Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Ở đời này cái gì cũng "nửa chừng..."

Khái Hưng có tác phẩm "Nửa chừng xuân" để đời. Tên cuốn tiểu thuyết lừng danh của ông hóa ra lại đúng với mọi sự trên đời này! Có khác chăng, chỉ ở cái từ thứ ba mà thôi! Ví dụ như: nửa chừng ăn, nửa chừng uống, nửa chừng yêu, nửa chừng nói, nửa chừng xây dựng, nửa chừng cách mạng, v.v... Hôm qua mình viết mấy dòng suy nghĩ vẩn vơ về những cái TÔI vĩ đại của nhân loại xong, thì thấy ở đời này cái gì cũng... nửa chừng! Đây nhá, mình xin chứng minh như sau:

Nói về những cái sự "lớn lao" như là sự cứu rỗi loài người của Thượng Đế, cũng nửa chừng, nửa chừng một cách... kinh khủng! Theo những gì mình biết, thì Thượng Đế "cử" đứa con trai độc nhất của mình, là Đức Chúa Giê-su, xuống trần gian hòng cứu rỗi linh hồn đám dân đen tối tăm tội lỗi lên thiên đàng trở lại, nhưng Giê-su chỉ làm được có... một nửa rồi bỏ dở! Tức là chỉ chết thế nhân loại, chứ tất thảy họ - chúng ta - có được lên thiên đàng đâu?! Như thế không nửa chừng thì là gì?

Rồi, hoặc như cái sự tồn tại của Vũ Trụ này, cũng nửa chừng. Einstein chẳng bảo vũ trụ của chúng ta đang giãn đấy là gì, tức là ông Trời ổng chửa "nặn xong" vũ trụ đâu đấy nhé, từng có mà tưởng bở, hehe...! Nửa chừng, nửa chừng, tất thảy đều nửa chừng!

Nói đến "Nửa chừng xuân", mình nhớ mối tình sinh viên thời Bách khoa Đà nẵng. Mình yêu thầm nhớ trộm cô bạn học cùng khóa, cũng tán lên tán xuống (trong mơ thôi) đấy, nàng sắp đổ thì chúng mình được "lệnh" đi Đông Âu học. Mình đi Hungary, còn cô bạn đi Đông Đức. Thế là tan vỡ, đường em em đi, đường anh anh đi, duyên tình đôi ta chỉ thế thôi... Sau này, hai đứa có gặp nhau một lần, ở thế kỷ trước, khi mình mời "người yêu xưa" sang Budapest chơi, nhưng lúc đó mình đang mải "chén thù chén tạc" với các em "da trắng tóc vàng miệng xinh xinh" nên "người yêu xưa" cũng chẳng "mặn nồng" gì cái chuyện "nối lại duyên xưa mình với ta" cả, chuyện tình hai đứa cực kỳ ngắn, ngắn hơn... truyện cực ngắn!

Nói đến tình yêu, thì phải nói đến cuộc sống! Bởi vì cuộc sống không thể thiếu tình yêu! Như loài hoa đẹp không thể thiếu hương thơm. Hoa đẹp mà không có hương vị gì, coi như... vứt, đời "em" như thế, gọi là "tàn", là "tạ". Mình chợt nhớ nhà "ông Lành", tức nhà "thơ Tố Hữu". Nói vậy chứ cái nhà ông Lành này có cái bài thơ gì đấy nghe cũng "bùi ngùi" tai ra phết! Đó là bài "Người con gái Việt Nam", có mấy câu: "Em là ai, cô gái hay nàng tiên, em có tuổi hay không có tuổi?". Trong trường hợp này, mình xin trả lời là, "em" là Hoa Phi Hương, con Hoa Quốc Phong, cháu Hoa Thịnh Đốn! hehe... Nói tóm lại, "em" vô dụng, cùng lắm, chỉ có thể dùng "em" vào cái việc "thầy bói đoán mò", tức là bứt từng cánh của em để bói, yêu, không yêu, yêu, không yêu, yêu, không yêu... mà thôi! Nhưng "anh" cũng chỉ dám "bứt" đến... nửa chừng, bởi vì ai nỡ lòng nào "bứt" hết một đời hoa!

Nhắc đến cái nhà ông Lành, lại cũng phải nhắc đến cuộc cách mạng... nửa chừng của dân tộc Việt Nam. Mình nói nửa chừng, là vì thế này: giành được "độc lập tự do" rồi, mấy thằng cha của đảng cộng sản nhà ta sinh ra... "đổ đốn". Mấy chả không chịu tiến lên... làm "tới số" cái ước nguyện của Chí Minh là "xây dựng đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn", mà chỉ suốt ngày lo... đớp, đớp nhanh, đớp mạnh, đớp vững chắc, đớp sạch sành sanh, để cả lũ thành một băng đảng mafia, còn dân đen trăm họ cùng cực khổ sở thiếu thốn trăm đường trăm ngả, thì... mặc xác bay! Hàng ngày mình theo rõi tin tức ở quê nhà Việt Nam mà thấy quặn ruột. Không biết vì đau hay do tức! Nhưng nói chuyện quê nhà Việt Nam mà làm gì! Chán lắm! Nói chuyện khác đi!

Ờ, mình nói chuyện khác vậy. Chuyện chết, chết nửa chừng, nhá! Chuyện chết nửa chừng của Chí Minh! Chả là cái nhà ông này tuy là người thiên cổ từ lâu rồi đấy, nhưng ông ta đã chết một cái chết... nửa chừng, nửa chừng như mọi sự trên đời này! Bởi vì ông ta đã "ngỏm củ tỏi" thật sự từ 1969, nhưng người ta vẫn ra rả suốt ngày từ bấy đến nay là ông ta "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Chết rồi nhưng vẫn sống mãi, chẳng là chết nửa chừng thì là gì? Đấy là chưa kể, cái "cá nhân" của ông ta, ý mình nói cái thi xác của ổng, hàng ngày bị đưa lên đưa xuống trong huyệt (huyệt, đấy là gọi theo "tiếng Việt trong sáng ngoài tối", còn gọi theo tiếng CHXHCN Việt Nam là lăng), tức là cái sự mai táng nửa chừng của cái chết nửa chừng... Mà cũng đúng thôi, cả cái gọi là "sự nghiệp" của Chí Minh, cũng "nửa chừng", sống nửa chừng, yêu nửa chừng, thơ nửa chừng, văn nửa chừng, ở tù nửa chừng (thân ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, hehe...), rồi chiến đấu cũng nửa chừng, lãnh tụ lại càng nửa chừng, và cuối cùng, chết nửa chừng! Mà mình việc gì phải "dài dòng văn tự" nhỉ?! Chỉ riêng cái việc một nửa dân tộc Việt Nam nguyền rủa Chí Minh đã là "bằng chứng hùng hồn" cho sự "nửa chừng" của ông ta rồi còn gì! hehe...

Thôi, cái entry này mình chỉ viết... nửa chừng thế thôi. Kẻo mọi người lại bảo mình không "nhất quán" với bản thân, đã bảo mọi sự trên đời này đều nửa chừng, thì viết bài cũng phải nửa chừng chứ! hehe...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét