Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

"Tướng về hưu" và "Người điên xóm nhỏ"

“Nhiều người hôm đi đưa tang ghen tỵ với cuộc đời của ông. Bên ngôi mộ mới đắp của ông Bình, nằm sát chân núi Lò Kho, có mỏm đá nhô ra xám xịt, nứt nẻ. Bỗng cụ Tám, cậu họ xa với ông Bình, lẩm nhẩm: “Coi như thằng Bình nó chết từ năm 1973 chứ đâu phải mới đây”. Ai cũng lấy làm lạ, hỏi gấp gấp cụ Tám:

“Cụ nói sao, cụ nói rõ chút coi.”

Ông cụ sờ sờ mỏm đá nói:

“Chính chỗ này, thằng Bình bị đất đá vùi lấp sau trận đánh giáp la cà năm đó. Nhưng người ta đã lôi cổ nó lên, bắt sống thêm.”(Phùng Hi)

Đọc bài này, và nhân việc bác TNT nhắc lại truyện ngắn “Người điên xóm nhỏ” của Phùng Hi, tôi mới nhớ đến đoạn văn trong bài báo tôi dịch và gửi talawas bộ cũ cách đây khá lâu:

“”Xả thân” vào một cuộc chiến, coi như con người bị tách ra khỏi chính cuộc sống của mình. Họ rơi ra ngoài quỹ đạo sống bình thường và không thể quay trở lại. Điều trớ trêu: không có một con đường nào khác cho họ. Nhà văn Hung Kertész Imre đã đặt tên cho cái trạng thái bi ai ấy một cái tên đầy triết lý phương Đông: “Không số phận”. Số phận đời thường của Mike đã bị “đánh cắp”, và anh ta không được “ban phát” một số phận khác thay thế. Có hoạ chăng, chỉ là một trạng thái sống mù mờ, không lối thoát. Cũng giống như những người thoát chết từ Holocaust trở về, cựu chiến binh Mỹ chỉ “cà nhắc” trong cái cảnh ngộ không thể định nghĩa được. Cảnh ngộ này (trước đó là quê hương, tổ quốc của họ: đất nước Hoa kỳ oai hùng) đã “tước” mất số phận đời thường của những người lính Mỹ (mặc dù họ sẵn sàng hiến thân để bảo vệ nó), chỉ để lại cho họ một trạng thái “sống” mòn mỏi. Những chàng trai như Mike không biết phải làm gì với trạng thái “sống” quái gở này.

Với lời thề không bao giờ bỏ rơi bạn, Mike quay lại Sài Gòn tìm Nick. Hòng đưa Nick trở về quê hương, nhưng Mike đã nhầm. Cả hai người: Nick (từ Sài Gòn) và Steve (từ bệnh viện) đều không muốn quay lại chốn cũ. Họ cảm nhận điều Mike đã nghiệm ra: cuộc sống của họ trên quê hương đã chấm dứt.

Điều nghịch lý lớn nhất sau chiến tranh Việt Nam: không phải chiến trường, mà là Đất Mẹ không còn, nơi “trở về” đã mất đi. Chúng ta có thể thấy sự nhận biết này của Nick trong cảnh phim: anh thử gọi điện về nhà nhưng không được. Quê hương đối với anh không tồn tại nữa, hoặc ít ra, không thể “móc nối” được… Cũng có thể, đơn giản là ông không muốn kết thúc bộ phim, không có cái “chấm hết”. Cơn sốc “triền miên” này không bao giờ hết trên đất Mỹ! …Các chàng trai của chúng ta bước vào địa ngục từ đây. Đối với thế giới trần gian, họ là những thây ma. Vì thế, những người dân của thị trấn bé nhỏ đã không nhận thấy sự trở về của Mike. Anh không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội. Anh như một hồn ma từ thế giới bên kia, lượn lờ trên quê nhà… Một chi tiết nữa cũng cần nhắc tới: Từ lúc trở về, Mike không cởi bỏ quân phục, bởi vì trong bộ quân phục anh chỉ là một cái xác của thế giới tâm linh.” (trích “Kárpáti Ildikó – Sống và chết sau chiến tranh Việt Nam”, talawas 2002-2008)

Có nghĩa là, sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Chiến tranh Việt Nam 1954-1975, thân phận của những người lính, lính Mỹ, lính Cộng Hòa, lính Bắc Việt, dường như giống nhau, họ có chung một “số phận”: KHÔNG SỐ PHẬN. Có lẽ, nhà văn miêu tả được cái trạng thái “không số phận” này rõ ràng nhất và thành công nhất là Nguyễn Huy Thiệp, bằng tác phẩm nổi tiếng “Tướng về hưu” của mình. Tôi có đọc được một bài viết về “Tướng về hưu” rất hay, xin trích ra đây: “…thế giới Tướng về hưu là một thế giới trong đó con người không có hoài bão, xã hội không có tương lai. …Tính chất nghệ thuật của Tướng về hưu ở chỗ khơi được thế giới đó, cảm giác đó, qua lối hành văn. Chẳng giải thích dài dòng, chẳng dùng những tính từ dao búa, chỉ viết những lời ai ai cũng hiểu được, mà tạo nên cả một bầu không khí điên đầu, cả một thế giới trong đó không ai có thể hiểu ai.”

Nói tóm lại, thân phận của những “người điên xóm lớn”, cũng không thoát khỏi cái trạng thái “điên điên”, “không số phận” của những “người điên xóm nhỏ”. Nên, bác TNT, khi nhận định rằng, “Mà “mấy anh ở trên” (Xóm Lớn) không phải chỉ có mấy người nhẩy núi – như Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng – mới bị mắc chứng tâm thần hoang tưởng đâu. Đọc qua “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội XI” là thấy ngay rằng toàn ban đều bị “trật đường rầy” ráo trọi, chớ đâu có riêng gì ông Chủ tịch Nước hay ông Thủ tướng.“, là bác nói chí phải! Tôi là tôi cho rằng như vậy. Xin cám ơn bác về bài viết này! Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét