Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Mỵ Châu ơi, Mỵ Châu!

“Đồng ý là khi bị cha giết, nàng chưa biết mình chết vì do ai. Nhưng khi máu đã thành ngọc, hồn nàng chắc phải biết mình chết vì ai và cha mình tại sao chết. Là một người con chí hiếu, nàng cũng sẽ thấy vì mình dại dột đưa lẩy nỏ cho Trọng Thỉ xem, để đến nỗi nước phải mất, nhà phải tan. Tôi viết “những giọt lệ ăn năn” là vì vậy. Dù sao, nàng vẫn thấy mình có tội với cha.”(Khuất Đẩu)

@nhà văn Khuất Đẩu kính mến,

Vâng, tôi thành thật cám ơn lời phúc đáp của nhà văn. Nhưng, trên tinh thần “trao đổi ý kiến cởi mở và chân tình” với nhau, tôi buộc phải nói rằng, tôi đã “thất vọng” với lời “giải thích” của nhà văn. Tôi xin trình bày như sau:

1. Vẫn cho rằng Mỵ Châu “là một người con chí hiếu, nàng cũng sẽ thấy vì mình dại dột đưa lẩy nỏ cho Trọng Thỉ xem, để đến nỗi nước phải mất, nhà phải tan”, thì tôi thấy, ý tưởng này có vẻ vẫn “sáo mòn” (như đường lối tuyên truyền gì gì đấy chẳng hạn) và “không có gì gọi là mang tính sáng tạo nghệ thuật” cả! Xin nhà văn đừng giận, khi tôi nói như vậy. Bởi vì, đã là huyền sử, tại sao chúng ta cứ phải “ép” cái “ý thức yêu nước, trách nhiệm giữ nước” vào người con gái vừa “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” này. Đây, các bác cũng đã biết, ngay ở cái thời đại “lướt internet vèo vèo”(ý tôi muốn nói là “thời đại thông tin “đầy mình”) này, mà một “người lớn trưởng thành” là “bà tiến sĩ nọ”, cũng còn chưa xác định được rõ ràng cho mình cái “ý thức yêu nước, trách nhiệm giữ nước”, nữa là nàng công chúa Mỵ Châu vào cái buổi loạn li hoang sơ “Ngựa hồng lang thang vào bão cát – Mây nổi bọt đầy trời” ấy!

2. Trước khi nhận được lời “giải thích” của tác giả, tôi đã nghĩ là, có thể là trong “túi” của tác giả còn một “nỗi niềm yêu thương” nào đấy của Mỵ Châu đối với Trọng Thỉ, mà tác giả “không tiện” nói tiếp ra ở đây. Có một đoạn văn như một “bài tụng ca Thánh Kinh” ở trong bài mà tôi cứ tấm tắc một mình mãi, đó là “Nên chi xương thịt nàng đã hòa tan cùng cát bụi nhưng những giọt máu của nàng vẫn không tan được. Những giọt máu đã thành ngọc nhưng là những viên ngọc tối xám u buồn. Mãi đến khi được rửa bằng nước giếng Trọng Thỉ thì ngọc mới chói sáng xinh đẹp.”. Ở một blog nào đó, tôi có dịp theo dõi một cuộc tranh luận về đề tài “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, và có ai đó đã ca ngợi tình yêu của Thủy Tinh dành cho cô công chúa Mỵ Nương Ngọc Hoa, con gái vua Hùng, người về sau trở thành vợ của Sơn Tinh, là rất “romantic”, rất “đàn ông”! Đấy, “huyền sử dân gian” để lại cho chúng ta những “cốt truyện tình yêu” rất là lãng mạn, nhân văn. Tại sao chúng ta cứ phải “giải thích” chúng theo một “định hướng sáo mòn gì gì” đấy? Những cái “định hướng sáo mòn” gì gì này, nói thực với các bác, chúng đã làm tôi “chán ngán”. “Hở” ra một tí là “yêu nước”, là “thương nòi”, là “ý thức”, là “trách nhiệm”! Tại sao chúng ta không thể “bắt chước” nhà văn Lê Thị Thấm Vân, “giải phóng” thành “yêu chàng”, thành “thương anh”, thành gì gì đấy… “khác” hẳn, “nên thơ” hơn? Thú thật với các bác, (từ khi tôi bị/được “bập” vào những tác phẩm của nhà văn KĐ), tôi những tưởng là: “những hạt lệ ăn năn để lại cho đời” của Mỵ Châu, chúng muốn nói lên một tình yêu trong trắng thủy chung của một nàng thiếu nữ đối với một chàng trai, một mối tình mà vừa mới “hội ngộ tương phùng” nhưng “Thuyền tình vừa ghé tới nơi – Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ” ở nơi trần gian, nên phải gửi gắm “nỗi niềm ăn năn” vì đã không “theo chàng đến nơi đến chốn”, và chính vì vậy, khi gặp lại “chàng”(“được rửa bằng nước giếng Trọng Thỉ”), thì “tình yêu đôi lứa” “mới chói sáng xinh đẹp”. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những “suy nghĩ lan man trong lúc kẹt xe” của tôi thôi, việc “giải thích” “những hạt lệ ăn năn” như thế nào, là cái quyền và cái riêng của nhà văn KĐ.

3. Tiện đây, tôi cũng xin nói thêm những “suy nghĩ lan man trong lúc kẹt xe” của tôi về cái chết của hai cha con vua An Dương Vương. Có thể chăng đã xảy ra một “bi kịch” như thế này, là vua ADV, khi đứng trước nguy cơ “nước mất nhà tan”, và cả hai cha con sẽ bị bắt, ở vào cái “nước đường cùng” như thế, đã suy nghĩ: “Ta thà làm quỷ đất Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”, nên ông quyết “trẫm mình” cùng với con gái của mình (chém đầu Mỵ Châu), còn Mỵ Châu, người con gái “mới biết yêu” (nên “mù quáng”) chỉ “tập trung” vào việc là làm sao gặp lại được “người mình yêu” (nên đã bứt lông ngỗng rải dọc đường làm dấu cho Trọng Thỉ)? Có thể lắm chứ? Nếu không, tại sao lại không?

Tôi có vài lời muốn trao đổi với nhà văn KD và các bác như vậy. Có gì không phải, xin các bác “lượng thứ” cho!

Tiện đây, xin “nhắc khéo” nhà văn KĐ và BBT talawas là, nhà văn KĐ đã công nhận là viết sai tên tác giả bài thơ Mỵ Châu, nhưng tôi thấy, cái tên “Nguyễn Đình Toàn” vẫn còn ở dưới bài thơ. Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét