Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

talawas? ta là gì? ta là... cô đơn?

Sau cái ngày talawas đóng cửa, ngày 3/11, đã được 2 ngày rồi. Bây giờ mình mới thấy ý nghĩa của sự cô đơn như thế nào. Chợt nhớ về cái phản hồi mình viết dưới bài của Nguyễn Lệ Uyên viết về một tác phẩm của Khuất Đẩu, truyện dài "Những tháng năm cuồng nộ". Người ta thường nói, nhà văn là kẻ cô đơn nhất thế gian, bởi vì họ không thể "sống" với một "ai" được, ngay với bản thân họ cũng không được, chỉ có sự cô đơn mới đem lại thành công trong sáng tác văn học. Tuy trước đây mình cũng cố suy ngẫm để "đánh hơi hướng" về điều đó, nhưng vẫn không hiểu. Tại sao lại phải cô đơn, khi mà tác phẩm văn học thường "đầy rẫy" nhân vật? Tù mù quá đi mất! Đấy là trước đây, còn bây giờ thì rõ ràng như ban ngày rồi, cái sự cô đơn chính là "cứu cánh" cho nhà văn, chị Hoài "bỏ rơi" talawas để tìm lại sự cô đơn, có lẽ do chị không thể kháng cự lại cái sự "cô đơn" cần thiết của nhà văn. Nhà văn cần cô đơn để sáng tác. Mà cũng đúng thôi, chẳng ai sáng tác được khi mà xung quanh mình đầy "những người là người"!

Mình trích lại ra đây cái phản hồi mà mình nói ở trên, về cái "cô đơn kia" của con người VN:

“Cuối cùng một thằng người từ chó sinh ra cũng được làm người thật sự khi gặp lại chị Thảo, nay đã già tóc đã bạc kêu lên “Chào cha đi con!”.”(Nguyễn Lệ Uyên)

Tôi chưa đọc hết “K.Đ – Người giữ nhà thờ họ”, mà mới chỉ “nghiền ngẫm” tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” của nhà văn K.Đ. Nói chung, những phân tích về tác phẩm “NTNCN” của tác giả NLU là khá sâu sắc. Riêng tôi, tôi còn cảm thụ được một điều này từ tác phẩm “NTNCN”, mà theo suy đoán “thiển cận” của tôi, có lẽ tác giả NLU đã “quên”, không nói ra trong bài viết. Đó là nỗi cơ đơn mòn mỏi của nhân vật “Tôi” trong tác phẩm. Theo suốt chiều câu chuyện của “thằng chó đẻ”, nỗi cô đơn này không bao giờ được “giải tỏa”. Nỗi cô đơn của “Tôi” xuất phát từ lúc “Tôi” bị bà mẹ đẻ bỏ trôi sông, rồi qua việc tuy được cô Sáu đùm bọc nuôi nấng, nhưng không được gọi bằng “Mẹ”, đến việc “yêu” chị Thảo cũng không trọn vẹn, và tạm kết thúc khi cuối truyện được gặp gỡ với “con mình”. Nhưng tôi nghĩ, cuộc gặp gỡ này chỉ là cái “kết có hậu” của nhà văn K.Đ khi sáng tác tác phẩm này thôi. Và, “Nỗi cô đơn” không chỉ “đeo đuổi” nhân vật “Tôi” suốt cuộc đời, mà còn “bám riết” những nhân vật khác trong “NTNCN”, như “thủ ngữ Đực”, “thằng Hảo”, hay “cô Thảnh”, hoặc “cậu Khánh điên”, “ông Khứ”… Có thể, đây là một trong những điều mà tác giả muốn gửi gắm, một nỗi cô đơn như “bóng ma vô hình” đã bao chùm lên mỗi con người VN từ suốt bao đời nay!

Nói đến “bóng ma vô hình”, tôi nhớ đến đoạn này: “Bóng ma vô hình đã thực sự lởn vởn khắp mọi nhà. Nó đến lúc nào không ai biết, nó đi lúc nào cũng chẳng ai hay. Nhưng trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, trên trời dưới đất đâu đâu cũng có nó. Từ đây, mọi người lại co rúm như làng đang có dịch!”(trích “NTNCN”). Tôi có thể làm một phép so sánh như thế này, nếu ở miền Bắc vào những năm cuối của thập kỉ ‘80 có tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, thì ở miền Nam có tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” của tác giả K.Đ. Hai tác phẩm này, phần nào đã nói lên được cái “thân phận hẩm hiu” của người nông dân Việt Nam và cái sự “tàn tạ” của mảnh đất cong cong “èo uột” hình chữ S của chúng ta này. “Cả nước bàng hoàng!”(trích “NTNCN”)

Để tạm kết luận, tôi xin có một ý kiến như thế này, cái ý “cũng được làm người thật sự” của tác giả NLU, nếu để nói về “hiện trạng” của con người VN, thì hơi bị… lạc quan! Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét