Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già đều... dữ dội!

Chẳng lẽ cái đại hội lần thứ XI của đảng cộng sản Việt Nam "đã kết thúc thành công rực rỡ" mà mình lại không có một bài "chúc mừng" cho nó, thì nghe có vẻ "bên trọng bên khinh" đấy nhỉ! Đấy là ý mình muốn nói đến cái bài này ý mà, hehe! Tức là đã "chào mừng khai mạc", thì cũng phải "chúc mừng bế mạc" cho nó "có trước có sau" một tí chứ!

Hôm qua mình đọc được bài viết này trên blog Ngô Minh, mình cứ suy nghĩ lan man mãi về cuộc đời của tác giả cuốn truyện "Tuổi thơ dữ dội". Đó là bởi cái câu này trong bài viết nói trên: "Chỉ với mấy câu thơ có vẻ rất nôm na dễ hiểu dễ nhớ dễ thuộc nhưng thật thơ, Phùng Quán kiên quyết khẳng định: trung thực là một giá trị sinh tử đối với con người nếu muốn "được cho ra cái giống người", như từ hàng trăm năm trước cụ Tú Xương đã chúc cho "vua quan sĩ thứ người muôn nước"".

Cụ Phùng Quán đã một đời "sống chết vì trung thực", cụ đã "sống trong trung thực", "chết cũng trong trung thực"! Mình nghĩ, cái điều cần phải dạy cho tất cả trẻ em Việt Nam là bài thơ "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán, chứ không phải cái "5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng"! Bởi vì trung thực như một cái gì đấy giống "phần mềm" của máy tính, "phần mềm" có "ok" thì "phần cứng", tức là "con người", mới hoạt động "ok"! Có trung thực mới biết được đâu là "phải", đâu là "quấy", đâu là "thật", đâu là "dối", và quan trọng hơn hết, mới có thể "trở thành cái giống NGƯỜI" được.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc có nói tiếp, "Và trung thực luôn phải gắn liền với tự do, đồng thời phải dũng cảm chiến đấu cho tự do, bởi vì khi đã quyết sống trung thực thì tất yếu phải đương đầu với dối trá, cũng tất yếu phải rất dũng cảm mới đương đầu nổi trong một xã hội mà dối trá đã kết thành thế lực. Và phải rất kiên trì, bởi vì cuộc chiến chống các thế lực dối trá là một cuộc chiến trường kì. Trong cuộc chiến trường kì ấy, Phùng Quán đã thắng."

Mình nhớ đến bài thơ này của Petõfi Sándor, nhà thơ cách mạng và lãng mạn nhất của Hungary:

"Tự do và tình yêu,
Vì các người ta sống,
Vì tình yêu lồng lộng,
Tôi hiến cả đời tôi,
Vì tự do muôn đời,
Tôi hiến dâng tình ái..."


Nếu mình không lầm, đây là bản dịch của Xuân Diệu thì phải, còn nguyên bản của bài thơ là như thế này:

"Szabadság, szerelem!
E kettő kell nekem.
Szerelmemért föláldozom
Az életet,
Szabadságért föláldozom
Szerelmemet."(1847)

Tức là trên "thế giới", hay nói chung là "trần gian lắm" này, có biết bao con người, không cứ gì các nhà văn nhà thơ, nếu là một "con người trung thực", đều "khắc sâu vào tâm khảm" cái điều "tự do là trên hết", và "cả đời" sẵn sàng chiến đấu cho tự do! Có tự do, mới có trung thực!

Ở một entry trước, mình có nói, hãy cho tôi biết blog của anh, tôi sẽ nói anh là người thế nào, hà, hà! Bây giờ mình có thể nói như thế này: Hãy nói cho tôi biết anh có là người tự do hay không, tôi sẽ biết anh là người thế nào, có là người trung thực hay không! Và nói rộng ra với một xã hội cũng vậy: một xã hội mất tự do, thì chỉ là một xã hội gian dối mà thôi! Xã hội Việt Nam hiện giờ là một xã hội đã "mất tự do", "mất tự do" bắt đầu từ những năm 30, khi cái đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Mình cũng có đọc được bài viết này của Nguyễn Hưng Quốc nói về sự can đảm của ĐCSVN. Theo Nguyễn Hưng Quốc thì ĐCSVN "không biết sợ gì cả", nhưng theo mình nghĩ, ĐCSVN lại sợ một thứ, đó là "đảng cộng sản Trung Quốc". Để mình "giải thích" cái điều này như sau:

Nhìn cảnh bế mạc đại hội trên blog của bác sĩ Hồ Hải, mình nhớ lại cái cảnh, cũng đại hôi đại hội đảng gì đó của đảng cộng sản Rumany thời ông Ceauşescu còn "ngự trị" đất nước Rumany. Tức là "đại hôi đại hội nhất trí một chăm phần chăm", rồi "Đảng cộng sản Rumany quang vinh muôn năm", hay "Ceauşescu muôn năm" đấy, nhưng sau đó, đến 1989, "hùa" theo làn sóng "cách mạng nhung", đảng cộng sản Rumany cũng "tắc tự ngỏm củ từ" như ông "tổng bí thư" Ceauşescu. Có được điều này, theo mình, chẳng qua là Rumany, cũng như các nước Đông Âu XHCN khác, ở vào "vị trí địa lý thuận lợi". Có nghĩa là, xung quanh họ, là các nước "phương Tây tự do", hay nói "nôm na dân ca hò vè" là, họ ở... "gần đèn"! Hehe...

Còn cái "Đảng cộng sản Việt Nam ta" thì sao? Theo mình, hiện giờ vẫn ra rả suốt ngày là "quang vinh muôn năm" hay "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" được, đó là bởi vì có "anh" Ba Tàu "ảnh" đứng đằng sau "đỡ lưng" cho! Chính vì thế mà ĐCSVN "sợ" "anh Ba Tàu" một phép! "Ảnh" biểu "ngồi" là "ngồi", "quỳ" là "quỳ"!

Nghĩ mà thấy "thương" cái dân tộc Việt Nam mình! Ở trên đời này, không có một thứ "mực" nào lại "tối" như "mực Tàu"! Đất mẹ Việt Nam ta ở "gần mực Tàu" quá, sát sàn sạt, nên cũng... "tối" theo muôn đời!

Thế mới thấy cuộc đời "chiến đấu vì tự do" của các nhà dân chủ nói chung, của các nhà văn nhà thơ như cụ Phùng Quán nói riêng, thật là đầy ý nghĩa và... dữ dội! "Ý nghĩa", bởi vì thế mới gọi là "giống CON NGƯỜI". Còn "dữ dội", bởi vì họ dũng cảm "chống" lại cả một thế lực "dối trá" là cái "đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm" đang "trị vì" trên mảnh đất "cong cong èo uột hình chữ S" của chúng ta. Cuộc chiến đấu trường kì vì tự do của dân tộc Việt Nam... "vẫn còn tiếp diễn", suốt cả đời!

Và như thế, dường như cuộc đời của mỗi người dân Việt Nam ta có, không chỉ tuổi thơ, mà tuổi trẻ, và cả tuổi già, đều... dữ dội!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét