Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Đi tìm cái Tôi... chưa mất!

Đầu năm mới, mình nghĩ, để gọi là làm một entry "khai bút", nếu không với một bài về sự "Viết", thì về gì đây hả trời?! Giao thừa, uống ly champage chúc mừng năm mới với "cô ấy" xong, mình đọc lại cái bài này, thấy Hamvas nói về sự "Viết" hay quá! Rồi mình ngồi "tẩn mẩn" gõ phím laptop, thế ra được cái entry đầu năm 2011 này, hehe...

"Viết là hương vị hư hỏng tinh vi của sự đổ vỡ nhen nhúm, là thứ bản thân nó tự đổ vỡ và là thứ đi tàn phá. Con người bắt đầu viết, khi sự tròn vẹn của cuộc sống bắt đầu trở nên thiếu thốn." - Đây là những lời nói về "Viết" của Hamvas. Mình nghĩ, nếu quan niệm như nhà triết học tài ba người Hungary này, tức là coi Viết "là thứ đi tàn phá", thì ở Việt Nam ta, hình như từ xa xưa, người ta cũng đã "phát hiện" ra cái sự "đi tàn phá" này của Viết rồi thì phải?! Hehe...

Ý mình muốn nói, đó là câu thành ngữ "bút sa gà chết" khá "nổi tiếng" của Việt Nam ta, câu này nó nêu lên đươc rõ nhất cái "sự đi tàn phá" của sự "Viết" - "bút sa" -, trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong lĩnh vực sáng tác của "giới văn nghệ sĩ" Việt Nam ta! Mà quả đúng như thế đấy! Mình nói không có "ngoa ngoắt" gì đâu! Đầu năm mới ai lại đi nói điêu mà làm gì! Hì, hì... Chẳng hạn chúng ta cứ xem lại cái thời "Cải cách ruộng đất" đi! Đây nhá, thời đó "bút" của "Chí Minh" mà "sa" xuống tới đâu, thì tất cả những loại "gà qué" ở đó như "bá Kiến", "nghị Quế", hay "Nguyễn Thị Năm" là cứ "chết... như ngả rạ"...

Hoặc như "trường hợp" của "các vị văn sĩ đàn anh" là Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Đình Hưng... chẳng hạn. Họ cũng bị cái "bút sa" của Tố Hữu "tàn phá", cho "lên bờ xuống ruộng", "chết lên chết xuống" khổ nhục hàng chục năm trời. Với cái sự "Viết" của mình, Trần Dần trở thành "Thủ lĩnh trong bóng tối", ngày đêm ông chỉ thấy "mưa sa trên màu cờ đỏ", còn Lê Đạt thì chỉ dám "nói bóng nói gió" với Chữ, buổi chiều ông đi ngang qua Âu Lâu thấy "bóng chữ động chân cầu", "động" cả lòng mình, rồi ngậm ngùi "làm bạn" với "bóng chữ" suốt một "đời xanh"...

Cái sự "Viết" đúng là có một sức mạnh ghê gớm! Thì mình có nói rồi mà, "Vẫn biết rằng Ngôn ngữ có lực hấp dẫn lớn ghê gớm, nhưng cũng xin đừng dùng nó bẻ cong Sự thật", hậc, hậc, hậc... Hay như Hamvas có nói tiếp như thế này:

"Những cảm xúc tinh tế, các khát vọng, những niềm vui, sự say mê, nếu một mặt là những điều không thể nói ra, thì mặt khác, chúng cũng muốn được giữ nguyên vô ngôn như thế. Chúng không chịu nổi khi người ta đưa chúng vào lời nói, dùng từ ngữ đụng chạm tới chúng. Chỉ cái „KHÔNG” lên tiếng, cái „CÓ” im lặng."

Viết là ý thức về sự thật! Quả đúng như vậy. Dường như khi viết, con người ta - không cứ gì chỉ các nhà văn nhà thơ -, muốn nói lên cái sự thật mà bản thân đang ấp ủ, đang "day dứt". Và phải chăng mỗi con chữ, mỗi câu văn đều được "nâng niu", được "đắn đo" trước khi "bị" viết xuống?! Có lẽ chính vì thế mà người ta hay nói, cái nghiệp văn chương - nghề viết - là "món nợ đời đầy đau khổ" đối với những ai lấy bút để "đâm mấy thằng gian"!

Mình nhớ "hồi xưa", tức là cái thời còn mài đũng quần dưới "mái trường XHCN" ý, hihi, mình sợ nhất là viết... bản kiểm điểm. Phải nói là, đây là một cái "trò" khá thâm độc của nền giáo dục XHCN "ưu việt". Có lẽ tất cả những ai "lớn lên" ở miền Bắc trước 1975, đều đã phải viết bản kiểm điểm ít nhất một lần. Viết bản kiểm điểm là một "trò thâm độc", bởi vì khi đó thằng học sinh như mình cảm thấy một nỗi tủi nhục dâng lên trong người, đầu óc ong váng, mặt mũi xây xẩm, cảm thấy như là các con chữ đang đâm, đang tát vào mặt, vào người mình. Và cái "khốn khổ" hơn nữa là cảm thấy một nỗi sợ hãi đang "len lỏi" vào con tim mình! Nỗi sợ hãi ấy, nói không "điêu", đến bây giờ, sau một phần tư thế kỷ rời xa "mái trường XHCN", mình vẫn có thể "mường tượng" lại nó như thế nào!

Dĩ nhiên là ở đây Hamvas muốn nói về cái sự Viết "đích thực và cao cả" - sự "ý thức về sự thật" -, không phải cái sự Viết của chế độ cộng sản. Nhưng dù sao thì..., như thế nào nhỉ? À, mình nhớ ra rồi, thằng bạn nhậu của mình hay nói, ...quả đất vẫn quay xung quanh mặt trời, hì, hì! Tức là cái sự Viết ở đâu cũng thế, cũng là công cuộc đi tìm... sự thật cả thôi! Mà sự thật "sát sườn" nhất đối với một con người, nếu không là "cái Tôi" của người ấy, thì là cái gì hả trời?! Có một thực tế ở Việt Nam ta mà ai cũng "nhìn thấy", là rất nhiều nhà văn nhà thơ "hậu hiện đại" Việt Nam đã bị cái "nỗi sợ hãi khi viết bản kiểm điểm" nó "đeo đuổi" suốt cuộc đời, không thể "" nó ra để "đứng dậy sáng lòa" được. "Tấm gương" của cụ Nguyễn Tuân còn đó, hay gần đây nhất là của cố nhà văn Nguyễn Khải: đến gần cuối đời mới "sực tỉnh ý thức về sự thật" được, mới "lọm cọm" đi tìm cái Tôi đã mất!

Mình không muốn trở thành "khiếm nhã" với các cụ nhà văn nhà thơ "đã mất", nhưng mình nghĩ, một khi đã để "cái Tôi" của mình "mất" đi, thì khó có thể "đi tìm" lại được, đấy là chưa kể, "thời gian tìm" còn "khá ít", tìm cả đời còn không ra nữa là một phần nhỏ cuối đời!

Vì thế, theo mình, nên "đi tìm cái Tôi" ngay bây giờ, khi nó còn... chưa mất! Viết nói chung, blogging nói riêng, chính là cái sự "đi tìm cái Tôi chưa mất"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét