Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Hỡi những cô đơn của thế gian, đừng liên hiệp lại thành... bầy đàn!

Tiếp tục cái ý "cô đơn" hôm qua.

Mình phát hiện ra điều này: Thường thì con người ta cần sự "bầy đàn" hơn sự "cô đơn", nên có thể chia "loài người" ra làm hai loại: những kẻ thích bầy đàn và những người thích cô đơn. Và một câu hỏi tiếp theo, vậy thì cái "loài" nào hơn? Theo mình thì không có sự "hơn thua" ở đây, chỉ có những kẻ "dại dột" và những người "thiên tài". Và có một thực tế hiển nhiên là: thiên tài thì rất hiếm vì... cô đơn, còn dại dột thì đếm không xuể bởi có... hàng đàn! Tóm lại, mình sao thấy... mình cô đơn thế không biết! hehe...

Mình lại nhớ đến cái phản hồi này:

Kính thưa tác giả Nguyễn Lệ Uyên,

Tôi xin cám ơn những bày tỏ của ông trong PH trả lời tôi của ông. Và tôi cũng rất mừng là mình có cơ hội để trao đổi một vài điều về văn học nói chung và về tác phẩm “NTNCN” nói riêng, với tác giả của một bài viết phê bình về văn học là ông.

1. Trước hết, để tránh hiểu lầm về nhau, tôi xin được bày tỏ rằng, tôi rất trân trọng cái tinh thần lạc quan của ông. Cái dấu :-) có lẽ đã làm cho ông hiểu lầm là tôi có ngụ ý châm biếm ông điều gì đấy. Nhưng, xin ông hiểu cho, tôi hoàn toàn không có ý châm biếm ông ở điều gì cả, ở PH sau tôi đã xóa nó đi, vì nghĩ rằng, mình có thể sẽ bị hiểu lầm. Nhưng BBT talawas lại “ưu đãi” tôi quá, nên đã để cả 2 PH! Ở câu cuối của PH của tôi, xin ông hãy để ý đến giả thiết “nếu để nói về “hiện trạng” của con người VN”. Tức là ý tôi muốn liên hệ văn chương(cụ thể là tác phẩm “NTNCN” với nhân vật “Tôi”) với cuộc sống thực tế hiện nay ở VN, nơi có rất nhiều “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”(Truyện Kiều). Tôi nghĩ rằng, văn chương có một ý nghĩa rất quan trọng là qua ngôn ngữ nói lên sự thật(“Văn chương cần nhất là nói thật.”Nguyễn Khắc Trường). Và cái sự thật của “Tôi”, thì theo tôi, vẫn “chưa được làm người thật sự”, dù chỉ trong khung cảnh của tác phẩm văn chương, vì có thấy tác giả nói tới đâu. Tác giả K.Đ chỉ viết rằng, “Lần này thì tôi khóc. Đứa con trai ôm lấy tôi, áp cái đầu đang muốn nổ tung vì bất ngờ vào lồng ngực vững chãi của nó. Một lúc sau nó mới ngửa mặt tôi ra, hôn lên cái trán đã bắt đầu nhăn nheo thay cho một lời chào.”(trích NTNCN) Hết, chấm hết! (Về sâu xa, tôi cũng quan niệm như ông, có được niềm tin lạc quan về cuộc sống là điều cần thiết hơn là sự bi quan, thiểu não, kiểu như “Trời ơi, sao lại khốn khổ khốn nạn thế hả trời!” trong cái “hiện trạng” cuộc sống của chúng ta). Nhưng khi phân tích về một tác phẩm văn học, tôi nghĩ, là nên với một cái nhìn bao quát, một chút gì đấy “lạnh lùng” và thấu suốt hơn. Thậm chí, nên nâng tác phẩm tới những phạm trù triết học (như ông nói), để tìm ra hết những giá trị của tác phẩm. Việc này, theo tôi, không có gì gọi là "khiên cưỡng" cả (hình như ông đã viết sai chính tả từ này, tôi tìm không thấy từ “kiêng cưỡng” của ông?!), mà ngược lại, chính cái sự “Vậy thì làm sao tôi không lạc quan với những số phận bị đày đọa đó.” của ông mới mang tính “khiên cưỡng” trong phê bình văn học.

2. Và bây giờ, xin được trao đổi tiếp với ông về “nỗi cô đơn” triết học trong tác phẩm “NTNCN”. Tôi vẫn cho rằng, “nỗi cô đơn” là một trong những điều chính mà tác giả K.Đ muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình. Hôm qua, giữa những trận banh của World Cup, tôi đã đọc lại một lần nữa “NTNCN”. Và tôi đã phát hiện ra một điều này nữa. Đó là, nỗi cô đơn “ám” rất chặt không chỉ thân phận của những nhân vật người VN trong tác phẩm “NTNCN”, mà còn cả cuộc đời lính tráng của những người lính Mỹ nữa. Mời ông đọc đoạn này: “Nhưng bar không phải là nhà thổ và tụi Mỹ đến đây cũng không như đến nhà thổ. Chúng đến bar để được nói dù các ả không hiểu hay hiểu rất ít, để được khóc vì nhớ mẹ, nhớ cha, để được vuốt ve đôi chút vì nhớ vợ con hay nhớ người yêu… Sau những ngày lội sình, những cuộc hành quân, hay những trận càn bị phục kích, đứa nào sống sót trở về mà không rúc vào bar. Những lúc ấy trông chúng thật tội nghiệp. Chúng để mặc cho các ả xoa đầu xoa cổ bẹo tai bẹo mũi. Chúng gục đầu vào lòng các ả khóc rấm rứt như một đứa trẻ lên năm. Đối với chúng giờ đây, một nơi cách xa đến nửa vòng trái đất, các ả là quê nhà, là mẹ, là vợ, là người yêu!”(trích “NTNCN”) Như vậy là, theo tôi, ngoài những giá trị mà ông đã nêu ra, “NTNCN” còn có một giá trị rất nhân văn là nói lên được sự thật (nỗi cô đơn là một trong những sự thật) của cái kiếp con người trên mảnh đất VN nói riêng, và rộng ra, của mọi con người trên cõi đời này mỗi khi có chiến tranh.

3. Trên đây là vài cảm nghĩ của tôi về tác phẩm “NTNCN”, và rất mừng là đã được trao đổi với ông. Xin cám ơn ông một lần nữa! Tiện đây, cũng xin cám ơn những ý kiến trao đổi của bác Trần Hoài Thư dành cho tôi. Xin cám ơn các bác! Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét