Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

talawas, hay "tia sáng của những đường bay diễm ảo của trí tuệ"!

“Định cư tại các nước văn minh, tôi nhận thấy người ta đứng trong ánh sáng trên đường đi của lẽ thật để soi sáng và thâu gặt những bông trái của mọi vấn đề khó lẫn dễ đến từ bốn phương tám hướng. Họ không phải bận lòng mò mẫm trong bóng tối phung phí thời gian đi tìm sự thật. Với nhận xét đó, tôi thích talawas; và tôi nghĩ rằng muốn xã hội tiến bộ thì dân cần có tự do ngôn luận để cho mọi người tiết kiệm được thời gian tìm kiếm hay tranh luận rằng đâu là sự thật.”(Đào Nguyên)

@Đào Nguyên thân mến,

Tôi xin cám ơn rất nhiều những lời chia sẻ chân thành của Đào Nguyên. Đọc những lời bộc bạch sâu lắng này, tôi lại nhớ đến những ý “bay bổng huyền diệu” có trong một PH trước đây của Đào Nguyên. Tôi xin được trích lại ra đây:

“Khi một triết gia bị bí vì không thể hiện được hết các đường bay diễm ảo của trí tuệ qua ngôn ngữ thì người dùng toán lý. Cùng một thể ấy, thơ đến từ sự bất lực của người ta trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn tả các uẩn khúc của tâm hồn. Khi ngôn ngữ thông thường không đi trọn các ngõ ngách của tâm hồn thì người ta sử dụng ngôn ngữ thơ, cũng như khi không diễn tả được những gì thị quan cảm nhận được từ các vật thể chung quanh bằng ngôn từ thì người ta phải diễn tả nó qua hội họa; và khi không diễn tả hết sự cảm nhận các âm thanh đang đi vào tai mình qua lời nói hay chữ viết người ta sẽ dùng âm nhạc. Tất cả đều bắt đầu bằng lời nói, bằng ngôn ngữ… Lời nói và ngôn ngữ đến từ đâu mới là một câu hỏi đáng hỏi hơn là thơ đến từ đâu.”

Đồng ý với Đào Nguyên là, “Đời thật đã đầy ảo mộng rồi, huống chi trên cái thế giới vốn đã ảo của internet”, nhưng nếu thế thì, vào cái thời buổi “mạng ảo” này, chúng ta biết “tìm SỰ THẬT” ở đâu đây, nếu không trên internet, trên những “mạng ảo” như talawas? Hay, nói theo cách của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, chúng ta phải đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi”SỰ THẬT ĐẾN TỪ ĐÂU?” ở đâu đây?

Đào Nguyên đã mở ra cho tôi một “lẽ thật” là: “Tất cả đều bắt đầu bằng lời nói, bằng ngôn ngữ…! Và theo tôi, 9 năm qua, với sự “tạo được một nơi để những tiếng nói “khác” được lên tiếng, và các tiếng nói “khác” đã tạo ra một tiếng nói chung rất đáng kể”, talawas dường như đã trở thành “một con đường đầy ánh sáng của lẽ phải” cho những độc giả như tôi. Suốt 9 năm qua, tôi cảm thấy là, mỗi khi “bước lên” con đường đó, mình hình như “được chiếu sáng” nhiều điều, mà trước đó còn “nằm trong bóng tối”.

Có thể chăng, đây chính là ý nghĩa sâu xa của cái sự “hội ngộ” mà tác giả Lề Trái muốn nói đến khi viết “Chống lại mọi chia ly”? Nếu “Tất cả đều bắt đầu bằng lời nói, bằng ngôn ngữ”, thì “SỰ THẬT”, hay “LẼ THẬT”, cũng bắt đầu bằng lời nói, bằng ngôn ngữ! Và, quả thực là “Đời thật đã đầy ảo mộng…”! Nhưng mà bác Đào Nguyên ơi, lời nói hay ngôn ngữ, chúng cũng mang đầy những “mộng ảo” không kém đấy chứ! Đó là bởi vì, chúng là một phần quan trọng của “Đời thật”. Đến với talawas, chẳng phải là chúng ta đã “hội ngộ” lại, để mà đã, đang và mãi mãi đi tìm lẽ phải bằng lời nói, bằng ngôn ngữ đó sao?!

Điều mà khiến tôi “buồn thiu” đến hơi có phần “bực bội”, là giờ đây, sau ngày 3/11, sự “chia ly” sẽ xảy ra, mình sẽ phải “mò mẫm” trên những “con đường đầy ánh sáng của lẽ phải” khác, mình có thể sẽ không được gặp “những người bạn đường” như bác Đào Nguyên này chẳng hạn, có thể cũng sẽ “hớp” được “những tia sáng”, nhưng đó không phải là “những tia sáng phát ra từ những đường bay diễm ảo của trí tuệ nhân loại” nữa, chỉ là “những tia sáng bình thường” thôi! Mà cái sự “mò mẫm”, thì nói thẳng ra là ai cũng “ghét”, có phải vậy không, bác Đào Nguyên?! Thế cho nên, tôi cũng như bác Lề Trái, xin “chống lại mọi chia ly”!

Chúc bác Đào Nguyên mọi sự an lành! Hy vọng sự “hội ngộ” ở mãi với chúng ta!

Hãy trả lại tên đúng cho SỰ THẬT!

“Đầu tiên, talawas tạo được một nơi để những tiếng nói “khác” được lên tiếng, và các tiếng nói “khác” đã tạo ra một tiếng nói chung rất đáng kể. Nếu có thể định nghĩa trí thức đúng như nó là – tức không “phò chính thống”, talawas, trong suốt 9 năm qua, đã là cái bàn tròn mà qua đó giới trí thức hiện đại Việt tìm lại và định hình được chính mình. Kế đến, đúng như tiêu chỉ của mình, talawas là nơi cọ xát của những tư tưởng khác nhau mặc dù vẫn còn nằm trong giới hạn văn hóa tạo ra bởi những người tham gia, nhưng tính đa dạng của vấn đề đã bảo đảm cho nó một thẩm quyền nhất định đối với những vấn đề còn tồn đọng trong văn hóa Việt nói chung và tại Việt Nam nói riêng…

“Mọi lý thuyết đều phải trở về đúng vị trí của chúng tức là trên bàn thảo luận, không phải trên bàn thờ.”(Lề Trái)

Đọc những lời này của tác giả Lề Trái, tôi nhớ đến “Chùm truyện cực ngắn liên hoàn” của nhà văn Nguyễn Viện. Như trong một PH trước đây của mình, tương tự, tôi cũng có nêu lên cái sự “talawas, trong suốt 9 năm qua, đã là cái bàn tròn mà qua đó giới trí thức hiện đại Việt tìm lại và định hình được chính mình”, là: “đối với tôi, talawas như thể đang làm cái việc vén bức màn “Nói vậy mà không phải vậy” lên để xem phía sau có gì!”. Và với tâm trạng “buồn thiu” là talawas sẽ không làm cái công việc “vén màn” đó nữa, tôi xin được “trả lời phỏng vấn” với các bác như thế này:

1. Theo tôi, có rất nhiều “vấn đề hệ trọng” của Việt Nam hiện nay, nhưng “hệ trọng nhất”, chỉ có một, đó là vấn đề “Hãy trả lại tên đúng cho SỰ THẬT!”. Đất nước Việt Nam ta từ bao đời nay, nhất là thời kỳ hiện đại, đã, đang (và sẽ tiếp tục?) gọi sai tên SỰ THẬT. Gọi sai tên SỰ THẬT của, từ những sự kiện lịch sử xa xưa, qua những cuộc “cách mạng cải cách” ở thế kỷ trước, đến việc “xây dựng CNXH” ngày nay. Tôi không muốn đi sâu vào việc “giải thích”, bởi vì thiết nghĩ, chúng ta cũng quá hiểu điều này rồi. Tôi chỉ muốn nhắc lại và nhấn mạnh cái ý nghĩa “talawas tạo được một nơi để những tiếng nói “khác” được lên tiếng, và các tiếng nói “khác” đã tạo ra một tiếng nói chung rất đáng kể.” mà tác giả Lề Trái đã nêu trên. Có nghĩa là, qua 9 năm hoạt động của mình, talawas đã đạt được những kết quả đáng trân trọng trong công việc “cất lên tiếng nói chung cùng với những tiếng nói “khác” để gọi tên đúng của SỰ THẬT”. Và đây, theo tôi nghĩ, có lẽ là ý nghĩa chính của sự ra đời và tồn tại trong 9 năm qua của talawas: Đem lại “tên gọi đúng” của SỰ THẬT cho đời!

2. Ở trên, tôi nhắc đến “Chùm truyện cực ngắn liên hoàn” của anh NV, là cũng có “dụng ý nho nhỏ” cho câu trả lời câu hỏi 2 của talawas. Đó là, nếu được thực hiện cái công việc mà sau đây talawas sẽ “không tiếp tục” nữa: trả lại tên đúng cho SỰ THẬT, thì những công việc đầu tiên của tôi – một kẻ cầm quyền tuyệt đối trong 24 tiếng – là:

- Đặt tên nước là CỘNG HÒA VIỆT NAM, xóa ngay tức khắc cái tên CHXHCNVN, bởi vì nó dài dòng, giả dối và… “sai bét nhè”.

- Thứ nữa, là trả lại tên SÀI GÒN cho thành phố SÀI GÒN, bởi vì cái tên “Thành phố Hồ Chí Minh” cũng dài dòng, không đúng, và dễ bị “hiểu lầm”.

- Đồng thời với việc trả lại tên SÀI GÒN cho SÀI GÒN, tôi cũng ra lệnh đưa trả lại cái sự “về trời vui thú điền viên” cho ông Hồ Chí Minh. Tức là tổ chức chôn cất xuống đất cho ông này một cách tử tế như mọi con người trên trái đất này khi “về trời”. Công tội của ông này hãy tính sau. Về cái lăng của ông ấy, tôi cho phép mọi người dân đến “đập phá”, như những người Đức đã “đập phá” cái bức tường Berlin năm nào. Bởi vì tôi nghĩ, muốn “xây dựng” được cái mới, cái đúng, cái tốt đẹp, thì trước hết, phải “đập phá” cái cũ, cái giả dối, cái “chướng tai gai mắt”! Sự “đập phá” này là cần thiết, bởi vì sau đó, “TỰ DO – DÂN CHỦ – ĐỘC LẬP – TIẾN BỘ”,v.v… mới có thể “xây dựng” được!

Với ba việc chính như thế, tôi nghĩ là có thể làm được trong 24 tiếng đồng hồ. Còn nếu không đủ, thì xin talawas “cho thêm”, “9 năm” nữa chẳng hạn!

3. Tôi cũng “bắt chước” nhà văn NV, xin không “bói” và “tiên tri” ở đây!

Những ngày này, càng đến gần ngày “định mệnh” 3/11, tôi càng cảm thấy là: “sông có thể cạn, núi có thể mòn”, nhưng không có gì “có thể thay đổi được” cái sự “sẽ ngừng hoạt động” của talawas. Dường như chị Hoài và BBT talawas đã “kiên quyết” ra một quyết định cuối cùng rồi?!

Thật buồn! Tôi cũng thật không biết “kêu trời” như thế nào cả! Thôi thì, từ giờ đến ngày “talawas ngừng hoạt động”, chúc các bác một cuối tuần vui vẻ! Trân trọng.

"Diễn biến hòa bình" hay "Chiến tranh ngầm"?

“Đó là cách mà TQ sử dụng sức mạnh mềm của mình… Đó chính là con đường mà TQ đang đi mà tôi gọi là “diễn biến hòa bình” trong ngoặc kép đấy, thưa anh. Nếu anh chịu khó tìm hiểu, anh sẽ nhận ra con đường TQ đang đi cực kỳ nguy hiểm như thế nào và họ đã và đang làm được một phần những âm mưu đó chứ không phải không. Đó cũng chính là điều mà chúng tôi muốn cùng với nhiều người khác lên tiếng cảnh báo.”(Song Chi)

Chị Song Chi thân mến,

Vâng, tôi xin cám ơn lời giải đáp phần nào rất chí tình chí lý của chị dành cho tôi! Trong phần PH trả lời này, chị đã chỉ rõ cho tôi thấy cái chủ ý chính của bài viết này là “lên tiếng cảnh báo” cho nhân dân VN, cho nhà nước VN, về cái “DBHB” của TQ đang áp dụng đối với VN. Vâng, thì tôi có phản đối gì đâu. Thậm chí, chị hãy tin tôi đi, bản thân tôi cũng là một trong số “nhiều người khác” đấy! Tuy vậy, cái “thắc mắc” ở đây của tôi vẫn chưa được chị “đả động” đến. Đó là việc “thản nhiên dùng cụm từ “DBHB” vào việc phân tích tình trạng chính trị hiện thời của VN” của chị, dù chị có nói la đã đưa cụm từ đó vào ngoặc kép đi chăng nữa. Tức là ý tôi muốn nói, vô hình trung, chị nghiễm nhiên công nhận cái “ngữ nghĩa sai lệch” của cụm từ này, mặc dù chị có xác định đó là “một lối dùng từ rất kỳ quặc, phải nói là không ai hiểu nổi, cái này là do sự “sáng tạo” của Đảng và nhà nước VN cũng như họ đã sáng tạo ra khái niệm không giống ai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” vậy”(SC). Như ở một PH trước của tôi, tôi có nói, cái bức màn “nói vậy mà không phải vậy” của Ngôn Từ đã vốn khó “vén” lên rồi trong sinh hoạt tri thức trên diễn đàn talawas này, và tôi rất lấy làm cảm phục talawas và các tác giả mỗi khi họ “vén” lên thành công. Nhưng ở trong “ca DBHB” này, thì đến bây giờ, đối với tôi, vẫn chưa thể gọi là “ca thành công” được. Là bởi vì sao? Bởi vì những ý sau đây, tôi xin được trình bày với chị:

1. Tại sao chị lại cứ phải “gắn chặt” những ý tưởng của mình vào cái cụm từ “DBHB” như thế? Tại sao chị không thử dùng một cụm từ mới, có “ngữ nghĩa” gần hơn, chính xác hơn với cái “cách mà TQ sử dụng sức mạnh mềm của mình” để “thanh toán VN”? Chẳng hạn như “diễn biến chiến tranh mềm”, hay “chiến tranh ngầm”, hay gì gì đó,… mà vẫn nói lên được “điều mà chúng tôi muốn cùng với nhiều người khác lên tiếng cảnh báo.”?

2. Tôi thấy, trong phạm trù “ngữ nghĩa” của ngôn từ, cụm từ “DBHB” dường như đã bị “gán” cho một cái “nghĩa xấu”, mà “lão tướng”(:)) của tôi, bác Phùng Tường Vân đã “lên tiếng bất bình” trong một PH của mình: “Tôi không nghĩ những nhóm từ như “diễn biến hoà bình”, “hoà giải, hòa hợp”… có một nghĩa nào có thể gọi là “nghĩa xấu” mà chỉ có trường hợp những từ “vô tội” ấy được người viết sử dụng theo một nghĩa mỉa mai, châm biếm (sarcastic) mà thôi…”(PTV). Cái “nghĩa xấu” của DBHB trong trường hợp của bài viết này là “con đường mà TQ đang đi mà tôi(SC) gọi là “diễn biến hòa bình” trong ngoặc kép đấy”. Thưa chị Song Chi, cả hai chúng ta đều khẳng định là cụm từ này do giới cầm quyền hiện giờ ở VN “sáng tạo” ra để “đánh tráo” cái khái niệm “CMN”, hay “CMM” ở châu Âu. Cái mục đích “đánh tráo” này của họ là hòng “lấp liếm” đi cái “nghĩa đẹp” của một cuộc “CMN” là đem lại một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, thiết lập một nền dân chủ tự do cho đất nước, cho dân tộc. Và khi các tác giả như chị “bê” y nguyên cụm từ “DBHB” với cái “nghĩa xấu” ấy vào bài viết của mình, thì tôi có cái cảm giác là bức màn “nói vậy mà không phải vậy” dường như bị làm cho “dày đặc” thêm! Chị đã dùng một cụm từ là “DBHB trong ngoặc kép” để chỉ 2 (HAI) “trạng thái” khác nhau: 1. “là sự chuyển biến, thay đổi thể chế chính trị của một nước không cần đến chiến tranh, quân sự, đổ máu… kiểu như “cách mạng nhung” hay “cách mạng màu” đã xảy ra ở các nước Đông Âu và Liên Xô.”, và 2. “Còn hiện nay thay vì dùng quân sự, dùng con đường chiến tranh, TQ có hàng ngàn cách khác nhau để “tuần tự nhi tiến” xâm lược VN trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, lãnh thổ, lãnh hải… Đó là cách mà TQ sử dụng sức mạnh mềm của mình. Dùng đồng tiền để khống chế, điều khiển, mua chuộc đám lãnh đạo của một nước, để lũng đoạn nên chính trị, kinh tế của nước đó, khiến quốc gia đó phải lệ thuộc vào nước mình và phải tự nguyện dâng đất dâng biển cho mình mà không tốn một viên đạn…”. Còn cái “trạng thái” thứ 3 là: “Đây là kiểu chiến tranh không có khói súng, không đánh mà thắng. …nhằm đi đến chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển hoá từ bên trong nội bộ (tự diễn biến) về tư tưởng, quan điểm, đường lối và tổ chức nhân sự, xoá bỏ CNXH, làm cho Việt Nam lệ thuộc vào chúng.”(trích PH của Hòa Nguyễn) thì tôi không muốn nói đến vì nó do ông tác giả là Nguyễn Ngọc Hải, Đại tá, người của ĐCSVN nói ra. Vậy thì, một độc giả như tôi, phải “chịu khó tìm hiểu” theo cách nào đây, thưa chị Song Chi?

3. Tuy vậy, cũng xin cám ơn một lần nữa những giải đáp của chị dành cho tôi, và nhất là cái thái độ nhiệt tình trả lời độc giả của chị trên talawas này, mà một số các tác giả khác không có! Cám ơn chị! Trân trọng.

ĐCSVN đã "bóp nát"... quả trứng dân chủ trong tay

“Hay cả ở VN, vì làm sao biết chắc ở VN không có ”những người CS cầm quyền rất muốn “làm thay đổi” tình trạng chính trị”. Tôi nghĩ có thể chia họ làm ba loại: (1) thà mất nước chứ không chịu mất đảng, (2) thà mất đảng chứ không chịu mất nước, và (3) muốn dân được tư do, dân chủ nhưng đảng vẫn cầm quyền (có lẽ ông Gorbachev từng nghĩ như vậy). Nhưng nhiều người họ lại vô lý gán cho một số người khác là vừa muốn mất đảng vửa muốn mất nước (!), và gọi là phản động!”(Hòa Nguyễn)

@bác Hòa Nguyễn,

Có thể cô Song Chi đã viết ra rất nhiều ý tưởng trong bài viết này của mình, và tôi đã không nhận thức ra hết được. Nhưng có một cái ý cơ bản mà đến bây giờ tôi vẫn thấy mọi người có vẻ như không muốn nhận ra, đó là: Thản nhiên sử dụng cái cụm từ chưa được xác định rõ ràng “ngữ nghĩa” là DBHB(Diễn biến hòa bình) cho việc phân tích tình trạng chính trị hiện thời của VN. Như trong PH trước của tôi, tôi đã nói, cái cụm từ này là do ĐCSVN “sáng tạo” ra với mục đích “đánh tráo” cái khái niệm “Cách mạng nhung” ở châu Âu, mà cụ thể là ở các nước XHCN Đông Âu cũ. Và về sâu xa mà nói, thì ĐCSVN dường như đã đạt được mục đích “đánh tráo” của mình, vì trong giới trí thức yêu nước, cụm từ “DBHB” đã trở thành… “quen tai” như cô SC cũng đã thừa nhận. Nếu hiểu “DBHB” như “CMN” của châu Âu, thì ở VN không có cái “DBHB” đó, và cũng chẳng có nốt cái “DBHB” theo kiểu TQ. Đó là bởi vì có một điều khác nhau cơ bản mà tôi đã nói ở PH trước, là “nội bộ của những người CS cầm quyền các nước Đông Âu thời kỳ đó cũng rất muốn “làm thay đổi” tình trạng chính trị”. Hay rõ ràng hơn là: những người CS Đông Âu không coi dân tộc họ như là “kẻ thù một mất một còn”, mà họ đã nhìn thấy cái “đểu cáng” của CNCS và số đông trong họ đã thức tỉnh ra là không thể duy trì tiếp tục cái sự “đểu cáng” ấy trên đầu dân tộc mình được, phải thay đổi theo con đường “lương thiện” khác là con đường dân chủ. Ngay từ những năm đầu của cuộc “CMN”, từ 1986, ở Hungary đã ra đời những nhóm “diễn đàn dân chủ”, mà thực chất là các “đảng”, mà không bị đảng CS cầm quyền lúc đó “bóp chết trong trứng nước”. Và từ đó, cái gọi là “DBHB” đã được xảy ra và có được kết quả như ngày nay ở các nước Đông Âu. Và bên cạnh đó, các đảng CS cũ, không “mất” đi, mà “biến” thành các đảng khác, vẫn những người CS ấy, chỉ khác cái tên thôi, và phương thức hoạt động, dĩ nhiên cũng “lương thiện như ai”. Đấy, tôi dài dòng như vậy là để nói lên một điều là, không có cái gọi là “DBHB” ở VN. Còn tất nhiên, tác giả SC và bác HN có những “lập luận” riêng của mình, và ai chẳng “thích” là “mình nói đúng quá đi mất”. Nhưng như thế, mình lại tự “huyễn hoặc” mình mất rồi!

Để kết luận, tôi xin phát biểu rằng, tôi là một trong những người hạnh phúc nhất trần gian này, nếu thực sự “DBHB” đang xảy ở VN!

Có ai đi làm "cách mạng... nhung", nhớ gọi tôi với!

“Ai cũng nhớ diễn biến hoà bình đã làm thay đổi tình trạng chính trị ở châu Âu mà chế độ trong nước hiện tỏ ra lo sợ, rất mực đề phòng từ cả hai phía người Việt trong nước và hải ngoại. Cái ý trên cô Song Chi viết rất rõ là chuyện “làm thay đổi” lớn lao như thế có thể đến mà không cần sử dụng bạo lực, nhưng từ một hướng khác, theo “một kiểu khác”, và như thế cô Song Chi không cần giải thích gì thêm: “…thậm chí đây cũng là một kiểu “diễn biến hòa bình”.”(Hòa Nguyễn)

@bác Hòa Nguyễn,

Rất cám ơn là bác đã phần nào “nói thay” cho cô Song Chi về những câu hỏi mà tôi quan tâm. Như trong PH đầu tiên của tôi, tôi đã có ý kiến là chúng ta nên xác định cái “ngữ nghĩa đích thực” của cụm từ “diễn biến hòa bình” là gì cái đã, rồi hẵng nói tiếp đến những chuyện kéo theo được. Tôi là một người đã, có thể nói là, “mục sở tại” cái sự “diễn biến hòa bình” ở châu Âu, mà cụ thể là ở Hungary, như thế nào. Tôi biết chính xác cái “ngữ nghĩa đích thực” của “Cách mạng nhung”, hay nói như cách của ĐCSVN là “diễn biến hòa bình” là như thế nào. Chính vì biết chính xác “ngữ nghĩa” của DBHB(Diễn biến hòa bình) nên tôi mới có thắc mắc với cô SC như trong các PH tôi đã nêu ra, là cô SC hiểu như thế nào về DBHB? Và tôi cho rằng, việc “đánh đồng” thái độ hiện nay của TQ với VN như là một kiểu “DBHB”, của cô SC là một hành động “lơ mơ về khái niệm”. Một điểm khác biệt cơ bản giữa “DBHB” của VN với “DBHB” của Đông Âu, mà tôi chưa thấy ai nêu ra trên diễn đàn talawas này, là ngay trong chính nội bộ của những người CS cầm quyền các nước Đông Âu thời kỳ đó cũng rất muốn “làm thay đổi” tình trạng chính trị (ông Horn Gyula, thủ tướng Hungary thời đó đã chủ động mở cửa biên giới cho dân Đông Đức chạy sang Áo, mở đầu cho cái gọi là “DBHB” của Đông Âu). Còn ở VN thì, khác hẳn, “họ” – độc tài ĐCSVN – tuyên bố thẳng thừng là “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát” ngay từ đầu, chưa kể là có “ngài” còn “đỏng đảnh” là “chưa thấy điều kiện khách quan cần thiết cho đa đảng ở VN”. Đây chính là cái khác cơ bản giữa VN và châu Âu, mà nhiều khi, vì “lơ mơ khái niệm” mà chúng ta thường bị “sa lầy” vào một lối suy luận tưởng chừng như nó là “đúng đắn” lắm, mà thực ra là một lối suy luận rất “tù mù”! Tôi nghĩ, cái “khốn nạn”, và cũng là cái “vấn nạn” ở đây là, bản thân ĐCSVN không muốn “làm thay đổi” gì cả, nhưng như thế, chính “họ” đã phản bội lại dân tộc VN. Và chắc chắn, khi phản bội lại dân tộc mình, chính họ đã “tự sát”, chứ không cần phải “bỏ điều Bốn điều Biếc” gì cả!

Vấn đề ở đây chỉ là thời gian thôi, chứ chẳng có “diễn biến hòa bình” kiểu này kiểu nọ gì cả! Theo tôi là như vậy, bác Hòa Nguyễn ạ! Trân trọng.

Bút Tre đã tái... thế đấy?!

Hoan hô “lão tướng” Phùng Tường
Vân ta đoạt “Giải Văn chương Thư giàn”
“Đốt Lò Hương Cũ” bằng than
Khóc thân phận nước Việt Nam chúng mình!
Hôm qua “lão” bảo “vô hình
Chung” là phải viết “vô hình trung” cơ
Mới “sành”! Điệu hát bài thơ
Bút Tre hoa nở lơ mơ hữu tình
Thương thay “Diễn biến hòa bình”
Chưa được định rõ “linh tinh” là gì
Kính mời tác giả Song Chi
Cất lên một tiếng, tôi thì “cảm ơn”!

"Nói vậy mà không phải vậy", hay cái sự "Diễn biến talawas"?!

Mới đọc cái tiêu đề “Song Chi – “Diễn biến hoà bình” đến từ đâu?”, tôi cứ tưởng sẽ được đọc một bài mới về ngôn ngữ giống như bài “Tính đỏng đảnh của ngôn ngữ” của tác giả Phạm Văn. Và cảm giác này kéo dài cho tới câu “Một cách dùng từ rất lạ lùng mà ban đầu ai cũng thấy là kỳ quặc, lâu dần thành… quen tai!” thì biến mất! Bởi vì sau đó, khi đọc tiếp là tôi gặp phải một chuỗi “ớ người” và đến cuối cùng thì đọng lại trong người là một nỗi… chán quá! Tôi xin được “trình bày” với các bác cái “nỗi chán quá” của tôi như sau:

1. Tôi nhận thấy là đã từ lâu, có lẽ từ khi “o oe cất tiếng khóc chào đời” cho đến nay, diễn đàn talawas luôn luôn chú trọng về mặt “ngữ nghĩa” của ngôn từ. Tôi còn nhớ “như in” cái không khí rất sôi động của cuộc tranh luận về từ “máy vi tính” trên talawas bộ cũ. Hoặc gần đây là cuộc “cãi cọ” trên talawas này về “ý nghĩa thứ tự” của cụm từ “hòa giải hòa hợp”. Tức là, một trong những “tiêu chí hàng đầu” của talawas là thông qua những bài viết và các PH, cố gắng đưa ra cái “ngữ nghĩa đích thực” của ngôn từ. Cái ví dụ minh họa “sinh động” nhất cho điều này, theo tôi, có lẽ là cuộc thảo luận quanh cái “công/tội của nhân vật Hồ Chí Minh”. Ý tôi muốn nói là, đối với tôi, talawas như thể đang làm cái việc “vén bức màn “nói vậy mà không phải vậy”" lên để xem phía sau có gì!

2. Quay lại cụm từ “diễn biến hòa bình”, cái cụm từ mà theo tôi, là nguyên nhân chính gây ra “nỗi chán quá” cho tôi: Ở đây, tôi không dám bàn tới nội dung của bài viết, mà chỉ muốn nêu lên cái ý là chúng ta hãy xác định “ngữ nghĩa đích thực” của cụm từ này đã. Mặc dù ngay ở phần “mở bài” tác giả SC đã nhận xét là “Một cách dùng từ rất lạ lùng mà ban đầu ai cũng thấy là kỳ quặc, lâu dần thành… quen tai!”, nhưng ở phần “thân bài” và “kết luận”, ông đã không “đả động” tí gì đến việc xác định lại cho đúng ý nghĩa của nó(“Diễn biến hòa bình”), mà lại tiếp tục dùng nó để diễn đạt những ý tưởng liên quan tiếp theo của mình. Điều này đã xảy ra được, tôi nghĩ, có thể là do chính tác giả đã bị cái “quen tai” nó chi phối trong quá trình suy luận. Thấy “người ta” nói thế, mình cũng nói thế! Kiểu như Nguyễn Đức Tùng hỏi “Thơ đến từ đâu?”, thì mình cũng hỏi “”Diễn biến hòa bình” đến từ đâu?” cái hè! Giá như trước khi viết bài này, tác giả Song Chi có một bài viết về ý nghĩa đích thực của cụm từ “Diễn biến hòa bình” thì hay biết mấy!

3. Về nội dung của bài viết, riêng cá nhân tôi, mặc dù chưa biết chính xác ý nghĩa đích thực của cụm từ “Diễn biến hòa bình” là gì, nhưng không cho rằng, “Âm mưu xâm chiếm Việt Nam” đã được phía TQ thể hiện bằng “Diễn biến hòa bình”. Bởi vì, như chúng ta đã thấy, trong quá khư, đã “hơn một lần” TQ dám dùng quân sự để “đánh chiếm VN”, gần đây nhất là cuộc lấn chiếm biên giới phía bắc VN năm 1979 chẳng hạn. Đối với VN, TQ sẵn sàng dùng “đòn quân sự” để thanh toán VN, không bao giờ “nó”(TQ) lại dùng “hòa bình”, ngay cả có thêm vào đằng trước cái sự “diễn biến” đi chăng nữa!

4. Tôi nghĩ, việc “lơ mơ khái niệm”, nhiều khi phản tác dụng. Và như thế, tác giả không những không giúp được gì cho độc giả trong việc hiểu rõ “ngữ nghĩa” của ngôn từ, mà còn vô hình chung, làm “dày đặc” thêm bức màn “nói vậy mà không phải vậy” vốn đã khó “vén lên” trong sinh hoạt tri thức, ví dụ như trên… “diễn biến talawas” này chẳng hạn!

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Đố ai biết được cụm từ tiếng Việt nào là "đỏng đảnh nhất" và "sặc mùi chiến tranh nhất"?

“5. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhu lịch sử hay là sự áp đặt thời hậu chiến? Công bằng để nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam có một vai trò lịch sử trong cuộc chiến Việt Nam. Khi một cuộc chiến tranh có tầm cỡ quốc gia kết thúc, bất cứ một triều đại hay một thế lực chính trị nào cũng đòi hỏi một sự chuyển mình đầy quyền biến thời hậu chiến. Thế nhưng, chưa bao giờ nhân dân Việt Nam hay bản thân người cộng sản dám minh nhiên đặt lại vấn đề về sự cần thiết về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau 1975. Người trong Đảng xem chuyện đã hy sinh bỏ công lao ra chiến đấu thì phải có thời kỳ lên ngai hưởng thụ là chuyện đương nhiên. Quần chúng Việt Nam chưa bao giờ được có một cơ hội tự do để đặt lại vấn đề như thế. Tất cả đều được ban cho quyền tự do vô giới hạn là ca ngợi cùng tri ân công đức Đảng và lãnh tụ. Vấn đề cần được xét lại khi một thế hệ đàn anh cùng thời thế đi qua sắp hết. Thế hệ đàn em kế thừa cần xác định thế đứng, vị trí và thời điểm của đất nước mình…

Giờ 6: Đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước, thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, tuyệt đối không kiểm duyệt hay cắt bỏ. Tất cả sẽ cùng nghe và trực tiếp hay gián tiếp phát biểu, thảo luận, phân tích và biểu quyết về đề tài: “Quyết định chung cuộc về vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời đại mới.”“(Trần Kiêm Đoàn)

Đọc những lời này của tác giả Trần Kiêm Đoàn, tôi chợt nhớ đến bài “Tính đỏng đảnh của ngôn ngữ” của tác giả Phạm Văn, chính xác ra là đoạn văn này: “Người Việt có một quá khứ thường xuyên đánh nhau với ngoại bang và đánh lẫn nhau hoặc luôn luôn bị bên ngoài đe doạ, vì thế tiếng Việt đôi khi sặc mùi chiến tranh ngay cả trong những trường hợp không cần thiết, như “chống giặc dốt” hoặc vô vàn thí dụ khác. Hoặc hoà bình là một tình trạng ai cũng mong mỏi, nhưng “diễn biến hoà bình” hay “hòa giải, hòa hợp” trở thành những cụm từ mang nghĩa xấu đối với một số người.”

Tôi nhớ đến đoạn văn này, bởi vì trong một PH của mình dưới bài này, tôi có viết: “Còn về cụm từ tiếng Việt mang tính “đỏng đảnh” nhất và “sặc mùi chiến tranh” nhất, theo tôi, có lẽ là “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”!”.

Đấy là lúc đấy, cách đây 5 tháng trời, và trong lòng vẫn “chắc mẩm” là talawas sẽ hoạt động mãi mãi!

Nhưng bây giờ, qua khá nhiều các “trả lời 3 câu hỏi của talawas” của các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, cộng tác viên, độc giả,… thì tôi thấy, mình đã lầm: Không phải cụm từ “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”, mà chính xác hơn, tại thời điểm bây giờ, phải là cụm từ “Đảng Cộng Sản Việt Nam” mới là cụm từ tiếng Việt mang tính “đỏng đảnh” nhất và “sặc mùi chiến tranh” nhất!

Về lý do tại sao, có lẽ chúng ta đã thừa hiểu, tôi xin không nêu ra đây. Nhưng có một “mong muốn” như thế này:

Giá mà trước khi ngừng hoạt động, talawas hay chị Hoài, cũng “phỏng vấn” được một hay vài vị “tai to mặt lớn” nào đấy của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chẳng hạn như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, hay Nguyễn Phú Trọng nhỉ!

Bởi vì tôi nghĩ, trả lời 3 câu hỏi “dễ ợt” đấy, thì “có chết ai”, có bị qui vào tội “lật đổ chính quyền nhân dân” đâu?! Thậm chí, nếu các vị ấy trả lời phỏng vấn, nhân dân Việt Nam ta lại càng thấy “yêu quí” họ thêm chứ lị! Đúng không các bác?! (Tôi có một hình dung về trả lời của NMT, nhưng xin để PH sau vậy…)

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

"Cánh đồng bất tài", hay chuyện mấy ông đạo diễn VN quay phim bằng "đèn dầu"

“Đây là thời đại mà những chính khách có thể nói dối, có thể lừa gạt mọi người bằng sự hùng biện đầy thuyết phục được hỗ trợ bằng những giọt nước mắt xúc động. Họ thường nói những câu đại loại: “Tôi đang móc ruột ra nói với các đồng chí” mà quên rằng trong ruột chứa đầy những thứ chẳng thơm tho gì.”(Đào Hiếu)

Nhân sáng nay đọc được một bài viết rất hay – cũng “liên quan” đến “nước mắt” – trên Quê Choa Blog, tôi xin được chia sẻ với các bác vài cảm nghĩ của mình sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn này của nhà văn Đào Hiếu:

1. Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Thanh Sơn viết: “Có một câu nói rất đúng cho tình cảnh của điện ảnh Việt nam hiện nay “chúng ta đã có quá nhiều những kẻ thông minh (vặt), thiếu là thiếu những người dũng cảm”!”, và nếu tôi “liên h(oan)ệ” với “Liên hoan phim quốc tế Lại Văn Sâm”, thì thấy rằng, nhà văn NTS nói thế nào ấy chứ, “tình cảnh của điện ảnh Việt nam hiện nay” đâu có “thiếu những người dũng cảm”!”, “tay” MC Lại Văn Sâm này, không những là “kẻ thông minh (vặt), mà “tay” này còn “dũng cảm” nữa, y chẳng đã “dũng cảm” “lớn đi làm MC”, rồi (dục) dịch trên khán đài “then kiu ve ri mớt chờ” đấy là gì?!

2. Tác giả Hồ Trung Tú “than” rằng: “Ừ nhỉ, qua “Cánh đồng bất tận” mới thấy, tại sao ta hoàn toàn chưa có bất cứ một đạo diễn nào khăn gói sang Hollywood để học một cách tử tế các bài cơ bản nhất của ngôn ngữ điện ảnh, hoặc gần hơn như Hồng Kông để bắt chước những pha hành động sạch nước cản cho bà con xem đỡ xấu hổ. Tại sao vậy nhỉ?”, và nếu tôi “liên hệ” với “nghệ thuật tạo hình ảnh” rất đắt của nhà văn Đào Hiếu là “Nếu trong một xã hội mà mỗi cá nhân đều suy nghĩ giống nhau, sáng tạo giống nhau, ca ngợi và đả đảo giống nhau thì mỗi cá nhân đã tự thổi tắt ngọn đèn của mình và được phát cho một ngọn đèn dầu. Xã hội đó sẽ là một xã hội đèn dầu, chỉ tồn tại trong thứ ánh sáng lờ mờ, u ám. Chỉ có những đốm mắt của bọn linh cẩu, chó sói và hổ báo là rực lên trong đêm đen.”, thì có thể giải thích cái sự “cánh đồng bất tài” như thế này: các ông đạo diễn nhà ta dù có được “khăn gói sang Hollywood để học một cách tử tế các bài cơ bản nhất của ngôn ngữ điện ảnh, hoặc gần hơn như Hồng Kông để bắt chước những pha hành động sạch nước cản” đi chăng nữa, nhưng luôn luôn phải dùng “đèn dầu” để quay phim, thì “bà con xem đỡ xấu hổ” làm sao được?!

3. Hai nhà văn là Đào Hiếu và Nguyễn Quang Lập, đều “không tin vào những giọt nước mắt xúc động”. Nhà văn Đào Hiếu “không tin vào những giọt nước mắt xúc động” của “những chính khách”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập thì “không đứng về phe nước mắt” của những khán giả đã khóc sau khi xem phim “CĐBT”. Tôi thì chưa xem phim “Cánh đồng bất tận”, nhưng ngay bây giờ có thể xin phát biểu rằng, tôi cũng “không đứng về phe nước mắt”, cũng “không tin vào những giọt nước mắt xúc động” của những kẻ trong ĐCSVN đang cai trị “xã hội đèn dầu” VN hiện giờ!

Xin cám ơn nhà văn Đào Hiếu! Trân trọng.

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Tự do không đổi bằng cái chết...

"Tự do không đổi bằng cái chết
Niềm hoan lạc không đổi bằng oán hờn
Chúng ta vẫn đi trên mặt đất vẫn hy vọng và tuyệt vọng vẫn sầu hận và hân hoan vẫn dò dẫm và chạy nhảy vẫn kêu gào và khóc lóc
Và chúng ta biết không bao giờ đến cuối đường"

(trích "Nguyễn Viện - Một tiếng nói khác")

Đọc các bài phỏng vấn khác, những phản hồi của độc giả, về việc "talawas sắp ngừng hoạt động", tôi thấy có một không khí chung là hầu như ai cũng "buồn thiu" như tôi, nhưng đọc những ý kiến này của nhà văn "Thánh Ám" Nguyễn Viện, tôi dường như được "giải phóng" khỏi cái tâm trạng "buồn thiu" ấy! Phải chăng, trả lời của anh, đúng thực là "Một tiếng nói khác", một tiếng nói ngắn gọn, đanh thép đi thẳng vào "thực chất" của vấn đề?

Đối với đa số các tác giả khác, 24 tiếng đồng hồ là "không đủ", nhưng đối với nhà văn NV lại quá "thừa thãi". Việc "ký sắc lệnh giải thể Đảng Cộng sản Việt Nam và những tổ chức phụ thuộc đảng này""ký sắc lệnh giải tán Quốc hội đương nhiệm để cho toàn dân bầu cử tự do và dân chủ một Quốc hội mới.", dường như anh "đã ký" từ lâu rồi, và đúng là chỉ cần "vài ba tíc tắc đồng hồ", không cần đến 24 tiếng dài dòng. Bởi vì, phải chăng những cái "sắc lệnh giải thể Đảng Cộng sản Việt Nam và những tổ chức phụ thuộc đảng này và giải tán Quốc hội đương nhiệm để cho toàn dân bầu cử tự do và dân chủ một Quốc hội mới" đã có, đã tồn tại, ở đâu đó: trong lòng người yêu tự do, trên các trang mạng dân chủ như talawas này, từ bao năm nay: 80 năm, 35 năm, 9 năm nay? Mà chẳng qua là chưa có người ký?! Và anh bây giờ, khi đã quá "chán ngán" và "không thể chịu nổi" với sự "điêu tàn của tiếng nói", phải "cầm bút ký"?! Một cách "mạnh mẽ và quyết liệt"?!

Chỉ còn 9 ngày nữa là talawas "ngừng hoạt động". Nguyên nhân của cái sự "ngừng hoạt động" này của talawas, chúng ta chưa được biết rõ. Nhưng phải nói là cuộc sống của những độc giả như tôi sẽ "trống vắng" một thứ gì đó, một thứ thân thương như một tình yêu. Trong một PH nào đó trước đây của mình, tôi có viết, đối với tôi, "Còn talawas còn mình". Và tôi vẫn nghĩ như vậy! Tuy sẽ "ngừng hoạt động", nhưng trong tôi talawas vẫn còn, mãi mãi! Bởi vì, có thể nói, tôi đã bị/được "lây" cái tinh thần lạc quan của anh, xin trích lại một lần nữa:

"Tự do không đổi bằng cái chết
Niềm hoan lạc không đổi bằng oán hờn
Chúng ta vẫn đi trên mặt đất vẫn hy vọng và tuyệt vọng vẫn sầu hận và hân hoan vẫn dò dẫm và chạy nhảy vẫn kêu gào và khóc lóc
Và chúng ta biết không bao giờ đến cuối đường"


Xin cám ơn anh Viện, cám ơn talawas! Trân trọng.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

"Dương vật buồn thiu" và những chiếc ca-pốt...

“Song câu chuyện ‘phò chính thống’, câu chuyện ‘quan văn’ không chỉ dừng lại khi Nho học thất thế. Công bằng mà nói thì ở một giai đoạn ngắn của lịch sử, tức là ở đầu thế kỷ 20 trong cả nước, và từ năm 1954 đến năm 1975 ở miền Nam, đã có một cơ hội để cặp bài trùng trí thức và quyền lực có thể tách nhau ra được, và quả thực cũng có tách nhau ra phần nào. Nhưng đấy là một khoá học tiếc thay rất ngắn, quá ngắn để trí thức Việt Nam vượt ra khỏi cái vòng kiềm toả và tự kiềm toả bằng quyền lực chính trị để trở thành một lực lượng độc lập như giới trí thức ở các xã hội dân chủ hiện đại.”(Phạm Thị Hoài)

Bàn luận về trí thức, nhất là trí thức Việt Nam, chúng ta đã bàn luận khá nhiều và khá… “sôi sục” trên diễn đàn talawas này. Và có vẻ như, “cuộc bàn luận vẫn còn tiếp diễn”, mà bằng chứng là bài viết đầy tâm huyết và sâu sắc này của tác giả Chu Việt! Tôi xin được chia sẻ vài cảm nghĩ của mình như thế này:

1. Theo tôi, người trí thức nói chung, hay nhà văn nói riêng, đều chỉ có thể thể hiện cái “gốc gác trí thức” của mình qua tác phẩm. Bởi vì, như chúng ta thường nói, tác phẩm, là “đứa con tinh thần” của nhà văn, do nhà văn “mang nặng đẻ đau” mà cho ra “góp mặt với đời”. Những gì “xảy ra” với “đứa con tinh thần”, cũng là xảy ra với chính bản thân nhà văn, với chính cái “gốc gác trí thức” của nhà văn. Mà ở trong nước Việt Nam ta, một trong những cái “xảy ra” quan trọng nhất với tác phẩm, là sự kiểm duyệt của chế độ toàn trị hiện giờ do ĐCSVN cầm đầu. Với dòng suy nghĩ ấy và đọc lời nhận định (tôi trích trên đây) của nữ nhà văn Phạm Thị Hoài, mà tôi nhớ đến “vụ Thơ đến từ đâu?” khá “sục sôi nóng bỏng” trên talawas vào cuối năm ngoái, nhất là bài phỏng vấn nhà thơ Lý Đợi, mà trong đó có đoạn: “Việt Nam có hệ thống kiểm duyệt toàn diện ít khi sai sót, nếu lần này Đà Linh – Quang Thuỵ (hai người phụ trách biên tập), Lê Huy Hoà (chịu trách nhiệm xuất bản của NXB Lao Động) và có lẽ một vài người quan trọng nhưng khuất tên phía sau, mà sai thì “kỳ tích” kiểu nhà NXB Đà Nẵng sẽ tái diễn – rút phép và xử phạt là điều khó tránh. Còn nếu họ đúng, thì cuốn sách đã quá “sạch sẽ” sau khi bị thiến, “vào cung” làm thái giám là đương nhiên, chơi với bời, chống với phá gì nữa.”. Tuy rằng nhà thơ Lý Đợi dùng hình ảnh “cuốn sách đã quá “sạch sẽ” sau khi bị thiến, “vào cung” làm thái giám” là để chỉ cụ thể về tác phẩm bị kiểm duyệt của nhà văn, nhưng tôi thấy nó cũng khá “phù hợp” cho chính bản thân những tác giả nào chịu để cho (độc tài) “thiến”. Tức là, cái sự “phần đông trí thức Việt Nam không vượt ra khỏi cái vòng kiềm toả và tự kiềm toả bằng quyền lực chính trị để trở thành một lực lượng độc lập”, nó sẽ làm hình thành một “tầng lớp quan lại mới” trong nước, đó là “những thái giám của triều đình”. Về “những thái giám của triều đình”, chúng ta có rất nhiều ví dụ, tôi chỉ nêu ra đây một điển hình gần đây nhất là trường hợp này.

2. Đến đây, chắc chắn các bác sẽ hỏi, thế còn những tác giả không chịu để cho (độc tài) “bắt vào cung làm quan thái giám” thì sao? Vâng, những người này, cũng có “năm bảy loại” ạ! Lấy ví dụ, tôi có thể kể ra đây trường hợp của một nhà văn trong nước, chẳng những ông không chịu để cho “thiến”, mà còn “cả gan”… “fuck với độc tài” nữa!

3. Và khi nói đến “fuck với độc tài”, đương nhiên là phải nói đến cái “công cụ” số 1 này của những nhà văn, nhà trí thức (đàn ông) Việt Nam. Nhưng như chúng ta đều biết, theo nhận định của nhà văn Đỗ Minh Tuấn, tình trạng của “trí thức (đàn ông) Việt Nam”, không có gì gọi là… “khả quan” cho lắm, cụ thể là: “những người phụ nữ như Phạm Thị Hoài, thấy trí thức Việt Nam là một lũ người “dương vật buồn thiu” bất lực về sinh lý! Và, có một điều “thú vị” là, ở trong nước một thời, đã có hai loại: “ca-pốt rách”“ca-pốt lành” có thể “dùng” cho những “dương vật buồn thiu”.

4. Đấy là nói về cái tình trạng “quan văn” của Việt Nam. Còn về “quan võ” thì sao? Riêng tôi, thì tôi thấy, ở Việt Nam hiện giờ, có vẻ như “các nhà cộng sản chân chính”, với cái “gốc gác tiểu nông” của mình, chỉ thích con cái của mình sau này trở thành “quan võ” để “nối nghiệp cha ông”, cai trị dân đen mà thôi?!

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

"Quái vật" nhà ông Lành

“Lũ chúng ta những người con đất Việt
Ngửa mặt nhìn trời đớp ánh trăng rơi
Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi”

(Tiến sĩ triết học Mác-Lênin)

“Hồi xưa”, khi chưa biết mấy câu thơ “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt” là của “ông Lành”, tôi chỉ nghĩ bụng là: “cậu đ. lào mà ngu thế, lịnh cũng đ. biết đường lịnh, nói “đảng ta đó trăm tay nghìn mắt“, thế hóa “đảng” là “quái vật” à?!

Ngày nay, ngẫm nghĩ lại, hóa ra cái nhà “ông Lành” này cũng “thâm” phết!

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Thảm họa "bùn đỏ" của chúng ta

“Sự đánh giá lại này nhất định phải là cuộc thảo luận chính trị liên quan không chỉ đến các nhà khoa học. Cuộc thảo luận phải bàn về chuyện tại sao chúng ta lại từng chấp nhận những mối đe doạ như thế đối với nhân dân và đối với môi trường, như thế có nghĩa là phải bàn cãi về quá khứ của chúng tamột chủ đề mà nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.”(Gyorgy Dragoman)

Tôi là “dân” Budapest, có thể nói là “kẻ ở ngay hiện trường”, nên đọc tin tức về “thảm họa bùn đỏ” hàng ngày và “sớm nhất” so với các bác độc giả ở nơi khác.

Gyorgy Dragoman (Dragomán György) là một nhà văn Hungary nổi tiếng với tác phẩm Vua trắng(The White King) (được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới). Bài viết của nhà văn trẻ tuổi tài năng này nêu vấn đề của nguyên nhân (“cội rễ”?) “thảm họa bùn đỏ” là “quá khứ toàn trị” của Hungary rất sâu sắc, nhưng cho rằng, đây là một chủ đề mà nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.”, thì tôi nghĩ, ông nhà văn này đánh giá chưa được khách quan cho lắm.

Nếu cho rằng, “nhiều người đang cầm quyền”, ở đây, là nhà văn muốn ám chỉ những chế độ toàn trị hiện giờ như của Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên… thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu đây là “chính phủ hiện giờ” của Cộng hòa Hungary, thì D. György đã hơi nhầm lẫn trong nhận định tình hình.

Mà, phải nói là thực tế cho chúng ta thấy điều ngược lại. Tức là, chính nhà cầm quyền hiện nay của Hungary, khối liên hiệp hai đảng, FIDESZ-MPSZ(Liên minh các nhà dân chủ trẻ-Liên minh công dân Hungary) và KDNP(Đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo), bên cạnh việc tìm mọi cách khắc phục những thiệt hại do “bùn đỏ” gây ra, còn đang “ráo riết” tìm cho ra “thủ phạm”. Tức là, thủ tướng Orbán Viktor cùng ban bệ của chính phủ của ông, không “cố muốn tránh” việc “bàn cãi về quá khứ của chúng ta”. Riêng về ông Thủ tướng trẻ tuổi, trong giới phân tích và phê bình chính trị của Hungary, nhiều người phải công nhận rằng, O. Viktor đã xử sự như một nhà lãnh đạo đất nước đích thực: tự tin, trấn an tinh thần và đầy tính đồng cảm. Không những thế, O. Viktor còn là một “nỗi sợ hãi” của những người thuộc đảng MSZP(Đảng Xã hội Hungary), bởi vì ông Thủ tướng này đã tuyên bố là sẽ đưa ra ánh sáng mọi “mờ ám” trong giai đoạn 2002-2010, khi chính phủ của đảng MSZP nắm quyền.

Nói tóm lại, nhiều khi chúng ta gặp phải những câu phát biểu của “người nước ngoài” cũng mang tính: “nói vậy mà không phải vậy”!

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Mỵ Châu ơi, Mỵ Châu!

“Đồng ý là khi bị cha giết, nàng chưa biết mình chết vì do ai. Nhưng khi máu đã thành ngọc, hồn nàng chắc phải biết mình chết vì ai và cha mình tại sao chết. Là một người con chí hiếu, nàng cũng sẽ thấy vì mình dại dột đưa lẩy nỏ cho Trọng Thỉ xem, để đến nỗi nước phải mất, nhà phải tan. Tôi viết “những giọt lệ ăn năn” là vì vậy. Dù sao, nàng vẫn thấy mình có tội với cha.”(Khuất Đẩu)

@nhà văn Khuất Đẩu kính mến,

Vâng, tôi thành thật cám ơn lời phúc đáp của nhà văn. Nhưng, trên tinh thần “trao đổi ý kiến cởi mở và chân tình” với nhau, tôi buộc phải nói rằng, tôi đã “thất vọng” với lời “giải thích” của nhà văn. Tôi xin trình bày như sau:

1. Vẫn cho rằng Mỵ Châu “là một người con chí hiếu, nàng cũng sẽ thấy vì mình dại dột đưa lẩy nỏ cho Trọng Thỉ xem, để đến nỗi nước phải mất, nhà phải tan”, thì tôi thấy, ý tưởng này có vẻ vẫn “sáo mòn” (như đường lối tuyên truyền gì gì đấy chẳng hạn) và “không có gì gọi là mang tính sáng tạo nghệ thuật” cả! Xin nhà văn đừng giận, khi tôi nói như vậy. Bởi vì, đã là huyền sử, tại sao chúng ta cứ phải “ép” cái “ý thức yêu nước, trách nhiệm giữ nước” vào người con gái vừa “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” này. Đây, các bác cũng đã biết, ngay ở cái thời đại “lướt internet vèo vèo”(ý tôi muốn nói là “thời đại thông tin “đầy mình”) này, mà một “người lớn trưởng thành” là “bà tiến sĩ nọ”, cũng còn chưa xác định được rõ ràng cho mình cái “ý thức yêu nước, trách nhiệm giữ nước”, nữa là nàng công chúa Mỵ Châu vào cái buổi loạn li hoang sơ “Ngựa hồng lang thang vào bão cát – Mây nổi bọt đầy trời” ấy!

2. Trước khi nhận được lời “giải thích” của tác giả, tôi đã nghĩ là, có thể là trong “túi” của tác giả còn một “nỗi niềm yêu thương” nào đấy của Mỵ Châu đối với Trọng Thỉ, mà tác giả “không tiện” nói tiếp ra ở đây. Có một đoạn văn như một “bài tụng ca Thánh Kinh” ở trong bài mà tôi cứ tấm tắc một mình mãi, đó là “Nên chi xương thịt nàng đã hòa tan cùng cát bụi nhưng những giọt máu của nàng vẫn không tan được. Những giọt máu đã thành ngọc nhưng là những viên ngọc tối xám u buồn. Mãi đến khi được rửa bằng nước giếng Trọng Thỉ thì ngọc mới chói sáng xinh đẹp.”. Ở một blog nào đó, tôi có dịp theo dõi một cuộc tranh luận về đề tài “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, và có ai đó đã ca ngợi tình yêu của Thủy Tinh dành cho cô công chúa Mỵ Nương Ngọc Hoa, con gái vua Hùng, người về sau trở thành vợ của Sơn Tinh, là rất “romantic”, rất “đàn ông”! Đấy, “huyền sử dân gian” để lại cho chúng ta những “cốt truyện tình yêu” rất là lãng mạn, nhân văn. Tại sao chúng ta cứ phải “giải thích” chúng theo một “định hướng sáo mòn gì gì” đấy? Những cái “định hướng sáo mòn” gì gì này, nói thực với các bác, chúng đã làm tôi “chán ngán”. “Hở” ra một tí là “yêu nước”, là “thương nòi”, là “ý thức”, là “trách nhiệm”! Tại sao chúng ta không thể “bắt chước” nhà văn Lê Thị Thấm Vân, “giải phóng” thành “yêu chàng”, thành “thương anh”, thành gì gì đấy… “khác” hẳn, “nên thơ” hơn? Thú thật với các bác, (từ khi tôi bị/được “bập” vào những tác phẩm của nhà văn KĐ), tôi những tưởng là: “những hạt lệ ăn năn để lại cho đời” của Mỵ Châu, chúng muốn nói lên một tình yêu trong trắng thủy chung của một nàng thiếu nữ đối với một chàng trai, một mối tình mà vừa mới “hội ngộ tương phùng” nhưng “Thuyền tình vừa ghé tới nơi – Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ” ở nơi trần gian, nên phải gửi gắm “nỗi niềm ăn năn” vì đã không “theo chàng đến nơi đến chốn”, và chính vì vậy, khi gặp lại “chàng”(“được rửa bằng nước giếng Trọng Thỉ”), thì “tình yêu đôi lứa” “mới chói sáng xinh đẹp”. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những “suy nghĩ lan man trong lúc kẹt xe” của tôi thôi, việc “giải thích” “những hạt lệ ăn năn” như thế nào, là cái quyền và cái riêng của nhà văn KĐ.

3. Tiện đây, tôi cũng xin nói thêm những “suy nghĩ lan man trong lúc kẹt xe” của tôi về cái chết của hai cha con vua An Dương Vương. Có thể chăng đã xảy ra một “bi kịch” như thế này, là vua ADV, khi đứng trước nguy cơ “nước mất nhà tan”, và cả hai cha con sẽ bị bắt, ở vào cái “nước đường cùng” như thế, đã suy nghĩ: “Ta thà làm quỷ đất Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”, nên ông quyết “trẫm mình” cùng với con gái của mình (chém đầu Mỵ Châu), còn Mỵ Châu, người con gái “mới biết yêu” (nên “mù quáng”) chỉ “tập trung” vào việc là làm sao gặp lại được “người mình yêu” (nên đã bứt lông ngỗng rải dọc đường làm dấu cho Trọng Thỉ)? Có thể lắm chứ? Nếu không, tại sao lại không?

Tôi có vài lời muốn trao đổi với nhà văn KD và các bác như vậy. Có gì không phải, xin các bác “lượng thứ” cho!

Tiện đây, xin “nhắc khéo” nhà văn KĐ và BBT talawas là, nhà văn KĐ đã công nhận là viết sai tên tác giả bài thơ Mỵ Châu, nhưng tôi thấy, cái tên “Nguyễn Đình Toàn” vẫn còn ở dưới bài thơ. Trân trọng.

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Tôi không cần "phiên dịch" những giọt mắt giọt mưa ...

Hôm qua mình nhận được hai bài thơ do chị Nhung gửi, và chị muốn mình nhận xét. Hai bài thơ ấy đây:


ĐẾN

(Gửi HN sau ngày mất của TH - bạn chúng ta)

Người thân quen vừa cười nói đây đã biệt tích rồi

Hố đen không đáy kia còn nuốt chửng những gì

ai biết được

Đột nhiên sống

Đột nhiên chết

Vì muôn ngàn sự cố chẳng ra sao

Mưa đá

Bom rơi

Đạn nổ

Bão lụt mù trời

Xe đâm

Sập cầu

Nhà đổ

Chứng ung thư

Bệnh dịch tràn lan…

Chúng mình bị đày vào chữ nghĩa mê man

Thế kỷ đi hoang

vờ giả trang mặt nạ bà chúa ông hoàng

Trang sách vừa in ra đã trở thành đồ đồng nát tro tàn

Có thể tiếp tục sống phần đời tử tế của những người thân đã chết

Tiếp tục chịu đựng sự giả dối đểu cáng của những kẻ đội lốt người

đang vênh váo sống

Cầu vồng mống cụt nào giúp ta thoát hiểm nạn thế gian

Trương Thị Kim Dung (Hà nội 15/10/2010)


KHOẢNG TRỐNG

(Gửi bạn gái TTKD)

Vết thương chưa liền da nứt thêm khoảng trống

lãnh đạm thị giác một nghìn năm thăng long

vứt thêm một tầng lịch sử dân tộc vào ngu ngơ khoảng trống

mù mịt hương nhan bia mộ lấp chữ vàng

comle cavat sắm vai vua vụng về truyền hịch

lơ láo áo chim cò dự đám ma tiễn đồng nghiệp ra đi

rỏ máu cánh hoa rời cành xanh sắp lòe loẹt khẩu hiệu

chen lấn phố phường mê mải vặt trụi từng phút sống lẫn nhau

Thôi, bạn ơi

thị Màu hết ghẹo tiểu Kính tâm bằng nhân gian dục vọng

Xúy Vân vứt mặt nạ, cạn khúc khóc giả điên

hoàng tử Văn Lang vứt bánh chưng bánh dày

vùi lá dong xuống đảo An Tiêm hòng mơ ngày trở lại

một nghìn năm thăng long

thấp cao bước thấp cao, ngác ngơ tìm khoảng trống

Khoảng trống

dệt Nguyễn Du,

khoảng trống

rủ nhau về ôm ấp giấc tổ tiên


Nguyễn Hồng Nhung (Bp. 2010.10.15)



Và sau đó, mình có gửi cho chị Nhung bài "thơ phê bình" của mình như thế này:


Hai bài thơ của hai "nàng" thật là "lắng đọng"
Tâm tưởng về "một nghìn năm Thăng Long"
Đất nước "bốn nghìn năm (ma-cà-) rồng quẫy"
Một dải chữ S èo uột nát bấy
Đã tự ngàn năm Thánh Gióng mong lớn mau để "phắn"
Như rồng xưa lồng lộn may mắn
Thoát "kinh hoàng", "kinh tởm" cố đô xưa
Tôi không cần "phiên dịch" những giọt mắt giọt mưa
"Sa trên màu cờ đỏ"
Đất nước tôi bốn ngàn năm vẫn cười nhăn nhó
Văn hiến là đây ư? Khoảng trống... đồng nát?


"Những giọt lệ ăn năn" nhân trường hợp của "chị" Mỵ Châu...

“Nàng chết quá nhanh, nhanh đến nỗi nàng chưa biết là mình đã chết, không kịp hiểu ai đã giết mình và vì sao mình bị giết. Oan nghiệt là chỗ đó, tức tưởi là chỗ đó. Nên chi xương thịt nàng đã hòa tan cùng cát bụi nhưng những giọt máu của nàng vẫn không tan được. Những giọt máu đã thành ngọc nhưng là những viên ngọc tối xám u buồn. Mãi đến khi được rửa bằng nước giếng Trọng Thỉ thì ngọc mới chói sáng xinh đẹp. Đó cũng chính là những hạt lệ ăn năn để lại cho đời.”(Khuất Đẩu)

Tôi đọc về nỗi “oan khiên” của Mỵ Châu do tác giả Khuất Đẩu viết, thấy rất hay và thuyết phục. Nhưng đọc đến đoạn “những hạt lệ ăn năn” thì tôi lại chợt cảm thấy “thắc mắc”. Theo như “mạch văn” của tác giả, người đọc như tôi sẽ suy nghĩ như thế này: một khi Mỵ Châu đã “không kịp hiểu ai đã giết mình và vì sao mình bị giết“, thì “Những giọt máu (của Mỵ Châu) đã thành ngọc nhưng là những viên ngọc tối xám u buồn”, không thể trở thành “những giọt lệ ăn năn” được! Tôi xem lại nghĩa của từ “ăn năn”: Hối hận vì đã lầm lẫn. Và như vậy, việc tác giả KĐ dùng hình ảnh “những giọt lệ ăn năn” ở đây để nói về con người Mỵ Châu, tôi thấy nó có vẻ “mâu thuẫn” với tất cả những gì mà tác giả vừa viết về nàng công chúa có “trái tim lầm chỗ để trên đầu” này. Tôi xin chứng minh:

- Nếu nói rằng, Mỵ Châu ăn năn với Trọng Thủy (tiện đây, xin được hỏi các bác là Trọng Thỉ hay Trọng Thủy?, cũng là để học hỏi thôi!:)), thì hóa ra Mỵ Châu đã không “thật lòng” với “người chồng Trung Quốc” này? Nàng đã “yêu giả”? Nàng đã bị “ép duyên”?

- Nếu cho rằng, Mỵ Châu ăn năn với “đời”, thế hóa ra, Mỵ Châu đã “lầm lẫn” và phải “hối hận”? Nàng đã “hiểu ai đã giết mình và vì sao mình bị giết?

Tôi “thắc mắc” là vì vậy. Nếu không có gì “phiền toái”, thành thực xin tác giả “giải thích” thêm về cái sự “những giọt lệ ăn năn để lại cho đời” này!

Tiện đây, tôi xin “bàn loạn” thêm về cái mấy câu thơ

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…”

của “ông Lành” như thế này:

- Không biết trái tim Mỵ Châu có bị “để lầm chỗ” hay không, nhưng nó là “trái tim chân thật còn nguyên vẹn”, không là trái tim bị chia làm ba phần như của “ông Lành”(“…trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều…”).

- Ngày nay, như chúng ta quá rõ, những “đồng chí” của “ông Lành” đang… “Nỏ thần cố ý trao tay giặc (TQ)/ Nên nỗi cơ đồ (sẽ) đắm biển sâu”, thì không biết, những “trái tim của các đồng chí ấy (dù chỉ là “phần nhiều”)” có được/bị gọi “lầm chỗ để trên đầu” hay không?

Tôi là một thằng "miền Bắc kỳ... một cục"

Mặc dù đã “Cũng như ông bạn Trần Quốc Việt rũ áo ra đi” (xin mượn lời của bác Lê Quốc Trinh), nhưng sáng nay đọc được cái tin “bắt bẻ” này, tôi xin có mấy lời, gọi là “chót chét” một lần nữa ở “xới” này với ông nguyen mai linh, như thế này:

1. Tôi “học viết chính tả” ở miền Bắc, và như thế “bị ảnh hưởng của mái trường xã hội chủ nghĩa nhiều” lắm, nhiều đến nỗi, trước đây, hễ thấy ai viết sai chính tả trên talawas này, là “(táy máy) móc” ra bằng hết! Tôi nói “trước đây” là bởi vì, tôi đã nghĩ, mình chỉ làm một việc mang mục đích “cầu thị” thôi, gọi là “đóng góp” một chút vào “công việc dọn dẹp sạch đẹp trang talawas này”. Nhưng sau một vài vụ “nhắc khéo”, tôi nhận thấy, mình thật “vô duyên” trước mọi người. Mình “làm ơn hóa hại” cho chính bản thân mình, thôi, từ giờ trở đi, chỉ “nhắc khéo” bác Lê Quốc Trinh thôi, bởi vì bác ý “mộc mạc, chân tình”, không “lắt léo”, “kỳ (thị) cục” như những kẻ khác!

2. Nhưng khốn khổ cho cái thân tôi, sau cái PH “nhắc khéo” bác Trinh vừa rồi, mặc dù tôi không “cầu mong” gì mà vẫn được bác Trinh “thành thật cám ơn” đấy, nhưng vẫn bị ông nguyen mai linh chụp cho một cái mũ “nặng như chì (chiết)” là “bắt bẻ mà mình cũng chưa nắm thật kỹ, thì theo tôi nó hơi kỳ cục đấy” vào đầu, làm tôi “hết ngóc đầu lên nổi”. Thưa ông nguyen mai linh, cái sự “tôi (TĐ) “nhắc khéo” lỗi chính tả của Lê Quốc Trinh” không phải là cái sự “bắt bẻ” tòn mòn lỗi chính tả như ông đã quy chụp cho tôi. Thứ nữa, cái sự “bị ảnh hưởng của mái trường xã hội chủ nghĩa” mà ông ám chỉ, nó chẳng “ăn nhập” gì vào cái “sự nhắc khéo” của tôi cả? Chính cái việc, ông chụp mũ tôi và “cấm” bác Trinh “đừng nên cảm ơn”, thì theo tôi, mới là “nó hơi kỳ cục đấy”.

3. Viết đến đây, tôi cũng cảm thấy, thôi chết rồi, mình đúng là một thằng “miền Bắc kỳ một cục” rồi! Một bài viết về “Phật Ngọc trong mắt ai” mà mình lại “lôi” chuyện “kỳ” với “cục” ra đây để nói! Thôi, “kỳ cục” ơi, chào mi!

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Mon men gần đến "mép" của sự "lỗ" đã là giỏi lắm rồi!

“Cả hai hình ảnh ở đây đều không có gì để nói đến “giải phóng” cả. Dùng những từ “sex nặng” mà không có ý tưởng nổi trội để bù đắp thì văn chương thành ra thứ ba xu tầm thường nhan nhản ngoài đời. Trí tưởng tượng nông cạn như thế này thì ngay đến cả buôn củi chưa ra khỏi cửa đã lỗ vốn rồi còn nói chi đến buôn chữ nghĩa.“(Hưng Quốc)

@anh Hưng Quốc thân mến,

Đã lâu lắm mới thấy anh “xuất hiện” trở lại trên talawas này. Xin có lời chào thân mến gửi tới anh! Có mấy cảm nghĩ chợt đến sau khi đọc PH của anh như thế này, xin được chia sẻ với anh và độc giả:

1. Tôi thấy anh dùng từ “buôn củi”, thì lại chợt nhớ đến nhà thơ Tản Đà. Tức là hình như có giai thoại về cụ Tản Đà như thế này: “Nhờ trang văn chương được chấp bút bởi hai con người nổi tiếng Tản Đà và Ngô Tất Tố mà Đông Pháp thời báo ngày càng có uy tín trong lòng bạn đọc, số lượng phát hành liên tục tăng lên. Tuy được đãi ngộ vào hàng thượng khách, Tản Đà vẫn không nguôi nỗi thương nhớ An Nam Tạp chí, đứa con tinh thần do mình rứt ruột đẻ ra. Ngập chìm trong rượu, bài vở bê trễ, có lần nhà in giục bài, ông đã đốp lại: làm thơ chứ có phải bổ củi đâu mà muốn lúc nào là có lúc ấy.”(trích tiengmolang blog)

2. Anh HQ dùng cụm từ “buôn chữ nghĩa” đối với nhà văn LTTV, thì tôi thấy hơi… nặng nề và quá “tàn nhẫn”! Tôi xin chứng minh: theo như “lô-gic” của anh, thì trước hết chúng ta phải “xem” việc “buôn củi” có “lỗ” không cái đã, rồi hẵng “tính” đến việc “buôn chữ nghĩa” có “trúng” hay không, đúng không? Mà thời buổi bây giờ, theo như tôi biết, muốn đi “buôn củi”, chúng ta phải làm cái việc trước đó là “bổ củi” cái đã, bởi vì có “bổ” ra “củi”, thì mới có cái mà đi buôn chớ, đúng không anh? Nhưng anh Hưng Quốc ơi, với cái thân thể “liễu yếu đào tơ” như của chị LTTV thì anh bảo làm sao mà chị ấy “bổ củi” được cơ chứ?! Đấy, tôi nói anh dùng từ hơi nặng nề là ở chỗ này đấy, anh HQ ạ!

3. Tôi với anh là cánh đàn ông. Giả sử cứ cho là nữ nhà văn LTTV đi “buôn củi” được đi, tức là chị ấy có “bổ củi” được, và từ đó, có “củi” để “đi buôn”, nhưng cánh đàn ông chúng ta làm sao có thể “xem” được là cái sự “lỗ ấy nó như thế nào” của việc “buôn củi” của chị ấy! Vậy mà chưa chi anh đã khẳng định một cách “cứng ngắc” rằng “chưa ra khỏi cửa đã lỗ”! Thế cho nên, tôi nói anh dùng từ quá… “tàn nhẫn” là vì vậy!

4. Chỉ có cánh phụ nữ – những người “thích buôn” (buôn dưa lê, chẳng hạn), mà cụ thể ở đây là nữ nhà văn LTTV, mới biết được chính xác, cái sự “lỗ nó như thế nào”, tức là họ “nghiêng” về “giải phóng vật chất”! Còn cánh đàn ông chúng ta – những người “chỉ thích giải phóng tinh thần” (Tất cả những triết gia – những người “giải phóng tinh thần” – trên thế gian này, đều là đàn ông), thì khi đem hết vốn “đi buôn”, mon men gần đến “mép” của sự “lỗ”, đã là giỏi lắm rồi!

5. Thế cho nên, chúng ta nên trân trọng cái sự “giải phóng” khỏi “lỗ” của những người phụ nữ. Bởi vì, họ làm điều này là cũng vì những người đàn ông chúng ta. Và càng tuyệt vời thay, nếu chúng ta cũng cùng “giải phóng” với họ! Tinh thần “giải phóng” muôn năm!

Bao giờ cho đến "Hiến chương Linh Mười"?

“Tôi không biết số phận của ông Lưu rồi sẽ ra sao. Nhưng dấu tích Hiến chương 77 của Praha ở Trung Quốc cho thấy rằng, Internet, cái chai điện tử được ném xuống biển, giờ đây đã đi khắp mọi nơi và nhanh chóng. Hiến chương 77 chứng minh một đầu tư dài hạn, cuối cùng đã đổ bộ lên bến bờ của Trung Quốc: Hiến chương 08. Và trên bàn của Ủy ban Nobel tại Oslo. Bây giờ nó sẽ di chuyển sang các chế độ bạo chúa khác. Vấn đề chỉ là thời gian. Và ngày của Hiến chương.”(Leopold Unger)

Hôm nay tôi đọc được một cái tin trên một trang báo tiếng Hungary, có vẻ liên quan đến sự kiện “trao Giải Nobel hòa bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba”. Tin đó đại khái là, tôi xin lược dịch:

Sau 30 ngày tạm giam, nhà cầm quyền TQ đã thả CSao Fej(Cs. F.), người đàn ông bị nghi là thủ phạm giết người tình cũ của mình là một nữ sinh viên người Na-uy vào cuối tháng 8 vừa rồi tại Budapest. Theo những kết quả điều tra ban đầu của công an Hungary, CS. F. đã rời nước Hung đúng vào ngày xảy ra vụ án để về TQ. Đến khoảng giữa tháng 9, CS. F. đã tự lên công an trình diện, và đã bị tạm giam để điều tra. Theo một số tờ báo Na-uy, phía Hungary vẫn chưa có quyết định đưa ra những chúng cứ, một số báo khác thì lại cho rằng phía Hungary không chịu giao chuyển kết quả điều tra của vụ án cho phía TQ với lý do “may rủi” là “ở TQ vẫn còn luật tử hình”. Cs. F. được thả về “giam tại nhà” vào đúng trước một ngày khi Ủy ban trao giải Nobel hòa bình tuyên bố trao giải năm nay cho Lưu Hiểu Ba. Nhà cầm quyền TQ cho biết, luật pháp của TQ chỉ cho phép bắt giam 30 ngày, sau 30 ngày phải thả nếu không có chứng cứ xác đáng để buộc tội, và sẽ không trao CS. F. cho Na-uy, mà để xét xử trong nước. Ông Ragnhild Imerslund, phó văn phòng Bộ ngoại giao Na-uy thì nhận định, hai vụ việc của hai người TQ này, chẳng liên quan với nhau.

Ở một tờ báo khác, tôi được biết Lưu Hiểu Ba, với tội danh hình sự, đang bị giam tại một nhà tù cách Bắc Kinh 500km về phía đông bắc, trong một phòng với 5 tù nhân hình sự khác. Như vậy, riêng tôi thì lại nghĩ rằng, hai sự việc này có liên quan đến nhau. Một nghi phạm hình sự liên quan đến Na-uy với “chứng cớ rành rành” thì được thả, còn một “tội phạm hình sự” khác cũng liên quan đến Na-uy (qua việc được trao giải Nobel hòa bình), với những “tội danh hình sự rất mơ hồ”, là ông Lưu Hiểu Ba, lại bị kết án 11 năm tù.

Nhân việc tác giả ví Internet như một cái chai điện tử, tôi mong ước sao một ngày “đẹp trời” nào đó, cũng có một cái chai điện tử, sẽ “đổ bộ” lên “đất liền” Việt Nam ta. Và, tất nhiên, trong đó có một thông điệp, một “Linh Thập Hiến Chương” chẳng hạn. Ước sao!

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Phật Ngọc "trong mắt trong"

“Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

(trích “Thâm Tâm – “Tống biệt hành”)

@bác Trần Quốc Việt kính mến,

Tôi có vài cảm nghĩ sau khi đọc cái PH mới nhất của bác Việt. Xin được chia sẻ với các bác như sau:

1. Bác Việt có một tâm hồn, một “chất”, rất Việt, mà hiếm người trong số chúng ta có được. Trích dẫn bài thơ của Hàn Mặc Tử, dường như bác Việt đang “thất vọng” về một điều gì đấy trên diễn đàn talawas này của chúng ta. Tôi suy nghĩ “mông lung” lắm về cái sự “bỏ cuộc chơi” của bác Việt. Phải chăng những PH của chúng ta đang đi “lệch hướng”? Phải chăng có một số PH đã “đụng chạm” không đúng chỗ? Phải chăng…, phải chăng…? Tôi không biết. Nhưng dường như trong tôi cũng có cảm giác giống của bác TQV, tức là, tôi cũng cảm thấy là “đã đủ”.

2. Khi đọc dòng chữ này của bác Việt: “mong sao địa ngục lúc nào cũng trống rỗng và thiên đường ngự xuống trần gian”, tôi bỗng liên tưởng đến cái “thiên đường trần gian” này. Phải chăng ý nghĩa của câu thơ “Nước ngàn năm u mê” là ở đây? Phải chăng đã luôn tồn tại một “địa ngục trần gian” lúc nào cũng đông đúc mà “dân nước Việt” do u mê mà “ngàn năm không biết”? Phải chăng, cũng do “nước ngàn năm u mê” mà nhiều người trong chúng ta khi nhìn “Phật Ngọc trong mắt ai”, chúng ta chỉ thấy “sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”

Mong gặp lại bác Việt sớm ở những bài viết khác!

"Sượng sùng bái" tượng Hồ Chí Minh có hợp pháp hay không?

“2. Xin thưa: Tôi không “xuyên tạc tượng” hay xuyên tạc bất cứ ai, hay bất cứ chuyện gì. Xuyên tạc không có trong ba lô của tôi. Tôi luôn luôn nói thẳng. Nếu sai thì xin lỗi hay tự sửa đổi như các thầy mũi lõ và mũi tẹt đã dạy tôi ở trường trong thời kỳ đô hộ bốc lột, đen tối, độc ác nhất của lịch sử nước ta. Thi thoảng tôi cũng có châm biếm, nhẹ hay cay, nhưng không hề với ác ý mà chỉ là gia vị cho phản hồi bớt tẻ.”(Nguyễn Đăng Thường)

@bác Thường kính,

Nhân tiện thấy bác nhắc lại cụm từ “xuyên tạc tượng”, tôi xin gửi tới các bác cái bài này mà tôi đã đọc được trước khi viết PH này. Cũng vì “tức cảnh” tạc tượng của những “nhà điêu… khắc” Việt Nam, và thấy “nó” cũng liên quan đến đề tài của bài viết này, nên tôi mới viết là: “Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người Việt Nam làm nghề… “xuyên tạc tượng” lắm!” Và, có một điều quan trọng tôi muốn nói là, thực tình là không có ý “ám chỉ” gì bác đâu ạ! Xin bác hiểu cho!

2. Nhân đây, tôi cũng xin có một góp ý về “4 điểm” của bác như thế này:

- Tôi có biết một trường hợp “sượng sùng bái” tượng Hồ Chí Minh của “một con người tự do”. Và tôi xin hỏi bác là, trường hợp này, có thể “liệt” vào loại “hợp pháp” hay không? Xin bác Thường vui lòng trả lời và phản hồi cho biết lý do! Trân trọng.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Không chấp nhận nổi lý luận vững chắc thì chỉ có nước... chìm!

“Chẳng ai vào Talawas này để gây náo loạn, chắc chắn BBT cũng không dung thứ hành động côn đồ đó. Chúng ta vào đây cốt là đóng góp ý kiến thảo luận trên một đề tài rõ rệt, học hỏi lẫn nhau. Không chấp nhận nổi ý kiến khác biệt thì làm sao kiến tạo được một xã hội dân chủ, trí thức. Không chấp nhận nổi những lý luận vững chắc thì chỉ có nước chấp nhận một chính quyền ngu xuẩn với cơ chế độc tài mà thôi!”(Lê Quốc Trinh)

@bác Lê Quốc Trinh kính,

Tôi thường hay đọc những PH của bác, nhất là ở dưới bài viết này. Phải nói là bác viết PH rất mộc mạc, chân tình, “đọc phát hiểu ngay”! Có những từ bác đã viết sai chính tả, nhưng tôi vẫn hiểu. Thời gian trước đây, tôi cũng hay “táy máy… móc” những lỗi chính tả của tác giả, độc giả. Nhưng rồi cũng thấy công việc đó, hình như là “vô duyên” đối với mọi người. Tuy vậy, đối với bác Trinh, tôi vẫn thích thú “làm” công việc bắt lỗi chính tả đó, bởi vì tôi biết, đối với bác, như bác cũng đã nói: “Chúng ta vào đây cốt là đóng góp ý kiến thảo luận trên một đề tài rõ rệt, học hỏi lẫn nhau. Tức là, bác sẽ “vui lòng” chấp nhận những “lỗi chính tả” của mình. Nhưng trước khi chỉ ra vài lỗi chính tả của bác, tôi xin được “trao đổi” đôi điều về cái PH mới nhất của bác như thế này:

1. Bác Trinh viết: “Không chấp nhận nổi những lý luận vững chắc thì chỉ có nước chấp nhận một chính quyền ngu xuẩn với cơ chế độc tài”, thì tôi thấy, phải thán phục cái sự “lý luận vững chắc” của bác. Bởi vì, từ một đề tài “Phật Ngọc trong mắt ai”, bác “lý luận vững chắc” một hồi, một cách “tài tình” như thế nào đấy, mà cuối cùng, thành “chỉ có nước chấp nhận một chính quyền ngu xuẩn với cơ chế độc tài”! Đọc cái dòng chữ của bác (mà tôi in đậm), tôi mới “ngớ người” ra: ơ, nói như bác Trinh, thế hóa ra, việc thay đổi một “chính quyền ngu xuẩn với cơ chế độc tài”, thật quá dễ! Chúng ta cứ việc “chấp nhận nổi những lý luận vững chắc” là xong! Dân Việt Nam ta cứ “chấp nhận nổi những lý luận vững chắc” đi, “dễ ợt” ấy mà! Tôi nói cho vui vậy thôi, bác Trinh đừng giận! Cái ý của tôi là, theo tinh thần mà bác đã nói: “cốt là đóng góp ý kiến thảo luận trên một đề tài rõ rệt”, cái việc “Phật Ngọc trong mắt ai” với cả việc “Không chấp nhận nổi những lý luận vững chắc thì chỉ có nước chấp nhận một chính quyền ngu xuẩn với cơ chế độc tài”, chẳng “liên quan” gì đến nhau!

2. Tiện đây, có một cái ý như thế này về Phật Ngọc Hòa Bình, tôi xin được chia sẻ với bác Trinh. Tức là, có thể chăng, hiện giờ Phật Ngọc Hòa Bình bằng cách nào đấy, “chỉ” đem lại “hòa bình” cho từng cá nhân những ai “chiêm bái” bức tượng “Phật Ngọc Hòa Bình” thôi, chứ còn cho cả thế giới, hay những nơi “không có hòa bình”, thì chưa?!

3. Bây giờ, tôi xin được nêu ra các lỗi chính tả của bác Trinh:

- Trong PH này, từ “giòng giõi” đã bị viết sai chính tả. Viết đúng là: dòng dõi.

- Cũng thế, trong PH này, từ “giòng giống” là chưa chính xác, phải viết là “dòng giống”.

- Có một từ, không biết có phải do bác viết không, tôi không nhớ rõ ở PH nào. Đó là từ “giõng giạc”. “Giõng giạc” không có, mà chỉ có “dõng dạc”.

- Trong PH mới nhất, từ “cất dấu” đã bị viết sai. “Cất giấu” mới đúng!

Tôi có vài lời “lý luận hơi hơi… vững chắc” muốn trao đổi với bác Lê Quốc Trinh như vậy. Hy vọng là bác vui lòng… “chấp nhận”! Trong trường hợp bác “không chấp nhận… nổi”, thì tôi chỉ có nước… “chìm” vậy! Trân trọng.

Phật Ngọc với nghề... "xuyên tạc tượng"

“Chỉ với chiếc PC ngón tay ta mới bật ra sức tưởng tượng, tinh thần ta chạm vào bàn phím, ý tưởng ta tung bay tráng lệ, ngẫu nhiên và tất yếu cộng sinh nơi monitor, và lí trí phê phán khắc nghiệt được thiền trước niềm hoan lạc của cú gõ đầu tiên vào máy… Đồng ý. Nhưng còn một niềm hoan lạc khác.” (Phạm Thị Hoài)

Kính thưa bác Lê Thượng,

Nếu bác cho rằng câu viết của tôi, “…Trần Quốc Việt, người mà từ cái họ tên trở đi, “đầy chất Việt””, là một “ấm ớ hội tề”, thì hai câu hỏi của bác, “Viết như thế chắc bác nghĩ ông Nguyễn Ái Quốc hẳn là một người yêu dân nước Việt lắm? Còn ông Dương Trung Quốc yêu nước Tàu hơn Việt?”, cũng “ấm ớ hội tề” không kém! Vì sao? Tôi xin dùng “lí trí phê phán khắc nghiệt” của mình để “lí giải” như sau, (có lẽ hơi dông dài, nhưng hy vọng talawas cho đăng!):

1. Tôi tham gia diễn đàn talawas này, tuy không được “thâm (thúy) niên” như các bác tác giả và độc giả khác, nhưng cũng cảm thấy talawas như là “nhà của mình”, là “không thể thiếu được”, “còn talawas còn mình”. Và toàn bộ cái “sự gắn bó” ấy, có thể “cắt nghĩa” như câu trích trên đây của nhà văn, “nữ trang chủ” Phạm Thị Hoài! Tôi xin trích lại đây: lí trí phê phán khắc nghiệt được thiền trước niềm hoan lạc của cú gõ đầu tiên vào máy…. Đối với tôi, talawas là nơi “tốt nhất” để cho tôi có thể sử dụng cái “lý trí phê phán khắc nghiệt” của mình để viết PH dưới những bài viết mà mình tâm đắc. “Tốt nhất” ở đây, nên hiểu trên bình diện dân chủ, tự do, bình đẳng và văn hóa. Tôi nghĩ, bác Lê Thượng, cùng với đa số các bác ở đây, cũng đều nghĩ như vậy. Có thể phát biểu một cách không “ngoa” chút nào, rằng, chúng ta hàng ngày “lên” talawas là để… “thiền”!

2. Và, mục đích cuối cùng của cái công việc “thiền” này, đối với tôi, là để đạt tới “niềm hoan lạc” cho chính mình! Về các tác giả của talawas, thì tôi không rõ lắm, nhưng về các bác độc giả viết PH “dài dòng” như bác Hòa Nguyễn chẳng hạn, chắc chắn đã đạt được “niềm hoan lạc” cho chính mình. Tất nhiên, những độc giả viết PH “ngắn gọn”, không phải là không đạt được đến “niềm hoan lạc”. Có những bác viết rất ngắn, hoặc chỉ đưa ra một link dẫn, nhưng tôi đoan chắc là họ cũng đã “thiền tới niềm hoan lạc”! Có nghĩa là, mỗi người có cách “thiền tới niềm hoan lạc” bằng sự sử dụng, cái gọi là “lý trí phê phán khắc nghiệt” của mình, trên talawas này. Chúng ta nên trân trọng cái “thiền tới niềm hoan lạc” của lẫn nhau, không nên “hất một bát nước lạnh” để “đánh thức” nhau khỏi cái “niềm hoan lạc” hiếm hoi ấy, cái mà đã rất “khó khăn có thể đạt được” trong cái thời đại “nhiễu xạ”(viết tắt của từ “nhiễu nhương loạn xạ”) này!

3. Tôi nghĩ, bác Trần Quốc Việt, bác ý phải “đạt đến niềm hoan lạc” thì mới viết ra bài thơ gây nhiều “tranh cãi mắng mỏ” dưới bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn này. Và, khi tôi viết “…Trần Quốc Việt, người mà từ cái họ tên trở đi, “đầy chất Việt””, tức là lúc tôi đang “thiền đến niềm hoan lạc”, bởi vì mình phát hiện ra là, cái họ tên của bác TQV cũng “mang” một nội dung “vừa ý”: “chất Việt”, vậy thì tại sao ta không dùng cái “vừa ý” ấy luôn nhỉ? Các nhà văn là những người “chơi chữ” giỏi, bởi vì họ viết ra được “những dòng chữ vừa ý”. Tôi lại xin trích ra đây một đoạn văn của nhà văn Phạm Thị Hoài: “Khi chuyển nhà sang Berlin năm 1993, tôi ngồi ba tháng trước chiếc computer không bật nút chạy, không viết tay một dòng, ba tháng hoàn toàn tê liệt để vĩnh biệt ba mươi năm. Một ngày cuối năm ấy, tôi thở dài chấp nhận số phận như người ta thường nói, ấn nút start, gõ phứa trên bàn phím với những chữ cái và dấu hiệu chẳng thân sơ gì. Lẽ ra tôi phải ghi lại ngày trọng đại ấy nếu biết rằng nó sẽ thay đổi đời mình, thay đổi tới mức thiếu cái bàn phím đó tôi không đủ khả năng, hay ít nhất không tin vào khả năng viết ra một dòng nào vừa ý nữa. Những dòng vừa ý vốn dĩ ngày càng hiếm; dòng nào thòi ra là ta xét nét: Mày ra làm gì? Mày non quá. Mày nặng nề vô cớ. Mày bẹt. Mày chậm. Mày vô trùng. Mày hỏng nhạc điệu. Mày khiên cưỡng. Mày có thừa không? Đủ sáng tỏ không? Sáng tỏ nhưng thiếu chính xác? Ừ chính xác, nhưng có đúng không? Đúng thì đúng, nhưng có thật không? Đúng rồi, thật rồi, song có đích đáng không? Cứ cho là đích đáng, nhưng có hay không? Hay để mà hay hả? Hay mà chẳng đẹp thì sao? Vẫn đúng, vẫn hay, vẫn thật, vẫn đẹp, mà vẫn vô nghĩa? Không có mày, tao vẫn sống khoẻ, phải không?… Đã khó khăn như thế, mất lòng tin vào khả năng viết ra những dòng vừa ý là mất hết.”. Tôi xin nói thêm ở đây, tôi hiểu “những dòng vừa ý” theo hai nghĩa đồng thời là: “những dòng vừa chữ vừa ý” và “những dòng chữ vừa ý mình”.

4. Hai câu hỏi của bác Lê Thượng, thật ra, chúng cũng “có lý” thôi! Nhưng bác không thể “xuyên tạc” câu viết của tôi ra là “chắc bác(TĐ) nghĩ ông Nguyễn Ái Quốc hẳn là một người yêu dân nước Việt lắm” được. Bởi vì, Trần Quốc Việt là Trần Quốc Việt, Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Ái Quốc. Những suy nghĩ của tôi làm sao bác LT “thấy” được, mà bác dám bảo là tôi “chắc nghĩ…”. Khi nào tôi viết rành rành ra là “ông Nguyễn Ái Quốc, người từ cái họ tên trở đi, hẳn là một người yêu dân nước Việt lắm”, thì bác hẵng bảo rằng tôi “ấm ớ hội tề” chứ! Và trường hợp của họ tên ông Dương Trung Quốc cũng vậy. Chúng ta nên “tách bạch” chuyện nào ra chuyện nấy! Không nên “xuyên tạc” những câu nói của người khác! Bởi vì, việc đó, nó… “ấm ớ hội tề” lắm!

5. Tiện đây, tôi xin có một nhận xét “tổng kết” về bài này và về những PH dưới bài này là: Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người Việt Nam làm nghề… “xuyên tạc tượng” lắm! Trân trọng.