Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Ai mua tâm hồn của tôi không? Tôi bán rẻ cho...

“Tôi nhìn đồng hồ thấy đã nói chuyện với ông gần một tiếng. Trước khi đứng dậy cáo từ, tôi nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: “Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên ‘Bèo giạt’ đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được.

Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời:

“Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của ông Nhất Linh nói không?”

Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: “Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?” rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác.”(Nguyễn Tường Thiết)

Đọc bài này và nhân đọc được một “tạp bút” của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, mà trong đó có câu: “Giá trị thực sự của thơ TH ra sao? Có sống sót được với thời gian không? – là những điều người ta nên nghĩ tiếp. Tôi cho rằng thơ TH có thể có tình giai cấp, tình dân tộc, nhưng không có tình nhân loại.”, tôi mới suy nghĩ “vẩn vơ” như thế này, xin chia sẻ với các bác:

1. Câu hỏi đầu tiên “nảy” ra trong tôi là, như thế nào là “người cộng sản có tâm hồn”? Những nhân vật như ông Hồ Chí Minh, hay “kể rộng” ra nữa, những Lê-nin, Stalin, Mao, Kim Nhật Thành, Causescu, Kádár János, Fidel Castro, v.v… họ có phải là “những người cộng sản có tâm hồn” không? Theo tôi nghĩ, nói cho công bằng, vào thuở ban đầu, có thể lắm! Nghĩa là, khi mới “dấn thân” vào “con đường cách mạng”, họ là “những người cộng sản có tâm hồn”. Về cái “tâm hồn” của nhân vật nhà/bí thơ HCM, thì chúng ta đã “bàn luận” nhiều rồi. Tôi chỉ muốn nêu ra đây cái gọi là “tâm hồn cộng sản” của nhân vật Kádár János, người cộng sản số 1 của đất nước Hungary XHCN cũ, nơi tôi đang sống và có “nặng nợ ân tình” nhiều với nó. Kádár János là một người rất yêu thích văn nghệ, và đặc biệt, rất thích đánh cờ vua và là một “kỳ phùng địch thủ” trong “làng cờ vua” Hungary thời ông còn sống. Trong một dịp trò chuyện với anh Hoàng Minh Chương, tiến sĩ toán học và là một trong số ít huấn luyện viên cờ vua hàng đầu của Việt Nam và thế giới, tôi được anh Chương cho biết: một trong các yếu tố quan trọng của một vận động viên chơi cờ giỏi là phải “có tâm hồn”, tức là “thấy” được “cái đẹp” của những “thế cờ”, những “đòn chiến thuật”, những “bước đi”,… Và như vậy, có thể nói rằng, Kádár János là một “người cộng sản có tâm hồn”!

2. Nhưng tại sao “nên nông nỗi”? Tại sao “những người cộng sản có tâm hồn thuở ban đầu ấy” lại đã có thể gây nên một “thảm họa thế kỷ” cho nhân loại? Một trong những câu “trả lời” có lẽ là, họ, những người cộng sản đã “bán tâm hồn cho Quỷ”?!

3. Trở lại với trường hợp của ông Tố Hữu, cũng như “ông thầy” của mình là Hồ Chí Minh, Tố Hữu cùng với “các đồng chí dưới trướng”, trong đó có Huy Cận, đã “bán tâm hồn cho Quỷ” (“…trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều…”). Vậy cho nên, chúng ta có thể hiểu được dễ dàng vì sao mà “ông (Huy Cận) không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: “Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?” rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác.”! Một kẻ khi biết chính xác là mình đã “bán tâm hồn cho Quỷ”, thì thường “lảng tránh” “sự thật”, y như “Quỷ”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét