Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Chữ Nghĩa

Thiên hạ hay nói, Ôn cổ tri tân, tức là Xem cái cũ mà biết cái mới. Chữ là một cái cũ rích từ bao đời nay. Năm hết Tết đến, hôm nay tự dưng mình nổi hứng muốn nói chuyện về "cái cũ rích" ấy, tức là về Chữ! Hehe...

Như ở entry này, mình có nói, ngôn ngữ là "món quà lớn nhất" Thượng Đế dành tặng loài người chúng ta và ngôn ngữ là vô cảm. Về sự vô cảm của ngôn ngữ, thì mình không phải "bàn" thêm mà làm gì, bởi vì bản thân các món quà, trong trường hợp này là ngôn ngữ, chúng là vô cảm. Còn nếu có chăng, là tình cảm của người tặng gửi gắm vào chúng mà thôi, kiểu như khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói „Xin đừng làm chữ của tôi đau” ý! Hihihi...

Nhớ ngày xưa, cụ Cao Bá Quát đã từng "tuyên bố" là thế gian có bốn bồ chữ thì cụ giữ hai bồ, ông anh và ông bạn của cụ chiếm một bồ, còn thiên hạ chia nhau một bồ. Haha, cụ Cao quả là kiêu ngạo nhất trời Nam! Nhưng nghe cụ phát biểu như thế, mình vẫn thấy khâm phục cụ, khâm phục... sát đất! Đó là bởi chữ "bồ" trong tuyên bố khá "cao" ngạo này của cụ!

Chúng ta cũng thường nghe nói, khi nhà văn nhà thơ sáng tác, đó là lúc họ "làm bạn với mấy con chữ". Ngày nay, với sự ra đời của công nghệ tin học, và nhất là sự ra đời của blog, ai ai cũng có thể "làm bạn với mấy con chữ" được cả. Hay, nếu "dụng" chữ "bồ" của cụ Cao ở đây, mình có thể nói như thế này: ai ai cũng có thể "làm bồ với chữ" được, hehehe...

Nghe đến đây, chắc chắn có bạn sẽ bảo mình, chữ "bồ" của cụ Quát có nghĩa là cái thúng to, cái hòm to, chứ không phải là "bồ với nghĩa người tình"! Tất nhiên rồi, mình có bảo là cụ Quát "đánh bồ" với chữ đâu! Chẳng qua là mình muốn nói đến cái sự "đa nghĩa đa tình" của con chữ đó thôi! "Chữ Nghĩa" mà lị! Mà... cũng chả biết thế nào mà lần, các "cụ đồ" ngày xưa là nổi tiếng "thâm thúy" lắm đó, thế nhỡ may cụ Quát cố tình dùng chữ "bồ" để "ám chỉ" con chữ là "hai bồ" của cụ thì sao?! Hahaha...

Mình muốn "bàn" về cái câu
„Xin đừng làm chữ của tôi đau” của "Ông Tướng của các nhà văn Việt Nam đương thời" một chút (Không biết là "tướng" Thiệp đã "về hưu" chưa? Dạo này mình không thấy "bóng dáng" của ông đâu cả!). Nếu xét về khoảng thời gian của một ngày mà mình dành cho đủ loại công việc trong đời sống, thì "công việc Chữ Nghĩa" được dành cho nhiều nhất. Mà chỉ những gì ta yêu quí nhất thì ta mới dành cho nhiều nhất, đúng không?! Kiểu như "Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ, Anh dành Đảng phần nhiều, phần cho thơ và phần để em yêu" của cái nhà "ông Lành" ý! Hihihi... Tức là cái nhà "ông Lành" yêu quí cái Đảng của ổng nhiều nhất, thì mình "yêu quí" Chữ Nghĩa của mình cũng... nhiều nhất! Hấc hấc hấc... Chính vì thế, khi nói „Xin đừng làm chữ của tôi đau”, có nghĩa là nhà văn của "Những ngọn gió Hua Tát" muốn ám chỉ cái sự "liên đới" rất "nặng tình nặng nghĩa" giữa ông với chữ nghĩa, ông với con chữ như là "bồ bịch với nhau", ai làm con chữ của ông đau, chính là làm ông đau đấy! Mình nghĩ tiếp như thế này, có "nặng tình nặng nghĩa" với con chữ, mới có thể phát biểu một câu rung động lòng người, đến... tận đáy con tim như thế được! „Xin đừng làm chữ của tôi đau”, XIN ĐỪNG NHÁ THẾ GIAN ƠI!

Quay lại cụ Cao Bá Quát. Cái chữ "bồ" mà cụ "dụng", càng nghĩ mình càng thấy, sao nó "hấp dẫn", nó "quyến rũ" đến thế! Và bây giờ thì các bạn chắc cũng đã đoán ra được là vì sao mình nói "chữ là cái cũ rích"! Và khi "vận dụng" "ôn cổ tri tân", tức "xem cái cũ mà biết cái mới" vào trường hợp của "cái cũ rích là chữ", thì chính là lúc chúng ta làm cái công việc "xem bồ chữ ngày xưa" để biết "bồ chữ ngày nay". Mà "bồ chữ ngày nay", theo mình, chính là cái "blog" đấy. Trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập mà mình rất mến mộ, có câu "Cày chuyện xưa, bừa chuyện nay" rất hay, mình nghĩ, chắc nhà văn cũng muốn "ám chỉ" cái ý này?! Có thể phát biểu "chệch" đi một câu ngạn ngữ phương Tây như thế này, hãy cho tôi biết blog của anh, tôi sẽ nói anh là người thế nào! Hà hà hà...

Nhớ "ngày xưa", có chị Hoài lập ra cái trang talawas, "quần hào" qui tụ về khá đông. Mình cũng bị cái "tinh thần" của talawas, phải nói là, nó "hớp mất hồn". Có được như vậy, chính là cái sự "talawas nó đã biểu hiện ra được tinh thần Phạm Thị Hoài". Bây giờ mình nói như thế này, chắc cũng chẳng có gì gọi là "ngoa ngôn": talawas là "bồ chữ" của chị Hoài! Thế mới biết những khi talawas bị "bọn tin tặc khốn nạn" đánh sập, chị Hoài đã đau lòng lắm lắm! Chắc chắn như vậy, mình còn đau nữa là!

Thôi, hôm nay "ôn cổ tri tân" chữ nghĩa, cụ thể là "bồ chữ nghĩa", như vậy thôi!

Năm mới kính chúc tất cả các bạn ghé thăm blog talami này của mình một năm mới mọi sự như ý, đầy hạnh phúc, đầy "bồ lộc"!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Trương Đức Blog

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Thiên thần, Quỉ sứ và Chúng ta... hay Cuộc sống là gì?

Mùa Giáng sinh năm nay để lại trong mình nhiều cảm xúc, phải nói là, trăm ngả bề bộn, ngàn hướng ngổn ngang! Hehe... Tức là ý mình muốn nói, khi gần đến ngày cuối cùng của một năm, "người đời" thường "ngẫm ngợi" xem là một năm vừa rồi của cái "cuộc sống mòn" của mình có được cái "tích sự" gì không, có "mòn" đi thêm chút gì không.

Nếu có ai đó hỏi mình hai sự kiện nổi bật trong năm vừa qua của cuộc sống của mình là gì, thì mình "biểu" một "phát" luôn như thế này: Về đời sống vật chất thì có hai sự kiện nổi bật, đó là chuyến mình đưa vợ và con gái lần đầu tiên về quê hương thân thiết là cái thành phố Quảng Ngãi nhớ thương để ăn Tết cùng với hai cụ thân sinh của mình, và chuyến du lịch đầy phiêu lưu của nhà mình trên đất nước của mì spagetti và là quê hương của Leonardo Da Vinci; Còn về đời sống tinh thần thì cũng có hai sự kiện nổi bật đối với mình, đó là sự "trở lại" vào tháng Hai và "ra đi" vào tháng 11 của trang talawas blog.

Và nếu ai đó hỏi tiếp, vậy thì năm vừa qua được cái "tích sự" gì và "mòn" đi cái gì? Thì mình cũng "giả nhời" ngay đây: Úi giời, chẳng được cái "tích sự" gì, chỉ thấy "mòn" đi khá nhiều, ít ra là cái đế giày và cái... túi tiền, hahaha...!

Mình không có ý gì "mỉa mai" cuộc sống đâu! Chẳng qua mình muốn "đi thẳng" vào "vấn đề" đấy thôi. Có lẽ trong mỗi con người chúng ta, cái câu hỏi này đã được đặt ra không dưới một lần: Cuộc sống là gì? Nhà văn Hungary mà mình yêu thích nhất, Márai Sándor, thì "bảo" rằng: "Csak az élet harc és gyalázat", tiếng Việt "trong sáng ngoài tối" là "Chỉ cuộc sống là cuộc chiến và nỗi khổ hạnh" (trích "Di sản của Eszter"). Thế còn nhà thơ Hungary mà mình yêu thích nhất, Ady Endre, thì "nói" gì về cuộc sống nào? Ờ, mình nhớ ra rồi, Ady một thời có "thốt" lên rằng: "Egyetlen igazság van a földön, s ez az igazság az élet", tiếng Việt "trong sáng ngoài tối" là "Có duy nhất một sự thật trên cõi đời này, và cái sự thật ấy, chính là cuộc sống" (trích "Bí mật của cuộc sống và cái chết").

"Ngẫm ngợi" về cuộc sống, mình không thể không nhắc đến thằng bạn nhậu của mình được. Hóa ra cái "chủ thuyết bộ ba" của nó, cái "trường phái triết học cho rằng cái gì cũng phải có ba" mà nó làm "chủ xị" ý, là xuất phát, không, phải nói là, được "thai nghén" từ cái thời xa xưa khi nó xem bộ phim western Ý "Il buono, il brutto, il cattivo", tiếng Anh: The Good, the Bad and the Ugly, còn được dịch: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại. Trong "bữa nhậu hàn huyên" vừa rồi, thằng bạn nhậu "tâm sự" là từ hồi đó nó đã tâm đắc một điều rằng: cuộc sống là cuộc chiến giữa ba "chàng" Đàng hoàng, Đểu cáng và Đần độn. Về cách dịch "Người Tốt, kẻ Xấu và tên Vô Lại", thì nó bảo với mình là không "chuẩn" lắm, không làm "toát" lên được cái ý nghĩa "thể loại cao bồi" của bộ phim, tức là có "đàng hoàng tử tế", có "đểu cáng xấu xa", có "cowboy" - "thằng bò" - tức là "đần độn ngu si". Và từ cái ý nghĩ cuộc sống là "cuộc chiến của ba chàng Clint Eastwood, Lee Van Cleef và Eli Wallach", mà nó đã "phát triển" thành: cuộc sống là cuộc chiến của Thiên thần, Quỉ sứ và Con người chúng ta, mà trong đó, "vai Đần độn" là của Con người chúng ta. Hahaha..., nghe đến đây mình đã phá lên cười như vậy, bởi vì không thể nhịn cười được với cái ý cho "Con người chúng ta" sắm vai "Đần độn" của nó! Mình đã nói với nó, thằng này "náo" quá đi mất, mày lúc nào cũng chỉ được cái "xiên xẹo". Nó nhìn mình cười cười, rồi buông một câu xanh rờn như thế này: Dù sao thì Quả Đất cũng vẫn quay xung quanh Mặt Trời!

Thằng bạn nhậu sau đó còn nói thêm một cái ý như thế này: Và cái "trớ trêu" của "cuộc chiến tay ba" này, là chàng Đần độn luôn..., nó nói như thế nào nhỉ? À, mình nhớ ra rồi, ..."rút được ngắn hơn"! Để mình giải thích: chả là người Hung có câu thành ngữ: "mindig rövidebbet húz" để chỉ những kẻ luôn bị "thua", bị "thiệt" trong mọi chuyện. Mà quả thực như vậy! Khoan hẵng nói chuyện như thế nào, hay ai là Thiên thần, Quỉ sứ, thì cái "chàng Đần độn" đúng là chỉ có Con người chúng ta "sắm hợp vai" được thôi! Và, "trải qua một cuộc bể dâu" (mình lại trích Kiều rồi, hehe!), "chàng Đần độn" đúng là luôn "thua", luôn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", hay "nói trắng" ra là: luôn phải "ngậm đắng nuốt cay"! Ý mình muốn nói đến cái gọi là "những cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta", hahaha! Thì "bọn chúng nó" vưỡn ra rả suốt ngày như thế mà! Đây nhá, chỉ riêng sau cuộc chiến có tên gọi là "Cải cách ruộng đất", chàng Đần độn đã "thua" một keo "kiệt túi", tức là dân lành Việt Nam ta (những người phú nông làm ăn lương thiện như bà Nguyễn Thị Năm không là dân lành thì là gì?!) "chết như ngả rạ", Thiên thần, Quỉ sứ là ai, được gì, không biết, chỉ biết là "bọn chúng nó" đã "lên vành hoa đỏ lên thiên sử vàng", đã cướp được chính quyền để "cưỡi đầu cưỡi cổ" dân ta - chàng Đần độn - cho đến tận bây giờ!

Ờ, mình lại "lan man" sang "chính trị" ở đây vào lúc này làm gì nhỉ? Đang nói về cuộc sống cơ mà, về những điều "cao" hơn cái gọi là "sự nghiệp cách mạng" của "bọn chúng nó" cơ mà! Ừ, thì thôi, mình "quay lại" với cuộc sống vậy, quay lại với "ba chàng" Thiên thần, Quỉ sứ và Con người vậy. Mình nhớ cái câu này của bác TQV "Dưới mặt trời này có biết bao kẻ lưu thân không chốn quay về" trong cái phản hồi của bác ý dưới entry này. Đó là bởi vì thế này: đêm 24 mình đã cùng vợ đến nhà thờ dự lễ kỷ niệm đêm Giáng sinh của Chúa Giê-su, được xem người ta diễn lại cảnh ra đời của Chúa ngày ấy. Nhìn cảnh Đức Chúa Giê-su "lưu thân" xuống "trần gian lắm" này như một Thiên thần tiếp sức với Con người chúng ta trong cuộc chiến với Quỉ sứ, mình mới nghĩ, không biết lúc cất tiếng khóc chào đời, Con người chúng ta có biết là sẽ phải "sắm vai" chàng Đần độn suốt cuộc đời không nhỉ? Chắc là Con người chúng ta đã biết trong tiềm thức, nên mới... "khóc o oe chào đời" chứ! Hehe...

Ừ, nhưng tại sao lại có lại có những kẻ cam tâm đi "bán linh hồn cho Quỉ sứ" để "làm hại" dân lành như "bọn chúng nó"?

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Bạn, Ta và Đời

Nhân cái bài của thằng bạn nhậu (mà mình được gặp lại hai bác PTV và LHM trên blog này) nói về "bộ ba" của mọi sự trên đời, mình mới suy nghĩ vẩn vơ về cái Tình cảm như thế này:

Xét cho cùng, đúng là Tình cảm cũng không "thoát" khỏi cái "quy luật bộ ba", tức là cũng có ba thứ: tình yêu, tình thương và tình bạn. Và, tình cảm của một đời người, chỉ "hoàn hảo" khi cả ba thứ tình cảm này được "toại nguyện". Có nghĩa là, con người ta sống ở trên đời, đều mong muốn chia sẻ tình cảm, và tất nhiên, mong muốn được đáp ứng tình cảm.

Tình cảm xuất phát từ con tim. Người đời thường nói thế. Cũng có thể! Mình chợt nhớ mấy câu thơ này của cái nhà/bí thơ "ông Lành":

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...

Nhắc lại mấy câu thơ của "ông Lành", không phải mình muốn "ca ngợi" gì cái nhà ông ấy, mà chẳng qua, mình muốn nói về "cái vị trí" của con tim trong một con người, cụ thể ra, trong một đời người là như thế nào. Như mình nói ở trên, tình cảm có ba thứ: tình yêu, tình thương và tình bạn. Và nhiều người Việt Nam chúng ta, có vẻ như chỉ biết có tình yêu và tình thương, hay nói một cách khác là, chúng ta quan niệm rằng: tình bạn chỉ là thứ yếu trong cuộc đời. Mình nghĩ quan niệm tình bạn không "bằng" tình yêu và tình thương, là một sự sai lầm nghiêm trọng. "Trải qua một cuộc bể dâu", hehe, mình phải trích Kiều một tí chứ, thì mình "nghiệm" ra được một điều như thế này: trong các loại tình cảm, tình bạn là thứ đáng và cần phải "trân trọng" bậc nhất trong cuộc sống. Tình yêu vĩ đại, hay tình thương vĩ đại, chúng ta được nghe nói tới "hàng ngày", nhưng tình bạn vĩ đại, thì quả thực: hiếm! Hiếm như thế nào nhỉ? À, mình nhớ ra rồi, như người Hung thường nói, hiếm như "quạ trắng", hehe...

Và chính bởi vì hiếm, nên tình bạn là quí giá! Dĩ nhiên, mình nói tình bạn ở đây, là không phải cái tình bạn "hết cơm hết rượu hết ông tôi" Nguyễn Bỉnh Khiêm "mỉa mai" trong những tứ thơ bất hủ của cụ, mà là "tình bạn đích thực", cái tình bạn mà có "hết cơm hết rượu", hay "cạn tiền cạn bạc", cũng không "hết ông tôi" được! Có thể nói, nếu ai có được một "tình bạn đích thực", thì người ấy hạnh phúc nhất trần đời. Trong lịch sử loài người, chúng ta hiếm được chứng kiến "tình bạn đích thực" (bởi vì tình bạn hiếm mà lị!). Thường thì văn chương thơ ca hay phim ảnh chỉ nói về tình yêu, tình thương, hiếm khi về tình bạn. Có lẽ bởi vì, tình bạn "xuất hiện và hình thành" trong cuộc sống của một người, có vẻ "khó khăn" hơn những thứ tình cảm còn lại! Có thể giải thích điều này, theo mình, như thế này: đó là bởi vì, khi đến với tình bạn, con người chúng ta không đặt trái tim mình vào đúng vị trí của nó. Trái tim, khi ấy, phải đặt... lên đầu, tức là phải đặt con tim vào bộ óc, vào cái gọi là "lí trí" của chúng ta. Tình cảm lúc đó - tình bạn đích thực -, sẽ là thứ "hợp chất" của tâm hồn và lí trí, sẽ "ra đời" và "tồn tại" mãi mãi với chúng ta.

Những thứ tình cảm còn lại, như là tình yêu, tình thương, tình yêu nghệ thuật, tình "yêu tổ quốc, yêu đồng bào", yêu CNXH, yêu Đảng, v.v... chỉ "ra đời và tồn tại" trong một khoảng thời gian nhất định, rồi... mất đi. Đó là bởi vì, như các nhà phân tâm học thường nói, chúng được xuất phát từ một "con tim mù quáng". Mà quả thực, đúng là vậy! Chúng ta thường nghe "tình yêu mù quáng", chứ không bao giờ "tình bạn mù quáng" cả. "Con tim mù quáng" là con tim thiếu "sự hiện diện" của lí trí, khi ấy, con tim chỉ có thể "cho ra đời" một thứ tình cảm "mù quáng", hay "nửa chừng" mà thôi. Mà những gì "mù quáng", hay "nửa chừng", sẽ chẳng thể "bền vững" được! Đấy là mình chưa kể những trường hợp con tim bị "chia ba xẻ bẩy" như trường hợp của cái nhà/bí thơ "ông Lành" nhắc ở trên. Ý mình muốn nói đến cái bài thơ có mấy câu này của ông ta:

"Mà nói vậy: "Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu..."

Giả sử cứ cho là con tim của "ông Lành" đã được đặt đúng chỗ, không ở trên đầu như trái tim của Mỵ Châu đi, thì nó đã bị "lầm lỡ chia ba phần tươi đỏ". Mình không muốn nêu cái sự "lầm lỡ chia trái tim ba phần tươi đỏ" của "ông Lành" ra đây mà làm gì. Điều này thì nhiều người trong chúng ta chắc cũng "thấu hiểu" rồi. Mình chỉ muốn nêu cái "ý nghĩa cao cả" của cái vị trí và sự toàn vẹn của con tim Mỵ Châu: Trái tim Mỵ Châu đã được "đặt đúng chỗ" và "trao gọn" cho Trọng Thủy! Gì thì gì, chứ thứ tình cảm xuất phát từ "trái tim lầm chỗ để trên đầu" - tình yêu của Mỵ Châu hiến dâng cho Trọng Thủy -, là cao cả, trọn vẹn và đời đời. Còn thứ tình yêu mà "ông Lành" "dành riêng cho Đảng phần nhiều", cuối cùng vẫn "lộ rõ" là thứ tình cảm "phù phiếm giả dối", hay nói một cách khách quan là, "cơ hội chủ nghĩa" (trong chữ "cơ hội", mình đã gửi gắm cái ý "một khoảng thời gian nhất định" rồi đó, tức là "không trường tồn", hehe...). Theo mình là như vậy!

Quay trở lại tình bạn. Mình nhớ đến cuốn tiểu thuyết "Những ngọn nến cháy tàn" của Márai Sándor. Có thể nói đây là cuốn sách viết về tình bạn hay nhất mà mình được đọc. Márai coi tình bạn là cao hơn tất cả. Nền tảng của tình cảm con người, chính là tình bạn. Chỉ có tình bạn mới "nâng" con người chúng ta đến những "giá trị đích thực" của cuộc sống, đến "sự thật cốt lõi" của cuộc đời. Tình bạn như một thứ gì đấy thiêng liêng, kỳ diệu hơn tất cả mọi thứ tôn giáo. Vì một tình bạn đích thực, con người chúng ta hiến dâng tất cả. Hạnh phúc hoàn hảo nhất, là có được một người bạn đích thực. Chả phải thế mà, thay vì nói "vợ", những người đàn ông chúng ta hay "buột mồm": "Người bạn đời". Dĩ nhiên, chỉ "buột mồm" những khi "nói thật" và "cô ấy" đã thể hiện đúng là một người bạn chân thành với chúng ta, hahaha...

Nói dông nói dài, chẳng qua mình muốn nói lên cái "sự quí giá" của tình bạn. Giả sử phải chọn lấy ba thứ làm hành trang để đến một hành tinh khác, mình sẽ chọn ba thứ ấy là: tuổi trẻ, sức khỏe và tình bạn đích thực. Con người chúng ta sống trên cái hành tinh là Trái Đất này, có một "lầm lỡ" to lớn là "phung phí" tuổi trẻ, "coi thường" sức khỏe, và "sao nhãng" tình bạn. Mình cũng vậy, đã phung phí tuổi trẻ vào những việc "không đâu", rồi "coi thường" sức khỏe để bây giờ nhiều khi "ốm lên ốm xuống", và cuối cùng là "sao nhãng" với bạn bè, bạn rủ đi nhậu nhưng lại ra vẻ "bận này bận nọ" không đi, hehe... Vậy nên, mình rất cảm động khi được gặp lại "những người bạn tâm hồn" là các bác PTV, LHM, TQV.

Ôi, những người bạn của ta!

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Tình cảm, hạnh phúc và sức khỏe

Đọc cái entry "Tuổi trẻ, sắc đẹp và tài năng" trên blog này của mình, thằng bạn nhậu mới gọi điện bảo như thế này: Ờ, kể ra trong ba thứ mày nêu: tuổi trẻ, sắc đẹp và tài năng, thì có thể cho rằng tuổi trẻ là quí nhất đấy, nhưng có một thứ còn quí hơn tuổi trẻ, mà mày là một trong những thằng chúa coi thường, đó là sức khỏe. Mình đã bị "sững sờ" bởi nhận định này của nó, im re không nói được một lời nào. Phải một phút sau, mình mới ậm ờ trong điện thoại ra vẻ đồng tình là: ờ, ờ ,thì ai chẳng biết thế, trẻ trung nhưng ốm yếu thì cũng... vất, mày nói đúng, vậy mà tao không nghĩ ra, à, à, mày viết cái gì đó cho tao đăng lên blog của tao đi, mình tao viết mãi cũng nhàm, mấy cả giờ "đề không về nên tài đã cạn" rồi, chẳng còn biết viết cái gì nữa. Thằng bạn nhậu phá lên cười hậc hậc trong máy, tưởng gì, chứ bài để đăng blog talami nhà mày, có ngay, có ngay! Thế là hôm nay, nó gửi cho mình bài viết này của nó, mình đăng ngay lên đây để "hãnh diện" với các bạn ghé thăm nhà mình, hehe...

Gạch đầu dòng thứ nhất: Ở trên đời này, mọi sự gì cũng thế, muốn đủ bộ, đều phải có ba, tỉ như từ cái nhỏ nhất là ba hòn gạch kê nồi của cái bếp, qua cái "vừa vừa" là niềm mơ ước của một đời người là có đủ ba điều "phúc-lộc-thọ", đến cái cao siêu nhất là Đấng Tạo Hóa cũng là ba: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh! Hoặc như bản thân con người chúng ta, cái "thực thể" là "ta" cũng là do ba thứ: thân thể, trí tuệ và linh hồn gộp lại mà nên. Trong những ngôn ngữ có "giống", cũng phải có ba: giống đực, giống cái và giống trung. Đấy là chưa kể, trong xã hội "thời thượng" hiện nay của loài người, cũng "lộ" ra là: có ba "giống", đàn bà, đàn ông và đàn đồng tính!

Gạch đầu dòng thứ hai: Kiến thức sơ đẳng của hình học là ba điểm tạo nên một mặt phẳng, hoặc tỉ như không gian có ba chiều, thì ai cũng biết. Nhưng ít ai để ý rằng, một đoạn thẳng cũng do ba "cái" tạo nên, đó là hai điểm và "cái vạch vô hình" nối hai điểm đó lại với nhau. Và điều cần nói ở đây, là cái "vô hình thứ ba" ấy!

Gạch đầu dòng thứ ba: Sống ở trên đời, xét cho cùng, con người ta chẳng làm gì khác ngoài việc
suốt đời "phấn đấu" để làm nô lệ ba thứ: tiền tài, danh vọng và quyền lực. Ngay bản thân các "nghệ sĩ", phải hiểu là: cả các nhà văn nhà thơ nữa, cũng thế! Họ sáng tác, hoặc vì tiền tài, hoặc vì quyền lực, nếu không vì hai cái này, cũng vì cái danh vọng hão huyền! Và ít ai nhận ra rằng, cả ba thứ, tiền tài, danh vọng và quyền lực, đều là những thứ "vô hình". Nói tóm lại, con người ta sống vì những cái "vô hình thứ ba"!

Gạch đầu dòng thứ tư: Triết học là bộ môn, có thể nói, chuyên đem những khái niệm song đôi với nhau ra để "mổ xẻ". Như là Thiện - Ác, Sáng - Tối, Ngu - Minh, Mạnh - Yếu, Trên - Dưới, Sinh - Tử, v.v... Tức là có vẻ là như vậy, nhưng ít ai để ý rằng, có một "thực thể vô hình thứ ba" luôn tồn tại giữa các "khái niệm song đôi" ấy, đó là Con Người. Khi Goethe nêu ra cái sự "lý thuyết là màu xám, chỉ thực tiễn là cây đời xanh tươi", thì ông đã "quên" mất cái "vô hình thứ ba" là Con Người chúng ta! Nếu không có Con Người "chăm sóc", thì cái "thực tiễn là cây đời" của Goethe, có "xanh tươi" vào bẫu!

Gạch đầu dòng thứ năm: Mọi sự ở trên đời này, nếu không có cái "thực thể vô hình thứ ba" là Con Người chúng ta, thì đều trở thành "vô nghĩa". Con Người chúng ta, như một cái gì đấy là "trung tâm vũ trụ", giữa Trời và Đất. Thế giới xung quanh tồn tại bởi Con Người chúng ta tồn tại. Và Con Người chúng ta tồn tại, như Descartes đã nói, là do Con Người chúng ta "tư duy"! Mà muốn tư duy được, kiểu gì cũng cần phải có... sức khỏe! Thượng Đế là Đấng Toàn Năng đấy, nhưng nếu Ngài "ốm yếu liệt giường", thì cùng lắm, cũng chỉ "ho he" được vài tiếng "dạy đời" với Con Người chúng ta mà thôi!

Gạch đầu dòng thứ sáu: Sức khỏe của Con Người chúng ta là quí nhất, chứ không phải tuổi trẻ! Dĩ nhiên, là quí nhất, nên sức khỏe quí hơn độc lập tự do. Nói "không có gì quí hơn độc lập tự do", là ngụy biện, là còn "non nớt" trong "ní nuận". Chỉ những kẻ còn đang "ngụp lặn" trong "bể u mê" mới "phát biểu" như vậy!

Gạch đầu dòng thứ bảy: Có sức khỏe, con người mới tìm đến được tình cảm và hạnh phúc. Tình cảm (tình yêu và tình thương) là thứ quan trọng bậc nhất, không thể thiếu cho một đời người. Hạnh phúc ở đây, phải hiểu là sự bình yên của nội tâm. Thế cho nên, món quà lớn nhất cho Con Người chúng ta, chính là Sức Khỏe! Có sức khỏe là có tất cả! Xin kính tặng mọi sinh linh trên cõi trần gian lắm này một SỨC KHỎE DỒI DÀO!

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Món quà lớn nhất

Trong bài này, mình có nói: ngôn ngữ như "món quà lớn nhất" mà Thượng Đế đã dành tặng cho con người chúng ta. Hôm nay, đọc lại một bài viết duy nhất của mình trên talawas bộ cũ, bài "Chữ ơi, đừng làm tôi đau..., hay sự vô cảm của ngôn ngữ", mà mình cảm thấy sao mình nói đúng thế không biết, kiểu như "nhân nói như thánh nói" ý, hihihi...!

Tức là ý mình muốn nói, ngôn ngữ, cụ thể là những con chữ, quả đúng là "món quà lớn nhất của Thượng Đế dành cho loài người chúng ta". Để có thể mục kích được "bức tranh toàn cảnh" về cái ý này của mình, dưới đây mình xin ghi lại "toàn văn" cái bài viết nói trên:

Trương Văn
„Chữ ơi, đừng làm tôi đau...” hay sự vô cảm của ngôn ngữ

Theo tôi, một nhà văn thực thụ chỉ viết khi họ đau; nỗi đau được gửi gắm qua chữ nghĩa khiến người đọc đau theo. Mục đích chỉ đơn giản như vậy. Giải Nobel văn chương hình như chỉ dành cho những người biết làm đau thực thụ, không những vài người đọc đau mà dường như cả nhân loại. Tôi cũng có ít chữ trong đầu, nên thi thoảng cảm thấy đau, mặc dù không biết chính xác mình đau hay chữ đau [1] . Suy đi ngẫm lại, chữ nghĩa của người khác rất dễ làm tôi đau. Cụ Nguyễn Du ngày xưa, đã từng bị chữ của Đoạn trường Tân Thanh làm cho nhức nhối, nên mới viết được Truyện Kiều bất hủ. "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"! talawas có một loạt bài đã làm tôi đau, trong số đó có bài viết của nhà văn Kiệt Tấn. Tôi đã bị đau lây sau ông. Nhưng tôi dám quả quyết rằng cái đau của tôi không so sánh được với cái đau của nhà văn. Vì độ nhạy cảm của tôi chắc chắn không thể bằng của Kiệt Tấn, nên có cố gắng hết sức mình cũng không thể viết ra được một bài như "Sục cặc trước bàn thờ" của ông. Tiếp đó, tôi đọc một loạt bài chỉ trích cũng có, bênh vực cũng có xung quanh bài viết này. Càng đọc càng thấy đau. Đau đến nỗi không chịu được nữa. Đành phải ngồi viết những dòng này gửi talawas. Cũng chỉ mong nỗi đau thuyên giảm chứ không hề có ý định làm ai đau. Trải qua một cuộc bể dâu, ngoài những điều trông thấy mà đau đớn lòng ra, tôi còn nghiệm một điều: mỗi nhân tài của Việt Nam đều để lại cho đời một chữ gì đấy. Nguyễn Du ru đời nỗi đau. Nguyễn Tuân luân trầm cái sợ. Văn Cao cạo phím piano tiếng ca. Vũ Trọng Phụng tung hứng làm đĩ. Nam Cao cào rách mặt chí phèo, ấy chết, chữ phèo. Trịnh Công Sơn vờn đàn tìm hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi... Tóm lại, mỗi nhân tài đều dồn cảm xúc của mình vào một chữ để lại cho đời! Kiệt Tấn với "Sục cặc trước bàn thờ" chẳng hề mang tính "dâm thư", "ô uế". Thậm chí, nếu ông viết "Sục cặc rồi phóng tinh vào bàn thờ" thì cũng không có gì gọi là "xú uế" cả. Ở đây, vấn đề là tình cảm của người viết và người đọc. Trong trường hợp này ông/bà Hà Minh cùng một số người viết thư cho Tienve "chê trách" nhà văn Phan Nhiên Hạo có lẽ khó đi „làm cách mạng" được. Nỗi nào đã mất bình tĩnh nhanh đến thế! Khi đọc Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, tôi rất thích một câu. Đó là câu "dục tốc bất đạt", chắc của người Tàu. Mà người Tàu nổi tiếng về sự thâm thuý. Những người chiến sĩ cách mạng chân chính ngày xưa nếu cứ "dục tốc" ào ào thì có lẽ hỏng hết. Trong tôi hiện lên hình ảnh những người nữ du kích bị giặc tra tấn (nếu những hình ảnh này đã xảy ra trong thực tế - sau "vụ Lê Văn Tám” tôi đâm ra nghi ngờ tất cả, có thể tôi muộn màng chăng!) một cách hết sức dã man là dùng que sắt chọc vào âm hộ (tôi không muốn viết lồn, vì biết rằng điều này sẽ làm một vài độc giả đau) của họ, hòng làm những người phụ nữ này quá đau đớn về thể xác mà khai báo, nhưng họ không khai báo. Tôi dùng hình ảnh này để giải thích tại sao những người tôi vừa nêu trên khó đi „làm cách mạng”. Những cực hình thể xác nhiều khi phản tác dụng. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nên không dám bàn đến chuyện ngữ nghĩa, mặc dù rất muốn góp đôi ba câu trong dịp tranh luận rất rôm rả về từ "vi tính" trên talawas vừa qua. Chỉ người đọc mới gán tình cảm cho ngôn ngữ. Bản thân tác giả cũng gán tình cảm vào câu chữ của mình. Điều trớ trêu là người đọc ít khi cảm nhận hết được tình cảm tác giả gửi gắm. Ví dụ, vì không là đảng viên cộng sản, nên khi nhìn thấy khẩu hiệu: "Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm" trong người tôi chẳng „dấy” lên một tình cảm gì đặc biệt. Thế nhưng một đảng viên cộng sản thực thụ khi đọc khẩu hiệu này sẽ cảm động, sẽ cảm thấy thiêng liêng và đầy ý thức trách nhiệm. Cũng như kẻ chống cộng sản sẽ cảm thấy căm ghét khi bắt gặp khẩu hiệu này. talawas phải chăng cũng là một tấm biển, nơi treo nhiều loại khẩu hiệu khác nhau. Tại sao vì nội dung của nhiều loại khẩu hiệu lại đi chê trách kẻ giăng tấm biển? Nếu không có tấm biển, biết đọc khẩu hiệu từ đâu? Phải chăng, nỗi đau chỉ nên tồn tại trong mỗi cá nhân, chớ nên chia sẻ? Bởi đời rất nhiều nỗi đau, nỗi đau nào cũng lớn. Đấy là chưa kể nỗi đau của người đôi khi lại là hạnh phúc của ta. Nỗi nhục mất nước của kẻ này biết đâu lại là niềm vinh quang chiến thắng của kẻ khác. Tôi đánh giá cao hành động "xả thân" treo biển của talawas giữa thời đại hiện hữu của mọi loại khẩu hiệu.
Hình như đối với tôi những nỗi đau mang nhiều ý nghĩa hơn cả. Một người không có những nỗi đau thì còn gì để nói?
Và mong rằng: "Chữ ơi, đừng làm ta đau..."

© 2004 talawas

[1]Mượn ý từ câu văn của Nguyễn Huy Thiệp: „Xin đừng làm chữ của tôi đau”

Bàn luận về ngôn ngữ, thì phải công nhận một điều là sẽ... "hết ngày", tức là một cái sự "vô cùng tận"! Thì loài người chúng ta chẳng phải đã, đang, sẽ và mãi mãi vẫn "bàn", vẫn "luận" về ngôn ngữ đấy thôi! Hết thu này sang thu khác, hết thế kỷ này sang thế kỷ khác, không bao giờ ngừng, cho đến ngày... tận thế! À, mình chợt nhớ ra, là phải nói theo ngôn ngữ điện ảnh như thế này: bàn cho đến lúc "hết phim", hahaha...!

Người Hung có một câu châm ngôn như thế này: mỗi cuốn sách là một hạt giống gieo xuống cho đời. Nếu chúng ta nhìn theo khía cạnh "chơi chữ" trong tiếng Anh: The present is present, hiện tại là món quà, thì có thể hiểu câu châm ngôn của người Hung như thế này: Cuốn sách như một món quà cho đời, Thượng Đế đã cho chúng ta một món quà lớn là ngôn ngữ, mà cụ thể là những con chữ, thì cả cuốn sách - "tổ hợp" của các con chữ sắp xếp theo một "thứ tự" nào đấy - chính là một món quà lớn của tác giả muốn dành tặng chúng ta, bất chấp chúng ta có muốn nhận hay không!

Riêng mình thì mình sẽ nhận ngay "tắp lự" mọi món quà dành tặng cho mình, nhất là những "món quà chữ nghĩa"! Nhưng có vẻ như thời nay, con người chúng ta không còn bị "mê hoặc" bởi những con chữ nữa, mà phần lớn, con người ta bị "chinh phục" bởi đồng tiền hay quyền lực!

Cách đây hơn hai nghìn năm, Chúa Giê-su, khi Người chết trên cây Thánh giá thay cho loài người, dường như Người "đứng cao hơn" "đồng tiền" và "quyền lực"! Chắc chắn thế! A-men!

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Tuổi trẻ, sắc đẹp và tài năng

Người đời hay nói, tuổi trẻ và sắc đẹp là hai thứ sẽ trôi đi, chỉ có tài năng là ở lại. Mình suy nghĩ nhiều về điều này. Thời còn "trai tráng", hehe, mình đúng là chỉ để ý đến các cô gái "trẻ và đẹp", và luôn nghĩ rằng, các cô gái ấy, là mãi mãi xinh tươi, là bão táp thời gian không bao giờ có thể "vùi dập" được họ, hehe... Vậy mà, đến bây giờ, ở cái tuổi "ngoại tứ tuần" này, mình không thể "cưỡng lại" nổi chân lý, phải đối mặt với một sự thực "phũ phàng" là: các cô gái xinh tươi thưở ấy, đều đã bị "lớp bụi thời gian" phủ lên gương mặt những dấu ấn cuộc đời, càng ngày càng nhiều, càng ngày càng rõ nét.

Nhiều lúc mình tự hỏi, điều quí nhất của một đời người là gì? Tuổi trẻ, sắc đẹp hay tài năng? Tuổi trẻ có lẽ không được coi trọng trong cuộc đời như hai thứ kia, bởi vì con người chúng ta thường "phung phí", không quan tâm đúng mức đến nó, để nó trôi đi một cách "vô vị", và đến khi nhận ra sự "vô vị" ấy, thì đã muộn, đã "hết phim"! Mình nói đến "hết phim", bởi vì, mình nghe thiên hạ nói, hình như trước khoảnh khắc gặp Thần Chết, cuốn phim toàn bộ cuộc đời được chiếu nhanh trước mắt chúng ta: từ lúc sinh ra, giao cấu hay không giao cấu, cho đến lúc cái lưỡi hái lạnh ngắt của Tử Thần khía lên trán chúng ta dòng chữ "конец фильмa", hahaha...! Và, có một sự "trớ trêu" là, "cuốn phim cuộc đời" phần lớn, thường "quay" những cảnh của thời "tuổi trẻ". Nhưng thế thì, tuổi trẻ là quí nhất á? Vâng, theo mình, trong ba thứ kể trên - tuổi trẻ, sắc đẹp và tài năng -, tuổi trẻ là quí nhất, quí hơn cả độc lập tự do cơ, hơhơhơ!

Về "tuổi trẻ" và "tài năng", một người bạn của mình có nói một cái ý như thế này: thời còn trẻ, con người chúng ta không biết nâng niu, trân trọng "tuổi trẻ", bởi vì khi ấy vẫn còn ngây thơ, đặc tính của tuổi trẻ là ngây thơ mà lị, nếu chúng ta biết làm cho "tuổi trẻ" của chúng ta không trở thành "vô vị", thì chúng ta không là "còn trẻ" nữa, và những ai biết giữ gìn tuổi trẻ, biết không để những năm tháng thanh xuân của mình thành "sống hoài", "sống phí", họ là những kẻ "tài năng", tức là "tài năng" quí hơn "tuổi trẻ"!

Tuổi trẻ, sắc đẹp và tài năng, ba "cái" chụm lại thành cuộc đời chúng ta! Có vẻ như đây là ba thứ "cốt lõi" của cuộc sống ấy nhỉ?! Bài viết trước của mình lại nói đúng về cái "cốt lõi" của cuộc sống là "giao cấu hay không giao cấu" (hay nói cho có hơi hướng thi ca như Xuân Diệu, chết hay không chết ở trong lòng một ít, hihi...). Tức là mình muốn nói đến cái thứ làm "điêu đứng" bao trái tim nghệ sĩ trên thế gian này. Đó là sắc đẹp. Dĩ nhiên là mình nói đến cái "sắc đẹp" chung của mọi sự trên đời. Từ cái sắc đẹp của Phái Yếu, đến cái "sắc đẹp" của một nét vẽ, hay một tứ thơ, một nốt nhạc, hoặc chỉ "bình dị" và "mỏng manh": sắc đẹp của một "làn hương xưa" nào đấy, v.v... và v.v...

Tuổi trẻ tàn phai. Sắc đẹp cũng tàn phai. Tài năng có tàn phai không? Theo mình thì không! Nó chỉ "chuyển dạng" từ "trạng thái" này sang "trạng thái" khác. Thời gian trôi, tuổi trẻ và sắc đẹp có thể không để lại "dấu vết" gì nữa, nhưng tài năng thì vẫn "nắm bắt" được, vẫn còn "sờ sờ" trước mắt. Tài năng dường như "không có tuổi". Đấy là chưa kể tài năng được "đúc kết" trong các tác phẩm để đời. Nhưng như thế, có vẻ như mình "lạc" qua khái niệm "giá trị" rồi thì phải? Không, tài năng không phải là giá trị, tài năng như một thứ gì đấy "vô tận", kiểu như năng lượng ý, nó không mất đi, chỉ "chuyển" từ "dạng" này sang "dạng" khác! Hehe...

Sẽ có bạn bảo mình "ní nuận" như thế thì "vô cùng"?! Cũng có thể, nhưng bạn ấy ơi, chúng ta viết blog hàng ngày, chính là một kiểu "ní nuận vô cùng tận" đấy! Và tư duy về cuộc đời của mỗi chúng ta, nhìn về một "khía cạnh" nào đấy, là một chuỗi "ní nuận vô cùng tận"! Giá mà tuổi trẻ, sắc đẹp và tài năng của chúng ta, cũng... "vô cùng tận" như thế nhỉ?

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Sống và Chết

Mấy hôm nay mình tự dưng thích đọc lại những bài dịch của mình gửi cho talawas bộ cũ. Trong một entry trước, mình "chớp" được cái ý như thế này: "Chúng ta là những sinh vật, ra đời, giao cấu hoặc không giao cấu, rồi chết."

Bây giờ mình phải "thú thực" là lần đầu tiên khi đọc cái bài phỏng vấn này, mình đã "sững sờ" mất mấy ngày. "Sững sờ" vì những quan niệm rất đúng và sâu sắc về cuộc sống của ông cố đạo diễn phim người Anh, Anthony Minghella. Từ trước đến giờ, mình thường nghĩ sự sống và cái chết khác nhau hoàn toàn, giữa chúng có một khoảng cách khá lớn, ý nghĩa của chúng đối với loài người chúng ta cũng khác nhau... "một trời một vực", v.v... và v.v... Nhưng sau khi đọc được những cái ý "đích thực" về cuộc sống và cái chết này của A.M, mình mới "tỉnh ngộ" ra rằng, sự sống và cái chết chỉ là một, duy nhất một!

Người Hungary có câu chuyện cười như thế này vào dịp Noel: Những con gà Tây thường hỏi nhau: Có chăng cuộc sống sau Noel? Hehe... Chả là vào dịp lễ Noel, người Hung có phong tục "mổ" gà Tây để nấu các món ăn chính cho ngày lễ. Thành ra "lũ" gà Tây rất chi là "xáo xác" mỗi khi chúng "thấy" thời gian của năm cạn dần, tức là ngày 24/12 đang đến gần! Haha... Đối với chúng, cuộc sống chấm dứt ở nhát dao "xin tí tiết" vào trưa ngày 24, sau đấy chúng có "sự sống đời đời" trên thiên đàng, hàhà...

Chuyện cười thôi, nhưng "qua đó" mình chợt nảy ý nghĩ, "quan niệm" về cuộc sống của lũ gà Tây cũng "độc đáo" đấy chứ! Cuộc sống của chúng bắt đầu từ lúc đạp vỡ vỏ trứng bước ra với gà mẹ, xong rồi "chết dần chết mòn" cho đến lúc "chết hẳn" trên bàn ăn vào đêm Noel, ngày Chúa giáng sinh. Một cái chết này bắt đầu cho một sự sống khác! Hay nói một cách đầy "tính triết học": cuộc sống chính là cái chết chậm! Phát biểu câu này, có vẻ như mình đang "đạo văn" của bà chị "Nhung trong sáng" ấy nhỉ?! Vâng, đúng là chị Nhung đã viết như thế trong một sáng tác của chị ấy. Mình tâm đắc và ghi ra đây, để gọi là, thỉnh thoảng cũng phải "học hỏi" cái gì đấy của bà chị văn chương của mình chứ! hehe...

Cái ý "Chúng ta là những sinh vật, ra đời, giao cấu hoặc không giao cấu, rồi chết.", theo mình, như một "chân lý" ở đời. Hay nói "nôm na" theo cái thuyết "mọi sự là nửa chừng" của mình là, sự tồn tại của con người là duy nhất một quá trình, sự sống và cái chết chỉ là những "trạng thái nửa chừng" của quá trình duy nhất đó! Sống rồi chết, chết rồi sống, cứ thế luân hồi tồn tại và không thể phân biệt được khi nào là "sống", khi nào là "chết"! Hoặc có thể dùng "thuyết tương đối" của nhà bác học Albert Einstein để giải thích cái sự tồn tại của con người như thế này: chúng ta "sống" hay "chết", chỉ là "tương đối" thôi, kiểu như "một phút sống bên bồ nhí là chục năm chết với bà xã", "lăn tăn" mà làm gì cho nhọc xác! Đấy là nhìn nhận theo "khoa học", còn theo "văn chương", chúng ta có thể hình dung "cái sự chỉ là duy nhất một" của sự sống và cái chết qua mấy câu thơ này của Xuân Diệu:

"Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu .
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu ;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
..."

Hehe, chúng ta là những sinh vật, ra đời, yêu hoặc không yêu, nếu có yêu thì trước tiên, cũng "là chết ở trong lòng một ít", và sau đó, rồi chết!

Mà đúng thật, có những cái "sống" như "đã chết rồi" từ lâu. Đây nhá, mình xin kể câu chuyện này: ông chú mình có thằng con "mất dạy", tức là thằng em họ mình, nó, về mặt "con người" thì cũng "tử tế con nhà lành" thôi, nhưng khổ cái, mắc một cái tật là nghiện hút thuốc phiện, ông chú mình tốn bao tiền bạc vì nó, nhưng cơn nghiện của nó không "chữa khỏi", một ngày nó lấy trộm hết số tiền dành dụm của chú mình và biến mất từ đó đến nay, ông chú mình rất đau khổ vì con, nhưng vẫn tuyên bố dứt khoát rằng, thằng em họ của mình là "cái thằng mất dạy", đối với chú, nó là "chết rồi". Thế đấy! Và mới đây, mình nghe tin nó vẫn "sống nhăn răng" ở Sài Gòn, nhưng có lẽ, còn lâu mới dám về Quảng Ngãi để "thú đầu nhận tội" với người cha đẻ mình. Tức là tuy nó vẫn "sống", nhưng với ông chú mình, kể như đã chết, chết một cái..., ờ, phải nói như thế nào nhỉ? À, mình nhớ ra rồi, ...chết tiệt! Hehe...

Ngược lại, "có những cái chết trở thành bất tử", hưhư... Tức ý mình muốn nói, có những "cuộc sống đời đời", "chết rồi" nhưng vẫn "sống mãi"! "Sống mãi" ở đây, dĩ nhiên là mình không có ý "mỉa mai" cái sự "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" của Chí Minh đâu. Mình muốn nhắc đến cái "sự sống đời đời" của Chúa Giê-su. Cho đến bây giờ, loài người chúng ta vẫn chưa "xác định" được bao giờ là "tận thế", tức là theo mình, cái sự "sinh tồn" của Chúa nói riêng, hay của "những đứa con của Thượng Đế" nói chung, là vĩnh cửu! Nhưng mà mình lại "dông dài dai dại" mà làm gì cơ chứ! Cái sự con người chúng ta đang "thi hành" trên cái "trần gian lắm" này, không phải là "sự sống đời đời", thì là gì hả trời?! A-men!

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Chuông nguyện hồn ai!

Mình vừa nghĩ ra một thứ "tiếng" mà mọi sinh linh trên thế gian này, kể cả động vật, thực vật, hay kẻ điếc, người mù, đều "biết". Đó là tiếng chuông!

Và cái tiêu đề tiếng Việt "Chuông nguyện hồn ai" cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "For whom the bell tolls" của nhà văn Emest Miller Hamingway, theo mình, là một trong những tên sách hay nhất thế giới. Nói về các tên tiểu thuyết hay, chỉ tên thôi nhé, thì có lẽ sẽ phải "tranh cãi" nhiều, nhưng bài này, mình chỉ muốn "bàn" về "tiếng chuông" thôi, hehe...!

Còn đúng một tuần nữa là đến ngày tiếng chuông nguyện hồn của Chúa, của Con Người, của mọi sinh vật trên thế gian này, sẽ vang lên trong tất cả nhà thờ. Đó là tiếng chuông thiêng liêng của Thượng Đế đem niềm thương yêu đến cho những đứa con lầm lạc tăm tối của Ngài. Nhiều khi mình nghĩ, không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra tiếng chuông nhỉ? Chắc chắn không phải là "người trần mắt thịt" như mình, mà có lẽ là một "sứ giả" gì đó của... Trời! Hay gọi "nôm na" là thiên sứ, có thể lắm! Và giữa tiếng chuông và tiếng nói, cái nào có trước? Mình hỏi có vẻ "hắc búa" nhỉ, kiểu như "những câu hỏi lớn của nhân loại" ý! hehe...

Nhưng phải công nhận rằng, nghe tiếng chuông, ai ai cũng hiểu nó, kiểu như nghe... tiếng mẹ đẻ ý! Mà đúng thế, nhất là tiếng chuông cầu nguyện vào ngày Chủ nhật ở nhà thờ chẳng hạn. Mặc dù không phải là "con chiên của Chúa", nhưng mình đã có rất nhiều dịp đi nghe giảng đạo ở nhà thờ. Không, mình nghe tiếng chuông thì đúng hơn, bởi vì những lời giảng đạo của ông linh mục, thì mình đã đọc được trong Kinh Thánh rồi. Mình đi nghe tiếng chuông, bởi vì dường như tiếng chuông nhà thờ lần nào cũng "khác", lần nào cũng như "nhắn nhủ" điều gì đấy khác lần trước. Kể cũng lạ! Mấy người bạn Hung theo đạo Công giáo thường hay tâm sự với mình, họ như nghe được lời của Chúa mỗi khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên. Tiếng chuông như một lời dạy bảo họ, một tiếng tha thứ mọi lỗi lầm cho họ, một tia ánh sáng chỉ đường trong cuộc đời...

Nhà văn Hồ Anh Thái có tác phẩm "Cõi người rung chuông tận thế" rất hấp dẫn, mình đọc "ngấu nghiến" trong vài tiếng đồng hồ là... "hết"! Dĩ nhiên, đấy là do nội dung của cuốn truyện là hay, là thu hút. Nhưng riêng cái tiêu đề, nó đã "chinh phục sát đất" mình rồi. "Tiếng chuông" của Hồ Anh Thái ở đây, như một lời "cảnh tỉnh" cho lớp người tăm tối chỉ muốn "gây cái ác" cho đồng loại, chứ không phải tiếng chuông đem niềm thương yêu của Thượng Đế cho chúng sinh. Nhớ hồi còn nhỏ, tức là hồi mình còn ở cái tuổi "hôm nay em đến trường, mẹ dắt tay từng bước" ý, mình thích nhất tiếng chuông tan giờ. Bây giờ nghĩ lại, có thể nói là tiếng chuông tan học hồi đó, đã "đem niềm vui đến cho mình", hehe..., Ở cái tuổi ham chơi lười học của mình, tiếng chuông tan giờ không mang niềm vui, thì mang "niềm" gì đây hả trời?!

Tuy thế, có những tiếng chuông đem nỗi sợ hãi đến cho mình. Tỉ như tiếng chuông báo hết giờ trong các kỳ thi, nhất là những lúc mình làm... "chưa hết" bài, tức là không giải hết các bài toán chẳng hạn. Những lúc đấy, mình như là một nhân vật của "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, nghe tiếng chuông mà "vãi cả linh hồn"! hehe... Tất nhiên, tiếng chuông như một nỗi sợ hãi đối với mình, là chỉ một số ít trường hợp thôi, chả là mình... giỏi toán mà lị, hehe...!

Nói chung lại, mình thích tiếng chuông, tiếng chuông "nguyện hồn"... mình! Cái điệu nhạc báo có cuộc gọi hay tin nhắn trong mobil của mình, mình cũng cài đặt là tiếng chuông. Nhớ hồi nào, khi còn đang trong giai đoạn "tìm hiểu nhau", mình cứ suốt ngày mong tiếng chuông báo hiệu có cuộc gọi hay tin nhắn của "cô ấy", tức là vợ mình bây giờ, hehe... Và thật kỳ lạ, có những lần, mình gần như đoán trúng nội dung tin nhắn của "cô ấy", mặc dù chỉ nghe có mỗi tiếng chuông rung thôi!

Mùa Giáng sinh năm nay, mình lại được nghe tiếng chuông, "tiếng chuông nguyện hồn ai"!

Hãy ngân lên đi lời yêu thương của Chúa!

Vâng, Chúa hãy đánh thức con bằng "tiếng chuông" của Ngài! A-men!

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

A-men!

Mình lấy cái tiêu đề của entry này là A-men, bởi vì chỉ còn chục ngày nữa là đến Giáng Sinh, ngày Chúa Giê-su ra đời. Từ "A-men" này luôn có sau mỗi câu cầu nguyện của người theo đạo Công giáo, hình như nó có nghĩa "Xin được như ý!" thì phải. Vào dịp Noel, con người ta sống ở trên cõi đời này, nhất là ở những nước châu Âu phát triển, ngoài những giây phút nghĩ về Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-su, Đức Thánh Linh ra, thời gian vàng ngọc còn lại, thì có cớ để "hưởng thụ" một cái thú (tính) khác, rất chi là... vô tích sự! Ý mình muốn nói đến sự tiêu tiền rất chi là... vô tư của xã hội vào những ngày chuẩn bị đón Noel này.

Họ tiêu tiền vào việc mua sắm quà cáp cho nhau, hoặc tự cho mình. Kể ra cái "thú (tính)" này cũng... tốt thôi. Mua tặng nhau quà là sự biểu lộ tình thương yêu cho nhau, thì có gì là xấu cơ chứ?! Nhưng nhiều khi, cái sự "biểu lộ tình thương" này, nó, phải nói là, mang đậm tính... "thú vật chất". Việt Nam mình có câu thành ngữ "Của ít lòng nhiều", nếu đem áp dụng vào cái sự "biểu lộ lòng thương yêu" ở thế giới Phương Tây đầy thực dụng này, có lẽ, không, chắc chắn, sẽ bị người ta..."cười vào mặt" mất! Hehe...

Những năm còn là sinh viên, mình hay được các bạn Hung cùng lớp rủ về nhà chúng "ăn" Noel. Và cũng vì thấm nặng chất "Của ít lòng nhiều" của quê nhà Việt Nam, nên mình chỉ biết mua tặng bạn một cuốn sách mỏng và rẻ gì đấy, "gọi là chút quà mọn, tượng trưng cho tình thương yêu bao la tao dành cho mày, nhá!" Mình nhớ là bao giờ mình cũng nói vanh vách một câu cầu nguyện học thuộc lòng trong Kinh Thánh cho đứa bạn Hung và gia đình nó, và dĩ nhiên, cuối cùng luôn buông "a-men" đánh phào nhẹ nhõm để kết thúc cái lễ nghi tặng quà trước khi ngồi vào bàn để đánh chén "bữa ăn tối Thánh" ngon tuyệt của một gia đình Hungary.

Cái "trò" mua sách tặng nhau dịp Noel của xã hội Phương Tây, kể ra rất có tính văn hóa, chứ không tính "thú vật chất" tí nào cả! Cái tủ sách của mình một nửa là sách được tặng. Có sách đến hai cuốn lận, bởi vì hai người bạn của mình đã không biết là người kia mua rồi. Những năm nào không theo bạn Hung về nhà nó, mình nằm đắp chăn đọc sách cả ngày, chìm đắm vào thế giới của sách, nhiều hôm quên khuấy chuyện đói và ngoài kia tuyết rơi trắng xóa ngập trời. A-men!

Nói đến tuyết, năm nay có lẽ Noel ở Budapest sẽ "trắng", tức là tuyết sẽ rơi vào đêm 24, lúc Chúa giáng sinh. Cảnh đêm "Noel trắng" bao giờ cũng "chinh phục" mình. Cảm giác con người như rơi vào xứ thần tiên địa đàng. Không gian lấp lánh đủ mọi thứ ánh sáng huyền ảo của ngày lễ, ánh đèn điện, ánh trăng sao, ánh mắt người thương... Tất cả hòa quyện thành một thứ ánh sáng lung linh của Thiên Đàng hiển hiện trên thế gian này! Xin hãy được như ý! A-men!

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

"Giáng Sinh", hay "Nỗi đau" của Chúa...

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Lễ Noel, hay nói theo tiếng Việt "trong sáng ngoài tối" của mình là "Ngày Chúa Giáng sinh". Ở Việt Nam quê nhà, từ hồi "mở cửa", thì dường như Lễ Noel ngày càng được trọng vọng hơn, và đã trở thành một lễ hội nghiêm chỉnh trong dân chúng. Dĩ nhiên Tết vẫn là lễ hội "to" nhất của Việt Nam, nhưng Giáng Sinh cũng đã có được cái "tầm" tương xứng, nhất là ở miền Nam và trong giới trẻ. Mình xa nhà lâu rồi, những lần về thăm quê hương lại không đúng vào dịp Lễ Noel, nên không biết ở Việt Nam bây giờ dân tình kỷ niệm "Ngày Chúa Giê-su ra đời" như thế nào. Tuy vậy mình vẫn nhớ cái cảm giác thật êm đềm, linh thiêng trong nhà thờ của thành phố Quảng Ngãi vào "những năm xưa ấy", khi mình cùng lũ bạn theo đạo Thiên chúa rủ nhau "đi ăn mừng" Giáng sinh.

Có lẽ cái "ý thức" về ý nghĩa lớn lao của Lễ Noel, hay sự hiểu được "vì sao Chúa Giê-su ra đời?", chỉ có được trong mình từ khi mình đọc Kinh Thánh. Nói về các quyển kinh của đủ mọi thứ tôn giáo trên thế giới, có lẽ Kinh Thánh là cuốn kinh "vĩ đại" nhất, "đích thực" nhất. Mình đọc ở đâu đó, rằng mọi sự kiện lớn, đã, đang và sẽ xảy ra trên cõi đời này, đều "có" trong Kinh Thánh, chẳng qua loài người không chịu "tìm hiểu" nên không biết đấy thôi. Thượng Đế là toàn năng, và rất yêu thương "những đứa con" của mình - và đặc biệt Loài Người chúng ta! Ngài không dấu diếm điều gì với "những đứa con đầy tăm tối" của mình cả, đã mở rộng lòng mình dạy cho "chúng" rằng: nền tảng của sự sống là tình thương, nguồn gốc của tội ác là lòng tham. Nhưng "chúng" có chịu "nghe lời" đâu, "chúng" còn quá "u mê" trong cái "trần gian lắm" này, cứ "dương dương tự đắc" tưởng rằng Chúa Giê-su đã chết trên Thánh giá rửa tội thay rồi, muốn làm gì thì làm, cứ muốn gây tội ác mãi!

Có nhiều lúc mình chợt nghĩ, Thượng Đế có lẽ đang đau lòng lắm lắm cho nhân loại. Ngài đau vì đã không "dạy bảo" được cho "nên người" những đứa con ngu muội của mình?! Ngài "day dứt" vì sự "nửa chừng cứu rỗi" của mình, loài người chúng ta vẫn đang sống trong khổ đau tăm tối, vẫn chưa thấy ánh sáng của Thiên Đàng chiếu rọi xuống "ngục tù bao la" là cái "trần gian lắm" này. Mình cũng nghĩ, mặc dù Thượng Đế vẫn luôn "đưa xuống" cho loài người chúng ta những "phương tiện tân tiến" để có thể "đi lên Thiên Đàng" nhanh hơn đấy, như là ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo... thời xa xưa, và những phát minh khoa học như điện, máy tính, internet... ngày nay, nhưng khốn nỗi, "những thế lực thù địch" - lũ ác quỉ Sa-tan - chúng dường như vẫn "mạnh" hơn, vẫn làm "chúng sinh chúng ta" trầm luân "ngụp lặn" hết "bể dâu" này đến "bể khổ" khác! Vậy tại sao, tại sao? Chẳng lẽ, tại Trời, tại Trời!?

Mình nhắc đến ngôn ngữ, cũng có cái dụng ý của nó, hehe...! Tức là mình muốn nói rằng, một trong những "phương tiện tân tiến" mà Thượng Đế "dành tặng" loài người vào "thưở xa xưa", là ngôn ngữ, như một "phép lạ" hiển hiện mà bao kẻ "vô thần" không chịu "nhìn nhận". Và theo mình, loài người chúng ta có được ngôn ngữ để "sinh sống và tồn tại trên cõi đời này", là một điều kỳ diệu nhất, là một món quà lớn nhất từ Thượng Đế! Chỉ riêng việc con người dùng ngôn ngữ để "trao đổi" với nhau hàng ngày (tỉ như viết blog chẳng hạn, hehe!), để phân biệt phải trái, thiện ác, tốt dở, đẹp xấu... đã là một điều quá "thần thông quảng đại" rồi, nữa là sau này, nhờ ngôn ngữ mà loài người chúng ta có thể "lên đến Thiên Đàng gặp lại Người Cha yêu dấu là Thượng Đế" được, thì quả là "kỳ diệu" quá còn gì!

Nói dông dài, chẳng qua mình muốn nói đến "nỗi đau" của Chúa Giê-su, khi Ngài được Đức Mẹ Đồng Trinh Maria sinh ra trong hang đá thưở ấy. Tức là mỗi sinh linh trên thế gian này, khi "sinh ra", đều cất tiếng khóc của "nỗi đau" để "chào đời"!

Ngày ấy, đêm Giáng Sinh, phải chăng Chúa Giê-su đã cất tiếng khóc bởi nỗi đau Chúng Sinh phải sống kiếp đọa đầy?!

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Ở đời này cái gì cũng "nửa chừng..."

Khái Hưng có tác phẩm "Nửa chừng xuân" để đời. Tên cuốn tiểu thuyết lừng danh của ông hóa ra lại đúng với mọi sự trên đời này! Có khác chăng, chỉ ở cái từ thứ ba mà thôi! Ví dụ như: nửa chừng ăn, nửa chừng uống, nửa chừng yêu, nửa chừng nói, nửa chừng xây dựng, nửa chừng cách mạng, v.v... Hôm qua mình viết mấy dòng suy nghĩ vẩn vơ về những cái TÔI vĩ đại của nhân loại xong, thì thấy ở đời này cái gì cũng... nửa chừng! Đây nhá, mình xin chứng minh như sau:

Nói về những cái sự "lớn lao" như là sự cứu rỗi loài người của Thượng Đế, cũng nửa chừng, nửa chừng một cách... kinh khủng! Theo những gì mình biết, thì Thượng Đế "cử" đứa con trai độc nhất của mình, là Đức Chúa Giê-su, xuống trần gian hòng cứu rỗi linh hồn đám dân đen tối tăm tội lỗi lên thiên đàng trở lại, nhưng Giê-su chỉ làm được có... một nửa rồi bỏ dở! Tức là chỉ chết thế nhân loại, chứ tất thảy họ - chúng ta - có được lên thiên đàng đâu?! Như thế không nửa chừng thì là gì?

Rồi, hoặc như cái sự tồn tại của Vũ Trụ này, cũng nửa chừng. Einstein chẳng bảo vũ trụ của chúng ta đang giãn đấy là gì, tức là ông Trời ổng chửa "nặn xong" vũ trụ đâu đấy nhé, từng có mà tưởng bở, hehe...! Nửa chừng, nửa chừng, tất thảy đều nửa chừng!

Nói đến "Nửa chừng xuân", mình nhớ mối tình sinh viên thời Bách khoa Đà nẵng. Mình yêu thầm nhớ trộm cô bạn học cùng khóa, cũng tán lên tán xuống (trong mơ thôi) đấy, nàng sắp đổ thì chúng mình được "lệnh" đi Đông Âu học. Mình đi Hungary, còn cô bạn đi Đông Đức. Thế là tan vỡ, đường em em đi, đường anh anh đi, duyên tình đôi ta chỉ thế thôi... Sau này, hai đứa có gặp nhau một lần, ở thế kỷ trước, khi mình mời "người yêu xưa" sang Budapest chơi, nhưng lúc đó mình đang mải "chén thù chén tạc" với các em "da trắng tóc vàng miệng xinh xinh" nên "người yêu xưa" cũng chẳng "mặn nồng" gì cái chuyện "nối lại duyên xưa mình với ta" cả, chuyện tình hai đứa cực kỳ ngắn, ngắn hơn... truyện cực ngắn!

Nói đến tình yêu, thì phải nói đến cuộc sống! Bởi vì cuộc sống không thể thiếu tình yêu! Như loài hoa đẹp không thể thiếu hương thơm. Hoa đẹp mà không có hương vị gì, coi như... vứt, đời "em" như thế, gọi là "tàn", là "tạ". Mình chợt nhớ nhà "ông Lành", tức nhà "thơ Tố Hữu". Nói vậy chứ cái nhà ông Lành này có cái bài thơ gì đấy nghe cũng "bùi ngùi" tai ra phết! Đó là bài "Người con gái Việt Nam", có mấy câu: "Em là ai, cô gái hay nàng tiên, em có tuổi hay không có tuổi?". Trong trường hợp này, mình xin trả lời là, "em" là Hoa Phi Hương, con Hoa Quốc Phong, cháu Hoa Thịnh Đốn! hehe... Nói tóm lại, "em" vô dụng, cùng lắm, chỉ có thể dùng "em" vào cái việc "thầy bói đoán mò", tức là bứt từng cánh của em để bói, yêu, không yêu, yêu, không yêu, yêu, không yêu... mà thôi! Nhưng "anh" cũng chỉ dám "bứt" đến... nửa chừng, bởi vì ai nỡ lòng nào "bứt" hết một đời hoa!

Nhắc đến cái nhà ông Lành, lại cũng phải nhắc đến cuộc cách mạng... nửa chừng của dân tộc Việt Nam. Mình nói nửa chừng, là vì thế này: giành được "độc lập tự do" rồi, mấy thằng cha của đảng cộng sản nhà ta sinh ra... "đổ đốn". Mấy chả không chịu tiến lên... làm "tới số" cái ước nguyện của Chí Minh là "xây dựng đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn", mà chỉ suốt ngày lo... đớp, đớp nhanh, đớp mạnh, đớp vững chắc, đớp sạch sành sanh, để cả lũ thành một băng đảng mafia, còn dân đen trăm họ cùng cực khổ sở thiếu thốn trăm đường trăm ngả, thì... mặc xác bay! Hàng ngày mình theo rõi tin tức ở quê nhà Việt Nam mà thấy quặn ruột. Không biết vì đau hay do tức! Nhưng nói chuyện quê nhà Việt Nam mà làm gì! Chán lắm! Nói chuyện khác đi!

Ờ, mình nói chuyện khác vậy. Chuyện chết, chết nửa chừng, nhá! Chuyện chết nửa chừng của Chí Minh! Chả là cái nhà ông này tuy là người thiên cổ từ lâu rồi đấy, nhưng ông ta đã chết một cái chết... nửa chừng, nửa chừng như mọi sự trên đời này! Bởi vì ông ta đã "ngỏm củ tỏi" thật sự từ 1969, nhưng người ta vẫn ra rả suốt ngày từ bấy đến nay là ông ta "sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Chết rồi nhưng vẫn sống mãi, chẳng là chết nửa chừng thì là gì? Đấy là chưa kể, cái "cá nhân" của ông ta, ý mình nói cái thi xác của ổng, hàng ngày bị đưa lên đưa xuống trong huyệt (huyệt, đấy là gọi theo "tiếng Việt trong sáng ngoài tối", còn gọi theo tiếng CHXHCN Việt Nam là lăng), tức là cái sự mai táng nửa chừng của cái chết nửa chừng... Mà cũng đúng thôi, cả cái gọi là "sự nghiệp" của Chí Minh, cũng "nửa chừng", sống nửa chừng, yêu nửa chừng, thơ nửa chừng, văn nửa chừng, ở tù nửa chừng (thân ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, hehe...), rồi chiến đấu cũng nửa chừng, lãnh tụ lại càng nửa chừng, và cuối cùng, chết nửa chừng! Mà mình việc gì phải "dài dòng văn tự" nhỉ?! Chỉ riêng cái việc một nửa dân tộc Việt Nam nguyền rủa Chí Minh đã là "bằng chứng hùng hồn" cho sự "nửa chừng" của ông ta rồi còn gì! hehe...

Thôi, cái entry này mình chỉ viết... nửa chừng thế thôi. Kẻo mọi người lại bảo mình không "nhất quán" với bản thân, đã bảo mọi sự trên đời này đều nửa chừng, thì viết bài cũng phải nửa chừng chứ! hehe...

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Những cái "TÔI" vĩ đại

Sắp tới Noel, mình tự nhiên lại nghĩ nhiều về nhân vật Chúa Giê-su. Theo sách vở và Kinh Thánh, thì nhân vật này đã tồn tại, tức là có thực trong lịch sử loài người. Nói về những "cái TÔI vĩ đại", theo "thuyết không số phận" của Kertész Imre, thì trước tiên phải kể đến nhân vật Đức Chúa Giê-su này. Nói thực tình, mình chưa đọc hết Kinh Thánh, nhưng cũng cảm nhận được sự vĩ đại của con người huyền bí thần thánh nhưng lại rất "trần gian thường tình" này. Có một bộ phim về Giê-su rất cảm động do diễn viên gạo cội Hollywood Mel Gibson đạo diễn, bộ phim The Passion of the Christ, mà mình xem xong bị ám ảnh suốt mấy tháng trời vào mùa Noel 2004. Phải nói là bị "sốc" thì đúng hơn! Bộ phim nói khá rõ về cái "tôi" của Chúa Giê-su. Mình cứ bị cái hình ảnh Chúa gục đầu trên cây Thánh giá ở cuối phim đeo đuổi mãi. Cái câu hỏi, tại sao Chúa Giê-su biết trước là mình phải xuống trần gian để chịu tội chết thế cho loài người tăm tối, là sẽ phải chịu mọi khổ đau, nhưng vẫn cứ xuống, nó cứ dằn vặt mình không nguôi. Phải chăng cái TÔI của Chúa quá vĩ đại? Phải chăng cái TÔI của Chúa cũng đã biết trước rằng, cái "cá nhân" của Chúa - cái "thân cát bụi", lại "trở về cát bụi", và chỉ cái TÔI là sống đời đời?

Trong một lần tranh luận với thằng bạn nhậu, mình nói với nó là, trong mỗi con người chúng ta có một chút Thượng Đế, cái một chút Thượng Đế ấy, nếu được "chăm nuôi tử tế", mỗi chúng ta có thể là một Đức Chúa Giê-su, thậm chí là một Thượng Đế hiển hiện chứ không bỡn! Nghe xong những lời "cuồng tín" này của mình, nó trố mắt tưởng chừng con ngươi sắp lòi khỏi tròng, không nói lên một lời nào. Những lần gặp nhau sau đấy, khi đã "hoàn hồn", nó vỗ vai công nhận, Đức à, mày nói đúng đấy, cố mà nuôi cái chút Thượng Đế trong người mày đi, tao thấy nó bé tí, cố lên, cố lên, để tao gọi mày là Đức chúa, nhá, hehe...! Thằng chết tiệt, mày chỉ được cái xiên xẹo, mình đã quật lại nó như thế.

Viết đến đây, mình lại nhớ đến cụ Trần Dần. Cái "tôi" của cụ cũng vĩ đại không kém cái "tôi" của Đức Chúa Giê-su, mình nghĩ thế. Câu chửi đổng "Nắm, nắm cái con cặc!" của cụ đúng là một sự biểu hiện cái "tôi" thật mãnh liệt và đầy khí phách. Đến như Nguyễn Tuân còn phải biết sợ suốt cuộc đời mình, hoặc như Nguyễn Khải cũng chỉ "vớt vát" tí "tiếng cười Thượng Đế" còn vẳng lại trong vài "mảnh TÔI rơi rớt" tìm thấy được vào cuối đời. Tức là, nói một cách văn vẻ, Nguyễn Khải đi tìm cái Tôi đã mất, còn Thượng Đế thì cười! Hehe...

Một cái TÔI vĩ đại nữa, đó là cái TÔI của Jázmin. Hôm qua, ngày ông già Tuyết, nàng được một gói kẹo chocola to tướng. Thế là nàng đưa cho mình hết, chỉ giữ lại hai viên, mình hỏi tại sao, nàng ghé tai nhỏ nhẻ, một của con, một của mẹ, còn lại của ba, bởi vì con yêu ba nhất! Ôi, Jázmin, con gái yêu của ba!

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Nhớ Nam Cao

Ngày xưa, tức là vào quãng nửa cuối của thế kỷ trước, khi mình đọc Nam Cao, đã cảm thấy những điều huyền bí trong các tác phẩm của ông. Mình thường nhận xét với thằng bạn cùng lớp là, trong thơ có Nguyễn Du, trong văn có Nam Cao, là những nhà văn lớn của Việt Nam. Hồi đó, mình đã bị những chữ đồng âm khác nghĩa của hai "anh tài" này "đánh gục".

Trước tiên, mình muốn nói đến chữ "tai" của Nguyễn Du trong câu thơ Kiều:

"Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần"

Để tiếp thụ tri thức, con người ta có cái mắt để nhìn, cái tai để nghe và "cái" óc để tổng hợp, tư duy và... "hấp thụ". (Mình để "hấp thụ" trong dấu ngoặc kép, tức là nhấn mạnh chữ "hấp thụ", là cũng có "thâm ý" đấy, mình sẽ nói sau, nghĩa là về những trường hợp... "cám hấp thụ", hehe...!). Khởi thủy của một đời người, ý mình muốn nói đến cái thời "trai tráng trẻ con" ý, lúc con người lên ba lên năm trọ trẹ "tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin" (hehe...), cái "tai", có thể nói, đã "hoành hành" một cách đầy "ngạo nghễ" trong công cuộc "hấp thụ tri thức" của chúng ta rồi. Nêu câu thơ của Tố Hữu ra đây, thực ra mình không muốn "xúc phạm" cái nhà "ông Lành" này làm gì, bởi vì cái nhà ông này đã trở thành người thiên cổ từ lâu, mà chỉ muốn dẫn chứng một cái sự "tai ương" của nhân loại, mà cụ thể là của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ trước. Sự "tai ương" đó như thế nào, chắc nhân dân Nga-Sô biết rõ hơn mình, hãy để nhân dân Nga-Sô lên tiếng vậy!

Ở đây, mình chỉ muốn nói đến mối liên quan rất chi là mật thiết của cái "tài" và cái "tai". Ngày xưa, (lại ngày xưa), ý mình muốn nói đến cái thời Adam và Eva còn "lông lá ở truồng" với nhau trên Thiên Đàng ý, cũng vì họ có cái tai nghe "những lời đường mật" của con rắn, mà cả hai "anh và ả" phạm tội tổ tông, và bị Thượng Đế "giáng thế" xuống trần gian sống kiếp đọa đầy. Cái họa của Adam và Eva do cái tai "gây" ra ở trên Thiên Đàng thời đó, mình gọi là "thiên tai". Từ đó suy ra, và cũng chính vì thế, mà sau này nhân gian gọi tất cả những "khổ ải từ trên trời rơi xuống", như là mưa bão, lũ lụt, hạn hán, giông tuyết,..., tất tật, là "thiên tai", chắc thế! Hehe...

Có một điều "trớ trêu" nữa của "thiên tai", đó là: Khi dân tình quá cơ cực bởi "thiên tai", không chịu nổi nữa, họ muốn nhờ đến sự cứu vãn của "thiên tài Trời Đất", thì "kêu trời trời chẳng thấu, gọi đất đất không hay", những lúc như thế, "thiên" có "tai" cũng như không, bởi vì có nghe thấy tiếng than của dân tình đâu! Cũng như thế, "thiên" có "tài" cũng như không! Tài với cán gì, khi mà dân tình vẫn muôn kiếp khổ sở muôn đường, Trời Đất ạ!

Nói túm lại, cụ Nguyễn Du nói rất chí phải, "Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần"! Mọi tội lỗi của loài người chúng ta, đều bắt đầu từ cái "tai" mà ra. Tỷ như vợ nghe lời phỉnh dụ của trai cường tráng mà đem miệng đi... nuốt nem, còn chồng thì ngả theo tiếng gọi của gái chân dài mang mồm đi... đớp chả. Tai hại, tai hại! Nói đến đây, mình phải nhắc lại cái "tai ương" của cái nhà "ông Lành", quả thật là tai hại khi cái nhà ông này nghe tiếng trẻ thơ bi bô đòi sữa uống thành "Xít ta lin". Tai hại, tai hại! Phải hiểu "tai hại" có nghĩa là: Cái tai của chúng ta đúng là đồ... ăn hại! Hehe...

Vậy tại sao mình lại nhắc Nam Cao ở đây? Cái nhà "anh tài" này có chữ "để đời" nào? Ờ, mình xin nói luôn đây:

Đó là chữ "CHÍ", "CHÍ PHÈO" liền với "CHÍ MINH" một vần!

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Muối và Tiêu (6)

Tuyết

Giữa tháng Ba tuyết rơi thêm một lần nữa. Không gian như được lấp đầy ánh lung linh của phép màu huyền ảo. Gió mang hơi nước rào rào từng cơn vào cánh rừng, những dấu chân của muông thú chằng chịt lên nhau trên đất bùn trộn tuyết, như thể mọi sinh vật của dương gian này đang chen nhau tìm đường trốn chạy. Tôi đứng bên cửa sổ trong căn phòng lạnh lẽo, thỉnh thoảng rùng mình vì giá rét, tôi ngắm tuyết xanh trải dài trên những mỏm núi xa xa. Rít một hơi thuốc lá. Thái dương tôi đã lấm tấm bạc. Tôi không còn buồn rầu nữa. Chỉ hơi ngượng ngập một chút.

Nghệ sĩ

Bốn giờ sáng, trong căn phòng dày đặc khói thuốc lá và màn mây tư tưởng, giữa hơi nóng của thức ăn và đồ uống, những con người bắt đầu nói chuyện với nhau, một cách say sưa, nhộn nhạo, không còn biết gì đến trời đất nữa. Kẻ thì thao thao bất tuyệt, vì sao không thành công, người cằn nhằn, giá như thế này, giá như thế kia, kẻ thứ ba thở dài với những tham muốn của mình, người thứ tư ngao ngán với thất bại lần thứ mười lăm - họ nháo nhào cắt lời, soi mói nhau, những tia nhìn như bốc lửa, như thể giờ phán tội đã điểm, ai ai cũng thấy, phải nói ra và có thể nói ra hết.

Bốn giờ sáng, những con người nói chuyện với nhau như thế. Nhưng trong một góc phòng, bên cửa sổ, một kẻ ngồi im lặng. Anh ta ngồi cô độc một mình, cái ly trước mặt, điếu thuốc giữa ngón tay, mơ màng nhìn làn khói xám, ánh mắt xa lạ, vô phương hướng. Con người này không nói một lời nào, trong khi mọi kẻ khác tưởng rằng cần phải nói và có thể nói hết, chính là nghệ sĩ.