Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Thiên thần, Quỉ sứ và Chúng ta... hay Cuộc sống là gì?

Mùa Giáng sinh năm nay để lại trong mình nhiều cảm xúc, phải nói là, trăm ngả bề bộn, ngàn hướng ngổn ngang! Hehe... Tức là ý mình muốn nói, khi gần đến ngày cuối cùng của một năm, "người đời" thường "ngẫm ngợi" xem là một năm vừa rồi của cái "cuộc sống mòn" của mình có được cái "tích sự" gì không, có "mòn" đi thêm chút gì không.

Nếu có ai đó hỏi mình hai sự kiện nổi bật trong năm vừa qua của cuộc sống của mình là gì, thì mình "biểu" một "phát" luôn như thế này: Về đời sống vật chất thì có hai sự kiện nổi bật, đó là chuyến mình đưa vợ và con gái lần đầu tiên về quê hương thân thiết là cái thành phố Quảng Ngãi nhớ thương để ăn Tết cùng với hai cụ thân sinh của mình, và chuyến du lịch đầy phiêu lưu của nhà mình trên đất nước của mì spagetti và là quê hương của Leonardo Da Vinci; Còn về đời sống tinh thần thì cũng có hai sự kiện nổi bật đối với mình, đó là sự "trở lại" vào tháng Hai và "ra đi" vào tháng 11 của trang talawas blog.

Và nếu ai đó hỏi tiếp, vậy thì năm vừa qua được cái "tích sự" gì và "mòn" đi cái gì? Thì mình cũng "giả nhời" ngay đây: Úi giời, chẳng được cái "tích sự" gì, chỉ thấy "mòn" đi khá nhiều, ít ra là cái đế giày và cái... túi tiền, hahaha...!

Mình không có ý gì "mỉa mai" cuộc sống đâu! Chẳng qua mình muốn "đi thẳng" vào "vấn đề" đấy thôi. Có lẽ trong mỗi con người chúng ta, cái câu hỏi này đã được đặt ra không dưới một lần: Cuộc sống là gì? Nhà văn Hungary mà mình yêu thích nhất, Márai Sándor, thì "bảo" rằng: "Csak az élet harc és gyalázat", tiếng Việt "trong sáng ngoài tối" là "Chỉ cuộc sống là cuộc chiến và nỗi khổ hạnh" (trích "Di sản của Eszter"). Thế còn nhà thơ Hungary mà mình yêu thích nhất, Ady Endre, thì "nói" gì về cuộc sống nào? Ờ, mình nhớ ra rồi, Ady một thời có "thốt" lên rằng: "Egyetlen igazság van a földön, s ez az igazság az élet", tiếng Việt "trong sáng ngoài tối" là "Có duy nhất một sự thật trên cõi đời này, và cái sự thật ấy, chính là cuộc sống" (trích "Bí mật của cuộc sống và cái chết").

"Ngẫm ngợi" về cuộc sống, mình không thể không nhắc đến thằng bạn nhậu của mình được. Hóa ra cái "chủ thuyết bộ ba" của nó, cái "trường phái triết học cho rằng cái gì cũng phải có ba" mà nó làm "chủ xị" ý, là xuất phát, không, phải nói là, được "thai nghén" từ cái thời xa xưa khi nó xem bộ phim western Ý "Il buono, il brutto, il cattivo", tiếng Anh: The Good, the Bad and the Ugly, còn được dịch: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại. Trong "bữa nhậu hàn huyên" vừa rồi, thằng bạn nhậu "tâm sự" là từ hồi đó nó đã tâm đắc một điều rằng: cuộc sống là cuộc chiến giữa ba "chàng" Đàng hoàng, Đểu cáng và Đần độn. Về cách dịch "Người Tốt, kẻ Xấu và tên Vô Lại", thì nó bảo với mình là không "chuẩn" lắm, không làm "toát" lên được cái ý nghĩa "thể loại cao bồi" của bộ phim, tức là có "đàng hoàng tử tế", có "đểu cáng xấu xa", có "cowboy" - "thằng bò" - tức là "đần độn ngu si". Và từ cái ý nghĩ cuộc sống là "cuộc chiến của ba chàng Clint Eastwood, Lee Van Cleef và Eli Wallach", mà nó đã "phát triển" thành: cuộc sống là cuộc chiến của Thiên thần, Quỉ sứ và Con người chúng ta, mà trong đó, "vai Đần độn" là của Con người chúng ta. Hahaha..., nghe đến đây mình đã phá lên cười như vậy, bởi vì không thể nhịn cười được với cái ý cho "Con người chúng ta" sắm vai "Đần độn" của nó! Mình đã nói với nó, thằng này "náo" quá đi mất, mày lúc nào cũng chỉ được cái "xiên xẹo". Nó nhìn mình cười cười, rồi buông một câu xanh rờn như thế này: Dù sao thì Quả Đất cũng vẫn quay xung quanh Mặt Trời!

Thằng bạn nhậu sau đó còn nói thêm một cái ý như thế này: Và cái "trớ trêu" của "cuộc chiến tay ba" này, là chàng Đần độn luôn..., nó nói như thế nào nhỉ? À, mình nhớ ra rồi, ..."rút được ngắn hơn"! Để mình giải thích: chả là người Hung có câu thành ngữ: "mindig rövidebbet húz" để chỉ những kẻ luôn bị "thua", bị "thiệt" trong mọi chuyện. Mà quả thực như vậy! Khoan hẵng nói chuyện như thế nào, hay ai là Thiên thần, Quỉ sứ, thì cái "chàng Đần độn" đúng là chỉ có Con người chúng ta "sắm hợp vai" được thôi! Và, "trải qua một cuộc bể dâu" (mình lại trích Kiều rồi, hehe!), "chàng Đần độn" đúng là luôn "thua", luôn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", hay "nói trắng" ra là: luôn phải "ngậm đắng nuốt cay"! Ý mình muốn nói đến cái gọi là "những cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta", hahaha! Thì "bọn chúng nó" vưỡn ra rả suốt ngày như thế mà! Đây nhá, chỉ riêng sau cuộc chiến có tên gọi là "Cải cách ruộng đất", chàng Đần độn đã "thua" một keo "kiệt túi", tức là dân lành Việt Nam ta (những người phú nông làm ăn lương thiện như bà Nguyễn Thị Năm không là dân lành thì là gì?!) "chết như ngả rạ", Thiên thần, Quỉ sứ là ai, được gì, không biết, chỉ biết là "bọn chúng nó" đã "lên vành hoa đỏ lên thiên sử vàng", đã cướp được chính quyền để "cưỡi đầu cưỡi cổ" dân ta - chàng Đần độn - cho đến tận bây giờ!

Ờ, mình lại "lan man" sang "chính trị" ở đây vào lúc này làm gì nhỉ? Đang nói về cuộc sống cơ mà, về những điều "cao" hơn cái gọi là "sự nghiệp cách mạng" của "bọn chúng nó" cơ mà! Ừ, thì thôi, mình "quay lại" với cuộc sống vậy, quay lại với "ba chàng" Thiên thần, Quỉ sứ và Con người vậy. Mình nhớ cái câu này của bác TQV "Dưới mặt trời này có biết bao kẻ lưu thân không chốn quay về" trong cái phản hồi của bác ý dưới entry này. Đó là bởi vì thế này: đêm 24 mình đã cùng vợ đến nhà thờ dự lễ kỷ niệm đêm Giáng sinh của Chúa Giê-su, được xem người ta diễn lại cảnh ra đời của Chúa ngày ấy. Nhìn cảnh Đức Chúa Giê-su "lưu thân" xuống "trần gian lắm" này như một Thiên thần tiếp sức với Con người chúng ta trong cuộc chiến với Quỉ sứ, mình mới nghĩ, không biết lúc cất tiếng khóc chào đời, Con người chúng ta có biết là sẽ phải "sắm vai" chàng Đần độn suốt cuộc đời không nhỉ? Chắc là Con người chúng ta đã biết trong tiềm thức, nên mới... "khóc o oe chào đời" chứ! Hehe...

Ừ, nhưng tại sao lại có lại có những kẻ cam tâm đi "bán linh hồn cho Quỉ sứ" để "làm hại" dân lành như "bọn chúng nó"?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét