều làm lớp học trên mỏm đồi Trụy - mà người ta sau này gọi là "trường học đồi Trụy" - của cụ Hồ Đồ làng Nhàng mình! Đó là cụ Hồ Đồ "bảo" mình như vậy, hehe! Sao lại có chuyện lạ rứa!? Tưởng cụ Hồ Đồ ngỏm củ tỏi từ lâu rồi!? Ngỏm rồi làm sao mà "bảo" được!? Ấy, ấy, ấy, khoan đã nào, để mình giải thích, chuyện cụ Hồ Đồ "bảo" mình là có đấy, thật "một chăm phần chăm", các cụ như cụ Hồ Đồ và cụ Giang Hồ ở nước Việt ta, là "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" đấy, đành rằng các cụ ấy đã được "lăng-xê" (viết tắt của "dịch thân xác vào lăng") theo các "Mác", các "Lê" gì đấy về "chín suối" từ lâu rồi, nhưng "tư tưởng" của các cụ vẫn "lởn vởn" ở... làng Nhàng, làng Sen của chúng ta! Hay, nói theo ngôn ngữ "thị trường định hướng XHCN" ngày nay là, ở mọi cái "(tư) bản làng" Việt Nam ta! Kiểu như "thân xác ở trong lăng, tinh thần ở ngoài lăng" ý, hihi! Mà quả đúng như vậy, các bạn cứ nhìn cái "mặt tiền" của đồng "tiền mặt" nước Việt ta mà xem, có "tráo đi trở lại", cũng chỉ thấy toàn là "tư tưởng vĩ đại" của các cụ Hồ mà thôi!...

Nhưng việc các cụ Hồ "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" thì có liên quan gì đến cái "mái trường XHCN" và cái "trường học đồi Trụy" cơ chứ?...

Ấy vậy mà có đấy các bạn ạ! Mọi chuyện là có liên quan với nhau đấy! Có cái gì ở trên đời này lại không liên quan với nhau, phải không các bạn?! Hehe!

Chả là hôm trước mình có "email" một bài viết của nhà văn Nguyễn Hưng Quốc cho "tư tưởng" của cụ Hồ Đồ làng Nhàng mình, đọc xong, "tư tưởng" cụ Hồ Đồ mới "email" lại cho mình một bức thư đầy tâm huyết như thế này:

" Để hiểu được "bản chất" của một chế độ, chúng ta phải xem xét cái "nền móng" của nó. Mà cái "nền móng" của chế độ, chính là "trường học"! Ở cái "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ta, "nền móng" chính là "mái trường xã hội chủ nghĩa" đấy. Ta nhớ mãi cái câu nói bất hủ của một cụ trong "ba ông kia kìa", là: "học, học nữa, học mãi", mà muốn được "học, học nữa, học mãi", thì phải có "dạy, dạy nữa, dạy mãi" chứ, "không thầy đố mày làm nên" mà lị! Thế cho nên ta mới cơi nới cái túp lều trên đồi Trụy rộng ra thành "mái trường xã hội chủ nghĩa" và nhận thêm rất nhiều đứa trẻ, - gọi là "ấu trĩ thơ" -, vào để dạy. Ta gọi những đứa học trò của ta là "ấu trĩ thơ" là bởi vì chúng lúc đầu vào học là còn nhỏ (ấu) và bị bệnh trĩ, nhưng qua một quá trình phấn đấu, sẽ được ta "nhào nặn" thành "những nhà thơ thẩn suốt ngày trên con đê Tiện".

con biết không, cái túp lều "trường học đồi Trụy" ngày ấy của làng Nhàng mình, hay cái "mái trường xã hội chủ nghĩa" của chúng ta ngày nay, đã đạt được những thành tựu "không thể nào ngờ nổi"! Nhưng để ta kể chuyện này cho con nghe trước đã!

Số là phương châm dạy dỗ của ta là, học xong thì ra đi làm, mà làm là "làm cách mạng" cơ, chứ không phải những việc làng Nhàng mình đâu đấy! Và con biết không, ngay lứa đầu tiên, ta có một đứa học trò khá giỏi giang, tên là Đình Thi, bí danh "làm cách mạng" của nó là "Ba Đình" (những đứa theo ta vào học ở "trường học đồi Trụy" xong đi ra "làm cách mạng" đa số là lấy bí danh bắt đầu bằng "Ba", kiểu như trước đây cụ Giang Hồ làng Sen đã lấy tên "Văn Ba", hoặc hồi sau này có "Ba Duẩn", hay bây giờ có "ba Dũng" ý!), từ khi được ta dạy rằng, việc "làm cách mạng" ở làng Nhàng ta, chung qui lại là nó có ba giai đoạn, đầu tiên là "làm cứt trâu"
, sau đó tiến hành khâu "cứt trâu để lâu hóa bùn", và cuối cùng là... "rũ bùn". Mà đã là "bùn", thì "bùn" nó... hôi tanh mùi bùn", thằng "Ba Đình" ý thức được điều đó, nó quyết chí "rũ bùn đứng dậy" để... "sáng lòa". Hồi đó, ta đã "bảo" nó rằng không nên "sáng lòa", vì "sáng lòa" và "mù lòa" chẳng khác gì nhau, nếu "lòa" thì còn "thấy" cái gì nữa, chỉ cần "sạch bùn", không "hôi tanh mùi bùn" là được. Và vì có tư chất giỏi giang, nên thằng "Ba Đình" đã nghe theo lời ta dạy, nó đã đổi cái chí hướng "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" ra, hình như là, "trở thành những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng" thì phải, ta không biết rõ lắm...

Dĩ nhiên con sẽ hỏi ta, điều ta dạy nó là "rũ bùn đứng dậy" để "sạch bùn", "không hôi tanh mùi bùn" cơ mà, sao thằng "Ba Đình" lại đổi thành "
trở thành những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng"? Tất nhiên là thằng "Ba Đình" nó phải "nói và làm" khác ta chứ, nó là "thiên tài", là "sáng tạo" mà lị! Thôi, kệ nó, ta đã chép miệng nghĩ thế, khôn sống mống chết, mặc nó...

Ta kể "chuyện thằng "Ba Đình"" dài dòng trong thư này như vậy cho con, là cũng có ngụ ý muốn con hiểu "bản chất" của cái chế độ "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hiện giờ của các con là nó như thế nào. Những điều nhà văn Nguyễn Hưng Quốc viết là đúng đấy, "thời gian vừa qua, có hai sự kiện nổi bật và có thể được xem là tiêu biểu nhất: Thứ nhất là vụ án mua dâm tại tỉnh Hà Giang vào ngày 10 tháng 3. Thứ hai là quyết định miễn truy cứu trách nhiệm của các cán bộ cao cấp trong vụ vỡ nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin.", có nghĩa là, "hai cái vụ việc ấy", đều là "cứt trâu" như tất thảy bao "vụ việc làm cách mạng" khác trên cái "mảnh đất èo uột hình chứ S". Rồi cũng sẽ "hóa bùn" hết! Để mà... có cái mà... "rũ" chứ! Cái "trớ trêu"của sự "dạy dỗ" của ta là, những đứa học trò của "trường học đồi Trụy" của ta ngày nào, hay chính xác ra, "những đứa đốn Mạt" của "mái trường xã hội chủ nghĩa" ngày nay, không nghe ta gì cả, "chúng nó" tất tật đều đi theo thằng "Ba Đình", không "rũ" cho "sạch bùn", mà chỉ "chăm chăm" làm sao được "lấp lánh ánh sáng của đảng", ta thật khổ tâm, ừ thì "lấp lánh ánh sáng của đảng" có thể cũng "tốt" thôi, nhưng cái "mùi hôi tanh" của "cứt trâu để lâu hóa bùn" vẫn còn đó, nó vẫn "bốc" lên hàng ngày đấy thôi! Sau từng ấy năm, hơn tám mươi năm rồi chứ ít đâu, mà "chúng nó" "làm cách mạng" cũng chỉ là "rũ bùn đứng dậy... thối ình"!

Khổ tâm lắm con ạ!"

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Cuốn theo chiều... khỉ gió!

Nói đến quê hương của mình, tức là cái "làng Nhàng" của mình ý mà, thì... nhiều chuyện lắm, hehe...! Chuyện gì? Kể đi! Ừ, bình tĩnh nào, mình kể ngay thôi, nhưng cho mình "lan man" về... "quê hương" của mình một tí nhé, mình nhớ nó lắm, hihi...

Nói đến quê hương, có lẽ mỗi người Việt Nam chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ "Bài học đầu cho con" của nhà thơ Đỗ Trung Quân: Quê hương là gì hở mẹ?...Quê hương là chùm khế ngọt, Cho con trèo hái mỗi ngày...

Mình thích nhất câu này trong bài thơ tuyệt vời ấy của nhà thơ họ Đỗ: "
Quê hương là con diều biếc, Tuổi thơ con thả trên đồng."! Đó là bởi vì tuổi thơ của mình, - dĩ nhiên là cũng... "đầy bom đạn" như bao tuổi thơ của bao đứa trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh -, phần lớn trải qua ở vùng quê ngoại trung du Vĩnh Phú - nơi mình sơ tán "lánh bom giặc Mỹ", đã gắn liền với trò chơi rất dân gian là chiều chiều ra đồng thả diều...

Tất nhiên, mình không có ý định "đưa" các bạn "trở lại" với những "kỉ niệm ấu (trĩ) thơ" của mình mà làm gì! Mình viết những dòng này, chẳng qua mình chỉ muốn nói đôi ba cảm nghĩ về cái "chùm khế ngọt" của chúng ta, nhân vừa rồi đọc được những bài viết về "cánh diều bạc bẽo" gì đó trên Tiền Vệ...

Mà cái trò thả diều, nó cũng... "hay" lắm cơ các bạn ạ! Ngày xưa, mình nghe nói, thả diều hình như là một lễ hội... cầu tạnh của nông dân thì phải?! Tức là, thả diều để cầu "mưa thuận gió hòa" cho sản xuất nông nghiệp, là "trò" của "người nhớn", sau dần, biến thành trò chơi của trẻ con, hay, nói như "nhân vật lịch sử nhớn" là Hồ Chí Minh, là thả diều là... "việc nhỏ" của "tuổi nhỏ", hehe...

Vậy thì cái "việc nhỏ" ấy nó như thế nào? Ý mình muốn hỏi là thả diều có dễ không? Cần những gì? v.v... Theo những gì mình biết, thì điều cần thiết trước hết cho cái "việc nhỏ" thả diều là... gió! Vâng, gió, chính nó! Hehe... Kiểu như có thể "phát biểu" như thế này: Trong việc thả diều, không có gió, đố mày... thả diều! Hehe...

Tất nhiên là có nhiều loại gió! Chẳng hạn như loại "gió thoảng trên quê hương" này, mình rất thích, nhưng không muốn nhắc đến ở đây! Mà mình muốn nói đến một loại gió khác cơ! Đó là loại... "khỉ gió", hehe...! Cái loại "khỉ gió" này, mình không biết chắc chắn lắm, nhưng có thể, là nó đã "thổi" trên mảnh đất Việt Nam khi cái "nhân vật lịch sử nhớn" là Hồ Chí Minh "luộc" bài thơ "Ngục trung nhật ký" của ai đó người Trung Quốc làm của mình, hì, hì, rồi tiếp tục "thổi" khắp ba miền Bắc - Trung - Nam khi bài thơ "Hỏi" của Hữu Thỉnh ra đời...

Về cái "khỉ gió", hay, nói "trắng trợn" ra là về "phong trào đạo văn, đạo ý tưởng" ở Việt Nam ta, thì nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt có viết một câu mà mình cứ "tấm tắc" mãi, đó là: "
Bần cùng văn hoá thì sinh ra đạo tặc văn hoá."!

Mình cứ "tự hỏi" như thế này: Chẳng lẽ hình ảnh "cánh diều" - là "quê hương" - đã bị "bóp méo" thành "cánh diều bạc bẽo" - là "bần cùng văn hóa" -, rồi ư?! Chẳng lẽ trên quê hương ta, nếu ai không "ăn cắp", không "đạo văn", sẽ "không lớn nổi thành người" ư?!

Nhưng thực tế lại cho mình thấy rằng, từ lớp "những nhân vật lịch sử nhớn", cho đến lớp những "trùm sò", rồi gần đây là "một nhân vật sinh năm 1984" của lớp "đạo diễn sinh sau đẻ muộn" chẳng hạn, đều bị "cuốn theo chiều... khỉ gió" ấy! Tất thảy!

Ngao ngán thay "con diều bạc" Việt Nam!


Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Ăn "quả đấm thép" nhớ... Ba Dũng!

Mình suýt buột miệng "tự chửi", Hỏi ngu bỏ mẹ, khi mình "tự hỏi" như thế này: Tại sao lại "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nhỉ? Quả gì mới được chứ? Nhớ là nhớ như thế nào? Hehe...

Nhớ khi xưa, kiểu như "khi xưa đôi ta bé ta chơi, Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi, Chơi công an đi bắt quân gian, Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! Bang!..." ý, hihi, tức là ý mình muốn nói cái thời mới "giải phóng", mình theo "ông già mình" vào Nam ở, chơi với mấy đứa nhỏ "Nam kỳ", tụi chúng nó, láo thật cơ đấy, hay trêu ghẹo mình rằng: "Bắc kỳ ăn quả cà na, ăn nhầm lựu đạn chết cha Bắc kỳ", hihi, cũng may mà mình chẳng "ăn nhầm" bao giờ, chứ không, chẳng những "chết cha", mà còn chết... cả mình nữa cũng nên! Số mình may thế, hehe...

Tất nhiên là mình cũng "mang máng" cái ý nghĩa của câu tục ngữ khuyên răn "đạo lý ở đời" trên, câu "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" ấy mà! Nhưng tuy vậy, mình vẫn... "lăn tăn" mãi cái câu chuyện về "đạo lý ở đời" của Việt Nam ta...

Số là hôm rầy, mình có đọc được một lời tâm huyết của bác Phùng Tường Vân trên Tiền Vệ, đó là "Trông người lại ngẫm đến ta, một dân tộc bị nhào nặn trong bấy nhiêu năm trong tay một tập đoàn thống trị cực kỳ vô liêm sỉ thì cái đất nước này nó sẽ ra sao nhỉ?".

Mình nói là mình ""lăn tăn" mãi cái câu chuyện về "đạo lý ở đời" của Việt Nam ta", chứ thực ra, là mình cứ nghĩ hoài nghĩ riết về cái từ "nhào nặn" mà bác PTV đã dùng trong bài viết của mình...

Mình nhớ có một câu chuyện như thế này ở cái "làng" của mình. Dĩ nhiên, tin câu chuyện này hay không là "chuyện của các bạn", "chuyện mình kể thì mình cứ kể", nhá, hehe...

Hồi ấy, "Thưở trời đất nổi cơn gió bụi" ý, ở cái làng Nhàng của mình, có một cụ già làm nghề gõ đầu trẻ tên là Hồ, người ta gọi là cụ Hồ Đồ, để phân biệt với một cụ già khác ở làng Sen bên cạnh làng mình cũng tên là Hồ, nhưng làm nghề trồng giang nuôi mây, có biệt danh là Giang Hồ.

Cụ Hồ Đồ làng mình cắm một túp lều trên mỏm đồi Trụy giữa làng Nhàng làm trường học cho bọn trẻ. Làng Nhàng của mình bị chia đôi bởi một con sông nước quanh năm chảy lững lờ. Muốn đến được túp lều của cụ Hồ Đồ, bọn trẻ phải băng qua một quãng đường của con đê Tiện. Con đê này có tên là Tiện, bởi vì bọn trẻ đi học, hay ỉa bậy dọc bờ đê, cho... tiện, chúng bảo thế!

Tất nhiên là mình không có ý định "đi sâu" vào cái chuyện dạy dỗ của cụ Hồ Đồ ở làng Nhàng của mình, tức là phương pháp giáo dục của cụ như thế nào?, dạy được bao "thằng" nên "người"?..., bởi vì, như có lần cụ bảo, dạy thì cứ dạy, thằng nào thành người thì cứ thành người, thằng nào không muốn thành người thì cứ không muốn thành người, tùy, "khôn sống mống chết"! Đấy, nguyên văn cụ nói như thế đấy! Nhưng có một câu chuyện cụ Hồ Đồ kể mà mình cứ nhớ mãi, kiểu như "có một câu chuyện không thể nào quên" ý, hihi...

Truyện kể rằng, có một thời người ta lặn lội sang tận xứ Tàu xa xôi để kiếm đem về trồng ở làng Nhàng những hạt của một giống cây quí hiếm, có tên là "Mạt Hạt", loại cây này cho ra "quả Cách mạng" rất ngon, có thể đem lại "cơm no áo ấm cho mọi người" và "ai cũng được học hành". Công việc tìm kiếm cuối cùng cũng đem lại kết quả, nhưng mất khá nhiều ngày, bởi vì người ta muốn kiếm được những hạt "Mạt hạng nhất" cơ. Và, khi đã cầm chắc trong tay rồi những hạt "Mạt hạng nhất" đó, người ta bắt đầu nhanh chóng trồng chúng để hòng thu hoạch được cái "lợi ích trăm năm" trong việc trồng trọt này, trăm năm là dài lắm, phải "tiến (hành) nhanh" mới "kịp", mà không những phải "tiến (hành) nhanh", phải "tiến (hành) mạnh", rồi "tiến (hành) vững chắc" mới được, cụ Hồ Đồ kể lại với một giọng rất hào hứng như vậy.

Thấm thoát năm tháng trôi qua, nhưng vẫn chưa đến "trăm năm", chỉ khoảng đâu vài năm chi đó, tức là nụ hoa của rừng cây "Mạt hạng nhất" chưa đủ thời gian để thành "quả Cách mạng" chín muồi, hay nói "toạc móng heo" là vẫn chưa "thu hoạch" được cái loại "quả Cách mạng" của cây "Mạt hạng nhất" đó, cụ Hồ Đồ vung tay phát vào không khí, giải thích.

Nhưng nạn đói đang hoành hành, cụ Hồ Đồ say sưa kể tiếp, đến nỗi người ta còn truyền tai nhau về một cái nạn khác nữa, đó là nạn "thực dân", tức là "ăn dân" gì đấy của những kẻ đến từ "đế quốc Sài lang". Thế là, mọi người lúc đấy, không chờ tới "trăm năm" nữa, hừng hực lên đường đi "thu hoạch" cái giống cây "Mạt hạng nhất" mất công vun trồng được vài năm ấy... Kể đến đây, cụ Hồ Đồ dừng lại, trên môi nở một nụ cười tủm tỉm rất bí hiểm. Rồi cụ nói tiếp, nhưng việc "thu hoạch Mạt hạng nhất" ấy đã không dễ chút nào, người ta không chặt đứt được những cành trĩu "quả cách mạng" trong rừng "Mạt hạng nhất" bạt ngàn. Thế là công việc "thu hoạch" phải dừng, mọi người túm tụm lại bàn nhau. May là có một người mặt mũi sáng sủa đã sáng ý lên, bảo rằng hãy đến hỏi cụ Giang Hồ ở làng Sen, giang mây là thứ cây dai khó chặt đứt, vậy mà cụ Giang Hồ vẫn có cách chặt đứt được, người mặt mũi sáng sủa giải thích sáng kiến của mình. Nghe có vẻ có lý, mọi người vỗ vai nhau vui mừng, đúng rồi, ta đi đến cụ Giang Hồ đi...

Thế là mọi người kéo nhau sang làng Sen bên cạnh để đến nhà cụ Giang Hồ hỏi ý kiến. Đến nơi, mọi người mới biết là cụ Giang Hồ đã bỏ làng Sen đi lâu rồi, công việc trồng giang nuôi mây không đủ ăn, nghe đâu cụ theo tàu viễn dương sang tận Pháp Phủng gì đó kiếm sống, rồi cũng chẳng ăn thua gì, cụ phải quay trở lại quê hương bằng đường qua xứ Tàu, ở đó hình như cụ bị người Tàu bắt giam vì tội gì đó thì phải, phạm tội người ta mới bắt giam chứ, không đâu người ta lại bắt giam mình à, cụ Hồ Đồ nhấn mạnh tình tiết câu chuyện ở đây như thế.

Thế bây giờ biết tìm cụ Giang Hồ ở đâu? Mọi người đồng loạt "ồ" lên hỏi. Lúc đó, người mặt mũi sáng sủa mới thốt lên: Thôi chết rồi, vậy mà tôi không nhớ ra, chả là hôm trước có người bảo là sau khi được người Tàu tha bổng, cụ Giang Hồ về lại trong nước, hiện đang ở hang Pắc Pó, suốt ngày sáng cụ ra bờ suối tối cụ vào hang, đó là bởi vì cụ Giang Hồ làm một cái nghề mới, là "dịch sử đảng", nghe nói có thể kiếm được nhiều tiền hơn nghề "trồng giang nuôi mây" cũ của cụ...

Thế là mọi người lại kéo nhau lên hang Pắc Pó. Ở đấy, mọi người được cụ Giang Hồ chỉ cách "thu hoạch" những "thành quả cách mạng" như thế nào là tốt nhất. Cụ bảo rằng, Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu thua cây "Mạt hạng nhất", nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người làng Nhàng thì phải đứng lên chặt cây "Mạt hạng nhất" để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Không có cuốc, thuổng, gậy gộc thì dùng mác, lê. Ai cũng phải ra sức chặt "Mạt hạng nhất" cứu nước...

Kể đến đây, cụ Hồ Đồ dừng lại, cụ nhấp một ngụm trà, chép chép miệng, rồi nói tiếp. Và nhờ vào việc chặt thành công những cây "Mạt hạng nhất" ấy mà nạn đói khủng khiếp năm 45 qua đi, tuy khá nhiều người đã bỏ mạng vì không kịp ăn "quả cách mạng". Và sau này, để ghi ơn cụ Giang Hồ và những người theo lời khuyên của cụ đã chặt thành công cây "Mạt hạng nhất", người ta viết một khẩu hiệu rõ to đặt ở trên con đê Tiện của làng Nhàng như thế này: Đời đời nhớ ơn cụ Giang Hồ và những người đốn Mạt của cụ!

Câu chuyện của cụ Hồ Đồ làng mình đến đây là hết, mình chỉ nghe người ta kể lại có thế, hehe! Mới đây, mình nghe đâu là có một người tên là Ba Dũng, cũng thuộc lớp "những người đốn Mạt" của cụ Giang Hồ ngày nào, nhưng đã được "nhào nặn" bài bản hơn, người này đã cho dân làng Nhàng của mình "ăn" một "quả" mới, đó là "quả đấm thép", dân làng Nhàng mình "biết ơn" lắm, họ "kháo nhau" câu tục ngữ thời "hiện thực xã hội chủ nghĩa" suốt ngày như thế này: Ăn "quả đấm thép" nhớ... Ba Dũng!

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Trại súc vật... lý!

Mình rất thích đọc truyện ngụ ngôn, những câu chuyện lí thú (tính) về những con vật dễ thương như... con người chúng ta, hehe... Nhưng đấy là mình nói về những truyện ngụ ngôn của thời xa xưa, "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi", hihi! Thế còn những truyện ngụ ngôn "thời nay" thì sao? Thì mình cũng... thích chứ sao! Đây nhá, mình xin "trình bày" lần lượt như sau:

Hôm qua mình đọc được "câu chuyện ngụ ngôn" của anh Viện rất hay, câu chuyện về "con bò và tôi". Mình liên tưởng đến hình ảnh Chúa cứu thế đang vác cây thánh giá lê bước lên đồi Golgotha ngày nào. Tất nhiên là mình không hiểu hết được những "ẩn dụ" của anh ấy trong "truyện ngụ ngôn con bò" này, nhưng hình ảnh

"Lần thứ nhất, mẹ tôi nâng tôi dậy và bảo: “Mẹ sẽ không bao giờ để mất con”.

Lần thứ hai, một cô gái nâng tôi dậy và bảo: “Em sẽ luôn luôn bên anh”..."

cứ "ám ảnh" mình mãi! Trong "câu chuyện", có ba nhân vật "cái", đó là "Mẹ", "Em" và "con bò đã mang sữa cho tôi", là những biểu tượng về tình thương. Người ta thì thường nói, "ngu như bò", mình mới nghĩ là tại sao chúng ta không nói là, "thương như... bò" nhỉ? Cái hình ảnh

"...Lúc ấy, có một con bò đã mang sữa cho tôi và nó nói: “Đây là sữa của tôi. Ông đừng ngại”.

Sau khi đã no, tôi đủ sức leo lên lưng bò và cùng nó băng qua phía bên kia của đồi thương khó."

thật đẹp và đầy... sức thuyết phục! Mình nhớ hồi nhỏ, mình đã được uống những li sữa bò thơm ngon, phải nói là... tươi ngọt như sữa mẹ! Bây giờ nghĩ lại, mình cảm thấy hơi... xấu hổ, bởi vì hồi đó, chẳng bao giờ mình có được suy nghĩ là: phải biết ơn con bò một chút chứ, mình lớn lên, một phần cũng là do được uống dòng sữa tươi ngọt của "nó"...

Đấy là về tình thương, thế còn về "lòng ác độc" thì sao? Thì... “Cho mày chết” chứ sao! hehe... Tức là ý mình muốn nói đến cái hình ảnh này trong "truyện ngụ ngôn" của anh Viện:

"...Lần thứ ba, một người đi đường đã đạp lên thân tôi một đạp và bảo: “Cho mày chết”..."

Mình nghĩ, cái nhân vật "một người đi đường đã đạp lên thân tôi một đạp" chắc chắn là "đàn ông", chắc chắn thế, chỉ có "đàn ông" mới "đạp lên thân tôi một đạp" thôi, loài "cái" không biết "đạp", kiểu như "gà sống đạp gà mái" ý, hihi, tất nhiên, ở đây, cái "đạp" của "một người đi đường" khác xa và... "dã man" hơn cái "đạp" của con gà sống, chẳng hạn! Cái "đạp" của con gà sống, thì cho ra một quả trứng nở ra một "mầm sống", hay sự sống, còn cái đạp của "một người đi đường" thì... "Cho mày chết"! Đấy là sự khác nhau?!

Tất nhiên là "dụng ý" của mình khi viết những dòng này, không phải là mình muốn "bàn loạn" về "truyện ngụ ngôn" của anh Viện, mà mình muốn nói chuyện khác kia, "truyện ngụ ngôn thời nay" của Việt Nam ta kia, hehe!

Chả là mấy hôm nay mình theo rõi tin tức nước Nhật bị thiên tai động đất rất nặng, nhiều người bị chết, nhà cửa đường phố bị sóng thần tàn phá tan hoang... Mình thật cảm động khi đọc được trên Tiền Vệ những bức thư nói về tinh thần của dân tộc Nhật Bản trong hoạn nạn, một dân tộc thật đáng kính phục trong cái thế giới đầy "nhiễu nhương" ngày nay của chúng ta...

Thế rồi hôm qua, mình đọc được bài viết này của Nguyễn Phú Ông, cũng trên Tiền Vệ. Mình mới liên tưởng đến "câu chuyện ngụ ngôn" Trại súc vật của George Orwell...

Nhớ hồi xưa, người ta cũng đã "ra rả" suốt ngày là, "Chủ nghĩa xã hội là thiên đàng của giai cấp công nhân", là "phải tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội", v.v... mặc dù chưa biết "mặt mũi nó ra làm sao", hay nói như độc giả Nguyễn Phú Ông là, ...cái Chủ nghĩa xã hội "chưa xây" ấy... "sẽ là thiên đường" thôi! Tất nhiên, việc "đáng giá" xem là cái "chủ nghĩa xã hội" mà Việt Nam ta "đang phấn đấu tiến tới" ấy có phải là "thiên đường" hay không, không có gì khó khăn cả, dễ ợt ấy mà! hehe...

Điều mình muốn nói ở đây là cái sự... "trớ trêu" của cái "thiên đường cộng hòa xã hội chủ nghĩa" ấy! Cái "sự trớ trêu" ấy là như thế này: Ở Việt Nam ta, dường như người ta chỉ "to mồm" quan tâm "thuần túy" đến lý thuyết thì phải, nào là "ra ngõ gặp anh hùng", "đỉnh cao chói lọi", rồi thì "chánh nghĩa sáng ngời", hay cụ thể là phát biểu của một nhà "vật lý học" là "Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ an toàn hơn" v.v... nhưng cái thực tế đất nước tiêu điều, xã hội suy thoái, đạo đức con người xuống cấp "sờ sờ" ra đấy thì lại "dấu nhẹm" nó đi!...

Ở trên mình "mở bài" bằng vài lời về "truyện ngụ ngôn" của nhà thơ Nguyễn Viện, về cái sự

"chưa bao giờ biết đến những đồng cỏ bao la và những cánh rừng huyễn hoặc. Và nó chưa bao giờ biết sống một mình.

Chưa bao giờ biết hoang vu. Chưa bao giờ biết điên dại. Chưa bao giờ đâm sừng vào bóng tối"

của "con bò". Và mình cũng nói về "tình thương" của "con bò"...

"Thân bài" thì mình nói về "sự trớ trêu" của những "truyện ngụ ngôn thời nay" ở Việt Nam ta. Mà "truyện ngụ ngôn" thì chỉ có thể là câu chuyện về những con vật, hay, nếu dùng từ của nhà văn George Orwell, thì là câu chuyện về những con "súc vật"!

Để "kết luận", mình nghĩ như thế này, hình như ở Việt Nam ta hiện nay, tồn tại một cái "Trại súc vật... lý" thì phải! hihi...

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

To be... "bầy đàn" or not to be "bầy đàn"!

Mấy hôm nay trên Tiền Vệ, mình đọc được một cuộc bàn luận về hai chữ "cô đơn" và "cô độc" hay quá. Mình có cảm tưởng như thấy... talawas "sống lại", hehe...

Nói như thế, Tiền Vệ không "sống" à? Không phải! Tiền Vệ đang "sống", và đương nhiên, mình đều... "thích" như nhau hai cái trang mạng trí thức này! Vì sao...? Nhưng để mình nói trước về hai cái chữ "cô đơn" và "cô độc" cái đã, sau đó mình sẽ xin "giải (trình)" cái sự "thích" đó của mình sau, nhá!

Mình nhớ lại, có một năm nào đó, ở Hungary, trên mạng, người ta mở ra một cuộc bình chọn xem từ nào đẹp nhất trong tiếng Hung, và cuối cùng, từ "szerelem" - "tình yêu" - chiếm được đa số phiếu bầu, đâu hơn 80%. Đấy là tiếng Hungary. Thế còn tiếng Việt Nam mình thì sao? Nếu giả sử có một cuộc bình chọn tương tự, tức là từ nào trong tiếng Việt là đẹp nhất, thì cũng có thể, từ "tình yêu" sẽ chiếm được tỉ lệ số phiếu bầu nhiều như từ "szerelem" của tiếng Hung. Đấy là đối với "thiên hạ", nhưng đối với mình, thì... từ "nhưng" là đẹp nhất! Nhất là trong câu ca dao này: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn", hihi...

Nhưng từ "nhưng" với hai từ "cô đơn" và "cô độc" thì liên quan gì với nhau? Ấy, ấy, khoan, khoan! Từ từ để mình nói tiếp! Chưa chi giãy nảy lên rồi! Ngồi yên nào! Sự liên quan là có đấy!

Mình thì mình không rõ ngữ nghĩa của hai từ "cô đơn" và "cô độc" khác nhau ở điểm nào, nhưng (lại nhưng!) mình thấy, trên thế gian này, ai ai cũng... "cô đơn" và "cô độc" hết trọi! Mà quả đúng thế!

Và, tuy là cùng "cô đơn" và "cô độc" đấy, nhưng (lại nhưng!) sự "cô đơn" và "cô độc" của mỗi con người có sự khác nhau!

Trên hai câu mình vừa nói, mình đã cố tình lặp đi lặp lặp lại cái từ "nhưng", là có "dụng ý" hết cả đấy, hehe! Tức là ý mình muốn nói, mình cũng "bắt chước" các nhà văn nhà thơ thôi! Mình biết vẫn có thể diễn tả cái ý ấy bằng một từ khác, nhưng (lại nhưng!) nếu có từ "đẹp hơn", hay tốt hơn hết là "đẹp nhất", thì mình nên dùng từ đó, tội gì, hehe...

"Dẫn chứng" cho cái sự "đẹp nhất" của từ "nhưng" trong tiếng Việt ta, có thể là... hết ngày! Nhưng (lại nhưng!) mình rất muốn nêu ra đây một điều như thế này: các "nhân vật lãnh đạo" nhà ta có vẻ như cũng biết cái sự "đẹp nhất" này của từ "nhưng"?! Mình xin dẫn chứng: một "nhân vật cấp cao" đã phát biểu đại ý rằng, xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, nhưng như thế là tự sát à, hoặc như một "nhân vật cấp cao" khác, đã "khăng khăng" tuyên bố, đa nguyên đa đảng ở Việt Nam á, nhưng chưa thấy điều kiện khách quan đâu...

Thôi, bấy nhiêu về "nhưng", mình nghĩ cũng đã... đủ để chứng minh rằng nó là từ "đẹp nhất", theo mình!

Bây giờ mình xin quay lại với sự "cô đơn" và "cô độc" của mình, hehe!

Mình nghĩ, khi "Thượng Đế" sinh ra loài người chúng ta, không phải là "ổng" muốn chúng ta trở thành "bầy đàn", mà là trở thành những cá nhân "đơn độc", hay nói đầy đủ hơn, là "cô đơn" và "cô độc"! Bởi vì, nếu không như vậy, một phần, "ổng" sinh chúng ta là một loài... "động vật" nào đó tương tự các loài muông thú "bầy đàn" quách cho rồi, việc gì phải "lăn tăn"... "Adam với Eva" cho khổ đúng không?! Và, quan trọng, mình nói theo các nhà triết học, nếu không "cô đơn" và "cô độc", thì mỗi cá nhân chúng ta, suốt đời, không bao giờ trở thành... "mỗi cá nhân chúng ta" được!hehe...

Và, đây chính là "cái sự khác nhau" giữa sự "cô đơn cô độc" của từng con người chúng ta. Có nghĩa là, có những sự "cô đơn cô độc" muốn trở thành "bầy đàn", như những cái "sự cô đơn cô độc" của những nhà văn nhà thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam, những người ấy, mình thấy, họ "cô đơn cô độc" lắm chứ, có ai là "thấu hiểu" họ đâu, họ dường như là "những con cừu đang đi tìm bầy đàn", "cô đơn cô độc" thì mới "nhao nhao" xin vào "hội" chứ, để hòng mong bớt "cô đơn cô độc" chăng?! Dĩ nhiên là nghĩ như vậy, nhưng (lại nhưng!) mình không "vơ đũa cả nắm", hehe... Và, tất nhiên, có những sự "cô đơn cô độc" không màng đến "bầy đàn" của "những con người thực sự"! Suốt đời, kiểu như "Trăm năm cô đơn" ý, hihi...!

Và, cuối cùng, mình xin "giải" "thích" cái sự "thích" hai trang mạng Tiền Vệ và talawas của mình như thế này: hai trang mạng này, "họ" đều "cô đơn cô độc" như "những con người thực sự", nhưng (lại nhưng!), mình để ý thấy, "họ" không bao giờ "màng" trở thành "bầy đàn"! Đúng, không bao giờ!

Túm lại, mình nghĩ, để hiểu một con người là "cô đơn cô độc" ra làm sao, có lẽ trước hết, phải xem anh ta trả lời câu hỏi cho bản thân: "to be "bầy đàn" or not to be "bầy đàn"" như thế nào! Chắc chắn thế!hehe...

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Hỏi... ngu bỏ mẹ!

Mình cứ "tấm tắc"... cười mãi khi đọc được cái câu nói rất chi là dân dã "Hỏi ngu bỏ mẹ!" trong truyện cười... "vãi đái" của bác Phùng Tường Vân đăng trên Tiền Vệ! Đến bây giờ nghĩ lại mình vẫn không thể nhịn được, vẫn bật cười "khanh khách", hahaha...

"Dân gian" Việt mình, nhiều khi "thốt" lên được những câu "bất hủ", và, nói không "ngoa ngoắt" chút nào, có thể gọi là "ngang tầm" với những câu "chát chúa" của các nhà văn nhà thơ tài ba. Câu "hỏi ngu bỏ mẹ" này, theo mình, nó cũng có một "khí phách... ở đời" như cái câu "Nắm, nắm cái con cặc!" của nhà thơ Trần Dần. Dĩ nhiên, cái "khí phách" của "hỏi ngu bỏ mẹ", nó không mang tính "cứng đầu cứng cổ" như câu nói của cụ Trần Dần, mà nó thể hiện cái tính "hàn lâm chân chất" trong "sinh hoạt văn hóa" của... "những người dân bình thường"! Hehe...

Và thế là, để được nghe nhiều lần cái câu "Hỏi ngu bỏ mẹ" đầy "ngạo mạn" ấy, mình mới nhảy vào "làng báo Việt Nam" làm một chuỗi phỏng vấn như thế này:

Hỏi Ngu Bỏ Mẹ

Mình hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
- Hỏi ngu bỏ mẹ! Thế mày không biết là chúng tao hiền như... cục đất à?

Mình hỏi nước: Nước Tàu sống với nước Việt như thế nào?
- Hỏi ngu bỏ mẹ! Thế mày không biết chúng tao là nước lớn à, nước lớn thì nuốt nước bé.

Mình hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Hỏi ngu bỏ mẹ! Chúng tao bị cái "lưỡi bò" liếm sạch, còn đéo đâu mà làm nên những chân trời.

Mình hỏi người: - Người sống với người như thế nào?

- Hỏi ngu bỏ mẹ! Người nào sống với người nào?

Mình hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

- Hỏi ngu bỏ mẹ! Người nào sống với người nào?

Mình hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?

- Hỏi ngu bỏ mẹ! Người nào sống với người nào?

Mình hỏi đồng bào: - Tôi nọi đồng bào nghe rọ không?

- Hỏi ngu bỏ mẹ! "Trọ trẹ" như thế bố thằng nào nghe "rọ" được!

Nghe thấy thế, mình... té!

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Cái nước... bọt mình nó thế!

Thực ra mình biết đến một "nước Thơ" ở trên Tiền Vệ từ lâu rồi, nhưng loanh quanh chuyện... đời mãi nên vẫn chưa "tới" được để xem xem nó như thế nào, hehe... Rồi hôm rầy có một nhân vật tên là Đỗ Ngọc Thạch (bà con với tiến sỹ "tàu bay giấy" Đỗ Ngọc Bích chăng?) mới rêu rao lên là ở "nước nọ" có trận "châu chấu đá xe" hay lắm, thế là mình liền "khăn gói quả mướp" lên đường đến cái "nước nọ", cũng là để... "lẳng lặng mà xem chấu đá xe" ra làm sao thôi, hehe...

Mình "đến" cái "nước nọ", thì hóa ra đó là "cái nước mình nó thế" của bác Hoàng Ngọc Hiến. Mình có hơi "thất vọng" một chút, tưởng gì, chứ lại toàn những... của nợ như bác Phùng Tường Vân đã nhận xét. Những "của nợ" ấy, thì bấy lâu nay, mình lạ gì! Nhưng tuy vậy, mình vẫn cảm thấy "vui vui", hehe... Nhưng trước khi "đi vào" trận "châu chấu đá xe" ấy, mình muốn nói đôi điều về "cái nước mình nó thế" của cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến một chút.

Mình nghĩ hơi có vẻ... "xiên xẹo" một chút như thế này: cái nhà ông Hồ Chí Minh chính lại tỏ ra là một tay "thâm nho" ra phết! Đây nhá, cái nhà ông họ Hồ đã "phát kiến" ra, mà ai cũng biết, là: "vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Tức là, muốn gì thì gì, cứ phải "trồng" cái đã! Chúng ta hãy xem cái "lợi ích 80 năm - gần "trăm năm" - cầm quyền độc tài" của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà xem! Quá là "lợi ích" rồi còn gì?! Nhưng mình không muốn "đi sâu" vào cái "lợi ích 80 năm" ấy, mà chỉ muốn "tán phét" về "chuyên ngành trồng trọt" thôi! Tức là về "trồng"! Mà "trồng", thì một khâu quan trọng không thể thiếu được, đó là phải "tưới", và "tưới", không bằng... "nước", thì bằng gì hả trời?!

Mình nghe nói, ở cái "nước Thơ" mà nhà thơ của nhóm Mở Miệng là Lý Đợi đề cập, người ta rất chi là... "yêu" "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa" lắm, yêu lắm cơ! Nhất là những nhân vật hội viên của cái Hội Nhà Văn Việt Nam. Gọi là "những nhân vật hội viên" của Hội Nhà Văn Việt Nam, thì có vẻ chẳng "nho nhã" chút nào nhỉ? Hay để mình gọi là "những cây bút" cho nó "văn vẻ" một chút, và như thế, nó... hợp với động tác "trồng" và "tưới" hơn?! Ừ, thì "những cây bút" của Hội Nhà Văn Việt Nam, được chưa?!

Mình cũng nghe nói, ngày xưa, "cây bút" Nguyễn Trãi đã được "tưới" bởi "nước sông chén rượu ngọt ngào", nên mới cho ra đời tác phẩm "Bình Ngô Đại Cáo" cảm kích lòng người, vang tiếng mãi tận sau này...

Và mình cũng mường tượng ra được cái thứ "nước đái", "nước mắt" và "nước bọt", là những thứ "nước gì" trong câu thơ này của anh Viện:

"Nó đái vào những cuộc ra đi trên bến cảng đẫm nước mắt để chui vào một con ốc trên bàn nhậu đẫm nước bọt..."

Chắc là mình phải nêu ra đây câu tục ngữ này mới được: câu "Tiền nào - của ấy". Đó là bởi vì mình thấy, nếu nói "trệch trạng" thành thế này: "Cây bút hội nhà văn nào - tác phẩm ấy", thì cũng... đúng với cái tình cảnh của "cái nước mình nó thế"! Tức là, "những cây bút" mà ngày ngày bị/được "tưới" bởi cái thứ "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa", thì làm sao có thể cho ra "tác phẩm để đời", hay nói như cụ Nguyễn Du, là "mua vui cũng được một vài trống canh", được!

Ở trên mình nói là "vẫn cảm thấy vui vui", đó là vì mình đã "phì cười" khi đọc được cái câu này của nhân vật Đỗ Ngọc Thạch: Các tác giả Hội thềDị hương đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo của Hội Nhà văn - bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Có khối ra đấy mà "tinh anh và tài năng", suốt ngày "uống no nê" chỉ một thứ "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa", thì phải là "tinh vi và tài cán" mới đúng chứ lị!

Nhắc đến Nguyễn Trãi, Lê Lợi - đề tài cuốn tiểu thuyết "hội thề hội thốt" gì đó của một "cây bút" chắc chắn bị/được "tưới đẫm" cái thứ "nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa" -, tức là, nói rộng ra, chúng ta nhắc đến "lịch sử". Mà nói đến "lịch sử", thì, mình cũng "bắt chước" anh Viện, nhà thơ "Thánh ám" đã nói ở một bài thơ của anh ý như thế này:

"Thế rồi tôi đã đi ra khỏi nó bằng một bãi nước bọt..."

Hỡi ôi! Cái nước... bọt mình nó thế! Huhu...

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Nghêu, Sò, Ốc... Sến!

Nhiều người nói Nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam ta đã đến thời... "mạt vận", nhưng mình không tin chút nào. Đấy là chẳng qua mình vừa đọc được một bài viết này của BTL trong mục Đối Thoại trên Tiền Vệ.

Nhưng khoan hẵng nói về những gì tác giả BTL đề cập trong bài viết ấy, mình muốn "rà xét lại" cái "nghệ thuật sân khấu Tuồng" của Việt Nam ta trước đã.

Có thể nói, người Việt Nam chúng ta, chắc ai cũng đều được xem vở tuồng hài Nghêu Sò Ốc Hến ít nhất một lần trong đời, mình được xem hai lần, trên tivi thôi, một lần trước "giải phóng" ở miền Bắc, và một lần sau "giải phóng" ở miền Nam. Tức là, Nghêu Sò Ốc Hến là một vở tuồng rất chi là... "nổi tiếng" của sân khấu Tuồng Việt Nam ta. Và mình nghĩ, những nhân vật trong Nghêu Sò Ốc Hến, tuy là "hư cấu" cả đấy, nhưng dường như, tất cả đều trở thành "những nhân vật lịch sử". Về những cái gì gọi là "tính nghệ thuật", "tính nhân văn", "tính quần chúng",... hay thậm chí, "tính Đảng", thì mình không đủ "trình" để có thể "bàn loạn" đến. Mình chỉ xin "tán phét" về cái "tính lịch sử" của vở tuồng "hài lăn hài lóc" này.

Thường thì các tác giả lấy nguyên mẫu nhân vật ở ngoài đời rồi "hư cấu" thành nhân vật trong tác phẩm của mình. Thì "đời là một vở kịch vĩ đại" mà lị! Hình như Hamlet đã "thốt" lên như thế?! Riêng mình thì mình lại thấy như thế này: có vẻ như ở Việt Nam ta, điều ngược lại cũng đúng, nghĩa là, "kịch là một vở... đời vĩ đại"! hehe...

Đây nhá, mình xin dẫn chứng bằng những nhân vật của Nghêu Sò Ốc Hến như sau:

Trong vở tuồng(kịch) có nhân vật tên Nghêu làm nghề bói toán, thì ở "vở đời" cũng "quả dứa", cũng có một nhân vật đã "đoán nhăng đoán cuội" về cái thời của Lê Lợi Nguyễn Trãi, rồi "sáng tác" thành tiểu thuyết "hội thề hội thốt" gì đó. Hoặc như, cũng ở "vở đời", mới đây thôi, có một nhân vật đã "đoán mò" rằng tháp nghiêng Pisa thì ở thủ đô Rome của nước Ý xinh đẹp, để từ đó, cũng "sáng tác" thành những dòng thơ... "nghiêng vĩnh cửu" về tình yêu, "tự sướng" với nhau trong "Ngày thơ Việt Nam"...

Nhân vật kế tiếp mình muốn "dẫn chứng" là nhân vật "Ốc". Trong vở tuồng hài, nhân vật này có "tay nghề" là ăn trộm rất giỏi, tiếng tăm vang lừng... chợ Huyện. Và "hắn ta", không những "đào tường" chán chê ở chợ Huyện, còn mò ra "đây", "mượn đỡ" ý tưởng của nghệ sĩ khác để làm "thơ tân hình thức" của mình. Cái "chủ nghĩa tích cực cầm nhầm" này của một anh "đào tường" nọ, không là "ăn trộm" thì là gì hả trời?!

Cái nhân vật "Trần Sò" trong vở kịch là con Trưởng Làng. Thì nhân vật của "vở đời" cũng là "con" của Trưởng Làng đấy thôi. Cái HNVVN chẳng là một cái "làng" là gì?! Và "Trưởng Làng" thì ai ai cũng biết là cái ĐCSVN nhà ta đó! Chúng ta hãy xem cái "hình hài" của "Trùm Sò" ở đây mà xem! Đúng "y chang" điệu bộ của một "con Trưởng Làng" rồi còn gì!

Và cuối cùng, dĩ nhiên, "tam sao" thì có "thất bản". Tức là mình nói đến cái tên nhân vật "thị Hến" ý! Nhân vật "thị Hến" của vở kịch, cũng vậy, "thị ta" ưỡn ẹo một hồi thành... "thị Sến", như tác giả BTL có nhận xét về cái nhân vật nữ làm thơ "nghiêng vĩnh cửu" mà mình đã nói ở trên.

Nói tóm lại, nếu "Nghêu Sò Ốc Hến" là một vở tuồng hài "vĩ đại", thì "vở đời Nghêu Sò Ốc... Sến" mà chúng ta luôn được chứng kiến trên cái "làng Việt Nam" thân thương, là một vở "kịch cỡm" vĩ đại! Ngao ngán thay!