Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Chữ Nghĩa

Thiên hạ hay nói, Ôn cổ tri tân, tức là Xem cái cũ mà biết cái mới. Chữ là một cái cũ rích từ bao đời nay. Năm hết Tết đến, hôm nay tự dưng mình nổi hứng muốn nói chuyện về "cái cũ rích" ấy, tức là về Chữ! Hehe...

Như ở entry này, mình có nói, ngôn ngữ là "món quà lớn nhất" Thượng Đế dành tặng loài người chúng ta và ngôn ngữ là vô cảm. Về sự vô cảm của ngôn ngữ, thì mình không phải "bàn" thêm mà làm gì, bởi vì bản thân các món quà, trong trường hợp này là ngôn ngữ, chúng là vô cảm. Còn nếu có chăng, là tình cảm của người tặng gửi gắm vào chúng mà thôi, kiểu như khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói „Xin đừng làm chữ của tôi đau” ý! Hihihi...

Nhớ ngày xưa, cụ Cao Bá Quát đã từng "tuyên bố" là thế gian có bốn bồ chữ thì cụ giữ hai bồ, ông anh và ông bạn của cụ chiếm một bồ, còn thiên hạ chia nhau một bồ. Haha, cụ Cao quả là kiêu ngạo nhất trời Nam! Nhưng nghe cụ phát biểu như thế, mình vẫn thấy khâm phục cụ, khâm phục... sát đất! Đó là bởi chữ "bồ" trong tuyên bố khá "cao" ngạo này của cụ!

Chúng ta cũng thường nghe nói, khi nhà văn nhà thơ sáng tác, đó là lúc họ "làm bạn với mấy con chữ". Ngày nay, với sự ra đời của công nghệ tin học, và nhất là sự ra đời của blog, ai ai cũng có thể "làm bạn với mấy con chữ" được cả. Hay, nếu "dụng" chữ "bồ" của cụ Cao ở đây, mình có thể nói như thế này: ai ai cũng có thể "làm bồ với chữ" được, hehehe...

Nghe đến đây, chắc chắn có bạn sẽ bảo mình, chữ "bồ" của cụ Quát có nghĩa là cái thúng to, cái hòm to, chứ không phải là "bồ với nghĩa người tình"! Tất nhiên rồi, mình có bảo là cụ Quát "đánh bồ" với chữ đâu! Chẳng qua là mình muốn nói đến cái sự "đa nghĩa đa tình" của con chữ đó thôi! "Chữ Nghĩa" mà lị! Mà... cũng chả biết thế nào mà lần, các "cụ đồ" ngày xưa là nổi tiếng "thâm thúy" lắm đó, thế nhỡ may cụ Quát cố tình dùng chữ "bồ" để "ám chỉ" con chữ là "hai bồ" của cụ thì sao?! Hahaha...

Mình muốn "bàn" về cái câu
„Xin đừng làm chữ của tôi đau” của "Ông Tướng của các nhà văn Việt Nam đương thời" một chút (Không biết là "tướng" Thiệp đã "về hưu" chưa? Dạo này mình không thấy "bóng dáng" của ông đâu cả!). Nếu xét về khoảng thời gian của một ngày mà mình dành cho đủ loại công việc trong đời sống, thì "công việc Chữ Nghĩa" được dành cho nhiều nhất. Mà chỉ những gì ta yêu quí nhất thì ta mới dành cho nhiều nhất, đúng không?! Kiểu như "Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ, Anh dành Đảng phần nhiều, phần cho thơ và phần để em yêu" của cái nhà "ông Lành" ý! Hihihi... Tức là cái nhà "ông Lành" yêu quí cái Đảng của ổng nhiều nhất, thì mình "yêu quí" Chữ Nghĩa của mình cũng... nhiều nhất! Hấc hấc hấc... Chính vì thế, khi nói „Xin đừng làm chữ của tôi đau”, có nghĩa là nhà văn của "Những ngọn gió Hua Tát" muốn ám chỉ cái sự "liên đới" rất "nặng tình nặng nghĩa" giữa ông với chữ nghĩa, ông với con chữ như là "bồ bịch với nhau", ai làm con chữ của ông đau, chính là làm ông đau đấy! Mình nghĩ tiếp như thế này, có "nặng tình nặng nghĩa" với con chữ, mới có thể phát biểu một câu rung động lòng người, đến... tận đáy con tim như thế được! „Xin đừng làm chữ của tôi đau”, XIN ĐỪNG NHÁ THẾ GIAN ƠI!

Quay lại cụ Cao Bá Quát. Cái chữ "bồ" mà cụ "dụng", càng nghĩ mình càng thấy, sao nó "hấp dẫn", nó "quyến rũ" đến thế! Và bây giờ thì các bạn chắc cũng đã đoán ra được là vì sao mình nói "chữ là cái cũ rích"! Và khi "vận dụng" "ôn cổ tri tân", tức "xem cái cũ mà biết cái mới" vào trường hợp của "cái cũ rích là chữ", thì chính là lúc chúng ta làm cái công việc "xem bồ chữ ngày xưa" để biết "bồ chữ ngày nay". Mà "bồ chữ ngày nay", theo mình, chính là cái "blog" đấy. Trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập mà mình rất mến mộ, có câu "Cày chuyện xưa, bừa chuyện nay" rất hay, mình nghĩ, chắc nhà văn cũng muốn "ám chỉ" cái ý này?! Có thể phát biểu "chệch" đi một câu ngạn ngữ phương Tây như thế này, hãy cho tôi biết blog của anh, tôi sẽ nói anh là người thế nào! Hà hà hà...

Nhớ "ngày xưa", có chị Hoài lập ra cái trang talawas, "quần hào" qui tụ về khá đông. Mình cũng bị cái "tinh thần" của talawas, phải nói là, nó "hớp mất hồn". Có được như vậy, chính là cái sự "talawas nó đã biểu hiện ra được tinh thần Phạm Thị Hoài". Bây giờ mình nói như thế này, chắc cũng chẳng có gì gọi là "ngoa ngôn": talawas là "bồ chữ" của chị Hoài! Thế mới biết những khi talawas bị "bọn tin tặc khốn nạn" đánh sập, chị Hoài đã đau lòng lắm lắm! Chắc chắn như vậy, mình còn đau nữa là!

Thôi, hôm nay "ôn cổ tri tân" chữ nghĩa, cụ thể là "bồ chữ nghĩa", như vậy thôi!

Năm mới kính chúc tất cả các bạn ghé thăm blog talami này của mình một năm mới mọi sự như ý, đầy hạnh phúc, đầy "bồ lộc"!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Trương Đức Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét