Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Phim "Cánh đồng bất tận" lăn... quay ra "chết ngoạn mục"?

“…là mô tả/trình bày
một xã hội đen tối
đang trong ngõ cụt đường cùng
hay chỉ cốt để thị trường hóa
tối đa
một sản phẩm để hít hà mua vui?”
(Nguyễn Đăng Thường)

@bác Thường kính mến,

Mấy hôm nay tôi suy nghĩ mãi về bài thơ này của bác, chính xác ra là về “một cái chết ngoạn mục” mà bác muốn nói đến bằng bài “thơ hôm nay/thơ hậu hiện đại” này. Tôi chưa biết chính xác điều bác muốn nói là bộ phim “CĐBT” vừa mới “lăn” ra đời đã “quay” ra “chết ngoạn mục”, hay tác phẩm nổi (tai) tiếng “CĐBT” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã bị “chết ngoạn mục” bởi chất lượng “yếu xìu” của bộ phim chuyển thể cùng tên.

Tôi tán đồng những ý kiến “phê bình” của bác đối với cuốn phim “CĐBT” (thông qua cái trailer) và tác phẩm văn học, truyện ngắn “CĐBT”. Nhưng tôi trộm nghĩ, bác Thường có hơi… quá “khắt khe” chăng? Bởi vì, nói gì thì nói, ở VN ta hiện nay, để có một tác phẩm văn học cho “ra hồn”, như bác cũng biết đấy, khó khăn lắm bác ạ! Bản thân truyện ngắn “CĐBT”, tuy đã “đạt” được những giá trị nghệ thuật nhất định đấy, nhưng vẫn chứa đựng những hạn chế tất nhiên (như bác có nêu qua vài điều) của nó. Nó chỉ “quanh quẩn”, mà không thể “vượt thoát” ra được khỏi cái “tầm suy nghĩ” (xin mượn từ của nhà văn Phạm Thị Hoài) của một nhà văn Việt Nam sống và sáng tác ở trong nước, cụ thể là nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Thế cho nên, việc nó không “vươn tới” những giá trị “cao hơn”, “lớn hơn” cũng không có gì phải “ngạc nhiên” cả. Về tác phẩm văn học để chuyển thể làm kịch bản phim đã như vậy, thì “tình hình” của phim lại càng “bi quan” hơn. Lẽ thường tình của ngành điện ảnh là, bộ phim bao giờ cũng “kém cạnh” hơn cuốn tiểu thuyết văn học mà nó dựa vào để làm kịch bản. Đó là bởi vì tiểu thuyết văn học làm được công việc là “kích thích” trí tưởng tượng của từng cá nhân người đọc đi vào “hoạt động”. Còn phim ảnh thì không làm được công việc đó, bởi vì hình ảnh, âm thanh, màu sắc,… của phim đã “chình ình” trên màn bạc rồi, người xem không cần “vận động” trí tưởng tượng của mình nữa mà làm gì. Đấy là chưa kể, nếu ví tác phẩm văn học như một thân thể đủ da đủ thịt, thì kịch bản phim chỉ còn là một “bộ xương khẳng khiu” của thân thể đó. Và còn một vấn đề nữa ở đây là nhà văn và đạo diễn, trong nhiều trường hợp là hai cá nhân khác nhau, mỗi người có cách “cảm thụ” nghệ thuật khác nhau.

Trong trường hợp “CĐBT” này của chúng ta, thì chắc chắn giá trị của phim “CĐBT” sẽ “kém xa” tác phẩm văn học “CĐBT”. Chỉ riêng về chi tiết:

“một cô gái quê nam kỳ làm gái
kiếm sống qua ngày
mà lại có cơ thể sexy
và gương mặt tuyệt mỹ
của một nàng siêu sao bắc kỳ”

là đã có thể đánh giá là phim này “giả dối”, không “thật” gì cả, trình độ làm phim quá là “amatuer”! Nói đến đây, tôi liên tưởng đến bài “Thùy Yên – Điểm lại những dự án phim kỉ niệm 1000 năm Thăng Long” và những PH dưới nó. Có vẻ như mọi bộ phim của VN ta đều “giả giả” thế nào ấy! Phải chăng là do chúng đều được “(lăn) quay” trên “cánh đồng (giả dối) bất tận” là cái mảnh đất hình chữ S “èo uột” hiện giờ của chúng ta?

Tôi xin có vài lời muốn trao đổi với bác Thường như vậy. Bởi vì thiết nghĩ, bàn về giá trị nghệ thuật của bất cứ “tác phẩm” nào đấy của VN ta, thì lại là một “đề tài… bất tận”, không thể cho “lẹ” được, phải không bác Thường?! Xin được dừng ở đây. Chúc bác Thường và độc giả talawas một cuối tuần vui vẻ! Trân trọng.

2 nhận xét:

  1. Cánh đồng bất tận là những câu chuyện buồn về số phận của những người nghèo và cùng khổ ở miền Tây Nam Bộ, những người này có cái gì để vươn cao hơn và xa hơn như người viết blog mong muốn ?(và chuyển cái mong muốn ấy sang cho NN Tư)
    Chẳng lẽ lại muốn NNTư phải cho mấy cha con ông Võ đi làm "cách mạng" ?
    Trong điện ảnh, vai một cô gái quê không nhất thiết phải do một cô gái quê đóng, cần nhất là vai diễn được. Ông tác giả blog chắc chưa bao giờ thấy thực sự "gái" miền Nam đẹp như thế nào nên mới cho rằng Hải Yến không thích hợp vai diễn này.
    An

    Trả lờiXóa
  2. Độc giả John thân mến,

    Thực ra đây là một phản hồi của tôi viết trên talawas blog. Không biết độc giả John có thường theo dõi trang talawas blog không? Bởi vì có theo dõi thì mới "hiểu" được những ý có trong bài viết này của tôi. Tôi không có ý định "đòi hỏi" gì ở tác phẩm "Cánh đồng bất tận" cả, và như thế, cũng không nốt ở nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư. Việc thẩm định một tác phẩm văn học có đạt tới giá trị "cao hơn", "xa hơn" hay không, không phải là việc của tôi. Tôi chỉ muốn nói lên cái ý là: công việc sáng tác ở trong nước hiện giờ, chắc chắn gặp phải nhiều hạn chế do chế độ kiểm duyệt rất khắt khe của chế độ toàn trị hiện giờ. Mọi nhà văn đều phải "lựa lời mà nói" khi sáng tác. Tôi nghĩ, nếu nhà văn NNT mà ở một thế giới tự do, như Mỹ chẳng hạn, chắc chắn cũng với đề tài "về số phận của những người nghèo và cùng khổ ở miền Tây Nam Bộ" ấy, sẽ sáng tác nên một tác phẩm văn học có giá trị hơn, vươn tới những phạm trù, triết học chẳng hạn, có tính thuyết phục hơn, đáng để ngẫm nghĩ hơn. Chính vì thế mà tôi đã "bênh" nhà văn NNT khi thấy bác Nguyễn Đăng Thường có vẻ "đòi hỏi" nhiều ở tác phẩm văn học này. Còn những nhận xét về bộ phim CĐBT thì tôi không thay đổi chúng, bởi vì nó hợp lý. Đành rằng vấn đề là vai diễn có được hay không, nhưng có một thực tế của điện ảnh Việt Nam mà ai cũng nhìn thấy là: trình độ làm phim vẫn còn "quanh quẩn" ở cái "cánh đồng làng", tuy rằng đã có vài tiến bộ đáng ghi nhận. Bởi nếu anh "giỏi giang", thì anh đã được thế giới "ca ngợi" rồi! Đúng không? Nhưng có thấy gì đâu! Chỉ thấy những người xem bình thường như tôi, bác Thường,... "lắc đầu" thôi! Trân trọng.
    Trương Đức Blog.

    Trả lờiXóa