Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Nhớ Nam Cao

Ngày xưa, tức là vào quãng nửa cuối của thế kỷ trước, khi mình đọc Nam Cao, đã cảm thấy những điều huyền bí trong các tác phẩm của ông. Mình thường nhận xét với thằng bạn cùng lớp là, trong thơ có Nguyễn Du, trong văn có Nam Cao, là những nhà văn lớn của Việt Nam. Hồi đó, mình đã bị những chữ đồng âm khác nghĩa của hai "anh tài" này "đánh gục".

Trước tiên, mình muốn nói đến chữ "tai" của Nguyễn Du trong câu thơ Kiều:

"Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần"

Để tiếp thụ tri thức, con người ta có cái mắt để nhìn, cái tai để nghe và "cái" óc để tổng hợp, tư duy và... "hấp thụ". (Mình để "hấp thụ" trong dấu ngoặc kép, tức là nhấn mạnh chữ "hấp thụ", là cũng có "thâm ý" đấy, mình sẽ nói sau, nghĩa là về những trường hợp... "cám hấp thụ", hehe...!). Khởi thủy của một đời người, ý mình muốn nói đến cái thời "trai tráng trẻ con" ý, lúc con người lên ba lên năm trọ trẹ "tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin" (hehe...), cái "tai", có thể nói, đã "hoành hành" một cách đầy "ngạo nghễ" trong công cuộc "hấp thụ tri thức" của chúng ta rồi. Nêu câu thơ của Tố Hữu ra đây, thực ra mình không muốn "xúc phạm" cái nhà "ông Lành" này làm gì, bởi vì cái nhà ông này đã trở thành người thiên cổ từ lâu, mà chỉ muốn dẫn chứng một cái sự "tai ương" của nhân loại, mà cụ thể là của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ trước. Sự "tai ương" đó như thế nào, chắc nhân dân Nga-Sô biết rõ hơn mình, hãy để nhân dân Nga-Sô lên tiếng vậy!

Ở đây, mình chỉ muốn nói đến mối liên quan rất chi là mật thiết của cái "tài" và cái "tai". Ngày xưa, (lại ngày xưa), ý mình muốn nói đến cái thời Adam và Eva còn "lông lá ở truồng" với nhau trên Thiên Đàng ý, cũng vì họ có cái tai nghe "những lời đường mật" của con rắn, mà cả hai "anh và ả" phạm tội tổ tông, và bị Thượng Đế "giáng thế" xuống trần gian sống kiếp đọa đầy. Cái họa của Adam và Eva do cái tai "gây" ra ở trên Thiên Đàng thời đó, mình gọi là "thiên tai". Từ đó suy ra, và cũng chính vì thế, mà sau này nhân gian gọi tất cả những "khổ ải từ trên trời rơi xuống", như là mưa bão, lũ lụt, hạn hán, giông tuyết,..., tất tật, là "thiên tai", chắc thế! Hehe...

Có một điều "trớ trêu" nữa của "thiên tai", đó là: Khi dân tình quá cơ cực bởi "thiên tai", không chịu nổi nữa, họ muốn nhờ đến sự cứu vãn của "thiên tài Trời Đất", thì "kêu trời trời chẳng thấu, gọi đất đất không hay", những lúc như thế, "thiên" có "tai" cũng như không, bởi vì có nghe thấy tiếng than của dân tình đâu! Cũng như thế, "thiên" có "tài" cũng như không! Tài với cán gì, khi mà dân tình vẫn muôn kiếp khổ sở muôn đường, Trời Đất ạ!

Nói túm lại, cụ Nguyễn Du nói rất chí phải, "Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần"! Mọi tội lỗi của loài người chúng ta, đều bắt đầu từ cái "tai" mà ra. Tỷ như vợ nghe lời phỉnh dụ của trai cường tráng mà đem miệng đi... nuốt nem, còn chồng thì ngả theo tiếng gọi của gái chân dài mang mồm đi... đớp chả. Tai hại, tai hại! Nói đến đây, mình phải nhắc lại cái "tai ương" của cái nhà "ông Lành", quả thật là tai hại khi cái nhà ông này nghe tiếng trẻ thơ bi bô đòi sữa uống thành "Xít ta lin". Tai hại, tai hại! Phải hiểu "tai hại" có nghĩa là: Cái tai của chúng ta đúng là đồ... ăn hại! Hehe...

Vậy tại sao mình lại nhắc Nam Cao ở đây? Cái nhà "anh tài" này có chữ "để đời" nào? Ờ, mình xin nói luôn đây:

Đó là chữ "CHÍ", "CHÍ PHÈO" liền với "CHÍ MINH" một vần!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét