Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Lélektelenség, hay tiếng Việt là Không tâm hồn

Hôm nay mình lại đọc được một bài dịch của chị Nhung rất hay, là cái bài này. Ở Hung đã lâu, lại đọc cũng khá nhiều tác phẩm văn học Hung, mình nhận thấy, cùng với nhà văn Kertész Imre, nhiều nhà văn Hung cũng xứng đáng được trao giải Nobel văn chương, tức là mình nghĩ thế! Nhưng không hiểu sao Ủy ban Nobel chỉ trao cho mỗi KI. Trong kho tàng văn học Hungary, có khá nhiều những tác phẩm, có thể nói là ngang tầm với Không số phận. Nhưng không hiểu sao các tác giả của những tác phẩm ấy, lại không được Ủy ban Nobel "đoái hoài" tới. Thậm chí, trong danh sách ứng cử viên hàng năm cũng thật "hãn hữu". Chẳng lẽ những nhân vật trong Ủy ban không có mắt? Hoặc vì tiếng Hung Gia Lợi quá khó đối với họ? Nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới cũng phải công nhận là nền văn học Hungary không nhất thì nhì trên văn đàn quốc tế! Vậy thì?

Nói lan man vậy thôi, chứ mình biết thừa là cái giá trị của một tác phẩm, không phải là nó có đoạt giải Nobel hay không, mà là nó có để lại cho nền văn hóa nhân loại một cái gì "đáng giá" hay không! Đây mới chính là điều cần nói tới, mỗi khi người ta muốn "nhận định" tác phẩm. Chẳng hạn như cuốn "Chiến tranh và Hòa bình" của Lev Nikolayevich Tolstoy, một tác phẩm mà, có thể gọi là vĩ đại nhất trong nền văn học của nhân loại. Nếu có một sinh vật khác nào đó, UFO chẳng hạn, từ "phía bên kia" của vũ trụ đến Trái Đất của chúng ta để "tìm hiểu" về loài người chúng ta, thì theo mình, đơn giản nhất và nhanh chóng nhất, là sinh vật ấy (với đôi mắt có kích thước to hơn của chúng ta!) hãy đọc "Chiến tranh và Hòa bình" bằng nguyên bản tiếng Nga là sẽ hiểu hết ngay lịch sử loài người! Dĩ nhiên, nếu các vị "UFO" không biết tiếng Nga, thì có thể đọc bằng tiếng Hungary, nếu các vị ấy muốn! Bởi vì như người Hung thường nói với mình, có vẻ như người Hung là những cư dân đến từ Sao Hỏa!!! Hehe... Tức là mọi sinh vật đến từ hành tinh khác, đều là dân Hungary!!!

Mình nói đến KI, bởi vì ông nhà văn này, có thể nói là, hoàn toàn... chinh phục mình! Đọc các tác phẩm của KI, mình luôn luôn có một cảm giác là, ông nhà văn này dường như không bao giờ để ý đến cái "thực tại" bao quanh mình. Những gì ông nói đến, dường như không có thực trên cuộc đời này?! Nó có vẻ như một giấc chiêm bao thật khủng khiếp, nhưng rốt cuộc, chỉ là một giấc chiêm bao, cuộc đời thực vẫn "khác", vẫn "không là thế"! Nhưng tuy vậy, mình vẫn cảm nhận được một tư tưởng rất "thực" bao trùm lên các tác phẩm của ông. Đó là câu hỏi, tại sao TA tồn tại? Có phải TA chính là TA, hay TA là một KẺ KHÁC?

Cái sâu xa của "Không số phận" chính là ở điều này? Nhiều nhà phê bình văn học của Hungary cũng đã phát hiện ra mối tương quan giữa "cá nhân" và cái "tôi" riêng rẽ của con người. KI đã giải nghĩa rất cặn kẽ sự khác nhau này trong các tác phẩm của mình. Tức là ý mình muốn nói là, theo KI, cá nhân con người thì có "số phận", nhưng cái "tôi" của chính con người đó, thì lại không có số phận. Cái TÔI có thể trở thành rất vĩ đại, trở thành nổi tiếng, cũng có thể trở thành "vô tích sự", vô nghĩa! Ngược lại, CÁ NHÂN con người, cùng lắm, thì chỉ có thể trở thành một thành phần "có ích" cho xã hội. Đây là một giá trị của sự nghiệp văn chương của KI. Ông đã đem lại một cái nhìn mới cho những nhà nghiên cứu văn học sử. Không phải cứ đáng giá về mặt nghệ thuật, về mặt ý nghĩa nhân sinh quan một tác phẩm văn học, là "xong" đâu, mà cả về ý nghĩa của cái TÔI, cái riêng tư, cái bao trùm lên một thân phận nhà văn nữa!

Mình nhớ đến tác phẩm "Một kẻ khác"(Valaki más) của KI. Hoặc như tác phẩm "tự vấn", K. dosszié, của ông. Các tác phẩm này, giá như mà chúng được dịch sang tiếng Việt nhỉ! Dĩ nhiên là phải dịch thật hay cơ, chứ còn dịch như một cái lão nào đó, mà không biết là lão đó (giục) dịch hay (rục) rịch, thì chán chết! Mình đã có lần khuyên chân tình lão ta là hãy chỉ viết luận văn tiến sĩ (diện) thôi, đừng dính đến văn chương mà làm gì, tội nghiệp lắm! Nhưng có vẻ như lão ấy, nặng tai, hơi khó nghe, thì phải?!

Nói đến đây thì mình phải nói "toạc móng heo" ra luôn, tức là có những con người, không những họ không có cái "TÔI" quí báu như đã nói ở trên, mà còn ngay cả cái TÂM HỒN của họ cũng... KHÔNG CÓ! Như cái trường hợp của cái lão dịch giả mà mình đã nói ở trên!

Phải chăng cái sự này, KI sẽ gọi là LÉLEKTELENSÉG, hay nói tiếng Việt trong sáng của mình là, KHÔNG TÂM HỒN?!

Có thể lắm! Bởi dường như nhân loại đang dần dần đánh mất đi tâm hồn của mình! Thế giới giờ đây, chỉ còn lại đầy rẫy sự... vô cảm!

3 nhận xét:

  1. Bác Trương Đức thân mến,

    Hôm nay tôi ghé vào trang blog của bạn để chào bạn.

    Trần Quốc Việt

    Trả lờiXóa
  2. Bác Trần Quốc Việt thân mến,
    Tôi rất vui mừng là gặp lại bác ở đây. Một niềm vui đáng giá nghìn vàng trong những lúc như thế này! Tức là ý tôi muốn nói đến cái sự talawas ngừng hoạt động và chúng ta, những cư dân talawas, phải "tản mác" khắp nơi. Tôi vẫn biết là cuộc đời luôn mang những bất ngờ. Nhưng sự ra đi thình lình của talawas chắc đã gây nhiều "tổn thất tùng" cho nhiều độc giả như tôi. Cái blog này của tôi như một niềm an ủi như thế nào đấy cho riêng tôi. Nếu được bác chia sẻ những cảm nghĩ của mình cho tôi, thì thật là vinh hạnh và ý nghĩa. Tôi rất mong!
    Kính chúc bác an lành!
    Trân trọng.
    Trương Đức.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Trương Đức quý mến,

    Hồi ở Talawas tôi chưa có dịp cảm ơn bác về những thịnh tình bác dành cho tôi như bày tỏ trong các phản hồi. Phản hồi Trương Đức là một trong những phản hồi tôi hay tìm đọc ở Talawas. Giờ tôi hay ghé vào nhà bác để đọc. Talawas bỏ cuộc chơi khiến bao kẻ cũng bỏ theo trong đó có tôi. Trên bàn làm việc của tôi vẫn còn nhiều bài tôi muốn dịch, trong đó có một truyện ngắn hay của Ismail Kadare viết về hội nhà văn Albanie. Giờ nếu có dịch tôi cũng không biết gởi cho ai. Và cũng không còn hứng để dịch nữa.

    Vài lời tâm sự với bác. Gơi bác những câu thơ của Viên Linh viết về những con Việt xa xứ khắp mọi phương trời:

    "Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
    Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
    Ngày mai nếu trở về quê cũ
    Hy vọng ta còn tiếng khóc chung."

    Và câu ca dao sau:

    " Chim ham trái chín bay xa
    Buồn tình nhớ lại gốc đa muốn về."

    Chúng ta tự nguyện lưu vong mà sao vẫn nặng lòng về quê cũ hở bác .

    Trần Quốc Việt

    Trả lờiXóa