Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Đố ai biết được cụm từ tiếng Việt nào là "đỏng đảnh nhất" và "sặc mùi chiến tranh nhất"?

“5. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhu lịch sử hay là sự áp đặt thời hậu chiến? Công bằng để nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam có một vai trò lịch sử trong cuộc chiến Việt Nam. Khi một cuộc chiến tranh có tầm cỡ quốc gia kết thúc, bất cứ một triều đại hay một thế lực chính trị nào cũng đòi hỏi một sự chuyển mình đầy quyền biến thời hậu chiến. Thế nhưng, chưa bao giờ nhân dân Việt Nam hay bản thân người cộng sản dám minh nhiên đặt lại vấn đề về sự cần thiết về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau 1975. Người trong Đảng xem chuyện đã hy sinh bỏ công lao ra chiến đấu thì phải có thời kỳ lên ngai hưởng thụ là chuyện đương nhiên. Quần chúng Việt Nam chưa bao giờ được có một cơ hội tự do để đặt lại vấn đề như thế. Tất cả đều được ban cho quyền tự do vô giới hạn là ca ngợi cùng tri ân công đức Đảng và lãnh tụ. Vấn đề cần được xét lại khi một thế hệ đàn anh cùng thời thế đi qua sắp hết. Thế hệ đàn em kế thừa cần xác định thế đứng, vị trí và thời điểm của đất nước mình…

Giờ 6: Đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước, thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, tuyệt đối không kiểm duyệt hay cắt bỏ. Tất cả sẽ cùng nghe và trực tiếp hay gián tiếp phát biểu, thảo luận, phân tích và biểu quyết về đề tài: “Quyết định chung cuộc về vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời đại mới.”“(Trần Kiêm Đoàn)

Đọc những lời này của tác giả Trần Kiêm Đoàn, tôi chợt nhớ đến bài “Tính đỏng đảnh của ngôn ngữ” của tác giả Phạm Văn, chính xác ra là đoạn văn này: “Người Việt có một quá khứ thường xuyên đánh nhau với ngoại bang và đánh lẫn nhau hoặc luôn luôn bị bên ngoài đe doạ, vì thế tiếng Việt đôi khi sặc mùi chiến tranh ngay cả trong những trường hợp không cần thiết, như “chống giặc dốt” hoặc vô vàn thí dụ khác. Hoặc hoà bình là một tình trạng ai cũng mong mỏi, nhưng “diễn biến hoà bình” hay “hòa giải, hòa hợp” trở thành những cụm từ mang nghĩa xấu đối với một số người.”

Tôi nhớ đến đoạn văn này, bởi vì trong một PH của mình dưới bài này, tôi có viết: “Còn về cụm từ tiếng Việt mang tính “đỏng đảnh” nhất và “sặc mùi chiến tranh” nhất, theo tôi, có lẽ là “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”!”.

Đấy là lúc đấy, cách đây 5 tháng trời, và trong lòng vẫn “chắc mẩm” là talawas sẽ hoạt động mãi mãi!

Nhưng bây giờ, qua khá nhiều các “trả lời 3 câu hỏi của talawas” của các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, cộng tác viên, độc giả,… thì tôi thấy, mình đã lầm: Không phải cụm từ “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”, mà chính xác hơn, tại thời điểm bây giờ, phải là cụm từ “Đảng Cộng Sản Việt Nam” mới là cụm từ tiếng Việt mang tính “đỏng đảnh” nhất và “sặc mùi chiến tranh” nhất!

Về lý do tại sao, có lẽ chúng ta đã thừa hiểu, tôi xin không nêu ra đây. Nhưng có một “mong muốn” như thế này:

Giá mà trước khi ngừng hoạt động, talawas hay chị Hoài, cũng “phỏng vấn” được một hay vài vị “tai to mặt lớn” nào đấy của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chẳng hạn như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, hay Nguyễn Phú Trọng nhỉ!

Bởi vì tôi nghĩ, trả lời 3 câu hỏi “dễ ợt” đấy, thì “có chết ai”, có bị qui vào tội “lật đổ chính quyền nhân dân” đâu?! Thậm chí, nếu các vị ấy trả lời phỏng vấn, nhân dân Việt Nam ta lại càng thấy “yêu quí” họ thêm chứ lị! Đúng không các bác?! (Tôi có một hình dung về trả lời của NMT, nhưng xin để PH sau vậy…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét