Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Chuông nguyện hồn ai!

Mình vừa nghĩ ra một thứ "tiếng" mà mọi sinh linh trên thế gian này, kể cả động vật, thực vật, hay kẻ điếc, người mù, đều "biết". Đó là tiếng chuông!

Và cái tiêu đề tiếng Việt "Chuông nguyện hồn ai" cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "For whom the bell tolls" của nhà văn Emest Miller Hamingway, theo mình, là một trong những tên sách hay nhất thế giới. Nói về các tên tiểu thuyết hay, chỉ tên thôi nhé, thì có lẽ sẽ phải "tranh cãi" nhiều, nhưng bài này, mình chỉ muốn "bàn" về "tiếng chuông" thôi, hehe...!

Còn đúng một tuần nữa là đến ngày tiếng chuông nguyện hồn của Chúa, của Con Người, của mọi sinh vật trên thế gian này, sẽ vang lên trong tất cả nhà thờ. Đó là tiếng chuông thiêng liêng của Thượng Đế đem niềm thương yêu đến cho những đứa con lầm lạc tăm tối của Ngài. Nhiều khi mình nghĩ, không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra tiếng chuông nhỉ? Chắc chắn không phải là "người trần mắt thịt" như mình, mà có lẽ là một "sứ giả" gì đó của... Trời! Hay gọi "nôm na" là thiên sứ, có thể lắm! Và giữa tiếng chuông và tiếng nói, cái nào có trước? Mình hỏi có vẻ "hắc búa" nhỉ, kiểu như "những câu hỏi lớn của nhân loại" ý! hehe...

Nhưng phải công nhận rằng, nghe tiếng chuông, ai ai cũng hiểu nó, kiểu như nghe... tiếng mẹ đẻ ý! Mà đúng thế, nhất là tiếng chuông cầu nguyện vào ngày Chủ nhật ở nhà thờ chẳng hạn. Mặc dù không phải là "con chiên của Chúa", nhưng mình đã có rất nhiều dịp đi nghe giảng đạo ở nhà thờ. Không, mình nghe tiếng chuông thì đúng hơn, bởi vì những lời giảng đạo của ông linh mục, thì mình đã đọc được trong Kinh Thánh rồi. Mình đi nghe tiếng chuông, bởi vì dường như tiếng chuông nhà thờ lần nào cũng "khác", lần nào cũng như "nhắn nhủ" điều gì đấy khác lần trước. Kể cũng lạ! Mấy người bạn Hung theo đạo Công giáo thường hay tâm sự với mình, họ như nghe được lời của Chúa mỗi khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên. Tiếng chuông như một lời dạy bảo họ, một tiếng tha thứ mọi lỗi lầm cho họ, một tia ánh sáng chỉ đường trong cuộc đời...

Nhà văn Hồ Anh Thái có tác phẩm "Cõi người rung chuông tận thế" rất hấp dẫn, mình đọc "ngấu nghiến" trong vài tiếng đồng hồ là... "hết"! Dĩ nhiên, đấy là do nội dung của cuốn truyện là hay, là thu hút. Nhưng riêng cái tiêu đề, nó đã "chinh phục sát đất" mình rồi. "Tiếng chuông" của Hồ Anh Thái ở đây, như một lời "cảnh tỉnh" cho lớp người tăm tối chỉ muốn "gây cái ác" cho đồng loại, chứ không phải tiếng chuông đem niềm thương yêu của Thượng Đế cho chúng sinh. Nhớ hồi còn nhỏ, tức là hồi mình còn ở cái tuổi "hôm nay em đến trường, mẹ dắt tay từng bước" ý, mình thích nhất tiếng chuông tan giờ. Bây giờ nghĩ lại, có thể nói là tiếng chuông tan học hồi đó, đã "đem niềm vui đến cho mình", hehe..., Ở cái tuổi ham chơi lười học của mình, tiếng chuông tan giờ không mang niềm vui, thì mang "niềm" gì đây hả trời?!

Tuy thế, có những tiếng chuông đem nỗi sợ hãi đến cho mình. Tỉ như tiếng chuông báo hết giờ trong các kỳ thi, nhất là những lúc mình làm... "chưa hết" bài, tức là không giải hết các bài toán chẳng hạn. Những lúc đấy, mình như là một nhân vật của "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, nghe tiếng chuông mà "vãi cả linh hồn"! hehe... Tất nhiên, tiếng chuông như một nỗi sợ hãi đối với mình, là chỉ một số ít trường hợp thôi, chả là mình... giỏi toán mà lị, hehe...!

Nói chung lại, mình thích tiếng chuông, tiếng chuông "nguyện hồn"... mình! Cái điệu nhạc báo có cuộc gọi hay tin nhắn trong mobil của mình, mình cũng cài đặt là tiếng chuông. Nhớ hồi nào, khi còn đang trong giai đoạn "tìm hiểu nhau", mình cứ suốt ngày mong tiếng chuông báo hiệu có cuộc gọi hay tin nhắn của "cô ấy", tức là vợ mình bây giờ, hehe... Và thật kỳ lạ, có những lần, mình gần như đoán trúng nội dung tin nhắn của "cô ấy", mặc dù chỉ nghe có mỗi tiếng chuông rung thôi!

Mùa Giáng sinh năm nay, mình lại được nghe tiếng chuông, "tiếng chuông nguyện hồn ai"!

Hãy ngân lên đi lời yêu thương của Chúa!

Vâng, Chúa hãy đánh thức con bằng "tiếng chuông" của Ngài! A-men!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét