Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Cái "tôi" và cái "cá nhân", hay thân phận của "ta"

Hôm trước mình được chị Nh. gửi cho một bài thơ "buồn thấm thía" của chị ấy. Mình đọc xong, thấy cũng buồn thật! Liền viết thư cho chị Nh. như thế này:

Chào chị,

Đọc cái bài chị gửi, em bị ám ảnh mãi, không ngủ được. Có thể là do cái "âm điệu" u ám đau buồn, như chị viết:
"đau buồn là niềm hân hoan duy nhất xác thực, là hạnh phúc duy nhất diễn tả nỗi hài lòng của con người.

Đau mang lại cảm giác duy mỹ hiếm hoi từng ngày. Cái đẹp là sự nâng niu từng nỗi đau phải sống,"

gây ra cũng nên?!


Em có cảm giác là chị đang đánh mất đi cái vô tư yêu đời, cái lạc quan tin tới một tương lai gì đấy, mà những người tuổi rắn như chị em mình thường hay có!

Những bài viết gần đây của chị đã mang đậm hơn những nét buồn, những hơi đau nhân tình thế thái... Em nghiệm ra một điều, là khi càng viết nhiều, nhất là những nhà văn, người ta càng đi gần đến cái thực chất sâu thẳm nhất của sự việc, của vấn đề. Như anh V. chẳng hạn, những bài viết gần đây của anh ấy cũng dường như "toát" ra mạnh mẽ hơn nỗi đau cô đơn của người sáng tác. Phải chăng là anh chị đã đạt được đến cái cần phải đến: sự tha phương hiu quạnh của một kiếp người hiu quạnh!


Em nhớ đến bài thơ chị viết gửi tặng NTC, trong đó có câu:


"Thi sĩ

là kẻ

chưa bao giờ thất lạc giữa quê hương."

Và bây giờ, khi đọc những dòng này của chị:

"cơn mộng du xé nửa giấc trăng tàn

ngơ ngác ngày xuân lá xanh vặt lá xanh trần trụi

đêm phiền muội thắp lửa lòng phiền muội

hơ nóng quạnh hiu bằng một kiếp quạnh hiu."

thì em lại thấy, thi sĩ là kẻ, bao giờ cũng thất lạc giữa quê hương!

Và không những thế, ở đâu trên cái Trần gian lắm này, con người chúng ta cũng đều là những kẻ thất lạc hết trọi! Hahahahahahaha...

Chị có đồng ý với em không?!?!


Và hôm nay, mình lại nhận được lời chia sẻ của bác Trần Quốc Việt trên blog này của mình. Mình bị "choáng váng" bởi câu này của bác ý: "Chúng ta tự nguyện lưu vong mà sao vẫn nặng lòng về quê cũ hở bác"

Mình nói mình bị "choáng váng" là vì câu nói này của bác ý, sao nó "buồn thấm thía" thế không biết! Mà đúng thật, không cứ gì những người lưu vong như bác ý và mình - những người Việt xa xứ, mà ngay cả đối với nhiều người đang sống ở trong nước - những kẻ lưu vong trên chính quê hương xứ sở của mình -, tất cả cũng đều chung một mối nặng lòng với quê hương Việt Nam!

Để hiểu được cái sự "vì sao nên nỗi" này, mình nghĩ có lẽ cần phải quay lại với Kertész Imre. Tức là quay lại với cái TÔI, cái CÁ NHÂN và cái TA, trong các tác phẩm của ông, chính vì thế mà mình đã đặt cái tiêu đề của entry này là "Cái "tôi" và cái "cá nhân", hay thân phận của "ta"". Như mình đã viết ở bài trước, trong con người chúng ta tồn tại hai bản thể của một cái "TA": cái TÔI và cái CÁ NHÂN. Cái "cá nhân" thì có số phận, kiểu như "Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa lại quét lá đa" Hehe... Còn cái "tôi" thì không số phận. Hai cái "tôi" và "cá nhân" này làm nên cái "ta" của thân phận một con người trong xã hội. Có những "bằng chứng hùng hồn" cho cái thuyết "phân thân" này của KI. Mình chỉ lấy đơn giản làm ví dụ minh họa như trường hợp của ông nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khải. Nhà văn quá cố này đã viết "Đi tìm cái tôi đã mất". Tức là cái "cá nhân" của ông ta vẫn "sống bình thường" như một người sáng tác văn học, trong khi đó cái "tôi" của ông ta thì bị "đánh mất". Hay nói một cách "văn vẻ" ra là: cái "tôi" của NK luôn luôn bị chính ông ấy "ruồng bỏ", nhưng nó vẫn "vất vưởng" đeo bám ông ấy suốt đời. Hoặc như trường hợp của ông nhà thơ Chế Lan Viên cũng thế, cái "tôi" của ông này biết là "bánh vẽ" đấy, nhưng cái "cá nhân" của ổng, vẫn cứ... ăn! Hehe... Mình chợt nhớ tới câu nói của mẹ: "Ăn cho mau lớn con ơi!". Ôi, Mẹ Việt Nam buồn!

Viết đến đây, mình có thể "trả lời" câu hỏi "Chúng ta tự nguyện lưu vong mà sao vẫn nặng lòng về quê cũ hở bác?" của bác Trần Quốc Việt quí mến như thế này: Có cái "nông nỗi" đó, là bởi vì cái "cá nhân" chúng ta sống lưu vong, còn cái "tôi" của chúng ta thì "nặng lòng" với quê hương đất tổ!

Entry này mình viết với ý định mến tặng bác Trần Quốc Việt, tác giả mình rất quí mến trên talawas.

1 nhận xét:

  1. Anh Trương Đức thân mến,

    Tôi gởi đến anh những trích đoạn sau về lưu vong.

    Dưới mặt trời này có biết bao kẻ lưu thân không chốn quay về.

    " Chúng ta phải chấp nhận, cho dù miễn cưỡng, sự thực đơn giản rằng chúng ta sống trong thời đại của những người tỵ nạn, những di dân, những kẻ lang bạt, những người du mục đang lang thang trên khắp các châu lục và đang sưởi ấm tâm hồn họ bằng ký ức về những mái nhà xưa tinh thần, dân tộc, tâm linh hay địa lý, thật hay tưởng tượng của họ. Ta không thể nào chịu đựng nổi khi mất hẳn đi mái nhà xưa trong tâm tưởng ấy; điều ấy chẳng khác gì ta đoạn tuyệt hoàn toàn với cõi nhân sinh này."

    (TQV dịch)

    Nguồn: Leszek Kolakowski (Ca ngợi Lưu vong, 1985)

    "Mưa New York là mưa của lưu vong."

    (TQV dịch )

    Nguồn: Albert Camus ( Những Cơn Mưa New York, 1947)

    "Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
    Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
    Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
    Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà."

    Nguồn: Trịnh Công Sơn (nhạc phẩm Một cõi đi Về, 1974 ?)

    Trả lờiXóa