Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

"Nói vậy mà không phải vậy", hay cái sự "Diễn biến talawas"?!

Mới đọc cái tiêu đề “Song Chi – “Diễn biến hoà bình” đến từ đâu?”, tôi cứ tưởng sẽ được đọc một bài mới về ngôn ngữ giống như bài “Tính đỏng đảnh của ngôn ngữ” của tác giả Phạm Văn. Và cảm giác này kéo dài cho tới câu “Một cách dùng từ rất lạ lùng mà ban đầu ai cũng thấy là kỳ quặc, lâu dần thành… quen tai!” thì biến mất! Bởi vì sau đó, khi đọc tiếp là tôi gặp phải một chuỗi “ớ người” và đến cuối cùng thì đọng lại trong người là một nỗi… chán quá! Tôi xin được “trình bày” với các bác cái “nỗi chán quá” của tôi như sau:

1. Tôi nhận thấy là đã từ lâu, có lẽ từ khi “o oe cất tiếng khóc chào đời” cho đến nay, diễn đàn talawas luôn luôn chú trọng về mặt “ngữ nghĩa” của ngôn từ. Tôi còn nhớ “như in” cái không khí rất sôi động của cuộc tranh luận về từ “máy vi tính” trên talawas bộ cũ. Hoặc gần đây là cuộc “cãi cọ” trên talawas này về “ý nghĩa thứ tự” của cụm từ “hòa giải hòa hợp”. Tức là, một trong những “tiêu chí hàng đầu” của talawas là thông qua những bài viết và các PH, cố gắng đưa ra cái “ngữ nghĩa đích thực” của ngôn từ. Cái ví dụ minh họa “sinh động” nhất cho điều này, theo tôi, có lẽ là cuộc thảo luận quanh cái “công/tội của nhân vật Hồ Chí Minh”. Ý tôi muốn nói là, đối với tôi, talawas như thể đang làm cái việc “vén bức màn “nói vậy mà không phải vậy”" lên để xem phía sau có gì!

2. Quay lại cụm từ “diễn biến hòa bình”, cái cụm từ mà theo tôi, là nguyên nhân chính gây ra “nỗi chán quá” cho tôi: Ở đây, tôi không dám bàn tới nội dung của bài viết, mà chỉ muốn nêu lên cái ý là chúng ta hãy xác định “ngữ nghĩa đích thực” của cụm từ này đã. Mặc dù ngay ở phần “mở bài” tác giả SC đã nhận xét là “Một cách dùng từ rất lạ lùng mà ban đầu ai cũng thấy là kỳ quặc, lâu dần thành… quen tai!”, nhưng ở phần “thân bài” và “kết luận”, ông đã không “đả động” tí gì đến việc xác định lại cho đúng ý nghĩa của nó(“Diễn biến hòa bình”), mà lại tiếp tục dùng nó để diễn đạt những ý tưởng liên quan tiếp theo của mình. Điều này đã xảy ra được, tôi nghĩ, có thể là do chính tác giả đã bị cái “quen tai” nó chi phối trong quá trình suy luận. Thấy “người ta” nói thế, mình cũng nói thế! Kiểu như Nguyễn Đức Tùng hỏi “Thơ đến từ đâu?”, thì mình cũng hỏi “”Diễn biến hòa bình” đến từ đâu?” cái hè! Giá như trước khi viết bài này, tác giả Song Chi có một bài viết về ý nghĩa đích thực của cụm từ “Diễn biến hòa bình” thì hay biết mấy!

3. Về nội dung của bài viết, riêng cá nhân tôi, mặc dù chưa biết chính xác ý nghĩa đích thực của cụm từ “Diễn biến hòa bình” là gì, nhưng không cho rằng, “Âm mưu xâm chiếm Việt Nam” đã được phía TQ thể hiện bằng “Diễn biến hòa bình”. Bởi vì, như chúng ta đã thấy, trong quá khư, đã “hơn một lần” TQ dám dùng quân sự để “đánh chiếm VN”, gần đây nhất là cuộc lấn chiếm biên giới phía bắc VN năm 1979 chẳng hạn. Đối với VN, TQ sẵn sàng dùng “đòn quân sự” để thanh toán VN, không bao giờ “nó”(TQ) lại dùng “hòa bình”, ngay cả có thêm vào đằng trước cái sự “diễn biến” đi chăng nữa!

4. Tôi nghĩ, việc “lơ mơ khái niệm”, nhiều khi phản tác dụng. Và như thế, tác giả không những không giúp được gì cho độc giả trong việc hiểu rõ “ngữ nghĩa” của ngôn từ, mà còn vô hình chung, làm “dày đặc” thêm bức màn “nói vậy mà không phải vậy” vốn đã khó “vén lên” trong sinh hoạt tri thức, ví dụ như trên… “diễn biến talawas” này chẳng hạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét