Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Sống và Chết

Mấy hôm nay mình tự dưng thích đọc lại những bài dịch của mình gửi cho talawas bộ cũ. Trong một entry trước, mình "chớp" được cái ý như thế này: "Chúng ta là những sinh vật, ra đời, giao cấu hoặc không giao cấu, rồi chết."

Bây giờ mình phải "thú thực" là lần đầu tiên khi đọc cái bài phỏng vấn này, mình đã "sững sờ" mất mấy ngày. "Sững sờ" vì những quan niệm rất đúng và sâu sắc về cuộc sống của ông cố đạo diễn phim người Anh, Anthony Minghella. Từ trước đến giờ, mình thường nghĩ sự sống và cái chết khác nhau hoàn toàn, giữa chúng có một khoảng cách khá lớn, ý nghĩa của chúng đối với loài người chúng ta cũng khác nhau... "một trời một vực", v.v... và v.v... Nhưng sau khi đọc được những cái ý "đích thực" về cuộc sống và cái chết này của A.M, mình mới "tỉnh ngộ" ra rằng, sự sống và cái chết chỉ là một, duy nhất một!

Người Hungary có câu chuyện cười như thế này vào dịp Noel: Những con gà Tây thường hỏi nhau: Có chăng cuộc sống sau Noel? Hehe... Chả là vào dịp lễ Noel, người Hung có phong tục "mổ" gà Tây để nấu các món ăn chính cho ngày lễ. Thành ra "lũ" gà Tây rất chi là "xáo xác" mỗi khi chúng "thấy" thời gian của năm cạn dần, tức là ngày 24/12 đang đến gần! Haha... Đối với chúng, cuộc sống chấm dứt ở nhát dao "xin tí tiết" vào trưa ngày 24, sau đấy chúng có "sự sống đời đời" trên thiên đàng, hàhà...

Chuyện cười thôi, nhưng "qua đó" mình chợt nảy ý nghĩ, "quan niệm" về cuộc sống của lũ gà Tây cũng "độc đáo" đấy chứ! Cuộc sống của chúng bắt đầu từ lúc đạp vỡ vỏ trứng bước ra với gà mẹ, xong rồi "chết dần chết mòn" cho đến lúc "chết hẳn" trên bàn ăn vào đêm Noel, ngày Chúa giáng sinh. Một cái chết này bắt đầu cho một sự sống khác! Hay nói một cách đầy "tính triết học": cuộc sống chính là cái chết chậm! Phát biểu câu này, có vẻ như mình đang "đạo văn" của bà chị "Nhung trong sáng" ấy nhỉ?! Vâng, đúng là chị Nhung đã viết như thế trong một sáng tác của chị ấy. Mình tâm đắc và ghi ra đây, để gọi là, thỉnh thoảng cũng phải "học hỏi" cái gì đấy của bà chị văn chương của mình chứ! hehe...

Cái ý "Chúng ta là những sinh vật, ra đời, giao cấu hoặc không giao cấu, rồi chết.", theo mình, như một "chân lý" ở đời. Hay nói "nôm na" theo cái thuyết "mọi sự là nửa chừng" của mình là, sự tồn tại của con người là duy nhất một quá trình, sự sống và cái chết chỉ là những "trạng thái nửa chừng" của quá trình duy nhất đó! Sống rồi chết, chết rồi sống, cứ thế luân hồi tồn tại và không thể phân biệt được khi nào là "sống", khi nào là "chết"! Hoặc có thể dùng "thuyết tương đối" của nhà bác học Albert Einstein để giải thích cái sự tồn tại của con người như thế này: chúng ta "sống" hay "chết", chỉ là "tương đối" thôi, kiểu như "một phút sống bên bồ nhí là chục năm chết với bà xã", "lăn tăn" mà làm gì cho nhọc xác! Đấy là nhìn nhận theo "khoa học", còn theo "văn chương", chúng ta có thể hình dung "cái sự chỉ là duy nhất một" của sự sống và cái chết qua mấy câu thơ này của Xuân Diệu:

"Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu .
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu ;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
..."

Hehe, chúng ta là những sinh vật, ra đời, yêu hoặc không yêu, nếu có yêu thì trước tiên, cũng "là chết ở trong lòng một ít", và sau đó, rồi chết!

Mà đúng thật, có những cái "sống" như "đã chết rồi" từ lâu. Đây nhá, mình xin kể câu chuyện này: ông chú mình có thằng con "mất dạy", tức là thằng em họ mình, nó, về mặt "con người" thì cũng "tử tế con nhà lành" thôi, nhưng khổ cái, mắc một cái tật là nghiện hút thuốc phiện, ông chú mình tốn bao tiền bạc vì nó, nhưng cơn nghiện của nó không "chữa khỏi", một ngày nó lấy trộm hết số tiền dành dụm của chú mình và biến mất từ đó đến nay, ông chú mình rất đau khổ vì con, nhưng vẫn tuyên bố dứt khoát rằng, thằng em họ của mình là "cái thằng mất dạy", đối với chú, nó là "chết rồi". Thế đấy! Và mới đây, mình nghe tin nó vẫn "sống nhăn răng" ở Sài Gòn, nhưng có lẽ, còn lâu mới dám về Quảng Ngãi để "thú đầu nhận tội" với người cha đẻ mình. Tức là tuy nó vẫn "sống", nhưng với ông chú mình, kể như đã chết, chết một cái..., ờ, phải nói như thế nào nhỉ? À, mình nhớ ra rồi, ...chết tiệt! Hehe...

Ngược lại, "có những cái chết trở thành bất tử", hưhư... Tức ý mình muốn nói, có những "cuộc sống đời đời", "chết rồi" nhưng vẫn "sống mãi"! "Sống mãi" ở đây, dĩ nhiên là mình không có ý "mỉa mai" cái sự "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" của Chí Minh đâu. Mình muốn nhắc đến cái "sự sống đời đời" của Chúa Giê-su. Cho đến bây giờ, loài người chúng ta vẫn chưa "xác định" được bao giờ là "tận thế", tức là theo mình, cái sự "sinh tồn" của Chúa nói riêng, hay của "những đứa con của Thượng Đế" nói chung, là vĩnh cửu! Nhưng mà mình lại "dông dài dai dại" mà làm gì cơ chứ! Cái sự con người chúng ta đang "thi hành" trên cái "trần gian lắm" này, không phải là "sự sống đời đời", thì là gì hả trời?! A-men!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét